Nguyễn Đức Mậu: Chặng cuối đường thơ còn nghe ai gõ cửa

Tôi tìm thấy trong cuộc đời thường nhật

Những góc khuất đa chiều những mảnh vỡ buồn vui

Có kỉ niệm ngày qua chợt thức

Chút lửa bùng lên từ lớp tro vùi

Bài thơ đầu tiên, hay có thể là lời đề từ cho tập thơ mới nhất của anh - nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, người mà tên tuổi nhiều năm qua đã trở nên quen thuộc với văn đàn và công chúng. Vì quá quen mà thành áp lực. Người ta sẽ dõi theo từng bước đi của Người thơ, xem anh đi tiếp thế nào, có gì mới trong chặng đường sắp tới? Thậm chí, với người đọc kĩ tính hơn, có khi còn nhìn lại cả con đường anh đi xem những gì anh thu lượm được có vững bền với thời gian hay bắt đầu xuất hiện nhiều vết rạn?

Tôi nhặt lấy tiếng rơi xao xác

Mùa thu xa cùng chiếc lá thu tàn

Tôi nhặt được mảnh bình gốm vỡ

Nghe vọng về vết rạn thời gian...

Rất may là Nguyễn Đức Mậu đã sớm dự cảm được điều này, đã tự nhìn lại đường thơ của mình trước khi bước tiếp. Mặc dù giờ đây, khi đã sang tuổi 75, anh đã có thể hoàn toàn viên mãn cả về đời riêng và sự nghiệp, nhưng, như hầu hết những người cầm bút cùng thời, anh vẫn chưa thỏa mãn, vẫn say mê thao thức trước đèn khuya. Và khác với trước đây, anh không chỉ tiếp tục đi và viết mà hình như còn thiên về hướng nội:

Một lối đi khác một cách nhìn khác

Thật nhọc nhằn đáy bể mò kim

Cái mới nhiều khi ngoài tầm với

Chặng đường xa mệt mỏi kiếm tìm

Còn muốn kiếm tìm tức là còn dư sức đó. Đi về phía trước nhưng vẫn luôn nhìn lại phía sau, nhìn lại một thời binh lửa đầy khốc liệt nhưng cũng vô cùng oanh liệt, để tiếp thêm dũng khí cho mình đặng vượt lên chính mình mà đi tới.

Nguyễn Đức Mậu: Chặng cuối đường thơ còn nghe ai gõ cửa - 1

Bìa tập thơ "Có tiếng ai gõ cửa?"

Xuất hiện từ những năm 70 thế kỉ trước, khi mà chàng sinh viên khoa Văn Phạm Tiến Duật tình nguyện lên đường cùng với tiểu đội “xe không kính” để rồi sau đó, ngọn Lửa đèn nhỏ như quả ớt trong tay anh vụt biến thành ngôi sao rực rỡ tỏa sáng trên đỉnh Trường Sơn, Nguyễn Đức Mậu cùng Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm... cũng thắp lên ngọn đuốc sáng bừng soi rõ những Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu ) hành quân trên Đường trong mây (Nguyễn Khải) ra mặt trận. Tiếng thơ của các anh thời bấy giờ, cùng với những ca khúc không thể nào quên của các nhạc sỹ đầy tài năng đã thực sự truyền cảm hứng cho toàn quân toàn dân về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Những năm tháng chiến tranh tàn khốc, bao chàng trai cô gái tuổi hai mươi, với niềm tin trong sáng đến ngây thơ, đã không tiếc thân mình vượt qua “Những cánh rừng không dân, để lại tuổi xuân của mình ở đó” (Phạm Tiến Duật). Và tất cả, tất cả đã được ghi lại trong những trang sử bằng thơ của những người lính cầm bút, những người luôn giấu trong lá ngụy trang một Màu hoa đỏ (Nguyễn Đức Mậu) không bao giờ có thể tàn phai trong muôn trái tim người.

Sẽ lạc đề nếu như kẻ viết bài này cứ tự náo nhiệt với kỉ niệm hào hùng của ngày xưa. Vả chăng những gì đẹp nhất, anh hùng nhất và cũng đau thương nhất đã được gìn giữ trong các tập thơ tinh tuyển của các anh rồi. Riêng Nguyễn Đức Mậu đã có hai tuyển tập gồm thơ và trường ca và cả những bài phê bình xuất sắc của những người yêu thơ anh được in kèm trong đó. Vậy xin dừng tại đây để trở lại với câu chuyện ban đầu, tức là nói về tập thơ mới nhất của anh: Có tiếng ai gõ cửa vừa ra mắt bạn đọc vào cuối năm 2023 này. Rất mới. Mới cả về đề tài, cả về cách nhìn, cách khai triển ý thơ, cho ta một Nguyễn Đức Mậu hoàn toàn mới. Một Nguyễn Đức Mậu già dặn, điềm tĩnh, tự tin, sâu lắng và buồn.

Xin cây một chút khô gầy

Con chim tha nắng về xây tổ mềm

Sợi tơ trời sợi lau êm

Sợi mong sợi nhớ còn thêm sợi sầu...

Tuổi cao thường nhớ về quá khứ, nhất là mỗi khi được tin bạn cũ ra đi, dù cố kìm cho nước mắt chảy vào trong thì nó vẫn tuôn dòng qua những vần thơ thao thiết:

Còn đây số điện thoại

Như con mắt nhìn tôi buốt nhói

Những dáng hình giọng nói

Từ cõi âm sương khói

vọng về... 

Buồn. Nhưng không bi lụy, chỉ bớt đi ảo tưởng. Nhìn con người, sự vật rõ hơn, sâu hơn, để rồi vô tình nghe được cả tâm tư của chú chim đang hót trong lồng: 

Ngày lại ngày

Con sáo đen mỏ vàng

Bị nhốt trong lồng chật

Tiếng hót ngày mưa nghe sũng nước

Tiếng hót buổi trời xanh cũng nặng như chì...

Buồn thay cho chú chim bị nhốt trong lồng, không thể tung cánh giữa khoảng trời tự do mà cất cao tiếng hót. Thơ buồn dễ truyền cảm và hay. Thơ hay giống như bông hồng đẹp, càng đẹp hơn khi nó nằm lọt giữa cả chùm gai tua tủa xù xì, chỉ có thể ngắm nhìn thôi, không hái được. Thơ hay không cần đến lời bình. Đọc lên đã thấy trong từng chữ từng câu ẩn chứa bao tâm trạng, giống như người muốn hái hoa mà không sao với tới.

Và cái tâm trạng ấy cứ đeo đẳng anh trong mỗi bước đi, dù chỉ là đi quanh phố, ngắm nhìn những quầy hoa làm sáng cả một vùng:

Ở cuối phố có hai quầy hoa

một quầy hoa vườn

một quầy hoa nhựa

Mẹ tôi bảo bày mâm ngũ quả

Chớ bày hoa giả chớ ham rẻ tiền

Loại hoa không hương không nở và không héo

Ai nỡ mang thờ cúng tổ tiên

Chỉ mấy câu như là ngẫu hứng thôi đã hiện ra trước mắt ta sự đua chen giữa cái thật và cái giả, không chỉ cần phải tinh mắt, còn phải sáng tâm khi chọn lựa. 

Nhìn thấy cành đào ai chở qua ngõ ngày áp Tết, nhà thơ rất vui. Nhưng ngay cả niềm vui đón xuân về cũng hoàn toàn khác trước, nó không phải là niềm vui của người cầm bông hoa đẹp cắm vào bình mà của chính cái bình được người ta cắm hoa vào đó:

Trái tim ta: chiếc bình gốm cũ

Nằm biếng lười trong lồng ngực cằn khô

Nếu không có màu hoa kia thúc gọi

Chiếc bình ta vô cảm đến bao giờ!

Có tiếng ai gõ cửa? Nào có ai? Không, rõ ràng có tiếng gõ mà. Hay tiếng gõ phát ra từ trong ngực mình đây. Nó đánh thức mình, giúp mình thoát ra khỏi kí ức trở về thực tại, giúp mình nhìn rõ hơn cái mình đang tìm kiếm ở đâu và ở phía nào:

Làm sao gửi được cho nhau

Chút mưa nắng với sắc màu thời gian

Làm sao chất nặng hành trang

Những sông núi với mênh mang đất trời?

Và anh lại lên đường, tìm đến những chân trời mới, những miền đất rất quen mà lạ, ngạc nhiên như mới gặp lần đầu:

Nẻo vào phiên chợ quá chon von

Bóng ngựa nhòa sương tiếng nhạc dồn

Yêu nhau đừng ngại đường lên dốc

Chợ họp lưng trời giữa núi non

Đến với vùng cao phía Bắc. Lại về vùng sông nước phương Nam. Đến đâu cũng gặp những nét đẹp đời thường, bình dị thôi mà khiến lòng xao xuyến:

Ta lội bùn sâu chân sục nước

Rẽ xuồng qua kênh rạch đồng bưng

Nào dừng lại xóm chài lửa thức

Rượu tàn đêm cá nướng thơm lừng

Lại đi, lại đi. Tuổi cao rong ruổi đường dài, mệt mà vui bởi mỗi chuyến đi như thấy hồn trẻ lại.

Nguyễn Đức Mậu: Chặng cuối đường thơ còn nghe ai gõ cửa - 2

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu

Cuộc sống hôm nay đã khác xưa nhiều. Người thơ cũng phải khác đi. Phải hòa nhập với cộng đồng, và anh chợt nhận ra sứ mệnh của thi ca đâu phải tìm những cái vô hồn vô ảnh trong vô vọng mà bỏ qua những niềm vui tưởng chừng nhỏ nhặt trong xô bồ cuộc sống hôm nay. Đến Cà Mau, vào Đà Lạt, ra Phú Quốc, những công trình đang xây dựng, vươn cao bên cạnh vườn quốc gia với những bầy thú tung tăng chạy nhảy, cảm thấy như mình vừa lạc vào một xứ sở hoàn toàn xa lạ như chưa từng thấy bao giờ.

Không phải khu rừng châu Phi châu Úc

Hoa hoàng yến nối dài đỉnh dốc vàng ong

nghe thỉnh tiếng chuông chùa Hộ Quốc

đầm nước rung rinh hoa súng trắng, sen hồng... 

Những câu thơ trẻ trung, tươi mới ra đời sau mỗi chuyến đi cho ta thấy một Nguyễn Đức Mậu hoàn toàn mới. Thật là một tín hiệu đáng mừng. Và bây giờ, thay cho lời kết bài viết này, xin chép ra khổ thơ của chính anh, nhà thơ từng vang bóng một thời nhưng vẫn không thỏa mãn, vẫn gắng gỏi vượt lên chính mình để hóa thân vào một Nguyễn Đức Mậu hoàn toàn khác:

Hãy đào sâu vỉa quặng ngàn đời

Hãy xóa đi lối mòn nhàm chán

những cái úa tàn những gì chai sạn

hằn trong từng nếp nghĩ bạn và tôi...

Nguyễn Thẩm Văn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bài ca thống nhất

Bài ca thống nhất

Trong quá khứ, đấu tranh thống nhất nước nhà đã từng là đề tài lớn của nền văn nghệ nước ta một thời khiến trái tim giới văn nghệ sĩ có nhiều tư duy, trăn trở. Bao bài thơ, bài hát, tập truyện, vở kịch, bộ phim đã in đậm dấu ấn giai đoạn này.