Làng quê - Tuổi thơ suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn (Đọc “Ngày ấy ở Yên Trung” - Tiểu thuyết của Ngô Xuân Hội, NXB Hội Nhà văn, 2023)

Vậy là tròn 10 năm, “Ngày ấy ở Yên Trung” mới hiện diện trước bạn đọc cả nước với nội dung đầy đủ và hình thức thật dễ thương của một tiểu thuyết có nhiều yếu tố tự truyện của nhà thơ Ngô Xuân Hội.

Nói thế, vì tạp chí của Hội Nhà văn số 1 năm 2013 lần đầu trích giới thiệu một chương và 6 năm sau, tháng 7/2019, và Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm đã in trọn truyện dài này. Cũng năm đó, NXB Phụ nữ in thành sách và đến nay, sau gần 4 năm, tác giả “nâng cấp” thành tiểu thuyết với độ dày gần gấp đôi, do tác giả viết thêm 6 chương, đồng thời tu chiỉnh nhiều chương khác. Cuốn sách dày gần 300 trang in bìa cứng, kèm theo hàng chục minh họa sinh động của họa sĩ Ngô Xuân Khôi càng tăng thêm sức hấp dẫn với bạn đọc nhỏ tuổi.

Xem ra ít có tác giả nào được “ưu ái” trong việc công bố tác phẩm như thế, nhưng cũng không nhiều nhà văn công phu đến thế với một tác phẩm chỉ vài trăm trang. Có lẽ động lực để Ngô Xuân Hội làm được điều đó là nhờ tác phẩm sau lần công bố đầu tiên đã được bạn đọc hoan nghênh, nhiều nhà văn tên tuổi như Trần Nhuận Minh, Trung Trung Đỉnh, Huỳnh Như Phương, Kao Sơn… viết bài giới thiệu. Nói cho vui thì cũng có thể nghĩ tác giả mê đắm việc “nâng cấp” tác phẩm trong nhiều năm để luôn được trở về làng quê yêu dấu, được sống lại tuổi thơ, được đầm mình trong suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn mình.

Quả là đọc Ngày ấy ở Yên Trung, cuốn tiểu thuyết có nhiều yếu tố tự truyện, mặc dù tác giả đưa các địa danh có thật – làng Yên Trung (huyện Hưng Nguyên (ngoại thành Vinh – Nghệ An), quê hương của chính tác giả, nhưng “suối nguồn” trong lành ấy vẫn là trầm tích quý giá ở hầu khắp đất Việt, chỉ chờ được khơi dậy, để thăng hoa, dù nông thôn đang thay đổi ngày ngày. Ngô Xuân Hội đã làm được điều đó nhờ “tác giả viết bằng một bút pháp tự nhiên, không có ý làm văn mà rất văn học; không có ý tả cho hay thì lại trở nên thoải mái, đọc vừa thấy hóm hỉnh, vừa nắn nót trân trọng” như nhà văn Trung Trung Đỉnh – nguyên Giám đốc NXB Hội Nhà văn, đã bình luận trong bài phê bình in phần “Phụ lục” tác phẩm.

Làng quê - Tuổi thơ suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn (Đọc “Ngày ấy ở Yên Trung” - Tiểu thuyết của Ngô Xuân Hội, NXB Hội Nhà văn, 2023) - 1

Bìa tiểu thuyết "Ngày ấy ở Yên Trung"

Sau tác phẩm đầu tay xuất bản từ hơn hai chục năm trước, Ngô Xuân Hội đã in gần chục tập thơ và tiểu thuyết, được nhiều giải thưởng, tham gia hoạt động trên nhiều địa bàn, suốt từ vùng mỏ Quảng Ninh đến TP Hồ Chí Minh, cho mãi đến nay, lên lão bảy mươi (anh sinh năm 1952), tác giả mới thư thả “tự họa” chân dung mình và bè bạn thuở ấu thơ.

Đọc Ngày ấy ở Yên Trung, nghe Ngô Xuân Hội kể chuyện những đứa trẻ làng quê anh (mà có lẽ nhiều vùng quê khác cũng vậy), với đủ các trò nghịch ngợm dễ thương mà “quỷ quái” (“nhất quỷ nhì ma..”!), bạn đọc tưởng như lại được lặn ngụp thỏa thích trên những khúc sông quê nhà, được hít thở bầu không khí ấm áp, trong trẻo ở làng quê một thời đã xa mà biết bao người trong cuộc chạy đua đô thị hóa vẫn mong có dịp được trở về, ít ra là trong tâm tưởng… 

Trong lớp trẻ ở vùng quê bên dòng sông Lam ngày ấy, Đảo là nhân vật được tác giả (mang tên Kháng và xưng “tôi”) “chăm chút” từ đầu truyện, khởi sự với việc Đảo phát hiện Kháng và Phùng trộm ngô làng Vạn Lộc. Để “bịt đầu mối”, hai đứa tính kế “hối lộ” Đảo: “Cho mi mấy bắp nì” - “Không, của ăn trộm tao không lấy!”. Thằng Đảo lạnh nhạt đáp vậy. Nhưng hai đứa không sợ, vì Phùng tiết lộ rằng chính hắn và Đảo lại vừa ăn trộm ổi bà Miên! Nguyên do là Kháng có công chăn giúp con nghé bà Miên nên được bà cho vào ăn ổi thả cửa; và để trả ơn Đảo cho copi bài toán, Kháng dắt bạn cùng vô hái ổi. Thế là “ngựa quen đường cũ”... Đúng là chuyện “hối lộ” trẻ con! Nhưng câu bình của tác giả khi thấy cảnh con nghé của bà Miên “chạy tung tăng đến dụi đầu vào háng trâu nhà tôi tìm vú mẹ như ngày nào” không còn bị trâu của Kháng bực mình xua đuổi như mấy ngày đầu thì cả người lớn cũng phải suy ngẫm: “Không như người, trâu bò càng sống chung càng thương nhau”.

“Duyên nợ” giữa Kháng và Đảo còn nhiều màn kịch nửa khóc nửa cười, nhưng Đảo thường thắng thế, nhờ trí tuệ. Từ đầu cuộc, Kháng đã sớm nhận ra bài học không chỉ cho tuổi thơ: “Về thể xác, tôi lớn vượt nó một cái đầu, nếu đánh nhau, Đảo chẳng nhằm nhò gì. Nhưng ở đời đâu có phải lúc nào cũng mạnh được yếu thua”. Là một học sinh giỏi toàn diện, nhất là giỏi văn, Đảo đã… “thắng” cả thầy giáo trong vụ kỷ luật hiếm có trên đời.

Trước vụ kỷ luật là việc 4 cậu bé lần đầu được đến xem phim tại rạp ở Vinh, trời mưa, thời chưa có ni-lông, cả 4 úp sụp nón lá, áo tơi lá kè bọc kín, thẳng hàng đến rạp như một tốp diễn hề; trước nữa là chuyện Đảo và Kháng bất ngờ “thu hoạch” được một lô trứng vịt trời, đem về cho gà ấp, vẫn nuôi lớn được nhưng phải cắt cánh cho chúng khỏi bay, rồi đem bán, mới có tiền mua vé xem phim…

Tác phẩm của Ngô Xuân Hội “dắt dây” toàn những chuyện nay hiếm có như thế. Nhưng “độc nhất vô nhị” là hôm đi xem phim về, 4 cậu bé tù mù trong mưa suýt đâm phải một ông đi xe đạp ngược chiều trái đường nên buột lời hỗn láo; không ngờ đó là thầy Đức dạy văn; thầy nhận ra giọng trò Đảo, hôm sau gọi lên công bố mức kỷ luật đặc biệt (không phải kiểu tát má này má kia hay thụt đầu lên xuống hàng trăm lần như chuyện báo chí vừa bêu danh): Nếu Đảo đọc thuộc 1000 câu Truyện Kiều sau 1 tháng thì sẽ miễn tội! Chuyện kỳ lạ lan ra cả trường, nên ngày Đảo “trả bài” không chỉ Kháng và bạn bè trong lớp hồi hộp dõi theo mà cả hiệu trưởng cùng nhiều thầy cô giáo xúm xít đến chứng kiến. Khi Đảo “trả bài” một cách xuất sắc - không chỉ 1000 câu mà Đảo cho biết em đã thuộc cả 3.254 câu Kiều - thầy hiệu trưởng cho rằng cả thầy và trò cùng chiến thắng; còn thầy Đức thì “đến ôm lấy Đảo, giọng nghèn nghẹn: “Thầy cảm ơn em… em đã dạy cho thầy một bài học về tài năng và lòng kiên nhẫn…”.

Trong 6 chương tác giả viết bổ sung trong lần xuất bản 2022, ba chương O Nhung, Thần mỏ đỏ, Ông Cháu Chang là phác họa chân dung với các câu chuyện làng quê xa xưa, vừa hài hước, vừa xót xa. O Nhung đẹp nhất làng cự tuyệt không chịu lấy anh Chắt Phú thấp lùn, nhưng rồi “sập bẫy” anh Chắt Uyên được bọn trẻ với các câu ca truyền tụng một thời “phù trợ”; thì đúng lúc lụt lút gần nóc nhà O Nhung, ứng đúng câu ca: “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/ Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình”, rồi Chắt Uyên “hóa phép” thành “Thần Mỏ Đỏ” từ đình làng phán rằng phải “lấy thằng đi cày/ Nếu không mai này/ Tau về vật chết”… Cháu Chang thì được lên chức nhờ bắt ả Yên Tùy bán rượu lậu là “hàng quốc cấm” và “trấn áp Việt gian phản động” Ngô Uyển, do ông ta dám nói thích “ăn ngô” - tức là ngầm bảo “thích họ Ngô, tính chuyện vào Nam”. Ông ta lại còn dám chế Cháu Chang khi đội dù là “đi dù khom”!... (Bạn nói lái sẽ cười sặc nước).

Cho dù vậy, hai chương bổ sung cuối tác phẩm gây ấn tượng mạnh đối với độc giả…  

Tôi tin là nhiều bạn đọc cũng sẽ “nghèn nghẹn”, nhất là khi biết cậu học  trò tài giỏi ấy, mùa hè năm 1972 đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị đẫm máu. Thật xót xa! Mùa hè đỏ lửa ấy, còn nhiều tài năng như Đảo đã mãi nằm lại trên đất Quảng Trị ngập tràn bom đạn…

Cuối sách, tác giả đã “cảm ơn Đảo - người bạn thiếu thời… và Nguyễn Du vĩ đại đã thổi bừng lên trong tôi tình yêu văn chương, cuộc sống, tình yêu thiêng liêng đối với cái đẹp trong cuộc đời còn nhiều lo toan khốn khó”. Với tình yêu như thế, Ngô Xuân Hội đã viết Ngày ấy ở Yên Trung

Nguyễn Khắc Phê

Thơ Khuất Bình Nguyên
Thơ Khuất Bình Nguyên

Thời báo Văn học nghệ thuật trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 5 bài thơ trong tập "Người Tha hương" của nhà thơ...

Tin liên quan

Tin mới nhất