Hội Văn hóa Việt Nam (1948 - 1950) và Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 - 1957)
Dù chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nỗ lực tạo ra một tổ chức tập hợp các giới hoạt động văn hóa, trí thức, song Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra chỉ trong một ngày (24.11.1946) tại Hà Nội cũng chỉ kịp thành lập một Ủy ban Văn hóa toàn quốc. Sau đó, chiến tranh lan rộng, các lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức từ Hà Nội tản cư về nhiều hướng: vào Khu 5, Khu 4, Khu 3, Liên khu Việt Bắc... Tại các vùng kháng chiến dần dần hình thành một số trung tâm văn nghệ sĩ, trí thức.
Những ngày từ 16 đến 20.7.1948 tại làng Đào Giã, Thanh Ba, Phú Thọ, diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, nối tiếp công việc mới phác thảo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu (24.11.1946). Hội nghị thứ hai này đã chính thức thành lập Hội Văn hóa Việt Nam, với Hội trưởng: Đặng Thai Mai, Thư ký Ban Thường vụ: Hoài Thanh, các Ủy viên Thường vụ: Trần Huy Liệu, Đoàn Phú Tứ, Tô Ngọc Vân, Ngụy Như Kontum, Trần Văn Giáp.
Tiếp đó, những ngày từ 23 đến 25.7.1948 tại một làng thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, 80 đại biểu các ngành văn học, âm nhạc, hội họa, diễn kịch, kiến trúc, nhiếp ảnh đã họp Hội nghị Văn nghệ toàn quốc, chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Ban chấp hành được bầu gồm nhiều văn nghệ sĩ đại diện các ngành (mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc, văn học), các khu vực trong nước (các Khu I, II, III, IV, V, X, Nam phần Trung Bộ, Nam Bộ), Tổng Thư ký Nguyễn Tuân, Phó tổng Thư ký Tố Hữu. Về tổ chức chung thì “Hội Văn nghệ Việt Nam […] tự nguyện đứng trong tổ chức văn hóa chung của toàn quốc là Hội Văn hóa Việt Nam đã thành lập ngày 20.7.1948”.
Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam (3.3.1951), chủ trương về tổ chức đối với phạm vi các hoạt động văn hóa nghệ thuật (Hội Văn nghệ Việt Nam) vẫn được giữ nguyên. Song, đối với khu vực hoạt động văn hóa tri thức, Đảng có thay đổi về mô hình tổ chức. Hội Văn hóa Việt Nam ngừng hoạt động. Cuối năm 1953, Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học (Ban Văn Sử Địa) được thành lập như một cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng, sau đó chuyển sang trực thuộc Bộ Giáo dục. Đây là cơ sở để sau này, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký sắc lệnh thành lập Ủy ban Khoa học nhà nước (ngày 4.3.1959). Cơ quan này sẽ trải qua những tiến triển để hình thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Các văn nghệ sĩ dự Hội nghị Chấp hành mở rộng Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc (tháng 3.1951). Từ phải sang, hàng trước: Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi. Hàng sau: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung. Ảnh: Trần Văn Lưu
Hội Văn nghệ Việt Nam, ngay từ đầu đã lập hai cơ quan là tạp chí Văn nghệ và nhà xuất bản Văn nghệ. Văn nghệ xuất bản ở dạng tạp chí, ra hàng tháng, khổ 16x24 cm; số 1 ra tháng 3/1948; đứng tên Thư ký tòa soạn ban đầu là Tố Hữu; bộ biên tập đứng tên 5 người: Đặng Thai Mai, Tố Hữu, Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng. Trên thực tế, người phụ trách tòa soạn ban đầu là Nguyễn Huy Tưởng, sang những năm 1950 là Xuân Diệu. Văn nghệ thời kỳ 1948 - 1954 xuất bản được 56 số tại Việt Bắc, đã đăng tải những tiểu luận văn nghệ quan trọng như: “Nhận đường” (Nguyễn Đình Thi), “Vẫn tranh tuyên truyền và hội họa” (Tô Ngọc Vân), “Kháng chiến và văn hóa” (Đặng Thai Mai), “Một giai đoạn mới trong văn chương kháng chiến” (Hoài Thanh), “Mấy vấn đề thắc mắc văn nghệ” (Trường Chinh), “Tìm nghĩa hiện thực mới” (Nguyễn Đình Thi)... Văn nghệ là nơi đăng tải lần đầu những bài thơ đã trở nên nổi tiếng như: “Ngoại ô mùa đông 1946” (Văn Cao), “Nhớ máu” (Trần Mai Ninh), “Viếng bạn” (Hoàng Lộc), “Đêm sầu Hà Nội” (Chính Hữu), “Nhớ Tây Tiến” (Quang Dũng), “Hoan hô chiến thắng Điện Biên”, “Ta đi tới” (Tố Hữu)... Văn nghệ là nơi xuất hiện lần đầu những truyện ngắn xuất sắc như: “Làng” (Kim Lân), “Đôi mắt” (Nam Cao), “Thư nhà” (Hồ Phương)... Văn nghệ là nơi đăng tải lần đầu loạt “tùy bút kháng chiến” của Nguyễn Tuân, và những bút ký, ký sự xuất sắc “Trận phố Ràng” (Trần Đăng), “Vượt Tây Côn Lĩnh” (Tô Hoài), “Một cuộc chuẩn bị” (Trần Đăng)... Nhà xuất bản Văn nghệ do Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam Ngô Quang Châu là Giám đốc.
Trong điều kiện khó khăn về máy in, giấy mực in, trong hai năm đầu Nhà xuất bản Văn nghệ in được gần 20 đầu sách, là sáng tác thơ văn, tiểu luận của các tác giả văn nghệ kháng chiến. Đáng kể nhất là cuối năm 1949 nhà xuất bản đã cho ra cuốn “Tập văn cách mạng và kháng chiến” một tuyển tập thơ văn tiểu luận của trên 60 tác giả. “Ngay giữa chiến khu Việt Bắc, nhà máy in Tiến Bộ đã in bằng giấy tre nứa của rừng xa, kèm thêm 300 bản bằng giấy dó đặc biệt làm bằng tay và 20 bản trên giấy vê-lanh đánh số từ A đến U hẳn hoi. Sách dày 405 trang, thật là một công trình rực rỡ trong núi non sâu thẳm phía cực Bắc. Tác phẩm quý giá này được trèo đèo lội suối gửi đi khắp ba miền Bắc Trung Nam”.
*
Sau khi thành lập, Hội Văn nghệ Việt Nam nỗ lực xúc tiến thành lập các tổ chức văn nghệ sĩ theo các chuyên ngành. Trước hết là Đoàn Văn hóa kháng chiến, lập tại làng Xuân Áng năm 1946 khi đoàn văn nghệ sĩ cùng gia đình tản cư từ vùng Hà Đông lên đây; đoàn hoạt động đến 1948; do Tô Ngọc Vân làm trưởng đoàn, gồm Phan Khôi, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Bùi Huy Phồn, Trần Huyền Trân, Nguyễn Khang, Ngô Huy Quỳnh, Võ Đức Diên, Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Xuân Khoát, Sao Mai...
Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam thành lập tháng 4/1948, lập ra các phòng kiến trúc 1 (đóng tại Thái Nguyên), phòng kiến trúc 10 (đóng tại Phú Thọ), phòng kiến trúc 3 (đóng tại Hà Nam), phòng kiến trúc 4 (đóng tại Thanh Hóa). Các phòng kiến trúc tổ chức các kiến trúc sư tham gia phục vụ chiến đấu, xây dựng các vùng căn cứ và hậu phương kháng chiến.
Đoàn Sân khấu Việt Nam thành lập năm 1948, thường vụ gồm Thế Lữ, Phạm Văn Khoa, các ủy viên chấp hành gồm Võ Đức Diên, Nguyễn Huy Tưởng, Chu Ngọc, Phạm Văn Đôn, Trần Huyền Trân, Bửu Tiến, Trần Hoạt, Lê Đại Thanh. Đoàn Sân khấu lập Đoàn kịch Chiến thắng, dựng diễn một số vở kịch của Bùi Huy Phồn, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Lưu Quang Thuận, biểu diễn nhiều nơi trong chiến khu Việt Bắc và các tỉnh ở Liên khu III, Liên khu IV. Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam thành lập năm 1948, ban chấp hành gồm Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Thi; đoàn có tờ Tin nhạc ra hàng tháng, đăng các bài về lý luận và lịch sử âm nhạc, các bài hát do các nhạc sĩ sáng tác, tin tức về phong trào ca múa nhạc trong các vùng nông thôn, các đơn vị bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, trường học. Xưởng họa của Hội được lập năm 1948 do họa sĩ Tô Ngọc Vân là giám đốc, là nơi các họa sĩ có nhu cầu đến sáng tác, được xưởng giúp đỡ vật liệu cần thiết. Đoàn Nhiếp ảnh Việt Nam được thành lập tại hội nghị nhiếp ảnh đầu tiên do Hội Văn nghệ Việt Nam triệu tập, tháng 11/1949; ban chấp hành gồm: Vũ Năng An, Hồng Tranh, Trần Văn Lưu, Bàng Bá Lân, Đinh Đăng Định, Lương Xuân Nhị, Đỗ Văn Thành.
Trường Mỹ thuật Việt Bắc thành lập tháng 9/1950, do Tô Ngọc Vân là Hiệu trưởng, đào tạo dài hạn, chính quy, khóa đầu học 4 năm (1950 - 1954) có 20 học viên.Trường Âm nhạc Việt Bắc thành lập năm 1950, Hiệu trưởng là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, chính trị viên Văn Cao, giảng viên Tô Vũ... đã đào tạo nhiều nhạc sĩ: Tân Huyền, Tô Ngọc Thanh, Thế Dương, Nguyễn Đăng Hòe...
*
Sau khi Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập, tại các khu vực trong nước dần dần thành lập các chi hội văn nghệ. Chi hội văn nghệ Liên khu Việt Bắc thành lập năm 1948, chi hội trưởng là Ngô Tất Tố; chi hội phối hợp với các hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam, nhất là tạp chí Văn nghệ của hội, với các cơ quan Trung ương đóng tại Việt Bắc như đài phát thanh, các tờ báo Cứu quốc, Nhân dân... Chi hội văn nghệ Liên khu III thành lập tại đại hội họp ở làng Đồng Sâm, Tiền Hải, Thái Bình (tháng 10/1948); ban chấp hành chi hội do họa sĩ Lương Xuân Nhị là chi hội trưởng. Chi hội quy tụ được nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi như Bùi Huy Phồn, Lộng Chương, Huyền Kiêu, Lê Quốc Lộc, Vi Huyền Đắc, Đoàn Văn Cừ, Quang Dũng, Trần Lê Văn, Sao Mai, Trúc Đường, Vũ Hoàng Chương, Hoàng Công Khanh, Nguyễn Khải, Chu Văn. Sau đó ít lâu, theo đề nghị của Thành ủy Hà Nội, chi hội văn nghệ Liên khu III đổi thành Chi hội văn nghệ Liên khu III và Hà Nội, trong ban thường vụ có Nguyễn Tuân là chi hội trưởng, ủy viên có Bùi Huy Phồn, Trần Hoàn, Xuân Diệu, Nguyễn Đức. Chi hội xuất bản tạp chí Lúa mới do Bùi Huy Phồn phụ trách; chi hội tổ chức thành các nhóm đi vào các vùng (Phát Diệm - Bùi Chu, Ninh Bình, Tả ngạn) lấy tài liệu để viết, lại mở các lớp huấn luyện hạt nhân văn nghệ các địa phương làm ca dao, hò vè, kịch ngắn, dạy hát, dạy vẽ, diễn kịch. Chi hội văn nghệ Liên khu VI thành lập năm 1948, chi hội trưởng Lưu Trọng Lư, trong ban thường vụ có Hải Triều, Hoàng Trung Thông, sau bổ sung Chế Lan Viên, Bùi Hiển. Chi hội ra tờ báo Thép mới, thành lập đoàn văn công Liên khu IV, mở nhiều lớp học, trại sáng tác, xuất bản nhiều sách, tranh ảnh...
Trước khi lập chi hội, tại đây đã có Đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu IV do Đặng Thai Mai đứng đầu, trụ sở ở làng Quần Tín, Thanh Hóa, thu hút nhiều văn nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa. Đoàn đã mở 3 khóa Văn nghệ kháng chiến, mỗi khóa 4 tháng (khóa 1 khai giảng 2.10.1947; khóa 2 - tháng 6/1948; khóa 3 - tháng 2/1949) do Đặng Thai Mai là Hiệu trưởng; giảng viên là Đặng Thai Mai, Tố Hữu, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc, Nguyễn Lương Ngọc, Đào Duy Anh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Tuân, Lưu Quý Kỳ, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Lê Yên, Vũ Ngọc Phan.
Kết quả lớn nhất của các khóa này là đào tạo được một lớp văn nghệ sĩ có năng lực sáng tác và hoạt động phong trào, sau này nhiều người trở thành những tên tuổi văn nghệ sĩ nổi tiếng như Hoàng Trung Thông, Vũ Tú Nam, Trần Hữu Thung, Xuân Hoàng, Minh Huệ, Đình Quang... Chi hội văn nghệ Liên khu V thành lập năm 1950, chi hội trưởng Phan Thao, chi hội phó Nguyễn Văn Bổng, ủy viên thường trực Tế Hanh; trong số văn nghệ sĩ vùng này có Nguyễn Đỗ Cung, Văn Giáo, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Viết Lãm, Phan Huỳnh Điểu, Lâm Tô Lộc, Văn Đông, Trinh Đường, Nguyễn Thành Long, Hoàng Châu Ký, Vương Linh... Chi hội ra tạp chí Văn nghệ Liên khu V, do Nguyễn Văn Bổng là chủ nhiệm; thành lập Đoàn văn công Liên khu V.
Chi hội văn nghệ Nam Bộ thành lập năm 1949, Lưu Quý Kỳ chi hội trưởng, sau bổ sung chi hội phó Bảo Định Giang, các ủy viên chấp hành Hà Mậu Nhai, Huỳnh Văn Gấm, Phạm Hữu Tùng, Quách Vũ, Chi Lăng, Đoàn Giỏi; trong lực lượng văn nghệ sĩ vùng này có Lý Văn Sâm, Diệp Minh Châu, Viễn Phương, Mai Lộc, Nguyễn Bính, Tám Danh, Ba Du, Huỳnh Văn Nghệ, Dương Tử Giang, Rum Bảo Việt, Nguyễn Cao Thương, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng... Tờ báo Lá lúa của chi hội có ảnh hưởng rộng trong toàn miền.
*
Trong các hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ này có những sự kiện nổi bật. Đó là: - Hội nghị Văn nghệ bộ đội (9 - 14.4.1949), mở đầu sự hình thành lực lượng văn nghệ sĩ trong quân đội nhân dân Việt Nam, các đoàn văn công quân đội, lực lượng viết văn trong quân đội, văn nghệ sĩ quân nhân các ngành nghệ thuật khác.
- Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc (25 - 28.9.1949) nêu ra các vấn đề thực chất của văn nghệ nhân dân, nội dung dân chủ mới và hình thức dân tộc, phương hướng xây dựng văn nghệ nhân dân, các vấn đề phổ cập và nâng cao, khai thác khả năng sáng tạo của quần chúng, sưu tầm vốn cũ, đẩy mạnh lý luận phê bình, tiếp nhận văn nghệ thế giới... Khẩu hiệu “cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt” được đề ra như phong cách sống thích hợp cho văn nghệ sĩ.
- Hội nghị tuyên truyền và văn nghệ toàn Nam Bộ (tháng 7/1949) và Hội nghị cán bộ văn nghệ Nam Bộ (tháng 5/1951) trong đó bài nói chuyện của Lê Duẩn (lãnh đạo Đảng tại Nam Bộ) có vai trò lớn; các vấn đề được thảo luận sâu là vận dụng đường lối văn nghệ của Đảng Lao động Việt Nam vào hoàn cảnh Nam Bộ, giải quyết một số vấn đề về khai thác vốn cũ, xây dựng văn nghệ mới.
- Hội nghị tranh luận sân khấu tại Việt Bắc (20 - 22.3.1950) với những ý kiến xung đột nhau khá gay gắt: từ bỏ, “cho vào bảo tàng” các môn sân khấu cổ như tuồng, chèo, cải lương, kịch thơ, hay cải biên, đưa nội dung mới vào các loại hình sân khấu cũ? Kịch nói được cho là thích hợp với thời đại mới, nhưng có cả loạt vấn đề: đưa kịch xuống cơ sở, kịch do quần chúng công nông dựng diễn, sáng tác tập thể đối với kịch...
- Triển lãm hội họa 1951 và Hội nghị tranh luận hội họa tại Chiêm Hóa, Thái Nguyên (19 - 25.12.1951) trưng bày trên 300 tác phẩm thuộc nhiều thể loại và chất liệu: tranh sơn dầu, lụa, bột màu, chì than, mực nho, thuốc nước, tranh tam bình, tứ bình. Hội nghị đón nhận thư Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó khẳng định văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.
- Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1951-1952 (tháng 1/1953) là giải thưởng đầu tiên của văn nghệ kháng chiến. Về truyện và ký sự, Giải ngoại hạng: toàn bộ loại truyện anh hùng và chiến sĩ thi đua, do các nhà văn viết lại các bản tự thuật của chiến sĩ trong đại hội thi đua toàn quốc; Giải nhất: tiểu thuyết “Vùng mỏ” (Võ Huy Tâm); Giải nhì: ký sự “Trận Thanh Hương” (Nguyễn Khắc Thứ), tiểu thuyết “Xung kích” (Nguyễn Đình Thi); Giải ba: truyện ngắn “Con đường sống” (Minh Lộc), ký sự “Chiến thắng Cao Lạng” (Nguyễn Huy Tưởng), truyện ngắn “Đánh trận giặc lúa” (Bùi Hiển), truyện vừa “Xây dựng” (Nguyễn Khải), tiểu thuyết “Ông Cốc” (Nguyễn Khắc Mẫn). Về thơ, Giải nhất: toàn bộ thơ ca kháng chiến của Tú Mỡ; Giải nhì: tập thơ của Nông Quốc Chấn; Giải ba: tập thơ của Bàn Tài Đoàn. Giải khuyến khích: tập thơ “Hai Tộ hò khoan” (Trần Hữu Thung), các bàn độc tấu của Thanh Tịnh, tập thơ “Từ đêm mười chín” (Khương Hữu Dụng). Về bài hát: không có giải nhất; Giải nhì: “Thời cơ đã đến” (sáng tác tập thể chiến sĩ một trung đội trong đoàn 88), “Vì nhân dân quên mình” (Doãn Quang Khải); Giải ba: “Bài hát ca ngợi Hồ Chủ tịch” (Lưu Hữu Phước), “Vượt trùng dương” (Nguyễn Văn Tý), “Bộ đội về làng” (Lê Yên); Giải khuyến khích: “Hò Bắc” (Trần Ngọc Xương), “Đào đường” (Văn Lương). Về kịch: không có giải nhất và giải nhì; Giải ba: kịch ngắn “Chị Bắc giác ngộ” (Nguyễn Khắc Dực), kịch ba hồi “Bão chuyển” (Vũ Lăng); Giải khuyến khích: “Tin chiến thắng Nghĩa Lộ” (sáng tác tập thể, đoàn văn công Nha tuyên truyền và văn nghệ); chèo 10 cảnh “Quách Thị Tước” (Ngô Tất Tố). Về dịch: không có giải nhất; Giải nhì: toàn bộ các bản dịch của Phan Khôi; Giải ba: toàn bộ các bản dịch về kịch của Thế Lữ; hai bản dịch “Trời hửng” (tác giả Vương Lực, Trung Quốc) và “Trước lửa chiến đấu” (tác giả Lưu Bạch Vũ, Trung Quốc) của Ngô Tất Tố. Về họa: giải đã tặng trong triển lãm và hội nghị hội họa tháng 12/1951.
*
Sự kiện Đại hội liên hoan Văn công toàn quốc tại Hà Nội (15 - 20.1.1955) là một cách tổng kết thành tích nền văn nghệ kháng chiến, trước hết là các bộ môn nghệ thuật biểu diễn. Gần 20 đoàn (có đoàn gồm nhiều đoàn hoặc đội) gồm trên 1.000 diễn viên thuộc 25 dân tộc, tham gia biểu diễn tại Nhà hát Nhân dân, Nhà hát Lớn, tại các rạp Đông Đô, Kim Chung, Kim Phụng, Lạc Việt, biểu diễn ngoài trời, tổng cộng trên 30 buổi cho ước chừng trên 200 ngàn khán giả Thủ đô và từ một số địa phương gần xa về Hà Nội dự khán, đã cho thấy diện mạo khá đa dạng và phong phú của nghệ thuật dân tộc.
Kết thúc Đại hội liên hoan, Chính phủ đã trao tặng: 4 Huân chương kháng chiến hạng Nhất (1. Đoàn văn công Nam Bộ; 2. Đoàn văn công quân đội/TCCT/; 3. Đội văn công Thừa Thiên/truy tặng/; 4. Đội văn công Lao Hà/truy tặng); 4 Huân chương kháng chiến hạng Nhì (1. Đoàn văn công Nhân dân và Cải cách ruộng đất; 2. Đoàn văn công LK 5 và Tây Nguyên; 3. Đội văn công LK 4; 4. Đội văn công LK 3); 4 Huân chương kháng chiến hạng Ba (1. Đội văn công miền núi Việt Bắc; 2. Đội văn công Tây Bắc; 3. Liên đoàn ca kịch LK 4; 4. Đội văn công Phú Thọ). 2 đơn vị được bằng khen của Hồ Chủ tịch (1. Đoàn tuyển văn nghệ của sinh viên học sinh trường Sư phạm Trung ương; 2. Đoàn ca kịch Quyết tiến, Việt Bắc). 9 đơn vị được Hội Văn nghệ Việt Nam tặng cờ “Văn nghệ nhân dân” (1. Đoàn văn công Nam Bộ; 2. Đoàn văn công Quân đội; 3. Đoàn văn công LK5 và Tây Nguyên; 4. Đội văn công cải cách ruộng đất; 5. Đội văn công LK3; 6. Đội văn công miền núi Việt Bắc; 7. Đội văn công Tây Bắc; 8. Đội văn công tỉnh Phú Thọ; 9. Đoàn tuyển văn nghệ của sinh viên học sinh trường Sư phạm Trung ương).
Trở về Hà Nội, Hội Văn nghệ Việt Nam đóng trụ sở tại 51 Trần Hưng Đạo. Tạp chí Văn nghệ của Hội ra số cuối tại Việt Bắc (số 56, tháng 10/1954); trở về Hà Nội, Văn nghệ từ số 57 (1.11.1954) trở thành tờ báo khổ rộng, từ bán nguyệt san rồi ổn định ở dạng tuần báo. Hoạt động văn nghệ trong thời bình có nhiều thuận lợi hơn hẳn thời chiến. Tuy vậy, đây lại là thời kỳ đời sống văn nghệ ở miền Bắc trải qua khá nhiều sóng gió mà sau này người ta chỉ có thể hình dung được ít nhiều.
Ngay đầu năm 1955, một số tác phẩm vừa ra mắt đã trở thành đề tài thảo luận sôi nổi. Trước tiên là tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, những ý kiến phê bình dần dần bộc lộ sự khác biệt, thảo luận chuyển thành tranh luận. Tập truyện Vượt Côn Đảo của Phùng Quán cũng được thảo luận sôi nổi, nhưng dư luận văn nghệ lại nghiêng về truy tìm nguyên nhân không thành công của tác giả trẻ. Tiếp đó, Giải thưởng văn nghệ 1954 - 1955 do Hội Văn nghệ Việt Nam công bố đã gây nên những ý kiến bất đồng của không ít văn nghệ sĩ về sự thiếu công bằng, về những dấu hiệu bè phái trong giới lãnh đạo văn nghệ. Cũng chính lúc trong văn nghệ nảy sinh những vấn đề, thì ngoài đời, việc chính quyền từ vùng kháng chiến về bắt đầu quản lý đô thị, với những quy định khắt khe về hộ khẩu, về trật tự đô thị, đã gây những phản ứng của cư dân. Ở quy mô quốc tế, việc đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô phê phán tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ, đòi hỏi đề cao nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cũng ảnh hưởng đến các Đảng Cộng sản anh em.
Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết 9 (Khoá II) khẳng định tiếp thu tinh thần kể trên của Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời nghị quyết cũng yêu cầu phổ biến tinh thần “chống sùng bái cá nhân, thực hiện lãnh đạo tập thể, phê bình và tự phê bình” đến các cấp các ngành. Hội Văn nghệ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ nêu trên bằng việc tổ chức cuộc học tập nghiên cứu lý luận cho trên 200 văn nghệ sĩ trong các ngày từ 1.8 đến 18.8.1956.
Đây cũng là lúc giới văn nghệ thảo luận chuẩn bị Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai. Từ việc phê phán những lệch lạc của Giải thưởng Văn nghệ, người ta bàn luận thêm nhiều vấn đề về tổ chức, quản lý hoạt động văn nghệ. Việc Đảng Lao động Việt Nam phát hiện sai lầm của cải cách ruộng đất và quyết định sửa sai (tháng 10/1956) cũng khiến dư luận xã hội và dư luận văn nghệ có thêm những chủ đề thông tin và luận bàn. Trước mặt các giới văn nghệ sĩ, trí thức ngày càng lộ rõ một thực trạng xã hội đã phức tạp càng thêm phức tạp.
Một số tờ báo tư nhân, hoặc vốn đã có từ trước ngày tiếp quản như Thời mới, Nói thật, Trăm hoa, hoặc lúc đó (1956) mới lập ra như Nhân văn, Sáng tạo, một số ấn phẩm của Nhà xuất bản Minh Đức như Giai phẩm mùa thu, Giai phẩm mùa đông… đã nêu nhiều vấn đề về đời sống xã hội, về sinh hoạt tinh thần, những nhu cầu tự do biểu đạt, tự do sáng tác nghệ thuật lại dường như thuận chiều với những yêu cầu về tự do, dân chủ trong sinh hoạt xã hội, tinh thần.
Điều đáng lưu ý là những yêu cầu này dường như lại trái ngược chủ trương thiết lập một xã hội được quản lý chặt chẽ, nhất nguyên về hệ ý thức, khi mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang hướng tới gia nhập phe xã hội chủ nghĩa, một trong hai hệ thống xã hội đối lập nhau của thế giới đương thời. Kết cục, các tờ Nhân văn, Sáng tạo và các tập Giai phẩm đều bị cấm; một phong trào “Chống Nhân văn - Giai phẩm” được lãnh đạo chỉ thị và dư luận báo chí chính thống tiến hành rầm rộ. Tháng 2/1957, Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai họp tại Hà Nội đã chấm dứt Hội Văn nghệ Việt Nam để thành lập Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Để nói về lịch sử Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay, phải nhắc đến cơ sở đầu nguồn của...
Bình luận