Họa sĩ Lê Thiết Cương kể chuyện kiến trúc, văn hóa bằng ngôn ngữ văn chương

Nhà của các văn nghệ sĩ, các địa danh từ Hà Nội, Hải Phòng, Sa Pa, Đà Lạt,… cho đến ngôi làng, con ngõ, cái quán, cái bếp,… đã được họa sĩ Lê Thiết Cương kể lại qua góc nhìn độc đáo trong cuốn tản văn “Nhà và Người”. Đó là những chuyện người, chuyện gia cảnh và cũng là chuyện của một thời.

Chia sẻ trong buổi trò chuyện nhân dịp ra mặt cuốn sách tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, khoảng từ năm 2000-2023, ông có viết bài về đề tài nhà cho một số tạp chí về kiến trúc nội thất, kể từ đó, ông dành sự quan tâm đến nhà cửa, nội thất và thiết kế cảnh quan hơn.

Họa sĩ Lê Thiết Cương kể chuyện kiến trúc, văn hóa bằng ngôn ngữ văn chương - 1

Tọa đàm giới thiệu sách "Nhà và Người".

Tản văn Nhà và Người chọn in gần 60 bài viết của ông trong hơn hai chục năm qua, đây là cuốn sách đầu tiên và sau đó, ông dự định sẽ cho ra mắt thêm hai cuốn nữa đều viết về văn hóa Việt là Trò chuyện với hội họa Trong hạt thóc có hạt gạo.

Nhà và Người sinh ra từ những tích tụ của thời gian, như tên gọi của cuốn sách, qua chuyện nhà cửa, tác giả muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi nhà mỗi cảnh, qua nhà thấy người qua người thấy nhà.

“Chỉ có nếp người mới tạo ra được nếp nhà. Thêm nữa, chuyện nhà chuyện người cũng là chuyện của một thời. Một bộ bàn ghế, một bức tranh, một kiểu nhà hoặc một cách bày biện trong nhà của người ấy đều có dấu ấn của thời gian. Mỗi thời mỗi khác”, tác giả Lê Thiết Cương chia sẻ.

Họa sĩ Lê Thiết Cương kể chuyện kiến trúc, văn hóa bằng ngôn ngữ văn chương - 2

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ về cuốn tản văn "Nhà và Người".

Nhà văn Nguyễn Việt Hà cho biết, Lê Thiết Cương chơi được với rất nhiều nhà văn và được rất nhiều nhà văn quý. Những nhà mà ông quan sát và đưa vào trong cuốn sách là những ngôi nhà của các văn nghệ sĩ.

Tác giả đã quan sát rất kỹ từng ngôi nhà và cho rằng chính nó đã mang theo vẻ đẹp tinh thần từ chủ nhân của nó. Hơn hết, khi khái niệm "nhà" được mở rộng thành nơi chốn, nó còn thể hiện mối quan hệ đặc biệt với cảm xúc của con người.

Tác giả tâm sự: “Tôi là người chơi rộng, chơi đông, khi tôi viết về nhà, tôi chỉ viết những gì mà mình tìm hiểu và mình thấy nó có câu chuyện để viết. Tôi đi giữa ranh giới sai - đúng, đúng – sai khi viết”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương kể chuyện kiến trúc, văn hóa bằng ngôn ngữ văn chương - 3

Cuốn tản văn "Nhà và Người".

Bên cạnh chuyện nhà, chuyện người ông cũng viết chuyện đất, chuyện đất và người sau những vùng đất mà ông từng đặt chân đến. Ông trả lời hàng loạt câu hỏi, tại sao Đà Lạt buồn nhưng đẹp? tại sao Hải Phòng đất dữ ăn to nói lớn nhưng luôn nồng nàn “đói bạn”? tại sao Sài Gòn lại là đất dưỡng thân của những kẻ thích làm to, thích liều lĩnh, năng động và hợp thời đổi mới? tại sao chất đất - chất người của Thăng Long - Hà Nội lại thiên về âm thổ?...

Với quan niệm “nhà nào người đó, người nào nhà đó, đất nào người đó, người nào đất đó”, tác giả Lê Thiết Cương dù viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, lõi của nó là chuyện người.

“Đất, nhà và người suy cho cùng là một. Đất thế nào thì sinh ra tính nết của con người ở đó, sinh ra kiểu nhà ở đó. Thử hỏi có chuyện gì trong đời mà chả là chuyện người, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản”, ông cho hay.

Về cách viết, cách tư duy của ông, nhà báo Yên Ba nhận xét: “Lê Thiết Cương không chỉ viết về nội thất mỗi ngôi nhà mà anh viết về nội thất trong mỗi con người. Bởi vậy, khi đọc cuốn sách này, chúng ta không chỉ đọc con chữ mà phải đọc cả đằng sau con chữ để thấy được những tư tưởng chứa đựng bên trong”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương kể chuyện kiến trúc, văn hóa bằng ngôn ngữ văn chương - 4

Nhà báo Yên Ba chia sẻ về cuốn sách.

Với nhà văn Đỗ Bích Thúy, chị không bất ngờ vì sự ra đời của Nhà và Người nhưng lại cảm thấy vô cùng hấp dẫn, cuốn sách có thể đọc từ đầu đến cuối, đọc một cách chậm rãi và ngẫm nghĩ.

“Lê Thiết Cương là người rất am hiểu và có nhiều tri thức về văn hóa, đây còn là người sống rất kỹ lưỡng, quan sát tất cả mọi thứ một cách cực kỳ chi tiết. Trong cuốn sách này, mặc dù tác giả viết về nhà, về người, về kiến trúc, về đô thị, về làng, về phố nhưng không phải dưới góc độ của một kiến trúc sư mà là một người viết văn đi rất chậm, quan sát rất kỹ”, nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ.

Họa sĩ Lê Thiết Cương kể chuyện kiến trúc, văn hóa bằng ngôn ngữ văn chương - 5

Chương trình nhận được sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ và độc giả.

Qua Nhà và Người có thể thấy lối viết của họa sĩ Lê Thiết Cương vừa có chất văn vừa có chất báo, ông đã vừa đi vừa ngẫm để ghi lại chuyện của một thời và ông cũng hy vọng, bạn đọc sẽ đọc chậm hơn để nhìn lại những nếp cũ trong dấu ấn của thời gian.

Lê Thiết Cương sinh năm 1962 tại Hà Nội, ông tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, Hà Nội. Từ năm 1990 đến nay, ông hoạt động như một nghệ sĩ tự do. Ông đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực hội họa, có tác phẩm trong bộ sưu tập của một số bảo tàng ở Việt Nam và thế giới, từ năm 1995 đến nay, đã tổ chức triển lãm cá nhân tại nhiều nước. Ông chuyên viết về văn hóa, nghệ thuật và minh họa cho nhiều báo và tạp chí.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động Cuộc thi ảnh

Phát động Cuộc thi ảnh "Đất nước ngàn hoa"

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) và 50 năm Ngày Báo Sài Gòn Giải Phóng xuất bản số đầu tiên (5/5/1975 - 5/5/2025) Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Cuộc thi ảnh “Đất nước ngàn hoa”.