Hong măng đợi Tết về

Năm nào cũng thế, cứ trước Tết vài tháng là mỗi nhà trong bản lại háo hức chuẩn bị măng khô dùng cho những món ăn cổ truyền ngày lễ, Tết. Bản Thái có nhiều món ngon như cá sấy, thịt treo gác bếp, những món nướng thơm lừng hương mắc khén... Nhưng những ngày lễ, Tết, cúng giỗ chẳng bao giờ thiếu vị măng khô. Người Thái, từ lối sống tự nhiên bao đời, gần gũi với núi rừng. Trong những giai đoạn khốn khó nhất, khi chẳng còn rau gì để ăn thì những bụi tre rừng vẫn cho người dân sự sống từ những mầm măng. Người già ở đây vẫn nhắc lũ trẻ chúng tôi: hái măng đừng hái hết, nhớ để lại cho mùa sau, người sau.

Rừng Tây Bắc có bao nhiêu loại măng, từ măng đắng, măng ngọt, măng tre, măng nứa, măng sặt, măng vầu... Người Thái biết cách chế biến rất nhiều món ngon từ măng tươi như măng luộc chấm muối ớt mắc khén, chấm đậu phụ nhự, măng nướng cuốn lá chát, măng xào lá gừng, nộm măng,… hoặc ngâm măng chua để xào, nấu canh cá, ngâm măng với nước tro rồi xào với ốc ruộng, rồi muối măng với ớt và quả mắc mật… Ôi, tôi không thể nhớ hết các món ăn từ măng. Chỉ biết nón nào cũng có những hương vị hấp dẫn riêng. Người Thái coi măng là món ăn quen thuộc và yêu thích trong bữa cơm thường ngày. Nhưng vì mùa măng tươi thật ngắn cho nên nếu muốn có măng để dùng cả năm thì người Thái từ xa xưa đã biết cách làm măng khô (mà tiếng Thái quê tôi còn gọi là “nó khô”). Và cứ đến tháng ngày thấy hương vị măng khô là biết Tết sắp về.

Hong măng đợi Tết về - 1

Ảnh minh họa

Để làm măng khô ngon nhất, giữa bạt ngàn các loại tre, nứa, người bản quê tôi hay chọn măng từ cây tre rừng. Tre rừng không đắng, cũng chẳng ngọt lừ, mà có vị tươi mát, thanh thanh... Có lúc tôi thấy bố chọn măng tre gai. Cây tre nhiều gai, khó lấy măng ấy nhưng lại cho những củ măng ngắn mập, ngọt lành. Từ khoảng cuối mùa thu, khi những cơn mưa rừng còn tầm tã, người dân đã vượt đường trơn, đào về những củ măng ngon. Những người đi rừng kinh nghiệm thường chọn những củ măng to, dày, đốt ngắn, có khi vẫn còn nằm trong lòng đất hoặc chỉ vừa mới nhú lên. Bởi nếu măng đã cao quá khỏi mặt đất thì sẽ xơ già mà vị cũng không ngon nữa. Cũng khó khăn lắm mới đào được một sọt măng nhưng những vất vả ấy bù lại là những niềm vui khó diễn tả thành lời. 

Măng tươi vừa được đào về thường được mẹ và các chị tôi ưu tiên làm ngay cho tươi ngon. Các chị cắt gọt những phần măng già rồi rửa sạch thành những củ măng mập mạp, trắng nõn rồi đem luộc. Nhớ lúc nhỏ, tôi thường góp công bằng việc ngồi coi nồi măng luộc to đùng cả buổi tối. Ngồi canh nồi măng mà tôi cứ ngỡ như ngồi canh nồi bánh chưng đen mà bà làm mỗi dịp Tết xíp xí tháng Bảy hay Tết chào năm mới. Chỉ là lúc này trời chưa se lạnh nên thi thoảng nóng quá, tôi lại chạy ra hỏi mẹ với các chị xem được chưa. Các chị vừa ngồi thái măng để làm thêm một mẻ măng chua, vừa động viên tôi: “phải coi thêm lúc nữa, luộc kĩ thì măng mới bớt hăng, ăn mới ngon chứ!”. Tôi gật gù, chạy vào rụt thêm mấy cái củi khô vào bếp.

Hong măng đợi Tết về - 2

Ảnh minh họa

Sau khi vớt ra, để măng nguội, mẹ và các chị mới thái măng thành các lát hình rẻ quạt. Các chị cũng phải học mẹ mãi mới làm được nên tôi chỉ dám ngồi xem. Khó nhất là măng lá, phải khéo tay, cẩn thận và tỉ mỉ lắm mới cắt được thành những tấm măng lớn, không bị vụn. Măng thái xong để cho ráo nước nhanh, mẹ thường dạy chúng tôi ép măng bằng cái thớt nghiến to và nặng. Ép nước xong thì măng được đem đi phơi năm ba nắng. Tôi thích nhất công đoạn này. Mọi người rải măng lên cái “cót” mà ông nội tôi đan rồi tranh thủ nắng đem phơi ngay sau đó. Tôi có nhiệm vụ canh măng, tránh để gặp mưa. Bởi nếu bị dính mưa là măng hỏng, mốc hết, phí bao công sức làm trước đó, rồi quan trọng là không có gì để dành đến Tết. Nghe mẹ nói vậy nên tôi biết việc coi măng của tôi quan trọng lắm. Tôi coi rất nghiêm chỉnh, không đi chơi giễu nắng với các bạn ngoài đầu bản trong mấy ngày liền.

Đợi đến chiều tối hết nắng, tôi với các chị khênh vào hiên nhà, có lúc mang vào giữa nhà cho rộng. Rồi trưa mai nắng lên lại đem măng ra phơi. Cứ như thế phơi đều được bốn, năm nắng thì măng giòn và ngả màu vàng hổ phách rất đẹp. Những lá măng khô co lại, giống hình lưỡi lợn, trách nào tôi thấy mọi người gọi là “măng lưỡi lợn”. Đó là những miếng măng lúc còn tươi rất to, thì khi khô mới được như này. Các chị tôi còn làm thêm cả măng rối. Loại này gồm nhiều sợi măng khô nhỏ, cuốn vào với nhau. Mẹ còn dạy chúng tôi làm măng chua khô. Món này kỳ công lắm nhưng mà vị cũng ngon lắm. Thi thoảng có những năm không quá bận, mẹ đều làm thêm một vài túi măng chua khô này. 

Tôi thích hít hà mùi măng khô, thơm đặc trưng không lẫn với bất cứ với mùi vị gì ở xứ núi này. Cứ thấy mùi măng là tôi lại hình dung ra bao nhiêu món ăn ngon. Tôi mê tít các món từ măng khô của mẹ: nào là canh xương hầm măng, nào là vịt nấu măng, rồi măng chua khô nấu canh cá suối, xào ếch, xào lươn, xào dế mèn... đều ngon lạ vô cùng. Ôi, nếu măng tươi làm thành mấy món ăn dân giã giản dị ăn trong mùa măng thì măng khô đúng là món ăn ngon của lễ, tết mà lũ trẻ con chúng tôi háo hức mong chờ. Có những năm nghèo đói, mất mùa, mẹ phải bán bớt măng khô đi thì cả năm chúng tôi không được ăn. Mẹ treo măng khô lên gác bếp và chỉ đến Tết mẹ mới mang ra nấu để đãi khách quý và lúc đó chúng tôi mới được thưởng thức cùng. 

Tôi nhớ, đến gần Tết, mẹ thường chọn những miếng măng “lưỡi lợn” vàng óng, to bản, ngon nhất cho vào túi ni lông buộc chặt. Mẹ bảo túi ngon này để biếu, còn nhà mình ăn những túi măng nhỏ hơn, xấu mã hơn này. Nhỏ hơn chỉ nhìn không đẹp bằng thôi chứ ăn vẫn ngon như nhau, nên tôi vẫn hài lòng lắm. Tôi đòi mẹ nấu ngay một bát canh măng miến vì nhà tôi có trồng được cả vườn rong, nên lúc nào cũng sẵn miến và lá rong gói bánh. Trong bữa cơm ngày Tết, trong không khí lành lạnh, khi cái bụng của lũ trẻ con lúc nào cũng thấy đói, thì một bát canh măng nóng hổi, thơm lừng, ăn giòn giòn giữa bữa cơm đông vui nhộn nhịp thật ngon hơn bao giờ hết. Cảm giác về Tết với món canh măng mẹ nấu thời thơ bé cứ đi theo tôi suốt đời như thế. 

Nhớ nhất là những ngày phơi măng mà không đủ nắng, tôi sẽ cùng mẹ cho măng lên mấy cái mẹt, để lên cao hong gió. Mẹ bảo cứ có gió hanh mà không mưa cũng tốt rồi. Không là màu măng xỉn lại không đẹp thì ngại không dám cho ai, chỉ để lại nhà ăn thôi. Tôi bảo: thế con càng được ăn nhiều. Mẹ bảo: phải có quà Tết cho mọi người chứ. Rồi còn măng giỗ cụ, măng biếu thông gia, măng chia hàng xóm, măng cho anh chị mang đi làm xa... Cứ thế, mẹ dạy tôi về cách cư xử với mọi người qua những điều rất giản dị. 

Hong gió ban ngày chưa đủ yên tâm, tối mẹ lại hong măng bên bếp lửa cho khô hẳn. Mẹ xỏ lạt treo măng đều trên gác bếp. Măng có màu của khói. Có màu cả của sự cần mẫn của mẹ. Những năm măng phải hong bếp, tôi đều nhận ra trong món ăn có vị rất lạ. Vị măng khói. Đến sau này, đi xa, tôi vẫn nhớ ngai ngái trong giấc mơ mùi hương ấy, và trở về thấy vui vì mẹ vẫn ở đó, bếp củi nhà sàn vẫn còn đó. Dù cho trời có mưa hay nắng, bao năm qua, năm nào nhà tôi cũng có măng dự trữ và biếu tặng người thân, khách quý. Ai đi xa cũng nhớ tấm lòng thơm thảo của mẹ. Chỉ là món quà quê bình dị thôi, nhưng gói ghém trong túi măng khô sự chân tình, quý mến của người miền cao. Món ăn Tây Bắc, văn hoá Tây Bắc cứ theo cách đó mà đi đến với bao người, với bao vùng đất khác. 

Hong măng đợi Tết về - 3

Những đứa con xa quê mong chờ nhất là những ngày Tết đến, xuân về, trong cái lạnh tê tái của núi rừng, được ngồi quây quần bên nhau bên bát canh măng nóng hổi, thơm lừng của mẹ. 

Theo năm tháng, tôi lớn lên, mẹ cũng già đi. Bố không còn đi đào được măng trong rừng xa. Các chị đi lấy chồng xa, không còn ai thái măng giúp mẹ. Vậy mà mẹ vẫn làm. Vì mẹ biết những đứa con xa vẫn nhớ lắm hương vị món măng rừng của mẹ. Dù măng khô có ngâm bao nhiêu nước, có nấu bao nhiêu lửa thì vẫn còn nguyên cái hương vị từ bếp mẹ, vẫn đủ dai, đủ giòn, thơm mùi nắng, thơm mùi gió núi, thơm cả mùi hóng bếp. Những đứa con xa quê mong chờ nhất là những ngày Tết đến, xuân về, trong cái lạnh tê tái của núi rừng, được ngồi quây quần bên nhau bên bát canh măng nóng hổi, thơm lừng của mẹ. 

Hương vị những món ăn dân giã làm nên văn hóa một miền. Măng khô từ những cây tre rừng lớn lên nơi thượng nguồn không chỉ đơn giản là một món ăn, mà còn ẩn chứa trong đó bao trầm tích văn hoá Tây Bắc. Tôi dù có đi muôn phương, sẽ còn lưu giữ mãi trong tâm hồn những trưa những chiều hong măng bên sàn nắng. Sẽ còn nhớ mãi vị măng mẹ nấu, đậm đà, thơm thảo và đầy tình yêu thương.

Giang Thanh

Tình ca mùa xuân
Tình ca mùa xuân

Đọc Tình khúc mùa xuân của nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn trong tôi bỗng ngân rung ca từ rộn ràng, mê say, bay bổng của nhạc phẩm...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi