Người kể chuyện toàn tri trong loại hình tự sự văn học dân tộc Thái

Người kể chuyện toàn tri thường xuất hiện ở ngôi kể thứ ba. Người kể chuyện này tuy không tham gia vào câu chuyện nhưng lại biết hết mọi chuyện liên quan đến câu chuyện mình kể.

1. Đặt vấn đề

Trong tác phẩm tự sự, người kể chuyện là một loại nhân vật đặc biệt, đồng thời là một thành tố quan trọng. Không có người kể chuyện thì không có trần thuật. Đánh giá về vai trò của người kể chuyện, Timofiev khẳng định: “Hình tượng này có tầm quan trọng hết sức to lớn trong việc xây dựng tác phẩm bởi các quan niệm, các biến cố xảy ra, cách đánh giá các nhân vật và các biến cố đều xuất phát từ cá nhân người kể chuyện” [11, tr. 44].

Khái niệm về người kể chuyện và các phạm trù liên quan đến nó đã được nhiều nhà lí luận trong và ngoài nước quan tâm đề cập một cách toàn diện và có hệ thống. Quan tâm đến người kể chuyện với vai trò là người tường thuật lại câu chuyện, các nhà lí luận phương Tây như W.Kayser, R.Bathes, Todorov,… đều khẳng định có sự khác biệt và khoảng cách giữa tác giả thực với người kể chuyện [6, tr. 244-245]. Ở Việt Nam, khái niệm người kể chuyện cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm đề cập và bàn bạc trong nhiều công trình (xem [1, tr. 360], [2, tr. 221], [3, tr. 215], …)

Nhìn chung, mỗi định nghĩa nhấn mạnh khái niệm người kể chuyện ở một phương diện khác nhau, nhưng tựu trung lại, chúng ta có thể khái quát được những đặc điểm cơ bản sau về người kể chuyện trong tác phẩm tự sự: (1) Người kể chuyện là một dạng hình tượng do tác giả hư cấu, sáng tạo nên, là người đại diện phát ngôn cho tác giả trong tác phẩm tự sự; (2) Trong phạm vi tác phẩm, người kể chuyện là chủ thể của lời kể, là người đứng ra kể chuyện và là nhân tố trung tâm chi phối việc tổ chức, kết cấu cấu trúc của văn bản tự sự; (3) Người kể chuyện giữ vai trò trung giới giữa tác giả, tác phẩm và người đọc.

Người kể chuyện toàn tri thường xuất hiện ở ngôi kể thứ ba. Người kể chuyện này tuy không tham gia vào câu chuyện nhưng lại biết hết mọi chuyện liên quan đến câu chuyện mình kể. “Ngôi thứ 3 cho phép người kể có thể kể tất cả những gì có ở trên đời, kể cả những bí mật trong tâm hồn kẻ khác, những thế giới xa lạ, chưa có dấu chân con người hoặc những miền mà về nguyên tắc, người kể không thể biết. Đây là ngôi kể tự do nhất” [10, tr. 103].

Điều này có nghĩa là, những câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba với điểm nhìn “biết tuốt” và thái độ khách quan cho phép người kể chuyện phát huy tối đa sự can thiệp của mình đối với thế giới hình tượng. Những chi tiết, tình huống, diễn biến, hành động của nhân vật… trong truyện kể được tái hiện lại thông qua vai trò định hướng toàn năng của người kể chuyện. Anh ta vừa giới thiệu, giải thích, thuyết minh, miêu tả nhân vật, cảnh vật, vừa bàn luận, phân tích, đánh giá mọi vấn đề trong tác phẩm. Sự chi phối đó đem đến một trường nhìn phổ rộng, bao quát cho toàn bộ tác phẩm.

Nhờ vậy, phương thức kể chuyện này có thế mạnh trong việc khái quát hiện thực, bao gồm cả hiện thực lịch sử và hiện thực đời sống. Về cơ bản, đây là kiểu người kể chuyện phổ biến trong loại hình tự sự dân gian dân tộc Thái, chiếm 23/23 truyện được khảo sát.

Trên cơ sở kế thừa cách phân loại của nhà lí luận Friedman, tác giả Phương Lựu đề xuất chia kiểu người kể chuyện này thành năm tiểu loại: kiểu biên tập, kiểu trung lập, kiểu có chọn lựa, kiểu với nhiều chọn lựa và kiểu như kịch. Cách phân loại trên tỏ ra khá phức tạp song khi soi chiếu vào loại hình tự sự văn học dân tộc Thái, chúng tôi thấy sự có mặt khá đầy đủ của các hình thức kể chuyện trên. Đó là người kể chuyện toàn tri kiểu biên tập, người kể chuyện toàn tri kiểu trung lập và người kể chuyện toàn tri biết hết với nhiều sự chọn lựa.

Người kể chuyện toàn tri trong loại hình tự sự văn học dân tộc Thái - 1Ảnh minh hoạ

2. Các kiểu người kể chuyện toàn tri trong loại hình tự sự văn học dân tộc Thái

2.1. Người kể chuyện toàn tri kiểu biên tập

Người kể chuyện toàn tri kiểu biên tập là kiểu người kể chuyện “đứng hẳn bên ngoài, toàn trí, toàn năng, không ngừng can thiệp vào câu chuyện” [9, phần hai, tr. 192], như L.Tonstoi trong Chiến tranh và hòa bình. Trong sử thi Chương Han và Khủn Chưởng của dân tộc Thái, sự can thiệp này được bộc lộ khá rõ nét. Người kể chuyện tỏ rõ sự am hiểu của mình đối với nhân vật trên mọi phương diện: lai lịch, nguồn gốc xuất thân, suy nghĩ, hành động cho đến những diễn biến khác liên quan đến cuộc đời.

Thái độ đánh giá của người kể chuyện tuy không thể hiện trực diện qua lời văn song lại được bộc lộ rất rõ qua cách lựa chọn ngôn từ và chi tiết. Ngôn ngữ miêu tả và kể chuyện của sử thi Thái là ngôn ngữ vừa đậm chất trữ tình vừa trang trọng và mang giọng điệu ngợi ca rõ nét. Trong tác phẩm, các chi tiết được các tác giả dân gian lựa chọn để miêu tả ngoại hình nhân vật, những sự kiện liên quan đến những cuộc chiến tranh, sự kiện Chương và Chưởng chiến thắng các Then trên cõi trời linh thiêng rồi làm chủ cả một cõi trời rộng lớn đều nhằm mục đích khẳng định, tôn vinh người anh hùng dân tộc.

Với điểm nhìn biết tuốt, người kể chuyện không chỉ bao quát các sự kiện, thể hiện những mối xung đột liên quan đến cả cộng đồng trong một thế hệ mà còn liên quan đến nhiều thế hệ. Không gian trần thuật cũng không chỉ bó hẹp trong phạm vi một hay một vài vùng địa lí cụ thể, có thực mà còn mở rộng ngoài phạm vi hiểu biết thông thường của con người, đó là cõi trời.

Trong câu chuyện, người anh hùng sử thi không chỉ sống cuộc đời thực từ khi còn là một đứa trẻ đến khi trưởng thành rồi mất đi mà còn sống cuộc đời phi thực và trở thành thần linh bất tử. Suốt quá trình đó, tất cả các sự kiện liên quan đến cuộc đời của nhân vật chính trong truyện đều là những sự kiện hoặc phi thường hoặc phi thực.

Trong thực tế, chúng ta chưa tìm được cứ liệu lịch sử tin cậy nào để chứng tỏ Chương hay Chưởng là những nhân vật có thật, song trong các câu chuyện kể, họ lại được xây dựng thành hình tượng nhân vật anh hùng phi thường, xuất chúng. Rõ ràng, trong những trường hợp này, người kể chuyện đã tỏ rõ quyền năng của mình khi can thiệp, chi phối sâu vào câu chuyện và cuộc đời nhân vật, đồng thời cũng khiến người ta yên tâm về một lối bịa chuyện đáng tin. Phương thức trần thuật này, một mặt, thể hiện khả năng sáng tạo dồi dào của các tác giả dân gian, mặt khác, giúp tăng khả năng hàm chứa và truyền tải thông điệp nhân sinh của câu chuyện.

Người kể chuyện toàn tri trong loại hình tự sự văn học dân tộc Thái - 2Người kể vừa là người truyền đạt, vừa diễn xướng tác phẩm, vừa là đồng tác giả, vừa là người tham gia sáng tạo lại.

2.2. Người kể chuyện toàn tri kiểu trung lập

Nếu như người kể chuyện toàn tri kiểu biên tập luôn tìm cách can thiệp vào câu chuyện của mình thì người kể chuyện toàn tri kiểu trung lập lại “hoàn toàn tiềm ẩn” và “không can thiệp vào câu chuyện” [9, tr. 192]. Điều này được thể hiện rõ trong sử thi Táy pú xấc và đa số truyện cổ tích. Bằng sự hiểu biết của mình về lịch sử và truyền thống dân tộc, các tác giả dân gian trong Táy pú xấc đã kể lại, dẫn dắt người đọc qua nhiều đời Tạo, nhiều trận đánh, qua nhiều biến thiên thay đổi của thế sự, của lòng người và những thăng trầm của lịch sử dân tộc để đi đến kết thúc.

Hầu hết tác phẩm là lời kể của người kể chuyện, lời của nhân vật ít, hầu như không được bộc lộ, hoặc nếu có cũng phải qua vai trò trung gian của người kể chuyện. Vì vậy, truyện phần nào giảm đi tính sinh động và tính hấp dẫn. Sự xuất hiện của các nhân vật và sự kiện trong truyện được sắp xếp theo trình tự thời gian. Người kể chuyện lần lượt thuật lại diễn biến các sự kiện mà hầu như không tham gia bình luận.

Cũng cần phải bàn thêm rằng, trên phương diện chung, những câu chuyện sử thi hay các tác phẩm tự sự dân tộc Thái đều có đời sống giống như bất cứ một tác phẩm hay thể loại văn học dân gian nào của các dân tộc anh em khác. Chúng ra đời, lưu truyền và sống trong đời sống thực, tồn tại trong đời sống cộng đồng qua lời kể truyền miệng vào những dịp lễ tết, hội hè hay trong những câu chuyện tâm tình bên bếp lửa, nơi sàn Hạn khuống…

Song trên thực tế, người Thái sớm đã có chữ viết riêng của mình. Bởi vậy, họ cũng đã sớm có ý thức ghi lại và gìn giữ những di sản văn hóa tinh thần của dân tộc, trong đó có các tác phẩm văn học cổ. Nhiều tác phẩm văn học dân gian dân tộc Thái được công bố, giới thiệu đến độc giả cả nước đều trên cơ sở so sánh, đối chiếu giữa các bản chép của các địa phương hoặc các dòng họ hay cá nhân khác nhau. Trong cộng đồng người Thái, những công việc lưu giữ đó thường được giao cho các mo bản, mo mường hoặc những người biết chữ có am hiểu sâu rộng về lịch sử và văn hóa dân tộc thực hiện.

Điều này khiến các tác phẩm tự sự dân gian Thái, một mặt, đã có ít nhiều sự can thiệp mang tính chất cá nhân - tác giả vào các tác phẩm, mặt khác, đảm bảo tính tin cậy và sức thuyết phục về những câu chuyện kể, đặc biệt là ở thể loại sử thi. Bởi vậy, trong Táy pú xấc, chúng ta có thể thấy rõ sự đậm đặc của các sự kiện, chi tiết lịch sử trong một tác phẩm văn học cổ. Người kể chuyện ngôi thứ ba - vô nhân xưng nhưng toàn tri trong tác phẩm mang vai trò kết hợp của một người kể chuyện “truyền thống” và người kể chuyện“sử quan”.

Người kể chuyện “truyền thống” “bao giờ cũng kể về các sự kiện của quá khứ và chính truyền thống mang lại cho bản thân nó sức mạnh”. Anh ta chính là cái “kho lưu giữ truyền thống, thực hiện chức năng tiêu khiển, đồng thời cũng là nhà viết sử” [9, phần 2, tr. 139]. Người kể chuyện “sử quan” “có mối liên hệ mật thiết với người đọc với tư cách là người được kí thác sự thật, một người điều tra và sắp xếp không biết mệt mỏi, một vị quan tòa đúng mực và công bằng”.

Trong Táy pú xấc, thời gian tuy không được thể hiện bằng các con số cụ thể song được tính bằng mốc của các đời Tạo. Đó là các đời Tạo được ghi nhận trong lịch sử dân tộc Thái. Trong thời gian cầm quyền, các đời Tạo đều tiến hành các nhiệm vụ như: xây dựng, phát triển, củng cố bản mường, tiến hành chiến tranh chống thù trong, giặc ngoài, mở rộng địa bàn cư trú của người Thái, đảm bảo mối quan hệ hữu hảo của cộng đồng Thái với các dân tộc khác,…

Ở mỗi đời Tạo, tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của dân tộc mà những nhiệm vụ trên được ưu tiên giải quyết theo mức độ khác nhau. Người kể chuyện chỉ có vai trò kể lại mọi việc như nó vốn có mà không có sự can thiệp chủ quan hay sắp xếp lại lịch sử. Tác phẩm không phải là lịch sử, song với nhu cầu tái hiện lại lịch sử, dựng lại một bức tranh khái quát, toàn cảnh về lịch sử, truyền thống dân tộc qua hàng ngàn năm xây dựng, phát triển và mở rộng bản mường, các chi tiết chân thực về lịch sử đã được các tác giả dân gian ghi lại một cách trung thực. Ở đây, quyền năng của người kể chuyện ngôi thứ ba đã đưa đến một kiểu người kể chuyện đáng tin cậy.

Người kể chuyện toàn tri trong loại hình tự sự văn học dân tộc Thái - 3Người kể chuyện toàn tri là kiểu người kể chuyện phổ biến của loại hình tự sự dân gian dân tộc Thái.

2.3. Người kể chuyện biết hết với nhiều sự chọn lựa

Những vấn đề được quan tâm trong truyện thơ và nhiều tác phẩm tự sự hiện đại thể tài thế sự, đời tư như Mối tình Mường Sinh (Vương Trung), Bỏ đất mà đi, Phong lan nở trái mùa, Bốc vía, Lũ núi (Kha Thị Thường), Xuống núi (Vi Hợi), Sói mặt người (Cầm Hùng),... là những vấn đề thực tiễn của đời thường, các quan hệ thế sự và đời sống riêng tư với đủ các cung bậc, chiều kích. Con người không phải lúc nào cũng là một thực thể “được biết trước” mà là một thực thể ẩn chứa nhiều bí mật, chứa đựng nhiều suy nghĩ, nhiều trạng thái tâm lí, tình cảm hết sức phong phú và phức tạp. Nó khác với những câu chuyện thuộc về quá khứ, thuộc về truyền thống như trong các câu chuyện của sử thi.

Bởi vậy, vai trò chi phối độc tôn của người kể chuyện toàn tri đối với thế giới hình tượng trong tác phẩm tỏ ra không hoàn toàn phù hợp. Anh ta không thể lúc nào cũng đứng trên nhân vật với khả năng thấu suốt mọi suy nghĩ, hành động của các nhân vật trong truyện mà cần có sự biến đổi linh hoạt hơn. Trên thực tế, nhiều tác phẩm về cơ bản vẫn được kể bởi người kể chuyện toàn tri, nhưng đã có sự biến đổi linh hoạt cần thiết. Sự biến đổi linh hoạt đó tạo ra kiểu người kể chuyện biết hết với nhiều sự chọn lựa.

Kiểu người kể chuyện toàn tri này, một mặt, vẫn luôn biết tuốt mọi việc, song đôi khi “có dựa vào quan điểm của một nhân vật để tạo góc nhìn bên trong” [9, phần 2, tr. 192]. Anh ta, một mặt cố tách mình ra khỏi diễn biến câu chuyện, nhưng mặt khác, khi cần thiết lại hòa mình với nhân vật để khám phá thế giới nội tâm của nhân vật.

Ở trường hợp này, lời tác giả và lời nhân vật trùng nhau, khó phân biệt rạch ròi, bởi cách nói cũng đặc trưng cho nhân vật đó. Hình thức kể chuyện như thế làm cho người đọc cùng hòa mình với những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật. Cũng có khi người kể tự ý rút lui cho nhân vật tự tìm đến với độc giả, để nhân vật tự bộc lộ thế giới nội tâm của mình tạo điểm nhìn bên trong. Điều này cho phép nhân vật có thể bộc lộ ý thức cá nhân của mình và mang màu sắc cá tính rõ nét hơn.

Chẳng hạn, trong Tiễn dặn người yêu, điểm nhìn được trao cho Em yêu khi cô kể lại những điều quan sát khi về gia cảnh nhà chồng, trao cho Anh yêu khi anh kể lại chuyện anh bị gia đình Em yêu từ chối, gắn với đó là tâm trạng của các nhân vật, là giọng điệu đắng cay, chua xót của nhân vật khi rơi vào tình cảnh éo le. Trong một số trường hợp, tác giả dựa vào quan điểm của một nhân vật nhất định để đánh giá về nhân vật khác. Sự biến hóa linh hoạt của kiểu người kể chuyện toàn tri thông qua nhiều hình thức điểm nhìn đã mang lại cho truyện kể khả năng khái quát hiện thực sâu rộng, tính đa nghĩa và sự đa dạng về giọng điệu trần thuật.

Trong truyện ngắn Sói mặt người của Cầm Hùng, tính cách và bản chất con người Thảu Cương được khắc họa qua sự đánh giá của vợ hắn và cụ Tiêng - người thợ săn già trong bản. Nhờ đó, mỗi nhân vật đều có thể tự nói lên quan điểm, thái độ của mình, đồng thời tạo điều kiện cho các ý thức cùng có quyền phát ngôn, cùng đối thoại. Điều này giúp tăng hiệu quả thẩm mĩ và hiệu quả trần thuật cho các tác phẩm.

3. Kết luận

Có thể thấy, người kể chuyện toàn tri là kiểu người kể chuyện phổ biến của loại hình tự sự dân gian dân tộc Thái. Sở dĩ như vậy là vì, đây là kiểu người kể chuyện phù hợp với tự sự dân gian và được quy định hoặc bị ảnh hưởng bởi tính truyền miệng. Đối với tác phẩm tự sự dân gian, yếu tố cốt yếu là nhân vật và cốt truyện. Hầu hết lời kể trong tác phẩm là lời của người kể chuyện. Anh ta có thể thêm bớt ít nhiều lời kể về nhân vật, sự kiện, biến cố mà không ảnh hưởng đến cốt truyện, từ đó tạo nên tính dị bản của truyện.

Người kể vừa là người truyền đạt, vừa diễn xướng tác phẩm, vừa là đồng tác giả, vừa là người tham gia sáng tạo lại. Chủ thể kể chuyện trong truyện dân gian hầu như không để lại dấu vết nào của riêng mình mà hòa mình vào tập thể. Trên phương diện thể loại, kiểu người kể chuyện biên tập và trung lập là hai tiểu loại đặc trưng cho thể loại sử thi và truyện cổ tích. Trong các tác phẩm, anh ta thường là đại diện cho quan điểm cộng đồng, vì thế nó có thể và cần phải phán truyền chân lý để cho người đọc tin theo và hưởng ứng.

Người kể chuyện thường đứng cao hơn nhân vật và bạn đọc, không bao giờ kể với thái độ do dự hay hoài nghi. Quyền năng này của người kể chuyện khiến câu chuyện được kể mang tính tin cậy cao và giàu tính thuyết phục. Tuy nhiên, lối kể này cũng có hạn chế là mang tính áp đặt cao, thiếu tính đối thoại và phần nào làm giảm tính hấp dẫn của câu chuyện. Kiểu người kể chuyện biết hết với nhiều sự chọn lựa tỏ ra phù hợp và mang lại hiệu quả cao đối với truyện thơ và nhiều tác phẩm tự sự thuộc thể tài thế sự, đời tư.

Tài liệu tham khảo

[1]. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

[2]. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), (2011), Từ điển thuật ngữ văn học (tái bản lần thứ 5), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[3]. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (đồng chủ biên) (2004), Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.

[4]. Vi Hợi (2010), Xuống núi (tập truyện ký), Nxb Nghệ An.

[5]. Cầm Hùng (1998), Cửa hàng dược trong nghĩa trang (tập truyện ngắn), Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

[6]. I.P Ilin và E.A Tzuganova (chủ biên) (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỉ XX (Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

[7]. Quán Vi Miên (chủ biên), (2010), Lai Khủn Chưởng (Truyện Khun Chương), Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

[8]. G.N. Pospelov (chủ biên) (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà dịch), tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[9]. Trần Đình Sử (chủ biên) (2007-2008), Tự sự học (Một số vấn đề lí luận và lịch sử), 2 phần, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[10]. Trần Đình Sử (chủ biên) (2008), Giáo trình Lí luận văn học (Tập 2), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[11]. L.I. Timofeev (1962), Nguyên lý lý luận văn học (bản dịch), Nxb Văn hoá, Hà Nội.

[12]. Kha Thị Thường (2002), Lũ núi  (tập truyện ngắn), Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

[13]. Kha Thị Thường (2008), Chín bậc cầu thang, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

[14]. Vương Trung (sưu tầm, giới thiệu) (2003), Táy pú xấc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

[15]. Vương Trung (1994), Mối tình Mường Sinh (tiểu thuyết), Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

[16]. Vương Trung (sưu tầm, biên dịch, giới thiệu) (2010), Chương Han, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS. Nguyễn Thị Hải Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất