Kiếp trước lão vụng đường tu

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Phan

Kiếp trước lão vụng đường tu - 1

Minh hoạ: Lê Huy Quang

Lần đầu tiên con giai đưa người yêu về nhà ra mắt, thoáng nhìn lão đã không ưng ý. Người mảnh khảnh. Mặt lưỡi cày. Nói chuyện thăm hỏi một lúc rồi chúng nó đi. Lão đứng một mình trong nhà, lắc đầu. Con dâu của lão phải là mẫu người khác kia! Khuôn mặt phúc hậu. Dáng vẻ khỏe mạnh, đảm đang... Đằng này... Mà con giai lão đâu có kém cỏi gì. Đường đường là một phó tiến sỹ toán học tốt nghiệp ở nước ngoài. Hiện đang là cán bộ nghiên cứu ở một viện Trung ương. Vị trí mà nhiều người mơ ước. Lại có nhà riêng ở Hà Nội.

Hôm sau, lão gặp con giai, trao đổi thân tình. Thiếu gì người mà phải lấy con này. Nhà mãi tận Ninh Bình. Mẹ chết vì ung thư vú di căn. Mà nhà mình đã có những éo le rồi, sao không lấy một đứa có hoàn cảnh thuận lợi, gia đình ở Hà Nội, sau này sinh con đẻ cái có chỗ nương tựa, đi lại gần gũi. Lấy vợ là chuyện hệ trọng. Bố mẹ chỉ có mình con… Rồi lão nhấn mạnh cái khiếm khuyết hiển hiện ở ngay khuôn mặt con bé. Trông mặt mà bắt hình dong. Phàm là người phụ nữ mà mặt lưỡi cày thì rất đanh đá, mà con này mặt lưỡi cày trên cả mức bình thường thì chắc là phải biết, nhìn nghiêng mặt nó càng dài và mỏng. Chẳng thế mà sau này, ở đám cỗ cưới, người cháu gọi lão bằng cậu ruột ghé tai lão nói nhỏ” “Sao cô bé này mặt dài quá vậy cậu!”. Còn anh trai lão, sau hôm chúng nó đến chào, lắc đầu bảo: “Tôi không hiểu thằng Kính nhà chú trình độ thế, mà nó lại lấy con này!”.

Lão hẹn con giai dẫn người yêu đến lần nữa. Biết đâu nó có ưu điểm gì chăng, mà lần gặp đầu mình chưa nhận thấy. Nhưng rồi càng nhìn kĩ mặt con dâu tương lai, lão càng thiếu thiện cảm hơn. Tạo hóa bất công quá, để bà mụ nặn cho nó khuôn mặt lưỡi cày đã là điều thiệt thòi rồi, lại thêm cái tật hai cánh mũi bị dập tẹt xuống, dáng vẻ thì yếu ớt… Càng làm lão thêm ngán ngẩm.

Mấy cuộc trao đổi đã diễn ra. Bố với con giai. Mẹ với con giai. Rồi họp cả nhà, phân tích hết tình, hết lý, có thí dụ, có chứng minh. Vậy mà vẫn không lay chuyển được cái lý bảo thủ của người con giai: “Con thấy nó cũng bình thường”- “Hừ! Chưa đến lúc nó dơ ngoe dơ gọng đâu”. Mẹ nó chêm vào: “Đúng như vậy đấy con ạ! Bây giờ còn đang là tình yêu mà”…

Lão biết tính thằng con, đã thích làm gì là làm bằng được, đưa ra mọi lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Có điều, lão không hiểu vì sức hút gì, ma lực nào mà con giai lão vẫn tiếp tục tình yêu với con này. Có tấm bằng cử nhân kế toán và được người bố mua cho căn hộ nhà lắp ghép cũ ở Hà Nội. Không hiểu nó mồi chài thế nào mà con giai lão cứ như bị bùa mê thuốc lú vậy, chắc là nó phải có tài thuyết phục ghê gớm lắm, nếu không, tại sao mấy cô bé khác, cũng có bằng đại học, xinh xắn, nhà ở ngay Hà Nội, săn đón thăm hỏi, mà con giai lão vẫn không màng.

Vợ chồng lão thống nhất cho gọi con bé đến lần nữa, bốn mặt một lời công khai hóa tất cả khó khăn, phức tạp trong gia đình hiện nay, thậm chí còn cường điệu lên và nói toạc móng heo điều mà thông thường người ta phải giữ kín những bất lợi ở phía nhà trai để cho con kia phát chán mà bỏ cuộc. Rằng chúng tôi là những người rất khó tính, nhiều người kêu bà ấy gay gắt. Bà ấy cho rằng tôi còn quá đáng hơn. Rằng con giai chúng tôi bệnh này, tật nọ, tiền sử có cả bệnh hiểm nghèo. Vợ lão còn nói thêm, bây giờ bác có tuổi, cũng yếu lắm rồi… Vợ chồng lão nhìn vào con dâu tương lai, chờ xem nó tỏ thái độ. Im lặng… Con giai lão giục: “Có gì thì em nói đi”. Nó lý nhí nhưng khẳng định, con về con làm hết. Lão nhìn thẳng vào ánh mắt nó rồi nói, nhà này cũng lắm lý sự cùn lắm rồi, thêm nữa chỉ sinh cãi nhau. Con giai lão tủm tỉm cười. Mọi người vẫn tiếp tục im lặng trong dòng suy nghĩ tâm tư riêng. Thế là rõ rồi. Con này cũng “quyết chết”!

Lão tâm sự chuyện nhà với người thân thích. Một người em họ, nhiều tuổi hơn lão, với những kinh nghiệm của người có tới chín đứa con trai, gái: “ Em nghiệm từ gia đình ra ngoài xã hội, nhiều trường hợp rồi, không can được đâu anh ạ, càng can ngăn nó càng yêu”.

Lão vẫn kiên quyết phản đối cuộc hôn nhân này. Lần trao đổi gần nhất, con giai lão phản ứng: “Nếu bố không cho con lấy nó, con sẽ ở vậy”. A ha! Một tình yêu giữa thời tên lửa vượt đại châu và con người đã bay vào vũ trụ mà cứ như một câu chuyện tình trong tiểu thuyết cách nay gần thế kỷ. Chỉ thiếu nước nó dọa sẽ cắt tóc đi tu! Nó lại còn văng ra câu: con lấy vợ cho con chứ! Lão không tưởng tượng nổi, đứa con tuổi ngoài ba mươi lại có thể nói với bố những câu như vậy. Trong trí của lão lại hiện lên khuôn mặt lưỡi cày đanh đá của con người yêu nó. Chắc nó bầy cho con giai lão như vậy đây. Phải chăng, đây chính là miếng lý sự cùn đầu tiên mà nó tung ra, bắt đầu gián tiếp lộ diện…. 

Vợ lão nhỏ to, ông ạ, tôi cũng khuyên bảo nó mãi rồi nhưng chẳng được. Thôi thì, nó lấy được người vợ tốt thì nó hạnh phúc, không thì nó phải chịu. Mình cũng chẳng sống mãi trên đời này. Lão uất lắm! Giời không chịu đất, đất phải chịu giời. Không cho nó lấy con này cũng không xong, mà chấp nhận thì chẳng khác gì để nó rước con yêu tinh về nhà.

Thế rồi hôm lễ ăn hỏi lão không dự. Mặc, muốn làm gì thì làm. Lão không biết. Nghe đâu hai mẹ con nó phối hợp với họ nhà gái thuê chung khách sạn làm đám cưới. Mấy người em họ góp ý: “Thôi anh ạ! Anh chỉ có mỗi mình cháu. Đằng nào thì sự việc cũng như thế rồi. Anh nên dự đám cưới cho cháu nó vui”. Tuy nhiên, hôm đến nhà gái đón dâu, lão chỉ ngồi im lặng, mặc cho người cháu rể phát biểu, dù anh này ghé tai nói nhỏ bảo lão nói mấy câu xin đón dâu, nhưng lão lắc đầu, quyết không nói.

*

Con giai lão sau khi lấy bằng phó tiến sỹ tiếp tục ở lại nước ngoài thêm mấy năm để làm ăn. Kiếm được ít tiền, về nước mua mảnh đất 60m2 gần trung tâm thủ đô, cộng với tiền gia đình cho thêm, xây ngôi nhà ba tầng. Hai mẹ con chuyển đến nơi ở mới. Sau này, nó cưới vợ rồi cũng về ở đó. Riêng lão vẫn ở lại nhà cũ. cách nhau mươi cây số nhưng tiện đường xe buýt nên lão vẫn qua lại thường xuyên. Vậy mà chẳng bao giờ lão nghe con dâu mở miệng thăm hỏi bố chồng. Có lần, lão ngồi ở bàn uống nước, thấy con giai ra bếp đứng bên vợ nhắc nhở, mời ông ở lại ăn cơm, miệng nó vẫn ngậm tăm. 

Dịp sửa nhà lão phải đi ở nhờ, vì ông thông gia có căn hộ ở khu tập thể gần nhà lão, hiện chỉ có mình đứa cháu con bà em vợ ông ấy ở, tức là chị em đôi con dì với con dâu lão. Hơn tháng trời ở chung, một hôm cô này nói: “Từ ngày bác về ở đây, chưa bao giờ cháu thấy anh Kính chị Làn đến thăm bác. Anh Kính đi công tác liên miên, còn chị Làn thì…”. Lão ngập ngừng giây lát rồi vô tư, chép miệng. Chậc! Có thể do quan hệ bố chồng nàng dâu có vấn đề nên con dâu không đến thăm… Cô cháu này nói luôn như khẳng định, cháu thì nghĩ khác, dù có thể nào chăng nữa, nhưng xác định có bố chồng thì mình mới có chồng. Thế nào cháu cũng đến thăm, chồng đi công tác vắng thì cháu càng chăm lo bố mẹ chồng hơn bình thường. 

Chuyện này đến tai con dâu lão, chắc nó bực mình lắm. Một hôm, mẹ chồng nó gọi điện thoại bảo lão, cái Làn nó bảo ông mua khóa mới thay khóa cửa cũ rồi ông giữ cả chìa. Ô hay! Tại sao tự dưng lại phải thay khóa cửa? Nó có hỏng hóc gì đâu. Mà nếu vì lý do nào đó phải thay thì tại sao lại một mình lão quản lý cả bộ chìa mới trong khi hai người cùng đang ở nhờ, mỗi người phải có một chứ? Người kia, tức em con dì ruột nó, đi học về không có chìa khóa để mở cửa vào phòng, sự thể sẽ như thế nào?... sẽ đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng chắc rằng phản ứng đầu tiên là gọi điện thoại về cho mẹ đẻ. Bà ta sẽ phàn nàn với anh rể là không hiểu sao ông thông gia của anh lại tự dưng một mình thay khóa cửa và giữ tất cả chìa. Thế rồi chính lão sẽ là mục tiêu để họ hàng nhà nó chê trách. Ai có thể thanh minh được. Vụ thay khóa cửa nhà ông thông gia sẽ gây nên sự hiểu lầm lớn khi mà em con dì nó không vào được nhà. Và đây chính là điểm để quy tội lão là con người chơi xấu và khó tính mà lâu nay con dâu đã phải chịu đựng. Thế đấy, mưu ma chước quỷ, ném đá giấu tay… Nó bắn một mũi tên trúng hai mục tiêu, vừa đòn được em con dì, vừa tố được bố chồng. Thật là quái! Bạn bè thân thiết nghe chuyện, bảo, nó thù ông đấy, ông không cho con giai ông lấy nó - Thì cuối cùng, tôi vẫn dự đám cưới chúng nó đấy thôi - Thế mới nên chuyện đời.

Mẹ chồng phàn nàn nó luộm thuộm, lười, quần áo phơi hàng tuần không cất, nhắc nhở chuyện vệ sinh nhà cửa thì nó bảo, bà thích sạch thì bà cứ lau. Lúc thì nó cãi con không phải người lười, chẳng qua con phải làm quá nhiều việc. Có gì mà nhiều? Ngày chỉ lo một bữa, cơm thì bà cắm điện rồi, quần áo không phải giặt… Nó vùng vằng: Con biết rồi, chẳng có mẹ chồng nào bằng lòng với nàng dâu cả. Ở cơ quan mọi người cũng nói thế. Con đã cố gắng lắm rồi, hết sức mình đấy!...

Nếu nàng dâu tốt thì mẹ chồng không có quyền không bằng lòng với con dâu của mình. Còn như trường hợp của Làn thì mẹ chồng hiền lành nhất cũng thấy khó chịu… 

Một hôm, có việc phải về quê ít ngày, nên mua sắm nhiều thực phẩm để con cháu ăn dần, ở chợ về, mẹ chồng hồ hởi:

- Làn ơi, các thứ bà mua để sẵn trong tủ đây nhé!

Con dâu cho luôn gáo nước lạnh trước mặt chị người ở:

- Không có bà mọi người vẫn sống! 

Thế mà chỉ vài hôm sau, vừa chuẩn bị đi làm con dâu vừa nói: 

- Bà ơi, hôm nay hai chị em nhà bác sang (ý nói hai con của người anh trai).

- Bà không thể trông được! Hai đứa trẻ nhà này, chị thì viêm phế quản, em thì hôm nay nhà trẻ cho nghỉ. Bà trông hai chị em nhà này rồi nên không đảm đang thêm được đâu. Không thấy con dâu nói gì, mẹ chồng nhắc lại:

- Làn ơi, bà sợ rằng không đảm bảo trông nom được cả bốn đứa trẻ đâu nhé! 

- Con đã gọi cho bác ấy là đừng đưa các cháu sang rồi. 

- Bà có nghe thấy đâu! 

- Đã gọi rồi còn nói gì nữa! - Con dâu sẵng giọng. 

- Ơ! Sao con dâu bây giờ cứ mẹ chồng nói gì là trấn áp luôn?

- Bà ấy à, bà thì có sợ ai, bà chỉ bắt nạt người khác thôi. Bà sống không được ai yêu thương, chẳng được ai giúp đỡ. Còn tôi, tôi sống tốt với mọi người nên được mọi người giúp đỡ. Tôi tự hào là sống được với bà đến hôm nay.

- Nhân cách của con người thể hiện trên cái khuôn mặt của mình ấy!...

Mẹ chồng buông lửng và lúc đó con dâu mới dừng.

*

Mẹ chồng tiếng là nghỉ hưu nhưng suốt ngày luôn chân luôn tay như người ở: giặt giũ, lau nhà, đưa đón cháu đi học, chiều tối tắm rửa cho chúng nó, đi mua thực phẩm, vật dụng, nấu cơm, làm rau, ăn xong bữa tối rửa bát dọn dẹp bếp núc... Đúng như ngày xưa các cụ thường nói “một mẹ già bằng ba con ở”. Con dâu chiều về chỉ làm thêm món ăn mặn. Cơm tối xong, xem tivi hoặc kèm cho con nó học. Hàng xóm phải kêu:

- Việc gì bà phải làm quá vậy? Cứ để con dâu rửa bát, thu dọn xem nào…

Nghe chuyện, con giai vớt vát:

- Thì bà cứ để Làn nó làm.

- Nhưng nó đi qua đi lại thấy bà làm mà nó có nói gì đâu…! Ngay việc bảo chạy máy giặt thì nó nói, không cẩn thận được như bà, sợ hỏng máy. Chẳng qua nó ngại phải dậy sớm. Vậy mà trước đây, nó khẳng định con về con làm hết. 

Trong gia đình mà đối phó như ngoài xã hội. Một hôm đi siêu thị về, thấy đồ chơi bầy ra đầy nhà, liền nhắc nhở hai cháu:

- Bà vừa thu xếp gọn gàng, lại vất bề bộn ra thế này, hư quá!

Đi mấy bước vào phòng trong đã nghe tiếng con dâu ở phòng ngoài:

- Các con chỉ cần nghe mẹ thôi. Mẹ mới là người tốt. Các con không phải nghe ai cả!

Từ khi có con dâu, nhà này có thêm lệ mới, thỉnh thoảng lại họp ba người. Ba bố con hoặc ba mẹ con để chấn chỉnh hoặc giải quyết bất đồng. Lần họp này, có vài chuyện khác thì nó “con xin lỗi bà” còn vụ xúi con vừa rồi thì nó thề là không nói như thế “con mà nói sai thì ra đường con bị xe tông”.

Vợ lão lắc đầu, ông không thể ở với nó được một ngày. Ông nói năng cẩn thận, nó thì gặp đâu nói đó, toàn nói trống không, nói nó cái gì nó cũng cãi, không thì bỏ vào phòng riêng rồi khép cửa lại, không chối được thì đổ tại khách quan, đổ sang người khác. Rồi chuyện dằn dỗi nữa… Hồi chúng nó mới có một con, chẳng hiểu sao một tối cơm nước xong xuôi, nó gấp quần áo cho vào túi du lịch rồi vùng vằng:

- Người ra khỏi nhà này không phải là bà mà là em.

Nó xách túi du lịch ra đến cửa thấy chồng nói:

- Ai cũng như em thì gia đình tan nát.

Nó lại quay lại. 

Dịp thanh minh năm ngoái, lão đưa vợ chồng nó về quê. Ra nghĩa địa thắp hương rồi giảng giải mối quan hệ họ hàng từng người nằm dưới mộ, chỉ con giai lắng nghe, còn con dâu bỏ đi chỗ khác bật điện thoại nói chuyện. Chồng gọi lại, nó cũng mặc. Sau này, có dịp phàn nàn với bà dì ruột nó thì nó lý sự cùn với dì nó rằng, tưởng ông nói riêng với anh Kính. Bà dì nó tin và còn bảo lão, rằng phải thông thoáng thì mới sống với nhau được. Đây chính là lập luận của nó, không trộn lẫn vào đâu được. Về Ninh Bình gặp thông gia thì ông ấy mới ốm dậy. Phàn nàn với dì nó, tưởng rằng “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, bà ấy sẽ bảo ban nó, ai dè… nó còn nói dối cả dì ruột.

Hơi một tí là chạm tự ái, là dơ ngoe dơ gọng, là láo lếu. Có lần đến chơi nhân thể nhắc nhở việc gì đó. Nó vặc lại:

- Ông nói với bà ý.

- Ô hay! Bố chồng phê bình con dâu, lại bảo nói với mẹ chồng. Bà ấy là thư ký riêng của chị à? Nên nhớ rằng, trong nhà này, tôi mới là người chỉ huy.

Nó chống đối:

Thời đại ngày nay không ai chỉ huy được ai cả!

Nói xong, nó vùng vằng, thoăn thoắt bước ra ngoài cửa, để mặc hai bố con lão ở trong nhà đứng như trời trồng.

Lấy con giai lão, nó được tất cả: được nhập hộ khẩu về Hà Nội, nhà ba tầng có sẵn đàng hoàng, việc làm chồng xin cho, thỉnh thoảng về chơi bên ngoại tận Ninh Bình đi xe riêng chồng lái. Thế mà không biết điều, còn ca cẩm với mẹ chồng, so với bạn bè thì con là người khổ nhất.

Dịp cháu nội sắp kết thúc giai đoạn mẫu giáo, lão điện thoại đến hẹn trước.

- Chào cháu yêu quý, mấy ngày nữa trường làm lễ tốt nghiệp, ông sẽ đem máy ảnh đến chụp cho cháu để làm kỷ niệm sau này nhé!

Buổi tối trước ngày lễ, nghe chuông điện thoại reo, trong máy vang lên giọng nói thân thuộc của cháu nội:

- Cháu không chụp đâu. Ông đến trường thì cứ đến, nhưng đừng chụp cháu, nhờ người khác rồi. Cháu chào ông!

Giọng trẻ thơ trong trẻo của nó vang lên trong máy, ngắn gọn nhưng dứt khoát rồi cúp luôn. Lão đành chủ động bấm máy gọi lại nhưng chỉ vừa “alo” thì đã lại nghe nó dứt khoát một cách chủ động: “Cháu không chụp ảnh đâu!” và lại cúp máy luôn. Cần phải hỏi cho ra nhẽ, lão lại bấm máy cho cuộc điện thoại lần thứ ba. Lần này nó không nhấc máy nữa. Chẳng lẽ một đứa bé mới sáu tuổi đầu, hết hè mới vào học lớp một mà biết thao tác điện thoại, chủ động nói năng đối đáp bài bản như thế, nếu không có sự hướng dẫn, xúi bẩy của người lớn ngồi cạnh.

Ngày hôm sau đến trường, lão thấy có người phụ nữ trạc tuổi mẹ nó chụp ảnh và đón cháu lão về, kiên quyết không để ông nội chở. Lão phóng xe một mình về nhà nó, bật màn hình máy ảnh kỹ thuật số cho hiện lên những tấm ảnh vừa chụp ở trường có cảnh cháu nội hát, múa. Vợ lão, con giai lão xem rồi khen đẹp. Mặc cho mẹ chồng rồi chồng gọi đến để xem nhưng con dâu đi qua đi lại không trả lời.

Hai năm sau, lúc cháu sắp lên lớp ba, một hôm lão đến chơi, hẹn vài ngày nữa khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật trên phố sẽ đưa cháu đi xem. Đến hẹn đón thì cháu nói đi xem triển lãm cháu rất thích nhưng cháu đi với bộ Kính, mẹ Làn, bà nội hay cô Hoa (cô người ở), chứ cháu không thích đi với ông!

Có bao giờ lão mắng mẹ chúng nó trước mặt chúng nó đâu, mà mới đây thôi, con em tức đứa cháu thứ hai đang học lớp hai, thấy ông nội đến chơi, tự dưng nó nói ông lắm mặt, ông hay mắng mẹ. Lão thấy quá cay đắng. Ẩn sau chuyện này là gì? Nếu tuổi thơ của hai đứa cháu nội cứ bị đánh cắp thế này thì hậu quả sẽ ra sao? Nó nhuộm đen con của nó. Đúng là trường dậy đanh đá tại gia!...

Một hôm, lão nhận được điện thoại của con giai. Sau vài câu hỏi han, nó bảo:

- Sao bố độc ác thế! Bố muốn chúng con bỏ nhau à?

Quá choáng váng và bất ngờ, nhưng lão vẫn kịp hỏi lại:

- Cái Làn ở đâu?

Vì lão sợ con dâu biết cuộc điện thoại này, nó sẽ cười và khinh nhà chồng. Ở đầu dây đằng kia, lão nghe con giai nói tỉnh bơ:

- Cái Làn gấp quần áo trên gác hai.

Quá bực mình, lão không nói chuyện tiếp mà cúp máy. Hôm sau lão xuống và hỏi cô người ở:

- Hôm qua lúc chú Kính gọi điện cho tao thì cô Làn ở đâu?

- Cô ấy ngồi cạnh chú Kính.

Lão không nói gì và gật gù nghĩ, à thì ra con dâu nó ngồi cạnh giám sát cuộc điện thoại của chồng nó chửi bố đẻ. Lão thấy quá cay đắng, chẳng nói chẳng rằng bỏ đi về.

Năm trước, trong dịp cha con về thăm quê quán, có người em gái con bà cô ruột bảo lão, em tưởng nó có trình độ đại học, là trí thức thì chắc là phải khác. Ôi dào! có trường hợp, bản chất xấu cộng với trình độ cao thì lại càng lắm mưu mô.

Vợ lão còn kể, một hôm đi công việc về, vừa đẩy cửa vào nhà thấy con giai ngồi khóc tu tu như trẻ con, hỏi thì nó bảo, cái Làn nó nói rằng mời ông ăn cơm thì món gì ông cũng chê. Thế rồi thương con giai cũng tấm tức khóc theo. Mấy phút sau, con dâu về thấy thế liền đứng sững lại. Y thị là người quá nhanh, hơn ai hết chợt hiểu nguyên nhân liền quay nói với chồng: “Thế này thì tội em nặng quá! Thôi anh làm đơn ly hôn để em ký. Nhà này giá hai tỷ, em lấy một và anh cho em thêm mấy chục triệu để em mua xe máy mới”. Thật là một bi hài kịch! Chẳng qua nó muốn tẩy chay bố chồng nên đổ thừa nguyên nhân. Tai quái hết chỗ nói. Hết chuyện này đến chuyện khác. Như vi-rút trầm kha đã ăn sâu vào cơ thể, bất cứ lúc nào cũng lăm le phát bệnh. Nó lắm mưu mô và sẵn sàng làm mọi việc dù tệ bạc, kể cả không cần thương chồng, miễn là đánh được đòn thù. Mẹ chồng bực mình có dạo cũng đã bỏ ra ăn riêng, nhưng rồi thương con giai, thương cháu và cũng thấy phức tạp, được vài tháng lại thôi, đành chấp nhận “sống chung với lũ”.

Nghe lão than phiền gia cảnh, dù mới kể mấy chi tiết, có ông bà bạn thân phải thốt lên:

- Gớm nhỉ! Thế sao trước đó ông không góp ý với anh Kính, can ngăn anh ấy?

- Ôi giời! Lại còn không can. Đã phân tích đủ điều mà nó đâu có nghe, chỉ thiếu nước là từ nó thôi. Biết bao cuộc họp nội bộ gia đình mà đâu có thay đổi được ý định của nó. Với lại, những người biết chuyện ai cũng bảo con này là người có tài thuyết phục, đã cưa đổ con giai tôi.

Người bạn thân chép miệng, lắc đầu:

- Quá thể! Bất chấp cả luân thường đạo lý. 

Điều duy nhất lão thấy ân hận và luôn day dứt là ngày ấy đã không nhanh nhạy, không quyết tâm bổ về Ninh Bình để trao đổi với ông thông gia tương lai cùng phối hợp cản phá cuộc hôn nhân này. Âu cũng là định mệnh. Nhớ hôm đám cưới, trên đường từ nhà gái về nhà trai, trong tiếng ì ì đều đều của động cơ ô tô, bà chị gái của lão, lần đầu tiên biết mặt cháu dâu, phá tan bầu không khí im lặng bằng câu tục ngữ quen thuộc “ Ghét của nào giời trao của nấy”. Câu tục ngữ mà lão thuộc từ ngày còn bé nhưng ở khung cảnh này và bà chị gái dằn từng tiếng một, khiến lão thấy khủng khiếp như sét đánh ngang tai. 

Lão tâm sự với người anh:

- Tôi nhớ ngày còn bé ở quê hương, thỉnh thoảng vẫn nghe các cụ trong họ hàng và làng xóm thường than vãn mỗi khi gặp chuyện buồn phiền trong gia đình bằng cái câu muôn thuở “Chẳng qua là kiếp trước vụng đường tu”, bây giờ có lẽ tôi cũng là con người như vậy chăng?

Rồi lão gật gù như nói với chính mình. Vâng! Kiếp trước tôi vụng đường tu… Anh trai lão thủng thẳng:

- Có chuyện kiếp trước vụng đường tu hay không thì chẳng biết. Nhưng hôm qua trên tivi có ông giáo sư sử học phát biểu trong một bài nói chuyện là lớp trẻ ngày nay sống quá thực dụng. Chữ “tôi” là to hơn cả!

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.