Hoàng Trúc Long: Một đời nghề báo - nghiệp văn

Từ hơn 60 năm nay, bạn đọc Nam Định và cả nước đã rất quen thuộc với tên gọi, cũng là bút danh: Hoàng Trúc Long. Ông sinh năm 1935, quê ở xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn) tỉnh Thanh Hóa.

Đầu năm 1954, sau mấy ngày vui tết, bộ đội về làng tuyển quân, dù đang học cấp III, nhưng có bạn rủ, thấy vui ông đi khám và trúng tuyển. Về nhà, ông hỏi mẹ. Mẹ ông bảo: “Mi muốn đi mô thì đi.” Vậy là ông đi lính, hồn nhiên, vô tư như một cuộc dạo chơi vậy thôi.

Vào lính, sau thời gian huấn luyện, ông được biên chế về Sư đoàn 308 và tham gia đánh đồn Mẫu Sơn và đồn Đại Giáp của Pháp ở Thái Nguyên. Cả đời lính, ông chỉ đánh hai trận “vét” này thì miền Bắc được giải phóng. 

Cuối năm 1955, ông được đơn vị cho chuyển ngành về Bộ Nông lâm. Khi báo Nông nghiệp tuyển phóng viên, ông đến thử xem và dễ dàng vượt qua bài sát hạch với đề tài: “Được mùa ở một tổ đổi công”. Hoàng Trúc Long trở thành phóng viên báo Nông Nghiệp, và được gửi đi học lớp Bồi dưỡng báo chí do Ban Tuyên huấn Trung ương tổ chức tại trường Đại học Nhân dân. Cuối năm 1959 Hoàng Trúc Long về Nam Định làm cho tờ tin Nam Định, rồi báo Sông Đào, báo Nam Hà rồi báo Hà Nam Ninh.

Hoàng Trúc Long: Một đời nghề báo - nghiệp văn - 1

Chân dung nhà văn Hoàng Trúc Long

Hoàng Trúc Long là nhà báo có tài. Các tác phẩm báo chí của ông, ở thể loại nào cũng nhẹ nhàng, dễ đọc và đậm chất văn chương. Với chân dung người tốt, việc tốt, nhân vật của ông hiện lên chân thực, hấp dẫn. Đây là đoạn ông mở đầu bài viết về bà Lò Thị Lường, nông dân tiêu biểu dân tộc Thái: “Noọng Lường ơi, ta nhớ mày như con chim xanh. Mày có sức mạnh như con tu sưa (con hổ). Mày làm việc gì cũng được….” Khi viết về đồng muối Văn Lý, ông mở đầu bằng hai câu thơ: “Hải Lý quê ta đẹp tuyệt vời/ Bình minh chiếu tỏa nắng hồng tươi.” Khi viết về nông trường Rạng Đông, ông giật tít theo lối chơi chữ rất độc đáo: “Bình minh trên nông trường Rạng Đông”.

Năm 1995, Hoàng Trúc Long nghỉ hưu với cương vị Trưởng phòng Quản lý văn hóa xuất bản, Phó tổng biên tập tạp chí Văn Hóa. Là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng Hoàng Trúc Long say sưa sáng tác văn chương. Động lực đưa ông đến với văn chương có lẽ từ câu nói của Chu Văn: “Cậu viết báo giỏi, nhưng viết văn dốt”. Hoàng Trúc Long suy ngẫm thấy Chu Văn có ý đúng. Thế là để “thử sức”, Hoàng Trúc Long bắt đầu dành nhiều thời gian cho công việc khó khăn này.

Năm 1970, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lê Nin, Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội và Thông tấn xã Nô-vốt-ni mở cuộc thi sáng tác văn học. Hoàng Trúc Long lặng lẽ dự thi 3 truyện ngắn. Lần ấy Phùng Quán lấy tên em vợ gửi truyện ngắn “Như con cò vàng trong truyện cổ tích” và đoạt giải nhất, Hoàng Trúc Long đoạt 1 giải nhì và 1 giải tư với “Truyện nhỏ trong rừng” và “Tấm ảnh”.  Kể từ thành công đầu tiên ấy, đến nay Hoàng Trúc Long đã công bố 18 tác phẩm văn học với đủ các thể loại. Và ở thể loại nào cũng để lại dấu ấn.

Truyện ngắn của Hoàng Trúc Long có hai mảng không gian: nông thôn và phố thị.

Ở không gian nông thôn, tình người luôn thấm đượm tình. Đó là làng biển nặng tình quân dân cá nước thời chiến tranh chống Mỹ (“Ông lão thổi tù và”); là làng biển từng ngày đổi thay nhờ đổi mới làm ăn kinh tế (“Người sướng nhất làng”); là một vùng trung du rừng cọ đồi chè vang lên tiếng cười hạnh phúc cùng “Nước mắt ngọt ngào” của đôi vợ chồng anh thương binh nặng làm cho đôi chim ngói “giật mình ra khỏi tổ bay lấp lóa về phía mặt trời buổi sáng”. 

Nhưng vẫn còn đó một không gian nông thôn lạc hậu, đói nghèo. Đó là các dòng họ kèn cựa, căng thẳng với nhau, dồn tiền tài, sức lực để xây lăng mộ  trong khi trường mẫu giáo xập xệ chỉ hóng chờ Việt kiều tài trợ (“Tha ma thế sự”); là “Cuộc ly hôn màu xám” của người nông dân nghèo rớt mùng tơi với nạn bạo hành gia đình và sự vô cảm của chính quyền địa phương; là sự trớ trêu của một ông bố nông dân quê một cục, cả đời chân đất nay phải xỏ giày da với áo có  “dây buộc cổ”, v.v… 

Có thể nói, qua hai mảng sáng - tối của không gian nông thôn, Hoàng Trúc Long đã cho người đọc thấy hiện thực làng quê Việt Nam những năm đầu mở cửa. Cái tốt đẹp còn đó nhưng cái xấu đang nảy nòi, cái nghèo hèn chưa khắc phục xong mà cái vênh vang trọc phú bắt đầu lộ diện. 

Ở không gian phố thị, người đọc thấy hiện lên một xã hội nhốn nháo với rất nhiều suy thoái, bất cập. Đó là lãnh đạo khắp các địa phương, đơn vị chi tiền nhà nước vô tội vạ để thuê nhạc sỹ sáng tác ca khúc ca ngợi thành tích của tỉnh mình, quận huyện mình, cơ sở, xí nghiệp mình (“Huyếnh ca”); là Giám đốc Đỗ Quý Thóc (“Tai họa trong rạp xiếc”) ngu dốt bị voi Ru-ta quật chết ngay tại sân khấu biểu diễn; là Giám đốc Phúc Hy lúc còn quyền chức, con chó của ông ốm có bao người lo toan chạy chữa, nhưng khi về hưu ông bị ốm, bạn bè chiến hữu ngó lơ và xuýt chết nếu không có hàng xóm giúp đỡ (“Con chó của ông Giám  đốc”), v.v… 

Tất nhiên giữa cái xấu xa ấy, không gian phố thị vẫn còn đây những người tốt. Đó là Giám đốc Tiêu Dương, và nghệ sỹ Thanh Kim yêu nghề và giàu lòng tự trọng (“Tai họa trong rạp xiếc”), là ông Thụ tổ trưởng dân phố gần gũi cảm thông với mọi người và dân phố Tự Hào xót thương làm ma chu đáo cho lão Hạng hành khất (“Chuyện xưa”).   

Có thể nói, truyện ngắn Hoàng Trúc Long ở cả hai không gian nông thôn và phố thị đều mang đậm dấu ấn văn học Việt Nam thời kỳ “cởi trói” nhất là sau khi Nguyễn Minh Châu đề nghị: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa”. Qua các tác phẩm, những vấn đề lớn như: thuần phong mỹ tục Việt Nam thời hội nhập, mối quan hệ giữa đạo đức và kinh tế, những khiếm khuyết trong công tác tổ chức cán bộ, mối quan hệ giữa lãnh đạo với quần chúng nhân dân v.v… đã được Hoàng Trúc Long đặt ra và rất đáng để bạn đọc suy ngẫm.

Hoàng Trúc Long là cây bút truyện ngắn đa giọng điệu. Khi đằm thắm như  bài ca trữ tình (“Nước mắt ngọt ngào”), khi triết lý như một luận đề giải thích thế nào là hạnh phúc (“Người sướng nhất làng”), khi trào lộng kiểu Êzit Nêxin (“Tha ma thế sự”, “Chàng rể mắt xanh”), khi chua chát trước cảnh tang thương tan đàn xẻ nghé (“Cuộc ly hôn màu xám”), khi sắc nhọn trước hành động tàn ác: gông các con khỉ, lấy dao chém bay đỉnh sọ rồi cho thìa moi óc đổ vào các bát Giang Tây dội nước gia vị thơm ngậy (“Chữ ký hình cánh buồm”).

Không chỉ viết truyện, Hoàng Trúc Long còn sáng tác thơ và có nhiều tác phẩm được bạn đọc đánh giá cao trong đó có truyện thơ “Huyền Trân một cuộc nhân duyên”. Tác phẩm được hoàn thành vào Rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ 2014, dài 598 câu lục bát, chia thành 12 chương kể về cuộc đời Huyền Trân Công chúa. Qua từng chương truyện, tác giả đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Huyền Trân ở nhiều khía cạnh.

Truyện thơ “Huyền Trân một cuộc nhân duyên” có kết cấu theo trình tự thời gian tuyến tính. Người trần thuật không nhảy cóc, không xáo trộn sự kiện mà theo đúng trình tự những gì xảy ra trong cuộc đời công chúa từ lúc mồ côi mẹ đến khi trở thành Hoàng hậu Chiêm Thành, trở về Đại Việt sau đó đi tu, lúc qua đời được nhân dân tôn kính. Lựa chọn kết cấu theo kiểu truyện thơ Nôm dân gian, Hoàng Trúc Long đã tạo được mạch nối logic, chặt chẽ giữa các chi tiết, tình tiết trong một sự kiện và mối liên quan giữa sự kiện trước với sự kiện sau từ đó khắc họa cụ thể, sinh động hình tượng Huyền Trân với cuộc nhân duyên nổi tiếng trong lịch sử.

Ngôn ngữ truyện thơ của Hoàng Trúc Long xuôi thuận, trôi chảy, không gò ép khiên cưỡng. Giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng. Những đoạn thể hiện diễn biến tâm trạng của nhân vật chính (Điều rất ít xuất hiện trong truyện thơ Nôm dân gian) đã lay động trái tim người đọc. Ví như tiếng gọi thất thanh của Huyền Trân trong nỗi nhớ thương con tuyệt vọng: “Đa Đa ơi! Đa Đa ơi!/ Nhớ con mẹ lại ru lời tâm can.”

Tính đến năm 2023 này, Hoàng Trúc Long đã 89, nhưng ông vẫn mệt mài viết và đều đặn công bố tác phẩm. Chỉ riêng điều ấy thôi đã thấy, với Hoàng Trúc Long, viết là để sống, sống là để viết. Cái nghề báo- nghiệp văn đã ám vào cuộc đời ông và làm nên tên tuổi ông trên văn đàn. Sống với niềm đam mê suốt cuộc đời chẳng phải là lối sống đẹp và khôn ngoan đó sao?

Trần Xuân Tuyết

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Bầy thỏ

Truyện cổ tích: Bầy thỏ

Bầy thỏ nhút nhát giật mình khi nghe tiếng nước bắn tung tóe, nhưng khi chúng nhìn thấy lũ ếch lặn sâu xuống đáy hồ,...

Phát động Cuộc thi Sáng tác Truyện tranh lần thứ hai

Phát động Cuộc thi Sáng tác Truyện tranh lần thứ hai

Cuộc thi không chỉ là cơ hội để các tác giả, họa sĩ truyện tranh thể hiện tài năng, mà còn góp phần phát hiện các tài năng, xây dựng cộng đồng sáng tác truyện tranh và phát triển dòng sách nghệ thuật này tại Việt Nam.