Người bốn lần thay tên đổi họ (Kỳ II)
Được chứng kiến cảnh tượng hãi hùng đó, Juan và Pariô đã không bao giờ dám nghĩ tới cách trốn chạy giản đơn như thế nữa. Nhưng trong thâm tâm hai người không phút nào nguôi ngoai cái ý đồ là phải tìm mọi cơ hội để thoát khỏi hòn đảo địa ngục trần gian này càng sớm càng tốt....
Cứ mỗi tuần một lần, tàu hải quân từ đất liền lại cập vào cầu tàu của đảo để tiếp tế cho nhà tù lương thực, thực phẩm, đồ dùng và thuốc men, đôi khi là cả nước ngọt về mùa khô. Vào những ngày này, các phòng giam lần lượt cắt cử tù nhân tham gia bốc xếp hàng hóa từ tàu lên kho trại giam. Juan và Pariô đã nhiều lần được cử đi làm nhiệm vụ này. Trong những lần khuân vác trong hầm tàu, đi theo những lối đi dích dắc với nhiều khúc rẽ vào các phòng khác nhau của con tàu khổng lồ, hai người bạn đều nảy ra một ý nghĩ, muốn vượt ngục có lẽ tốt nhất là tìm cách trốn lại một nơi nào đó kín đáo trên tàu, đợi cho tới khi tàu trở lại đất liền, như thế là có thể thoát thân.
Minh họa Lê Huy Quang
Nhưng không phải chỉ có hai anh nghĩ tới cách thoát thân đó, mà ngay khi ý nghĩ vẫn còn manh nha trong đầu, thì đã có người thực hiện kế đó rồi. Đấy là một người tù khoảng trên bốn mươi tuổi ở phòng giam số 19. Hôm đó anh ta cùng các bạn tù được lên tàu làm nhiệm vụ khiêng vác quần áo chăn màn để chuẩn bị cung cấp cho các trại giam vào mùa đông sắp tới. Hết giờ làm việc, tù nhân tập hợp trên bờ để kiểm điểm quân số. Khi phát hiện thấy thiếu tù, ngay lập tức tàu nổi còi báo động và cuộc lục soát diễn ra tức thì. Không có nơi nào trên tàu lại không bị lật bới. Phòng ngủ, phòng máy, nhà bếp rồi toilet, bể nước ngọt dự trữ… Nửa giờ tìm kiếm không thấy tăm hơi kẻ đào tẩu. Người nhái lặn xuống biển, ca nô lùng sục trên mặt nước quanh thân tàu cũng không thấy tăm hơi người tù. Cuối cùng chính lũ chó becgie đã lôi được người tù xấu số ra từ bể ướp cá đông lạnh trong hầm tàu. Anh đã lén rút ra một chiếc áo bông và một tấm chăn từ những kiện hàng, cuốn tất cả vào người trước khi chui vào bể đá ướp cá. Anh bới cá thành một cái hố, nằm xuống rồi tự xếp cá ướp đá lên trên người. Con người bất hạnh đó bị lôi lên bờ, và một trận đòn hội chợ của lũ cai tù cùng lũ chó ngao đã diễn ra ngay trên cầu tàu. Chỉ sau mươi phút, lũ người và vật say máu đã biến người tù trở thành một đống da thịt nhầy nhụa bất động.
Được chứng kiến cảnh tượng hãi hùng đó, Juan và Pariô đã không bao giờ dám nghĩ tới cách trốn chạy giản đơn như thế nữa. Nhưng trong thâm tâm hai người không phút nào nguôi ngoai cái ý đồ là phải tìm mọi cơ hội để thoát khỏi hòn đảo địa ngục trần gian này càng sớm càng tốt.
Thế rồi vào một ngày đầu hè năm tù thứ ba của hai người. Tất cả phạm nhân phòng giam số 3 được nhận nhiệm vụ đi khai thác gỗ trong một cánh rừng ven biển ở phía Nam hòn đảo. Từ nhà tù trung tâm tới lâm trường khai thác gỗ đường xa tới mười cây số. Tù nhân được chở trên xe vận tải quân sự, mỗi xe 25 tù, có 4 lính gác mang tiểu liên áp giải. Nhiệm vụ của họ là chặt hạ những cây gỗ đủ tiêu chuẩn, rồi kéo tất cả ra tập kết ven đường đợi xe đến bốc đi.
Trong khoảng hai tiếng đồng hồ đầu giờ buổi sáng, đám cai tù và lính áp giải xem ra vẫn còn cần mẫn với nhiệm vụ. Chúng cắp súng đi lại trong khoảng cự ly giãn cách nhất định để có thể kiểm soát được hoạt động của tất cả đám tù nhân. Nhưng khi mặt trời đã lên cao, nắng chiếu mỗi lúc một gay gắt thì những tên lính canh đầu tiên đã rời vị trí. Rồi ba, rồi bốn… cuối cùng là tất cả lính canh và cai tù đều đã lần lượt bị hút cả về chiếc lều bạt dã chiến, nơi được dựng lên cho chúng nghỉ ngơi và ăn uống, mà trong đó vào lúc này, những cốc bia mát lạnh và những chiếc bánh ngọt thơm phức đang chờ đợi chúng.
Làm việc cách chiếc lều không xa, Juan đã không bỏ sót một động thái nào từ phía bọn lính gác. Trong khi đó không khí làm việc trên lâm trường cũng đã có dấu hiệu chùng xuống. Người thì xin phép toán trưởng cho đi vệ sinh, người xin được uống nước. Từ trong lều bạt đám lính canh đang uống bia cũng tỏ ra dễ dãi không thèm xét nét gì nhiều.
Từ phía bờ biển cách lâm trường gỗ chừng già cây số bỗng vang lên tiếng máy tàu đanh đanh hồi lâu rồi tắt hẳn. Có vẻ như đã có một chiếc tàu đánh cá nào đó vừa cập vào mỏm bờ Nam đảo. Lát sau một tên cai tù và bốn lính canh từ trong lều bước ra ngoài, cả lũ vội vã đi vào khu rừng rậm hướng xuôi ra bờ biển, tất cả đều như có ý phải kịp thời triển khai lực lượng để kiểm tra xem điều gì đang xảy ra với con tàu lạ. Cũng vẫn từ hướng đó, lại tiếp tục vọng về tiếng máy tàu nổ giòn, nghe như tiếng máy của ca nô tuần tiễu. Ngay sau đó tiếng máy cũng tắt lịm. Cứ nghe như thế cũng có thể phỏng đoán ra được những sự việc đang diễn ra dưới kia. Một con tàu đánh cá khả nghi chở một lô hàng quốc cấm chạy gần bờ đảo. Chiếc ca nô tuần tiễu phát hiện và đuổi theo bắt tàu dừng lại để kiểm tra. Rượt đuổi đến mỏm Nam đảo chiếc ca nô mới tiếp cận được con tàu…
Sau khi năm tên coi tù đầu tiên đã lẩn vào rừng thì không đầy mười phút sau, bốn tên trong lều lại bước ra và đều tản hết vào rừng theo bước những tên đi trước. Có chuyện rồi! Rõ ràng là bọn này đã nhận được tín hiệu nên mới vội vã triển khai đội hình tiếp ứng lực lượng. Như vậy trong lều chỉ còn lại có ba tên. Đúng vậy! Một lúc sau Juan Gômes thấy cả ba tên cuối cùng đều đồng loạt bước ra, tên nào cũng lăm lăm tiểu liên nhớn nhác đi lại trước lều, nhưng cặp mắt thì tất cả đều hướng về phía bờ biển. Hồi lâu có vẻ như không thể đợi được nữa, cả ba tên đồng loạt khoác tiểu liên lên vai, thoăn thoắt nhảy vào rừng đi theo hướng đồng bọn. Gômes dự đoán là đang diễn ra một chuyện gì đó rất nghiêm trọng dưới ấy, nếu không làm sao bọn lính canh lại dám đồng loạt bỏ nhiệm vụ coi tù thế này? Tự nhiên anh linh cảm như có một điều gì đó tốt đẹp đang đợi chờ phía trước. Một thoáng suy nghĩ lướt qua, Juan nháy mắt ra hiệu cho Pariô, thế là hai người kẻ trước người sau cùng xin phép toán trưởng vào rừng đi vệ sinh. Hai người lom khom chạy về hướng biển, đến một bờ dốc sườn đồi không có cây rừng che phủ, một góc bờ biển bỗng hiện ra mồn một trước tầm mắt họ. Hai người nấp sau một bụi cây để dễ quan sát. Dưới kia, trên ghềnh đá ven biển có một chiếc tàu chở khách loại trung đang neo đậu. Trên boong tàu đã thấy lố nhố những cô gái mặc áo tắm hai mảnh. Từng cô, từng cô chạy ào ra ôm chầm từng tên lính mới tới, sau đó từng cặp lại bồng bế nhau đi vào trong lòng tàu. Thì ra cái vụ việc phỏng đoán là nghiêm trọng xảy ra khiến cả tiểu đội lính cai tù bỏ hết nhiệm vụ là thế này đây! Không biết từ khi nào người ta đã nghĩ ra cái cách cung cấp gái điếm lưu động giữa đại dương, tiện lợi và tinh vi đến thế này? Gômes quay sang nói nhỏ với bạn:
- Bây giờ tù nhân trên đảo có nổi dậy cướp nhà tù, chắc rằng bọn này cũng chẳng thèm quan tâm làm gì cho mệt!
Cách con tàu chở khách chừng một trăm mét là chiếc ca nô tuần tiễu đang neo đậu bên bờ. Trên ca nô lúc này có một người đang ngồi đọc báo. Có thể đây là người lính lái chở bọn lính tuần tiễu đến đây đang đợi đến lượt mình lên gặp các cô gái ở vòng sau cũng nên.
Từ chỗ hai người quan sát tới chiếc ca nô, đường dài cũng chỉ vài trăm mét được cây rừng phủ kín. Địa hình như thế là rất thuận lợi một khi cần tiếp cận chiếc ca nô mà không lo người trên tàu phát hiện từ xa. Thế là một kế hoạch cướp tàu vượt ngục được Gômes phác họa rất nhanh trong đầu. Theo kế hoạch đó anh sẽ đi trước mở đường cách Pariô khoảng dăm chục mét. Hai người sẽ cảnh giới trước sau cho nhau. Người đi trước nếu thấy phía trước có động tĩnh sẽ ném về phía sau một hòn sỏi nhỏ để người đi sau biết mà phòng bị. Ngược lại, người đi sau nếu thấy bất ổn cũng ném về phía trước một hòn sỏi ám hiệu. Theo cách vận động đó, Juan sẽ bí mật áp sát chiếc ca nô, rồi bất ngờ leo lên đánh gục tên lính lái. Trong thời gian đó, Pariô cũng vừa hay tiếp cận tới nơi, hai người sẽ bất ngờ nổ máy chạy thoát ra biển.
Pariô Côntađo quàng lên cổ Gômes sợi dây chuyền bạc đeo bức ảnh tròn hình bố mẹ và hai anh em Pariô - Magrita dặn rằng, nếu trốn thoát trở về thì hãy tìm đến với họ. Hai người bạn tri kỷ ôm ghì lấy nhau, họ muốn truyền cho nhau sức mạnh chiến đấu trước cuộc thử thách mất còn sắp sửa diễn ra, và cũng không quên chúc nhau cùng thắng lợi trở về với cuộc sống tự do. Nhanh nhẹn và dũng mãnh như một con báo Puma, Gômes lom khom lao về phía trước. Một lúc sau Pariô cũng tiến lên theo hút bước chân người bạn muôn vàn yêu thương.
Đi được chừng nửa đoạn đường, Pariô bỗng nghe thấy tiếng người nói chuyện lao xao phía trước. Khi anh nhận ra đó là hai tên lính đang đi ngược về hướng mình, anh đã kịp nằm xuống và nấp vào một bụi cây rậm rạp. Hai tên lính không bước tiếp mà đột nhiên dừng lại rồi cùng ngồi xuống bên một gốc cây lớn. Chúng châm thuốc hút và tán gẫu với nhau. Tên thứ nhất nói:
- Cái lão trung úy Pablô mới thật đáng ghét! Khi tao đã bước được lên đến boong tàu, và con bé mặc silip đỏ đẹp như nàng tiên đang chạy về phía tao, thì lão ta quát tháo đuổi tao quay về lâm trường ngay lập tức. Lão bảo mấy thằng tụi mình là ra sân đấu hiệp hai, đã phân công rõ ràng thế rồi sao mò lên đây sớm làm gì? Lão còn dọa, nếu tù mà trốn thì cho hết tụi mình ra tòa án binh!
Tên thứ hai:
- Lên chơi gái chứ còn lên làm cái con mẹ gì nữa. Thằng già hỏi câu đó sao thấy ngu quá chừng. Lại còn đem chuyện tù trốn ra dọa, cái đó lại còn ngu gấp đôi. Ở đây biển rộng bốn bề, dân cư không có một mống, thử hỏi trốn cái nỗi gì. Tù có thả cho trốn hôm trước chắc hôm sau chúng lại xin quay về trại. Rừng xanh núi đỏ làm gì có bánh mì mọt và cá muối thối cho chúng sống qua ngày. Bởi vậy tao với mày không phải quay về lâm trường làm gì cho mệt xác. Cứ yên trí ngồi đây đợi đến lượt là có thể nhảy vào chiến đấu được ngay.
Lúc này Pariô đang bị rơi vào một tình thế nguy hiểm. Mặc dù cây rừng ở đây rậm rạp um tùm nhưng khoảng cách giữa anh và hai tên lính là quá gần, chỉ cần anh bò về bất cứ hướng nào cũng đều có thể bị chúng phát hiện. Anh chỉ còn biết nép mình trong bụi cây nghĩ kế. Thời gian thì cứ lặng lẽ trôi. Đến lúc này, nếu không gặp trở ngại nào thì ở dưới kia Gômes đã có thể tiến sát tới chiếc ca nô tuần tiễu. Lại một khoảng thời gian nặng trĩu đè nặng lên người anh. Bỗng từ dưới biển vọng lên những tiếng hò hét ầm ĩ. Lộ mất rồi! Trong giây lát Pariô nghĩ tới cái chết bi thảm của bạn mình. Anh bất giác thở dài và đưa tay lên làm dấu thánh giá. Nhưng ngay lúc đó lại vang lên tiếng máy nổ giòn giã, tiếp theo là tiếng gầm rú như thể chiếc ca nô đang bay trên mặt nước. Pariô lại liên tiếp làm dấu thánh giá và cầu nguyện cho Juan Macxêlô Gômes. Lúc này hàng loạt tiếng súng tiểu liên nổ chát chúa vọng lên. Tiếng ca nô vẫn rền vang và nhỏ dần, nhỏ dần phía biển xa. Hai tên lính ngồi gần chỗ Pariô choàng đứng dậy, cùng lên đạn và cứ thế vừa chạy về hướng biển vừa bắn như vãi đạn lên trời. Nhanh như cắt, Pariô vùng dậy chạy một mạch về lâm trường. Anh biết sẽ chẳng có trở ngại nào trên đường về, bởi tất cả bọn lính gác và cai tù vào lúc này đều đang ở dưới biển.
Một tuần lễ sau, tù nhân trong toàn trại nhận được cáo thị là Juan Macxêlô Gômes đã bị tuyên án tử hình vắng mặt. Pariô nghĩ thầm, như thế là Juan vẫn còn sống và đang nằm ngoài vòng kiểm soát của pháp luật. Nhưng rồi một nỗi lo lắng bao trùm lên suy nghĩ của anh, liệu rằng với chiếc ca nô mỏng manh đó, Juan có thể vượt qua hàng trăm hải lý sóng gió đại dương trở về đất liền?
Chế độ cai quản nhà tù trên hòn đảo không tên là vô cùng hà khắc. Tù nhân hoàn toàn không được nhận thư từ và đồ tiếp tế trong suốt thời gian thụ án. Bởi vậy mà trong hơn hai năm tiếp theo sống trong tù, Pariô Côntađo không biết thêm một chút tin tức nào về Gômes cả. Cho đến khi mãn hạn 5 năm trở về với gia đình anh mới hay tin, Gômes lúc trốn thoát đã tìm ngay tới đây. Cha mẹ Pariô bí mật đưa Gômes về sống trong trang trại của gia đình một người bạn ở ngoại ô thành phố Cônxepxiông. Tại đây Gômes đã được gặp lại bố mẹ đẻ và anh em ruột của mình. Cũng chính tại nơi đây anh được gặp Magrita, cô em gái xinh đẹp người đồng chí của mình và rồi tình yêu giữa hai người đã nảy nở. Được bố mẹ người yêu giúp đỡ, Gômes đã có được tấm hộ chiếu dưới cái tên Sanvađo Lagôs, cái tên mà anh mong muốn được mang để tưởng nhớ tới vị Tổng thống kính yêu Sanvađo Agienđê. Hơn hai tháng sau anh đã bí mật lên đường sang sống ở thành phố Lima, thủ đô nước láng giềng Pê ru. Một thời gian sau Magrita cũng theo sang đây. Hai người đã làm lễ thành hôn. Sống ở đấy một thời gian ngắn họ lại tìm đường sang cư trú tại Hà Lan. Họ bắt đầu cuộc sống mới bằng nghề kinh doanh tại thành phố Denhag tươi đẹp và bình yên.
Như thế là mọi việc đều kết thúc một cách mỹ mãn!
Nghe được câu chuyện đầy cảm động và cái kết có hậu của bạn mình, Pariô tạm biệt bố mẹ và gia đình lên đường sang Hà Lan. Khỏi phải nói là họ mừng vui, xúc động đến nhường nào khi gặp lại nhau. Thế rồi trong những ngày lưu lại Hà Lan, Pariô đã được ông em rể kể lại cho nghe phần tiếp theo của câu chuyện vượt ngục giữa đại dương ba năm về trước.
*
Sau khi Gômes leo lên ca nô bất ngờ đánh gục người lính lái, anh đã cố gắng chờ đợi Pariô, nhưng đợi mãi cũng không thấy. Cho tới khi một tên lính trên tàu khách phát hiện trên ca nô thấp thoáng bóng người mặc áo tù mới kêu ầm lên. Gômes biết là không thể chờ đợi lâu hơn, anh quay lại nhìn cánh rừng nơi đang che giấu Pariô mà lòng đau như cắt. Anh gật đầu lần chót như muốn vĩnh biệt người bạn thân yêu, rồi rồ máy cho con thuyền lao vọt lên không. Anh điều khiển cho ca nô chạy theo đường dích dắc để tránh những làn đạn bắn đuổi từ phía sau. Chiếc ca nô tuần tiễu cao tốc có tốc độ 40 hải lý mỗi giờ xé nước lao thẳng ra hướng đại dương, chớp mắt đã bỏ lại tất cả ở phía sau. Gômes nhẩm tính, chỉ cần phóng ra tới hải phận quốc tế thì cơ hội thoát thân đã có thể cầm chắc trong tay. Anh yên trí cho rằng sẽ không có phương tiện nào của nhà tù lại có thể đuổi kịp anh vào lúc này. Trên đảo không có máy bay trực thăng, còn ca nô tuần tiễu, nếu chúng có nhận được tin tù trốn và khởi hành từ cầu tàu trung tâm, thì coi như đã xuất phát sau anh tới nửa giờ, sức mấy mà đuổi cho kịp! Mối lo lớn nhất của anh lúc này lại là lượng xăng chứa trong bình máy. Đồng hồ đo xăng cho thấy ca nô cũng chỉ có thể chạy được trên dưới bảy chục hải lý nữa là cùng. Nếu vậy thì khả năng bị bắt trở lại là rất dễ xảy ra. Trong suy nghĩ của mình, Gômes đã phác họa ra một số tình huống có thể xảy ra, kèm theo đó là những cách xử lý cho từng tình huống một.
Chạy được chừng ba chục hải lý, Gômes cho dừng ca nô lại giữa biển. Người lính lái vẫn nằm bất động giữa lòng ca nô. Tiếng thở khò khè của anh đã dài và sâu hơn. Như thế là đạt yêu cầu. Đòn tấn công của anh không làm cho đối phương tắc thở, nhưng chí ít cũng phải năm, sáu tiếng sau anh ta mới có thể tỉnh lại hoàn toàn. Gômes nhanh nhẹn cởi bỏ bộ quần áo tù của mình, thay vào đó anh mặc lên người bộ quân phục của người lính, rồi lấy tấm bạt phủ máy đắp lên người anh ta. Gômes kiểm tra ví da thì thấy có đủ giấy tờ tùy thân và thẻ quân tịch cùng với một số tiền kha khá. Ngoài ra anh ta còn đeo trên tay một chiếc đồng hồ mạ vàng rất đẹp. Gômes nghĩ bụng, hãy cứ mượn tạm tất cả những thứ đó, vì chúng đều hết sức cần thiết cho anh trong hoàn cảnh trốn chạy hiện nay. Sau này ơn chúa, nếu được sống sót trở về, anh sẽ tìm cách đền đáp hậu hĩnh cho người lính không may mắn này. Và anh đã bất giác chạnh lòng khi nghĩ rằng, từ giờ phút này mình đã trở thành hạ sĩ Ôginô Bêlavista!
Trên chặng đường tiếp tục tháo chạy ra hướng đại dương, thỉnh thoảng Gômes lai bắt gặp một vài hòn đảo nhỏ, đa phần là những đảo đá hoặc đảo san hô hoang vu, là nơi trú ngụ của các loài chim biển. Cũng có lần ca nô lướt ngang một hòn đảo lớn phủ kín cây rừng, nhưng không thấy dấu hiệu có người sinh sống nên anh lại cho ca nô lướt qua. Tiếp tục cuộc hành trình, anh luôn lấy mặt trời phía sau lưng làm chuẩn để cứ thế cho ca nô lao lên phía trước với vận tốc tối đa. Rồi từ phía đường chân trời trước mặt, đã hiện rõ dần một hòn đảo mờ xa kéo dài như một dải đất liền. Càng đến gần anh càng phát hiện rõ hơn nhiều dấu hiệu cho thấy, đây là một hòn đảo có nhiều người sinh sống. Có nhiều lý do khiến anh quyết định phải ghé vào hòn đảo này. Xăng trong bình đã sắp cạn, hy vọng trên đảo thế nào anh cũng tìm mua được xăng dầu. Nếu tình thế bắt buộc tiếp tục cuộc trốn chạy thì cũng cần phải mua đồ ăn thức uống dự trữ trong những ngày tiếp theo.
(Còn nữa)
"Nó buông chiếc cặp lồng rơi từ trên tay lúc nào không hay, những hạt cơm còn nóng hổi lăn lóc trên nền đất. Năm miếng...
Bình luận