Khát vọng và thách thức nhìn từ sự kiện thành lập Câu lạc bộ Dịch giả đất Cảng

Việc dịch thuật văn học theo hai chiều từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài và ngược lại từ khi chấm dứt “cơ chế bao cấp” đến nay, đối diện với nhiều thách thức. Trong hoàn cảnh ấy “Câu lạc bộ Dịch giả đất Cảng” ra đời. Đây là lần đầu tiên một Câu lạc bộ chuyên ngành dịch thuật văn chương được thành lập tại Hải Phòng. Việc thành lập Câu lạc bộ mang đến hy vọng đồng thời bản thân nó cũng đối mặt với nhiều thách thức để tồn tại và phát triển.

Nhìn lại văn học dịch Hải Phòng những năm gần đây

Sáng 31/5, tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng đã tổ chức Lễ ra mắt “Câu lạc bộ Dịch giả đất Cảng” với 09 dịch giả các thứ tiếng: Anh, Nga, Trung, Hàn Quốc, trong đó Ban chủ nhiệm gồm 03 nhà văn do ông Nguyễn Hùng Vỹ - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam làm Chủ nhiệm.

Mặc dù Câu lạc bộ chuyên ngành dịch thuật tại Hải Phòng lần đầu tiên được thành lập, nhưng thực tế văn học dịch Hải Phòng trong nhiều năm trước đã xuất hiện và lưu lại một số thành công đáng trân trọng. Theo đó, một số nhà văn như Nguyễn Dậu dịch nhiều sách ra tiếng Pháp và tiếng Trung hay Nguyễn Viết Lãm đã từng tham gia dịch 5 tác phẩm phẩm bằng tiếng Pháp… từ những thập niên 60 của thế kỷ XX. Sau này nhà văn Ngọc Châu đã dịch một số tác phẩm tiếng Anh và Nga ra tiếng Việt, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như “Mũi Tên Đen” của Robert Louis Stevenson.

Từ năm 2012, một số nhà thơ Hải Phòng đã chú ý quảng bá thơ Việt ra hải ngoại, mở đầu là nhà thơ Mai Văn Phấn với tập "Bầu trời không mái che - Firmament Without Roof Cover" (Thơ song ngữ Việt - Anh, 2012). Sau này ông còn có 26 tập thơ được dịch ra  25 thứ tiếng khác. Tô Ngọc Thạch có 2 tập thơ “Công chứng thời gian” dịch Anh ngữ và “Nắng Bạch dương”.

Khát vọng và thách thức nhìn từ sự kiện thành lập Câu lạc bộ Dịch giả đất Cảng - 1

Lễ ra mắt “Câu lạc bộ Dịch giả đất Cảng”

Năm 2022, nhà thơ Kim Chuông có tập thơ “Những tia nắng hoài nghi” đã được Tạp chí Việt nam - Canada và Nhà sách Văn học Mỹ phối hợp tổ chức in ấn với ngôn ngữ Tiếng Anh. Trong khi đó Nguyễn Đình Tâm trong 6 tháng cuối năm 2022 đã có tới 03 tác phẩm được in theo hình thức song ngữ "Mùa thu và biển cả", “Em xõa tóc mùa thu” bằng song ngữ Anh - Việt, cùng tập "Những bông hoa kí ức và khát vọng xanh thẳm" bằng 3 thứ tiếng Hàn - Việt - Anh…

Bên cạnh đó là các chùm thơ của các tác giả khác được đăng, giới thiệu trên Tạp chí Thơ quốc tế hoặc các báo Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Canada…

Tuy đã có một số dấu ấn như vậy, nhưng có thể nói thành công của chuyên ngành dịch thuật văn chương tại Hải Phòng lại rất nhỏ bé nếu so với thành tựu mà văn xuôi và thi ca đất Cảng đạt được trên văn đàn Việt Nam trong suốt chặng dài lịch sử văn chương tính từ năm 1957, khi Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập đến nay.

Hướng tới mục tiêu xa và những thách thức

Trong phát biểu khai mạc lễ ra mắt, ông Tô Hoàng Vũ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng nêu rõ việc thành lập “Câu lạc bộ Dịch giả đất Cảng” là nhằm hướng tới mục tiêu kích thích phong trào dịch thuật và giới thiệu tác phẩm của các tác giả Hải Phòng với bạn bè quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu quảng bá Văn học Việt Nam ra thế giới của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây đồng thời cũng là hoạt động nhằm phát triển chiều sâu chuyên môn, bổ khuyết sự thiếu hụt cho Hội Nhà văn thành phố khi mà mảng dịch thuật văn học vốn là khâu yếu nhất của Hội trong nhiều năm nay.

Cũng tại Lễ ra mắt, dịch giả Nguyễn Hùng Vỹ - Chủ nhiệm “Câu lạc bộ Dịch giả Đất Cảng” trong đáp từ của mình khẳng định, việc ra đời của Câu lạc bộ mang ý nghĩa thiết thực, đáp ứng sự mong đợi của những người yêu văn chương, đồng thời cũng phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu. Những phát biểu này ẩn chứa khát vọng lớn của các nhà văn Hải Phòng muốn hội nhập vào dòng chảy văn chương nhân loại. Tuy nhiên còn quá nhiều vấn đề được đặt ra trên con đường hướng tới thành công.

Chính vì vậy, tại buổi lễ, các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến tham luận nhận định về những cái đạt dược trong quá khứ của lĩnh vực dịch thuật văn chương tại Hải Phòng, cũng như đề xuất, tư vấn các biện pháp để “Câu lạc bộ Dịch giả đất Cảng” phát triển trong tương lai.

Khát vọng và thách thức nhìn từ sự kiện thành lập Câu lạc bộ Dịch giả đất Cảng - 2

Các đại biểu tham dự lễ ra mắt “Câu lạc bộ Dịch giả đất Cảng”

Đánh giá về mục tiêu đặt ra của Câu lạc bộ, nhà văn - dịch giả Yên Ba cho rằng đó là “một tham vọng lớn của Hải Phòng” muốn đạt được cần có lộ trình và tốn nhiều công phu. Ông cũng chỉ rõ những thách thức lớn khi xây dựng được một “cơ chế hoạt động” mà ngay cả Hội Nhà văn Việt Nam vẫn còn vướng mắc.

Nhà thơ Nguyễn Chí Hoan - Chủ tịch Hội đồng dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam, nêu rõ yêu cầu Câu lạc bộ cần xây dựng ngay quy định, nội dung hoạt động. Ông đồng thời cũng phân tích rõ các khâu để đi đến một tác phẩm dịch hoàn hảo cần có sự tham gia của rất nhiều bên. Theo đó, ngoài tác giả và văn bản tiếng Việt tốt thì cần có dịch giả vừa thông thạo ngoại ngữ vừa có tố chất văn chương bên cạnh đó cần có một “trợ lý” là người mang bản ngữ của thứ tiếng định dịch sau đó là cơ chế in ấn phát hành ở nước ngoài và mang về nước… rất phức tạp. Ông khuyến cáo Câu lạc bộ cần nắm vững quy cách hoạt động dịch thuật.

Chia sẻ về chuyên môn dịch thuật, dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (con gái cố nhà văn Nguyên Hồng) cho rằng dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài cần giữ đúng văn phong, ý tứ của tác giả, phải coi trọng ngôn ngữ tiếng Việt nhất là khi dịch văn bản có hình tượng ẩn dụ, hay thành ngữ, tục ngữ Việt Nam. Nhà văn nói “cái đó đã rất khó khăn, nhưng để đăng tải, in ấn trên báo chí hoặc xuất bản ở nước ngoài thì không chỉ cần có kinh tế trang trải cho chi phí mà còn cần có con đường đi… điều này rất cần có sự hỗ trợ của các nhà quản lý văn hóa”.

Khát vọng và thách thức nhìn từ sự kiện thành lập Câu lạc bộ Dịch giả đất Cảng - 3

Hội Nhà văn Hải Phòng tặng hoa chúc mừng “Câu lạc bộ Dịch giả đất Cảng”

Các nhà văn từng tham gia dịch thuật hoặc có tác phẩm dịch ra tiếng nước ngoài Tô Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Tâm, Ngọc Châu cũng chia sẻ nhiều ý kiến. Từ những ý kiến này có thể nhận diện rõ: văn học dịch Hải Phòng hầu hết mới chỉ là dịch từ tác phẩm tiếng Việt ra tiếng nước ngoài. Việc tìm kiếm tác phẩm nổi tiếng nước ngoài để dịch ra tiếng Việt còn rất hạn chế. Đặc biệt, quá trình làm việc các dịch giả đều trong tình trạng tự thân vận động. Việc in ấn, phát hành… đều dựa vào khả năng chi phí và quan hệ của người viết sách tiếng Việt.

Qua những ý kiến chia sẻ, có thể hình dung việc dịch văn học ở Hải Phòng hiện nay là toàn bộ quá trình đều dựa vào năng lực của các cá nhân. Điều mà chỉ một số ít nhà văn có mong muốn và có điều kiện kinh tế mới có thể làm được. Bởi vậy không thể mong muốn quảng bá văn chương theo một quy mô rộng, cũng như có thể chịu hậu quả xấu bởi những tác phẩm kém chất lượng được dịch và lưu hành, trong khi những tác phẩm tốt lại phải nằm im trong “khuôn tiếng Việt”!

Từ thực trạng này dễ nhìn thấy việc dịch, xuất bản, lưu hành phân phối tác phảm văn học với Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung là một quy trình đầy khó khăn, một thách thức lớn. Nếu như không có sự hỗ trợ bằng một cơ chế mang tính nhà nước cho hoạt động dịch thuật văn chương thì khó có thể hy vọng sự thành công mà chỉ dựa vào sức vóc của những “Câu lạc bộ Dịch giả” nhỏ bé theo mô hình này.

Nguyễn Đình Minh - Tuấn Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất