Nhà thơ Lâm Xuân Vi - Quê hương, thi ca, cuộc đời…
Nhà thơ Lâm Xuân Vi là một tên tuổi của văn đàn nước nhà, quê quán ở làng Tuỳ Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
Sở dĩ tôi nhớ quê hương ông đến thế là bởi những năm chiến tranh, tôi từ Hà nội lên đường nhập ngũ, và được phiên chế về sư đoàn 320B luyện quân chiến đấu để vượt Trường sơn vào Tây Nguyên. Đơn vị tôi đóng quân tại các xã Gia Tân, Gia Lâm huyện Gia Viễn Ninh Bình, chính là nơi “chôn nhau cắt rốn” của nhà thơ Lâm Xuân Vi.
Nhà thơ Lâm Xuân Vi
Chính nơi đóng quân buổi đầu đời chiến sĩ này của tôi, với bao ân tình mảnh đất này đã làm tôi đến với những bài thơ đậm đà tình yêu quê hương của nhà thơ Lâm Xuân Vi. Những ngày tháng này, ông đang là một kỹ sư nông nghiệp hế sức mẫn cán và tận tụy chăm lo cho đồng đất quê hương mình “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” hướng về hỏa tuyến.
Nhưng thoạt đầu anh kỹ sư thủy lợi này lại say mê sân khấu, viết ngày viết đêm. Viết nhiều kịch bản lắm, và cũng từng đoạt nhiều huy chương vàng qua các hội diễn của tỉnh. Nhưng rồi đến một khoảng thời gian, ông lại dành tất cả sự si mê đắm đuối này cho thơ. Và bởi thế, từ năm 1988, ông xuất bản liền 10 tập thơ, được kể như một kỷ lục của các nhà thơ Hội Văn nghệ địa phương, trong khi nhiệm vụ chính của ông là Phó giám đốc Sở nông nghiệp tỉnh nhà. Ông vinh dự sớm được kết nạp và là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Uỷ viên ban chấp hành Hội văn học nghệ thuật Ninh Bình.
10 tập thơ nhà thơ Lâm Xuân Vi từng xuất bản là: Mưa nắng sông quê; Nắng ngày xa; Muộn mằn; Trăng riêng; Lời cỏ may; Lục bát đi tìm; Sau phía cơn mưa; Nẻo vòng tìm yêu; Chầm chậm sang thu; Tuyển tập thơ; Phúc nhà.
Cũng từ năm 1988, ông liên tục đoạt nhiều Giải thưởng văn học, đặc biệt là nhà thơ 2 lần được giải thưởng Giải chính thức của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Các giải thưởng văn học nhà thơ Lâm Xuân Vy vinh dự được nhận là:
Giải nhì thơ Hà Nam Ninh (1987 – 1988); Giải A thơ Ninh Bình năm 1995; Giải A văn học Trương Hán Siêu lần thứ nhất (1992 – 1996) với tập Trăng riêng, Giải chính thức của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1997 với tập Lời cỏ may; Giải A văn học Trương Hán Siêu lần thứ 2 (1997 – 2001) với tập Lời cỏ may; Giải chính thức của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2002 với tập Sau phía cơn mưa; Giải A văn học Trương Hán Siêu lần 3 (2002 - 2006) với tập Sau phía cơn mưa.
Với tài năng và phong độ sáng tác của của ông, cũng như những thành tựu văn chương những năm qua của ông, nhiều đồng chí lãnh đạo văn nghệ, nhiều đồng nghiệp và bạn bè văn chương động viên ông tự tin làm hồ sơ để nhà nước xét trao tặng giải thưởng nhà nước và văn học nghệ thuật cho những tác phẩm xuất sắc của ông...
*
Nhà thơ Ninh Đức Hậu viết về sự nghiệp sáng tác của Lâm Xuân Vi: "Nhà thơ Lâm Xuân Vy sinh ra ở một vùng quê đồng chiêm trũng. Tuổi thơ của ông gắn bó với con sông, bến nước. Trước khi trở thành nhà thơ (ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997), ông là kỹ sư thủy lợi, nhiều năm làm cán bộ quản lý. Còn trước khi làm thơ, ông là nhà viết kịch (ông được kết nạp vào Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1986). Những năm 80, 90 ở thế kỷ trước, các kịch bản như "Chặn dòng", "Giám đốc mới", "Hãy nhìn thẳng vào mình", "Đâu là niềm tin"... của ông đã từng làm xôn xao sân khấu.
Rồi thơ đã trở thành nghiệp, trở thành "dòng máu nóng" không lúc nào ngưng chảy nơi trái tim ông. Gần ba mươi năm làm thơ, ông đã xuất bản các tập thơ như "Mưa nắng sông quê" (in chung với Đào Vĩnh), "Nắng ngày xa", "Muộn mằn", "Trăng riêng", "Lời cỏ may", "Lục bát đi tìm", "Sau phía cơn mưa", "Nẻo vòng tìm yêu", "Chầm chậm sang thu", ông đã có hàng trăm bài thơ được in trên các tuyển tập thơ, trên báo chí... Nhiều bài được dịch ra tiếng Anh và giới thiệu ở nước ngoài.
Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống và thơ ca làm sinh động hơn, đẹp đẽ hơn cho cuộc sống. Thơ của nhà thơ Lâm Xuân Vy cũng vậy. Đọc tuyển tập thơ Lâm Xuân Vy, đọng lại sâu sắc nhất là sự chân tình, tấm lòng bao dung, nhân hậu, sống hết mình với cuộc đời thi ca của một nhà thơ.”
Báo Nhân dân đã từng có trang thơ riêng của nhà thơ với lời đề tựa: "Nhà thơ Lâm Xuân Vy sinh năm 1942 tại Ninh Bình; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Tác phẩm đã xuất bản: Mưa nắng sông quê; Nắng ngày xa; Muộn mằn; Trăng riêng; Lời cỏ may; Lục bát đi tìm; Sau phía cơn mưa; Nẻo vòng tìm yêu; Chầm chậm sang thu; Tuyển tập thơ Lâm Xuân Vy; Làm nên giọt khát (phê bình); hai lần đoạt giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho "Lời cỏ may" và "Sau phía cơn mưa" các năm 1997 và 2002 cùng nhiều giải thưởng văn học khác. Nhà thơ quan niệm: Văn học nói chung và thơ nói riêng là niềm khao khát đam mê suốt đời. Bởi sẽ tìm thấy ở đó nguồn dung dưỡng cái Thiện, mà đời đời con người phải hướng tới để bồi đắp và tôn vinh nó...”
TS Nguyễn Mạnh Quỳnh- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Lư - Ninh Bình viết về nhà thơ Lâm Xuân Vi:
“Có ai đó cho rằng, trong mỗi một con người, ai cũng có một chút gì đó chất nghệ sỹ. Lâm Xuân Vi là một kỹ sư thủy lợi, lại nguyên là Phó Ty Nông nghiệp Ninh Bình những năm chín mươi của thế kỷ trước nhưng trời đã phú cho ông một tâm hồn nghệ sỹ thực thụ. Cứ ngắm nhìn ông khi bình thơ hay khi đàm đạo văn chương chữ nghĩa, tôi luôn có cảm giác ấy. Nghề thủy lợi ở Ninh Bình vất vả lắm. Tôi nghĩ, Lâm Xuân Vi chọn nghề thủy lợi, rồi lại phải lòng văn chương, hẳn phải có nguồn cơn ấy. Thì ông đã từng bộc bạch: “Nghề thủy lợi, đối tượng của nó là Đất và Nước, nguồn cảm hứng vô tận nuôi sống con người đã run rủi tôi đến với văn học”.
Chẳng phải ngẫu nhiên người ta lấy đất và nước để chỉ một quốc gia dân tộc bởi nó là cái nôi chở che, nuôi dưỡng mỗi một con người trong suốt cả cuộc đời. Đất nước trở thành một từ ngữ thiêng liêng, cao quý và đa nghĩa. Còn với ông, cảm hứng đất nước là cảm hứng lớn, ôm trọn cả tình quê hương, tình nghĩa, tình yêu, nhân tình thế thái; bởi vì, xét cho cùng, tất cả đều thuộc về con người mà con người thì có ai tách rời được đất nước đâu? Vậy nên, nói cảm hứng về quê hương đất nước là cảm hứng chung của văn chương nghệ thuật, thì trong thơ ông chắc phải có những nét riêng, cái riêng ngay từ trong tiềm thức, vô thức.
Trăn trở với thiên chức của nghệ thuật, Lâm Xuân Vi luôn đau đáu với những nỗi niềm của con người, với quê hương, với nhân tình thế thái. Khắc khoải với dòng chảy vô tình của thời gian, ông đằm mình với những triết lý thâm sâu của Phật Giáo, Thiên Chúa giáo, Đạo giáo, Lão giáo. Đang mơ mộng đắm đuối với tình yêu, ông bỗng nhiên lại canh cánh những ưu tư của tuổi xế chiều. Đang là chàng trai hồn hậu trong nỗi nhớ, niềm yêu, thoắt cái lại thành người ông hiền từ vỗ về cháu nhỏ; rồi khi đâu lại là người cha nhân hậu lắm nỗi âu lo cho đứa con phía chân trời xa... Rồi ta lại thấy một Lâm Xuân Vi trầm mặc với những triết lý sống rớm máu có khi phải đánh đổi bằng cả một đời người...
Dấn thân vào văn chương nghệ thuật, Lâm Xuân Vi thử sức ở hai lĩnh vực: sân khấu và thơ. Mà ở lĩnh vực nào ông cũng có những thành tựu đáng nể với những giải thưởng, huy chương vàng bạc có cả. Giai đoạn đầu từ 1978 – 1989 ông tập trung cho kịch bản sân khấu. Năm kịch bản với 5 huy chương vàng hội diễn nghệ thuật cấp tỉnh, 01 huy chương bạc hội diễn toàn quốc, giải chính thức của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam, giải C văn học Nguyễn Khuyến. Đang say sưa với nghệ thuật sân khấu, ông đột ngột chuyển sang chuyên làm thơ. Tính đến năm 2008, ông đã có 9 tập thơ, cũng đã rinh về nhiều giải thưởng của Trung ương và của tỉnh. Gần đây, tôi lại thấy ông cho xuất bản bút ký, ghi chép. Ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn đôn đáo với công việc của Hội VHNT tỉnh Ninh Bình, vẫn đều đặn sáng tác, nói chuyện, bình thơ, tham gia trại sáng tác. .
Đọc thơ Lâm Xuân Vi, tôi chú ý tới mấy câu thơ trong bài Tri âm: “Hồn thơ giản dị khiêm nhường/Bứt từ gan ruột máu xương từng lời/Nỗi niềm thổn thức thơ tôi/ Bớt đi câu chữ dong chơi vô hồn/ Bớt phù phiếm, bớt phô trương/ Biết chia sẻ với đời thường đơn đau”. Không hoa mỹ, ông đã trực tiếp giãi bày quan niệm của mình về thơ, về văn chương nghệ thuật. Ông coi thơ là định mệnh, là số trời, là cái nghiệp đeo bám cả đời: “Khi tình thơ đắm say/Hồn thơ thành định mệnh”(Cứu rỗi) là vì thế.
Và với tôi, tôi xin được thổ lộ một chút tình yêu của người lính yêu thơ ca và năm xưa trưởng thành ở quê hương nhà thơ Lâm Xuân Vi: Tôi rất yêu quê hương ông, thơ ca của ông, một đời thơ tận tụy đắm đuối si mê và rất nhiều đóng góp của ông, và cả những chân dung thi ca ông viết rất hay, trong đó có những đồng đội, những người bạn hết mực thân thiết của tôi: Bằng Việt, Bế Kiến Quốc, Trương Nam Hương, Nguyễn Trọng Tạo, Mai Văn Phấn, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thị Mai, Trần Nhương, Bình Nguyên, Kim Chuông, Bùi Kim Anh, Huệ Triệu...

Nhà văn An Bình Minh - dù tôi thường quen gọi anh theo tên cha sinh mẹ đẻ là Bùi Bình Thiết - sinh ra trong một gia đình có truyền...
Bình luận