“Lò mổ”: Những ám ảnh bi thương mà kỳ vĩ

Trong hành trình sáng tạo của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cất lên tiếng hỏi “đời sống tôi đang sống có thực sự là một đời sống?” và ông đã mang theo tinh thần đó để bước vào trường ca “Lò Mổ” – một hành trình tự vấn, đi tìm câu trả lời cho những trăn trở về ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại.

Thi ca nhìn từ “Lò mổ”

Ngày 15/2, tại Phòng Nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã diễn ra Lễ ra mắt trường ca Lò mổ và trưng bày bộ tranh Nguyện cầu gồm 18 bức của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

“Lò mổ”: Những ám ảnh bi thương mà kỳ vĩ - 1

Lễ ra mắt trường ca "Lò mổ" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận được sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ và bạn đọc. Ảnh: Huyền Thương

Chia sẻ về tác phẩm của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, tập trường ca này được ông hoàn thành vào khoảng năm 2016, nhưng ý tưởng đã được nảy sinh từ khi ông còn rất trẻ, trong lần ông cùng cha ghé qua lò mổ ở ngoại ô Hà Đông. Đó là lần đầu tiên ông tiếp xúc với một không gian u ám, tàn khốc, chứng kiến cảnh giết chóc của những con vật và cảm nhận được nỗi đau, nỗi sợ hãi của chúng.

Lò mổ đó còn gợi cho ông những suy nghĩ về những thân phận con người, về sự sống và cái chết, về cách con người chúng ta đang tồn tại. Với ông, đó không chỉ là nơi những sự sống bị chấm dứt một cách đau đớn, mà đó còn là một “vũ trụ” của những thân phận con người đầy ám ảnh, những người sống ở rìa xã hội với công việc nặng nhọc, nguy hiểm.

Đó là những người mà khi rời khỏi lò mổ, có lẽ họ vẫn giữ trong mình những vết thương tâm hồn, không khác gì những sinh linh phải chịu cảnh sát sinh trong đó.

“Lò mổ”: Những ám ảnh bi thương mà kỳ vĩ - 2

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về tập trường ca mới nhất của ông. Ảnh: Huyền Thương

“Viết chỉ là một hành động mang tính cá nhân. Ngay cả khi những trang viết được công khai với bất cứ hình thức nào cũng chỉ là hành động của cá nhân. Tôi “cá nhân hoá” toàn bộ Lò mổ. Việc này đúng với tất cả các nhà thơ. Mỗi cá nhân nhà thơ đều tìm cách “thi ca hoá” đời sống cá nhân mình. Đấy là Tự do. Đấy là Sáng tạo. Và điều đó làm nên nghệ thuật.

Và trong cơn ác mộng của mình, tôi lại bước vào lò mổ một lần nữa. Lần này tôi nhìn thấy những con bò xếp hàng, trò chuyện và bước tới để nhận cái chết. Tôi nghe thấy tiếng những con bò rống vang khi bị chọc tiết, tôi nhìn thấy máu chảy xối xả, tôi nghe tiếng bầy ruồi đồng ca, tôi nhìn thấy linh hồn những con bò bay qua ô cửa sổ lò mổ về phía cánh đồng trên cao. Có gì đó đau đớn, bi thương, kỳ vĩ xuất hiện. Rồi tôi nhận ra đó là thi ca”, nhà thơ giãi bày.

Hành trình thử nghiệm và thay đổi

Không giống các tác phẩm trước đó, trường ca Lò mổ được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thay đổi nhiều về thi pháp, ngôn ngữ, và cả hình thức với sự đa dạng trong hình thức thể hiện.

“Lò mổ”: Những ám ảnh bi thương mà kỳ vĩ - 3

Phiên bản tiếng Việt của trường ca "Lò mổ". Ảnh: Huyền Thương

Tác phẩm là sự kết hợp của rất nhiều thể loại, từ thư từ, bản nháp, cho đến biên bản và đối thoại, đôi khi là những đoạn đối thoại tưởng chừng rất rời rạc, nhưng lại có một sự liên kết rất tự nhiên.

Đây không chỉ là câu chuyện của một cá nhân, mà còn là nhiều giọng nói, nhiều cuộc đời chồng chéo lên nhau, cùng hòa vào để tạo nên một bức tranh đa chiều về những vấn đề của thế kỷ 20. Người đọc có thể thấy ở đó sự phản ánh về thù hận, chiến tranh, bệnh tật - tất cả những điều đó đã và đang ăn mòn con người.

Tập trường ca được ra mắt bằng cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Đặc biệt, ở phiên bản tiếng Anh, phần chuyển ngữ do chính tác giả Nguyễn Quang Thiều thực hiện và nhà thơ người Mỹ Bruce Weigl là người hiệu đính.

Tập trường ca Lò mổ còn là sự hòa quyện giữa thi ca và hội hoạ. Tác phẩm gồm có 18 chương, mỗi chương được tượng trưng bằng một bức tranh và tất cả đều mang tên Nguyện cầu.

“Lò mổ”: Những ám ảnh bi thương mà kỳ vĩ - 4

Một tác phẩm trong bộ tranh “Nguyện cầu”. Ảnh: Huyền Thương

Các bức tranh Nguyện cầu đều là tranh khổ lớn, vẽ trên loại giấy đặc biệt của Pháp. Tác giả đã kết hợp nhiều chất liệu như màu nước, sơn dầu, acrylic, và chì để tạo nên sự hòa quyện riêng của cá nhân, từng lớp màu, từng mảng hình ảnh đậm chất tâm linh.

Nguyện cầu không chỉ là một bộ tranh đi kèm với Lò mổ, mà chính là một phần sống động của tập trường ca. Ở đó, tác giả muốn người đọc không chỉ xem tranh, mà còn cảm nhận được những suy tư mà ông gửi gắm trong mỗi tác phẩm và hy vọng đem tới những cảm nhận mới mẻ về nghệ thuật cho độc giả.

Tác giả Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, những bức tranh là cách ông thể hiện niềm mong mỏi của mình, ông mong rằng trong thế giới đầy rẫy sự hủy hoại, con người vẫn giữ được lòng thương yêu, lòng bao dung và khát khao một đời sống yên bình.

Phá vỡ ranh giới của cái đẹp và cái ác

Như một đại diện cho một cử chỉ thi ca can đảm và tự lập về mặt tinh thần, tập trường ca Lò mổ cho phép người đọc cảm nhận được thế giới và nghệ thuật bằng nhiều hình thức và cung bậc cảm xúc khác nhau.

“Lò mổ”: Những ám ảnh bi thương mà kỳ vĩ - 5

Tác phẩm nhận được sự quan tâm, đánh giá của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và họa sĩ. Ảnh: Huyền Thương

Nhà thơ Mai Văn Phấn nhìn thấy nó trông giống như “chiếc búa máu trong tay thi sĩ”, đã vung lên khai mở và kết thúc sự tồn tại của cái lò sát sinh, nơi con người, con vật cùng đồ vật bị hành hạ, bị hành quyết bởi những ảo ảnh, dục vọng, lòng tham, sự độc ác...

“Điểm xuyết tác phẩm là thánh đường, thiên đường, địa ngục, quỷ sứ, linh mục... Tác giả đã khai mở cho mỗi chúng ta tầm nhìn, được thấy rõ thời đại mình, thấy các thế giới và không gian khác nữa. Khả năng khai mở ấy dường như đi xa hơn thi pháp trường ca này.

Lò Mổ thực sự là một tuyệt bút trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Quang Thiều. Những trường ca mà ông viết trước đây giờ đã ở lại lưng đèo, nhường lối cho những bước chân dũng mãnh của con tuấn mã phi lên tới đỉnh, đỉnh cao của sự sáng tạo”, nhà thơ Mai Văn Phấn nêu cảm nhận.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng thì cho rằng, Lò mổ là bài thơ trữ tình nhưng cũng là câu chuyện kể, về chàng trai làm việc trong lò sát sinh, diễn tiến xoay quanh chàng, chủ lò, con vật, thiếu nữ. Lối kể có khuynh hướng hiện thực huyền ảo, nhiều đối thoại và tranh luận, tạo ra các vòng đồng tâm, nhưng xung đột được đẩy lên cao và giải quyết.

Từ sau Sự mất ngủ của lửa, Nguyễn Quang Thiều trung thành với thế giới của mình: một thế giới thơ mộng, giận dữ. Như đứa trẻ bị tổn thương, Lò mổ phản ánh sự hoành hành của cái ác.

Còn theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, người đọc có thể nhận ra những đặc trưng của thơ siêu thực qua tập trường ca Lò mổ với những hình ảnh không theo quy luật logic, những chiều không gian mộng mị với những hình ảnh phi lý, kỳ ảo.

“Nhà thơ đã thực sự chìm đắm trong không gian huyễn hoặc của siêu thực, gợi mở ra một cách cửa khác để đi vào thế giới ngôn ngữ của riêng ông... Toàn bộ những bức tranh và thơ trong tập sách của Nguyễn Quang Thiều là hiện thực một cách trừu tượng và trừu tượng đến cùng của siêu thực”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định.

“Lò mổ”: Những ám ảnh bi thương mà kỳ vĩ - 6

Các nhà văn, nhà thơ chia sẻ về tác phẩm "Lò mổ". Ảnh: Huyền Thương

Tác giả của Lò mổ đã đi tìm kiếm cái đẹp qua hiện thực và cả những cơn mộng mị rồi thể hiện nó lên 18 chương của tác phẩm. Nhà văn Văn Chinh cho rằng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đi tìm mỹ cảm lộng lẫy trong một bầy ruồi và cái ác, ông đã biến bầy ruồi, chương rồi, thế giới ruồi thành thế giới các con chữ.

Còn nhà thơ Trần Lê Khánh viết: “Cái đẹp nó đòi hỏi mỗi con người phải tự tạo ra một lối đi riêng cho mình để tìm đến nó, nhận ra nó. Và với trường ca Lò mổ, Nguyễn Quang Thiều đã tự tạo ra một con đường độc đáo chưa có tiền lệ: tìm cái đẹp thuần khiết nhất trong cái chết của những con bò nơi Lò Mổ”.

Qua Lò mổ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không chỉ dừng lại ở sự u ám, đau thương, mà còn mở ra cánh cửa của tình yêu và khát vọng sống. Ông đã lấy cái chết của con bò làm sự khởi đầu của bản trường ca và kết thúc là hình ảnh một chú bê nhỏ.

Sau những tức giận, thất vọng, đau đớn, ám ảnh, ông đã hy vọng mỗi con người, dù ở trong cảnh khốn cùng vẫn có thể cố gắng giữ lại niềm tin vào một ngày mai. Tác giả cũng mong muốn, khi độc giả tiếp cận với Lò mổ, họ sẽ dừng lại để suy ngẫm về con đường mà nhân loại đã và đang đi, để nhìn nhận lại cách chúng ta đối xử với nhau và với môi trường chung quanh.

Huyền Thương

Viễn ca của một lãng tử
"Viễn ca" của một "lãng tử"

Sau hai tập thơ "Loạn bút hành" và "Chiều không tên như vết mực giữa đời", nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh trở lại với...

Tin liên quan

Tin mới nhất