Giọng điệu lục bát bi hài Lê Tiến Vượng

Họa sĩ Lê Tiến Vượng có thơ in chung từ năm 1989 (tập Cánh buồm). Mãi đến năm 2002 mới trình làng tập thơ riêng “Khách muộn mùa thu”. Để rồi sau đó, anh tự thấy mình có duyên với thơ lục bát nên chỉ chuyên canh thể thơ này. Các tập lục bát của Lê Tiến Vượng gồm: Lục bát bên đời (2014), Lục bát khóc cười (2016), Lục bát phố (2018). Và năm 2021, tác giả in 2 tập thơ cùng thời điểm là Lục bát thế thời và Lục bát đùa chơi, cùng nộp lưu chiểu tháng 11, năm 2021.

Phải nói là Lê Tiến Vượng đã tìm thấy giọng điệu và sở trường của mình trong thể lục bát dễ làm mà khó hay. Năm tập lục bát khoảng 300 bài đâu phải là chuyện ai cũng có thể làm nếu không đủ bút lực và cả năng khiếu nữa. Nhớ tập lục bát đầu tiên, tác giả dành đến hai chục bài để trò chuyện với các nhân vật văn học. Bây giờ thì khác! Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở,… chỉ được nhắc như một cái cớ trong bài. Họ không còn là đối tượng để nhà thơ chuyện trò, hay tâm sự nữa. Ví dụ:

Làng tao nửa nổi nửa chìm

Cái mặt Bá Kiến, con tim Chí Phèo

(Làng tao - LBTT)

Bây giờ Thị Nở lên sao

Chí Phèo lên sếp, Nam Cao rùng mình

(Ca rao mới - LBTT)

Thị Nở thẩm mỹ cũng xinh

Chí Phèo xăm trổ thất kinh hơi nhiều

(Vu vơ hồn làng - LBTT)

Ngòi bút giễu nhại, châm biếm của Lê Tiến Vượng chĩa thẳng vào các loại quan lớn nhỏ, thoái hóa biến chất. Nếu bạn đọc đã ấn tượng với đủ các loại quan mà nhà thơ Nguyễn Thành Phong đã lôi ra trong bài thơ “Dị Quan” (trong tập Đêm ngồi ngã ba sông, Nhà xuất bản Hội nhà Văn, 2021), thì cũng sẽ bắt gặp vô số quan trong thơ Lê Tiến Vượng.

Các quan thời nay:

Giờ nhìn quan cứ điêu điêu

Làm thì con Kiến, nói điều con Voi

Quan ta sướng nhất trần đời

Bao tội nợ đổ cho Trời… phi tang

(Thở than - LBTT)

Lãnh đạo hay sếp, hay quan được vẽ chân dung thế này:

Cái nghề làm sếp quê tôi

Lắm khi chả biết sếp người hay ma […]

Hôm qua mũ áo hiển vinh

Hôm nay hóa chuột hôi rình mà ghê

(Nghề sếp - LBĐC)

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ đả kích các quan thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu quan nhỏ quan lớn bị ra tòa, bị bắt tù, bị “vào lò” đốt… Đó là các “Quan thì vừa ác vừa điêu” (Nghe đâu - LBĐC), là kẻ “Ngôi cao vơ vét mỏi tay/ Bao năm thu vén chả đầy túi tham” (Về hưu 3 - LBĐC). Sếp lớn vốn là kẻ dốt nhất trên đời: “Thằng kia dốt nhất trên đời/ Bây giờ sếp lớn nói cười vênh vang” (Họp lớp - LBTT).  Từ thằng cu Tí, một nhát lên quan là dạy dỗ, rao giảng : “Hôm qua cu Tí ở làng/ Lên quan giọng cứ oang oang dạy đời” (Ca rao mới - LBTT). Quan từ hét ra lửa đến như trẻ con mà bạn đọc thấy ở phiên tòa:

Ghế cao ông thét rụng rời

Ra tòa nước mắt tuôn rơi não nề

(Ca rao mới - LBTT)

Nhà thơ không ngần ngại gọi các quan đó là họ hàng nhà chuột leo cao chui sâu chuyên đục khoét:

Chuột vào Quốc hội ngủ quên

Chuột làm bộ trưởng, đi quyền múa uy

Quanh năm chuột lĩnh phong bì

Chuột ăn chả thiếu thứ gì eo ôi

Họ hàng nhà chuột lên ngôi

(Họ hàng nhà chuột - LBTT)

Thời buổi kinh tế thị trường đạo đức xuống cấp, đồng tiền lên ngôi. Không hiếm cảnh buôn thần bán thánh. Nhà thơ vạch trần sự giả dối của những kẻ tu hành. Không ít lần tác giả phê phán:

Nấp vào bóng áo cà sa

Là bao dạ quỷ, mặt ma hại người

(Ca rao mới - LBTT)

Nhà thơ than thở về chuyện xây chùa tràn lan, buôn thần bán thánh chỉ nhằm trục lợi:

Cái thời giả dối lên ngôi

Chùa rồng tượng đá khắp nơi phô bày

(Con à! - LBTT)

Sư hổ mang là kẻ khoác áo thầy tu, cũng là một loại chuột đục khoét:

Chuột giờ mặc áo thầy tu

Dâng sao giải hạn mà thu tiền vàng

(Họ hàng nhà chuột - LBTT)

Chúng ta đã được chứng kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng về “lò ấp tiến sĩ”. Nhà thơ không ngại chỉ rõ cái bệnh “háo danh” của nước mình đã đẻ ra các tiến sĩ “Lu”, tiến sĩ “Lon”, tiến sĩ thạc sĩ “cầu lông”:

Cử nhân thạc sĩ tràn lan

Ăn không thấy đói, nói toàn vu vơ

Bao nhiêu Tiến sĩ ngu ngơ

Giáo sư quốc tế, phất cờ tung tăng

(Háo danh - LBTT)

Giọng điệu lục bát bi hài Lê Tiến Vượng - 1

Lê Tiến Vượng và tập thơ 

Sở dĩ nói giọng điệu “bi hài” của nhà thơ Lê Tiến Vượng, vì tác giả nói nhiều cái xấu, cái trái khoáy, cái đáng buồn, nhưng không bi quan, bế tắc. Tác giả kể cái xấu ra, giễu cợt nó, châm biếm nó, đả kích nó,… để bạn đọc cùng lên án, cùng tẩy chay, hướng tới cái đẹp, cái chân,cái  thiện  của cuộc sống. Có những bài thơ “Thở than” (trang 36 và 110, LBTT);  “Thở than ngày Tết” (trang 84, LBĐC) nhưng không bi lụy. Đấy là cớ để  tác giả phê phán chế giễu việc đốt vàng mã, việc tổng kết liên hoan lan tràn, việc đua nhau xin cầu đền, phủ, những thói xấu lưu cữu thành… mãn tính:

Xuân về xuân lại đi thôi

Chỉ bao thói xấu về rồi… chả đi

(Thở than ngày Tết - LBĐC).

Không chỉ có phê phán, giễu cợt. Nhà thơ còn cảm thông với cảnh dân quê mất ruộng, bỏ làng ra phố vất vả mưu sinh:

Làng tao khuya sớm làm thuê

Mồ hôi nồng nã lối về… nắng mưa

(Làng tao 2 - LBĐC)

Quê ta bao cảnh chia lìa

Chồng ra phố, vợ làm thuê xứ người

(Mưa ngâu - LBTT)

Ra phố bỏ mẹ, bỏ cha

Kiếm dăm bạc lẻ để mà nuôi con

(Ra phố - LBTT)

Những cô gái quê, bất đắc dĩ phải làm nghề đứng đường, đáng thương hơn là đáng trách:

Bán đi cái tuổi thanh tân

Nhận về cái kiếp hồng trần lấm lem

(Bao giờ - LBTT)

Chuyện “Tắc đường”, chuyện “Lên Phây” sống ảo, chuyện “Quảng cáo”, chuyện buôn dưa “kể tội chồng”, chuyện  “Chạy trường cho con”, “ Viên chức về hưu”, “Công chức - viên chức”, “Họp lớp”, “Hội thơ”, “Chân dài chân ngắn”, “Vu vơ đàn bà”… Tất cả đều được nhìn được kể bởi giọng “bi bi hài” của tác giả…

Nhân vật “tôi” vừa là nhà thơ, vừa là họa sĩ, lại vừa là anh “khù khì/ Nửa quê, nửa phố dáng đi nửa mùa” (Bố của con - LBĐC).  Tác giả tự cười mình, tự giễu mình, tự coi mình là một người gàn, người hâm, người “dở hơi”. Điều này làm nhớ đến các bậc tiền bối về thơ trào phúng. Nguyễn Khuyến, Tú Xương trước khi cười thiên hạ đã tự trào (tự cười mình). Phải chăng, khi đặt cái tôi vào vị trí đáng cười thì sự phê phán, cười cợt người khác cũng dễ được chấp nhận hơn chăng?

Cô con gái rượu Lê Hương Thảo nhận xét : “Đặc biệt là phần thơ “tự trào”, tự viết về mình trong hành trình sống, lao động và trưởng thành của bố rất thú vị. Đọc những bài thơ đó, người đọc dễ nhận ra bố là một người vui tính, hòa đồng, giản dị, chân thành, sống được với mọi người. Trong thơ bố luôn nhận mình là người “lạc hậu, lạc điệu”, kẻ bên lề thế gian, người đến muộn, kẻ đi sau… Khi mà người ta tăng tốc làm đủ mọi cách để làm sang, làm giàu, thì bố là một kẻ “từ quê ra phố vừa ngố vừa gàn” (Tình người tình đời - LLĐC). Đấy là nhà thơ tự trào, tự vẽ chân dung hí họa và cô gái rượu nhận xét về bức chân dung đó. Thực tế thi họa sĩ nổi tiếng về logo, lại có bằng cử nhân tiếng Anh, cử nhân Luật đâu có ngố và gàn?

Nịnh vợ như thế này ai mà theo kịp:

Ta anh nghệ sĩ “dở hơi”

May nhờ có vợ cuộc đời sang trang

Vợ ta hơi bị dịu dàng

(Thơ tặng vợ - LBĐC)

Ngày xưa vợ đẹp nhất làng

Bây giờ vợ vẫn huy hoàng hơn xưa

(Vợ tôi - LBĐC)

Cái cách tiếp thu khi Vợ mắng cũng là một sự độc đáo, nhún nhường, đậm chất hài hước:

Mắng vợ mình chả có gan

Thôi thì vợ mắng, có oan cũng cười

Đã mang cái kiếp chồng rồi

Vợ yêu, vợ mắng, mình ngồi xoa tay

Có thể khẳng định rằng giọng “bi bi hài” là một nét riêng làm nên sự thành công của lục bát Lê Tiến Vượng.

Hai tập lục bát song sinh năm 2021 đánh dấu một bước tiến mới của thơ Lê Tiến Vượng, đưa anh vào danh sách các nhà thơ lục bát hiện nay cùng với những tên tuổi Nguyễn Duy, Đặng Vương Hưng, Nguyễn Thế Kiên, Nguyễn  Phúc Lộc Thành, Trần Trọng Giá, Trương Nam Chi, Nguyễn Quỳnh, Lương Khánh, Đặng Cương Lăng…

Vũ Nho

Tin liên quan

Tin mới nhất