Ngã ba Đồng Lộc - vang mãi khúc tráng ca

(Arttimes) - Đã gần 55 năm trôi qua, nhưng huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc“tượng đài” về ý chí sắt đá và sự hi sinh cao cả của lực lượng Thanh niên xung phong vẫn còn đọng mãi trong ký ức của những người sống cùng thời đạn bom ác liệt ấy… và đã trở thành khúc tráng ca bất tử…

Ngã ba Đồng Lộc, nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh, xuyên qua dãy núi Trường Sơn, giao điểm giữa hai quốc lộ 15A và 15B, thuộc địa phận xã Đồng Lộc (nay là thị trấn Đồng Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh,có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng. Đây là một trong những điểm giao thông quan trọng trong chiến tranh. Chính vì sự hiểm yếu và vị trí, tầm chiến lược quan trọng ấy nên giặc Mỹ liên tục đánh phá, ném bom nhằm cô lập và cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam.

Ngã ba Đồng Lộc - vang mãi khúc tráng ca - 1

Ngã ba Đồng Lộc ngày nay

Ngã ba Đồng Lộc được mệnh danh là “tọa độ chết”, là “túi bom”, là “tượng đài” về ý chí sắt đá và sự hi sinh cao cả của lực lượng Thanh niên xung phong. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Để giữ vững mạch máu giao thông ấy hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống.

Tại mảnh đất này, ngày đêm đế quốc Mỹ đã trút xuống hàng ngàn tấn bom, đạn.Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến tháng 10/1968, địch đã ném khoảng 48.600 quả bom các loại. Bom chồng lên bom, bình quân mỗi mét vuông phải gánh chịu 3 quả bom tấn.Mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi, xới lại nhiều lần, dường như không có cây cối, ngọn cỏ nào có thể sống nổi. Vậy mà, ngày đêm trên đoạn đường này vẫn có hàng nghìn người làm nhiệm vụ cho con đường thông suốt, bảo đảm an toàn cho người và những chuyến hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Với khẩu hiệu “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”; “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng/ nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, hoặc là ‘ Ngủ sao được khi mặt đường vắng lặng/ Cuộn lòng ta không một bánh xe reo”…

Ngã ba Đồng Lộc, trong những năm ác liệt có rất nhiều lực lượng tham gia như: Bộ đội, Thanh niên xung phong, công nhân giao thông, Công an, dân quân du kích, lúc cao điểm nhất có khoảng 16.000 người quyết giữ con đường huyết mạch này. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong đã anh dũng nằm lại ở mảnh đất này. Trong đó tấm gương chiến đấu anh dũng hy sinh của 10 cô gái Thanh niên xung phong khi họ mới mười tám đôi mươi đã trở thành biểu tượng khi nhắc đến Ngã ba Đồng Lộc.Tiểu đội 4, Đại đội 552, thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong 55 gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 22 được giao nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu này. Hàng ngày các chị phải quan sát đánh dấu số lượng bom nổ chậm, đào đất, bê đá, san lấp hố bom, làm đường tránh cho xe qua. Nhiều đêm các chị còn tình nguyện mặc áo trắng, cầm tay nhau làm cọc tiêu để cho từng đoàn xe đi được an toàn. Sống trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt ấy các chị vẫn hết sức lạc quan, yêu đời, bám trụ“ Tiếng hát át tiếng bom” và cất lên những bài hát tự hào về quê hương đất nước, Trong thư gửi mẹ ngày 19/7/1968, chị Võ Thị Tần,Tiểu đội trưởng Tiểu đội Thanh niên xung phong đã viết:

“Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện, bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới.”

Và rồi, như một tiếng chuông định mệnh… 16h30 phút ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 của các chị được điềuđộng đến trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lấp hố bom, sửa chữa đường nhanh chóng cho đoàn xe chở hàng vào tiền tuyến. Đang lúc triển khai nhiệm vụ thì một lũ “quạ đen” (máy bay) Mỹ xuất hiện. Chúng gầm rú trên bầu trời rồi hối hả dội những quả bom đen chũi xuống tuyến đường. Đây là loạt bom thứ 15 trong ngày trút xuống Ngã ba Đồng Lộc, trong đó có một quả bom đã phát nổ đúng miệng hầm nơi 10 chị đang trú ẩn và tất cả mười chị đã hy sinh. Riêng chị Hồ Thị Cúc, Tiểu đội Phó bị vùi lấp quá sâu, sang đến ngày thứ ba, đồng đội mới tìm thấy thi thể chị. Thương xót người em, nhà thơ Yến Thanh- cán bộ kỹ thuật Đội N55 cùng có mặt lúc đó đã nén đau thương để viết nên những dòng thơ đầy xúc động:

“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn quây quần đủ mặt

Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh

A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh

Chỉ thiếu mình em

Chín bỏ làm mười răng được...”.

Mười đóa hoa ấy vừa độ mười tám, đôi mươi- cái tuổi đẹp nhất của đời người đã mãi mãi ra đi, mang trong mình biết bao khát vọng, ước mơ, hoài bão.Mười đóa hoa ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, đã kiên cường chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc. Các chị đã trở thành những đóa hoa bất tử.

Chính mảnh đất đầy bom đạn này đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường và đã gắn liền với tên tuổi biết bao anh hùng, liệt sỹ như: Nguyễn Tiến Tuẫn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý…Đặc biệt người nữ Anh hùng La Thị Tám - người con gái của quê hương Can Lộc đã lập nên những chiến công lẫy lừng và trở thành huyền thoại, tạo nguồn cảm hứng cho Nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác ca khúc "Người con gái sông La", gây xúc động cho bao thế hệ người Việt Nam…

“Em, người chiến thắng sức mạnh bạo tàn

Đạp trên cái chết dáng em hiên ngang,

Hỡi người con Xô Viết

Bom thù xới nát đất này từng ngày

Mà em đứng đó tóc xanh tung bay

Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam..."

Có thể nói, Ngã ba Đồng Lộc là địa danh huyền thoại, nơi ghi dấu tội ác chiến tranh và là bản hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam. Để tri ân sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này để bảo vệ con đường huyết mạch trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy… Ngã ba Đồng Lộc đã được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn và Ủy ban nhân dân Tỉnh Hà Tĩnh cũng như của các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước. Giờ đây Ngã ba Đồng Lộc đã và đang được hồi sinh mạnh mẽ, với nhiều quần thể di tích, công trình ý nghĩa, tiêu biểu được đầu tư xây dựng, tôn tạo xứng tầm như: Nhà bia tưởng niệm Thanh niên xung phong toàn quốc; Khu mộ 10 cô gái Thanh niên xung phong; Sa bàn chiến đấu; Nhà bảo tàng;Tháp chuông Đồng Lộc;Cụm tượng đài chiến thắng...cùng nhiều công trình văn hóa tâm linh khác. Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989 và ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm, hàng ngàn người đến với Ngã Ba Đồng Lộc để tri ân các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất ác liệt này. Khu mộ mười cô gái ngã ba Đồng Lộc những bông hoa bất tử ấy hương bồ kết cứ lan tỏa đâu đây như mùi hương tóc của các chị hòa vào núi Hồng, sông La, vào lòng đất mẹ. Bằng những cảm xúc của người con xứ Nghệ, nhà thơ Vương Trọng đã viết:

“Ngày bom vùi tóc tai bết đất

Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được

Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang

Cho mọc dậy vài cây Bồ Kết

Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”./.

None

Anh Tuấn - Duy Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phi tần từng được hoàng đế sủng ái nhất hậu cung, sinh 6 người con nhưng cuối đời chịu cảnh cô quạnh

Phi tần từng được hoàng đế sủng ái nhất hậu cung, sinh 6 người con nhưng cuối đời chịu cảnh cô quạnh

Từng là phi tần được hoàng đế sủng ái nhất chốn hậu cung, người phụ nữ này đã hạ sinh 6 người con, giữ vững địa vị cao quý và sự yêu thương từ nhà vua. Tuy nhiên, cuộc đời không mãi êm đềm, khi về già, bà phải đối mặt với sự cô độc, lẻ loi trong những năm tháng cuối đời khiến bao người cảm thán.