Kỷ niệm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6: Chuyện kể về người cha
Bố tôi đã đọc suốt đêm những bản tin chúng tôi làm ở mặt trận gửi ra, ngờ ngợ đây chính là đơn vị của con mình, mắt đọng lại rất lâu ở những bài viết ký tên Lê Khánh Hoài... Linh tính cho ông hay đây chính là con mình, và trong một niềm xúc động khôn nguôi, (vì như thế là con mình vẫn còn “sống”, dù lửa đạn ác liệt), bố tôi đã không ngần ngại, chọn một bài viết của tôi để hôm sau in trang trọng trên báo Nhân dân…
Mùa hạ 1969, tôi tốt nghiệp lớp 10. Ông bà bố mẹ tôi đều đinh ninh tôi sẽ được đi học nước ngoài, như bao con em miền Nam khác trên đất Bắc lúc bấy giờ. Nhưng rồi vì một vết " mờ" trong lý lịch ( Dù khai sinh tôi là Lê Khánh Hoài, con ông Lê Khánh Căn), tôi thành ra là người ra ga Hàng Cỏ đưa tiễn bạn bè lên tàu đi du học.
Ba anh em Hoài, Châu, Như
Đau buồn. Cay đắng. Thấy tình cảnh mình như thế, tôi nghĩ chỉ còn cách lên đường nhập ngũ, đã đành vì tiếng gọi lý tưởng chung, nhưng cũng để lấy chính máu xương của mình viết lại lý lịch cho đời mình! Vì thế, một đêm tôi giấu gia đinh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Khi này mẹ tôi đang đi học ở Bun ga ri, bố tôi sau Mậu thân Huế vừa từ Huế ra Hà Nội, tiếp tục về làm việc ở tòa soạn báo (Nhân dân). Ông bà tôi thì đã gần 70, còn ở nơi sơ tán…
Chỉ mấy hôm sau lên khu đội Hoàn Kiếm nộp đơn, tôi có giấy báo đi khám sức khỏe. Cũng chẳng cần cân đong đo đếm gì, thời chiến gọn nhẹ, ông bác sỹ hỏi tôi:
"Có đau ốm bệnh tật gì không”
"Dạ không ạ. Gió mùa đông bắc về chỉ sụt sịt tý thôi ạ”.
Tốt, ông nói vắn tắt thế rồi ký vào phiếu khám sức khỏe của tôi, và gọi cậu khác vào khám. Ba ngày sau tôi có giấy gọi nhập ngũ…
Trước hôm lên đường, tôi đến tòa soạn báo Nhân dân ở 71 Hàng Trống chào bố tôi. Sau nhiều ngày tháng vào thường trú mặt trận Trị thiên Huế ra, bố tôi cũng gầy yếu lắm.
”Con đến chào bố, ngày mai con nhập ngũ bố ạ”.
Bố tôi sững lại:
"Con không vào đại học à?”
“Không ạ”.
Tôi lắc đầu, cố giấu dòng nước mắt tủi thân sắp trào ra.
”Sao thế nhỉ"?
Bố tôi nhíu mày. Ông không ngờ tình huống này lại đến với con mình trong cuộc đời.
Tôi nhìn vào mắt bố:
"Con viết đơn tình nguyện đi bộ đôi bố ạ”.
Ông lặng đi một hồi rất lâu, rồi hỏi lại tôi:
“Con tình nguyện à?”
“ Vâng". Tôi đáp.
“Nếu con tình nguyện thì bố không có ý kiến gì nữa. Bố cũng vừa từ mặt trận ra. Gian khổ ác liệt lắm. Nhưng bố chịu đựng được thì con cũng chịu đựng được”.
“Vâng".
Tôi rắn rỏi nói vói bố. Rồi chào bố:
"Thôi con đi bố nhé. Cho con gửi lời thăm mẹ và các em”.
Tôi định dợm quay đi, thì bỗng bố tôi níu tôi lại, giọng đầy xúc động:
"Khoan đã con. Ở lại thêm với bố một chút... Con đi thế có cần gì không?”
'Dạ”...
Tôi gãi đầu nói:
"Bố cho con 1 đồng 8 bố nhé, để con ra Hàng Dầu mua cái mũ lá ngày mai đội đi không nắng lắm”.
Bố tôi có vẻ lúng túng. Rồi ông nói:
"Chờ bố một lát”. Và quay vào bên trong. Có lẽ bố tôi không sẵn tiền, phải vào mượn tiền một cô chú nào đó …
Chờ một lúc không thấy bố ra, tôi quay ra cửa, định ra về. Bỗng nghe tiếng bố tôi gọi thất thanh:
"Hoài, Hoài ơi…”
Lúc ấy tôi cũng đã đi tới Phú gia, thấy bố tôi hớt hải chạy theo, rồi đưa tiền cho tôi:
“Đây tiền đây con. Con đi mạnh khỏe nhé”
Tôi xúc động quay đi rất nhanh, để giấu những dòng nước mắt... Và rẽ sang phố Hàng Dầu mua một cái mũ lá lúc ấy là 1 đồng 8 bằng tiền bố cho để ngày mai đội lên đường nhập ngũ.
*
Nhà văn Châu La Việt (trái)
Năm 1972, sau hai năm trực tiếp là lính pháo quần nhau tơi tả với máy bay Mỹ ở các trận địa Bản Ban, Phu nốc cốc…trong đội hình tiểu đoàn pháo cao xạ 11, tôi được gọi về cơ quan tuyên huấn Binh trạm( BT), vừa tham gia đội văn nghệ, vừa cùng anh Trung Nhân và Ngô Quốc Lập làm tờ tin "Đường phía trước" của BT. Hai mùa khô liền, BT lập thành tích xuất sắc, mặc dù máy bay địch đánh phá tàn bạo, nhưng vẫn vận chuyễn đầy đủ đạn dược, lương thực cho bộ bính phía trước dành lại Cánh Đồng Chum, được nước bạn cũng như Bộ Tổng rất khen ngợi, có ý định tuyên dương là Đơn vi Anh hùng.
Cơ quan chính trị BT tập trung làm báo cáo và cung cấp những tư liệu, là những bản tin Đường phía trước ra Hà nội để làm tài liệu tuyên truyền. Thiêng liêng lắm, xúc động lắm…
Rồi một ngày kia, từ Chính ủy Dư Cao đến BT trưởng Lê Việt Sinh, đến mỗi cán bộ chiến sỹ rất vui khi mở báo Nhân dân, thấy cả một trang báo lớn phản ánh về cuộc sống chiến đấu của BT chúng tôi (Thay vì BT 13 thì Báo ND đặt phiên hiệu là BT M3). Đăc biệt hơn nữa, ngoài bài bình luận và giới thiệu do báo viết, thì có một bài phóng sự chiếm nửa trang lớn phản ánh cuộc chiến đấu của BT là bài do tôi viết, ký tên Lê Khánh Hoài… Bài báo in cả nửa trang trên báo Nhân dân hoành tráng, xúc động. Cả binh trạm nhìn tôi đầy ngưỡng mộ, các thủ trưởng hết sức khen ngợi, tôi được bằng khen và được thăng thêm một cấp... .
Sau mùa khô ấy, tôi về công tác Hà nội, mới được hay rằng: Khi ấy bố tôi là Phó ban Quân sự của Báo (Trưởng ban là chú Hồng Hà, sau này là TBT Báo ). Chấp hành chỉ thị trên tuyên truyền cho Cục vận tải quân sự và BT 13 của Cục để nhà nước phong danh hiệu Anh hùng, báo ND quyết định dành một trang lớn để viết vê Cục vận tải quân sự và Binh trạm.
Bố tôi đã đọc suốt đêm những bản tin chúng tôi làm ở mặt trận gửi ra, ngờ ngợ đây chính là đơn vị của con mình, mắt đọng lại rất lâu ở những bài viết ký tên Lê Khánh Hoài... Linh tính cho ông hay đây chính là con mình, và trong một niềm xúc động khôn nguôi, (vì như thế là con mình vẫn còn “sống”, dù lửa đạn ác liệt), bố tôi đã không ngần ngại, chọn một bài viết của tôi để hôm sau in trang trọng trên báo Nhân dân… Bố không biết tình yêu của bố đã mang lại hạnh phúc lớn lao thế nào cho con mình nơi măt trận, cho cả Binh trạm thân yêu của con mình...
Nhà văn Châu La Việt (trái) tại nhà lưu niệm Tố Hữu
Và đấy là bài báo đầu tiên của tôi được in báo, lại ở báo Nhân dân, tờ báo lớn nhất của đất nước, tờ báo có tình yêu và cuộc đời của bố tôi và bao chú bác thân yêu khác, tờ báo mãi mãi là tình yêu của tôi trong một tình yêu vĩnh viễn với người bố thân yêu của mình...
Bình luận