Nhà thơ viết cho thiếu nhi từng được giải thưởng của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc

Nhà thơ Trần Anh Trang, nguyên chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh từng giới thiệu về nhà thơ tài năng và đáng kính này: “Gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp trồng người, kể cả khi đã nghỉ hưu, thầy giáo Hữu Nhi vẫn bền bỉ dạy học và làm thơ. Từ một thầy giáo ở trường làng Bác Ninh, Hữu Nhi đã dạy học từ tiểu học đến trung học, từ miền xuôi đến miền ngược, ngoài Bắc trong Nam và đã từng là Phó chủ tịch Công đoàn giáo dục hai tỉnh An Giang và Hà Bắc. Thực tiễn phong phú ấy đã là nguồn cảm hứng sinh động tạo nên những trang văn dòng thơ cho thiếu niên nhi đồng củ nhà giáo Hữu Nhi.”

Cũng nhà thơ Trần Anh Trang viết:

“Thơ Văn Hữu Nhi thể hiện tấm lòng mến yêu, thông cảm với tuổi thơ, nhất là trẻ thơ ở nông thôn. Thế giới trẻ thơ trong thơ văn Hữu Nhi thất quen thuộc thân thiết với đường làng, ngõ xóm chan hòa nắng vàng trăng xanh. Ở đó có nhiều loài hoa, có bướm, có chuồn chuồn, có cây sung, cây duối...Cảnh vật đã nói lên mối quan hệ tình nghĩa giữa con người với thiên nhiên, con người với cộng dồng. Hơn thế nữa, để lại trong lòng bạn đọc sau những dòng thơ, những đoạn văn là sự khái quát, triết lý của tác giả về cuộc đời, về tình người. Trong sự nghiệp sáng tạo văn học, Hữu Nhi đã tập trung và đồn sức lực tình cảm vào những trang viết cho thiếu nhi. Sự say mê của người nghệ sỹ và trách nhiệm của người thầy giáo đã tạo nên những trang văn thơ Hữu Nhi. Ông từng dành giải thưởng chính thức của Hội Nhà Văn Việt Nam, Ủy ban bảo vệ bà mẹ trẻ em Việt nam, và đặc biệt là giải thưởng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc năm 1993”.

Nhà thơ viết cho thiếu nhi từng được giải thưởng của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc - 1

Tác phẩm "Hương sen đồng trũng"

Nhà thơ Hữu Nhi đến nay không còn nữa (ông sinh năm 1942), nhưng những tập sách ông để lại (“Hương sen đồng trũng”, “Chuồn chuồn cánh pháo”, “Xôn xao ngõ vắng”)... vẫn ghi đậm và xôn xao trong tâm hồn trẻ thơ và nhiều bà con miền quê thân thương của ông. Đặc biệt là những con cháu của ông đã lớn lên từ những vân thơ ấy. Một người con gái lớn của ông- nay là Tiến sỹ, cán bộ giảng dạy Đại học Ngoại thương đã viết dấu ân thơ văn của bố mình- Nhà thơ Hữu Nhi. Chị tâm sự rằng: “Vần thơ của bố - Con yêu suốt đời”

Nhà thơ viết cho thiếu nhi từng được giải thưởng của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc - 2

Tiến sỹ Nguyễn Thanh - con gái của nhà thơ Hữu Nhi

Người con gái ấy viết những cảm xúc về bố và thơ văn của bố:

“Thử hỏi trên đời này có ai là không thích cái đẹp? Những bông hoa rực rỡ sắc màu đua nở trong ánh bình minh, những cảnh sắc thiên nhiên non nước hữu tình, hay thậm chí là những con người đẹp, về cả diện mạo lẫn tâm hồn, đều khiến con người ta xao xuyến. Thế nhưng thích và yêu cái đẹp liệu có phải là một? Khi chúng ta nhìn thấy những thứ mỹ miều, chúng ta khen nó, thích thú với nó, dành nhiều sự quan tâm đến nó, đó quả thật là thích cái đẹp. Vậy còn một người yêu cái đẹp thì sẽ ra sao? Có lẽ, câu trả lời rõ ràng nhất tôi có thể tìm được là mỗi khi tôi nghĩ về người bố thân yêu của mình.

Bố, cũng như biết bao chàng trai cô gái sinh ra vào những năm 40 của thế kỉ trước, đi qua biết bao gian khổ thăng trầm của cuộc hai chiến tranh ác liệt. Nếu như những người thanh niên khác chọn cách cầm súng bảo vệ quê hương, bố lại âm thầm đi theo sự nghiệp trồng người với tất cả tâm huyết và tình yêu trẻ nhỏ. Thế nhưng có lẽ với một người hết lòng yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên vạn vật muôn loài như bố, làm giáo viên thôi là chưa đủ để thể hiện tình yêu ấy. Thật tuyệt vời làm sao khi đi theo suốt cuộc đời bố là những vần thơ ngắn dài bầu bạn, giúp tỏ hết những tâm tư, tình cảm, những đắm say của một con người si tình với cái đẹp.

Tình yêu cái đẹp ở bố được biểu hiện trong mọi cung bậc của cuộc sống. Giữa những năm tháng bom rơi đạn nổ, giữa những mất mát, đau thương, giữa đói nghèo và thiếu thốn, bố vẫn tìm thấy cái đẹp trong từng giây phút qua đi của cuộc sống, đưa nó vào những vần thơ. Có lẽ tôi của những ngày thơ bé còn quá nhỏ để nhận ra rằng bố của mình, một ông bố có vẻ bình thường như bao ông bố khác của các bạn trong làng, đã thực sự khác biệt như thế nào trong đời sống nông thôn ngày ấy. Dưới thời bao cấp, chị em chúng tôi cũng như các bạn cùng trang lứa mặc dù còn thiếu thốn về vật chất, nhưng đó lại là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời.

Chúng tôi lớn lên tự nhiên như cây cỏ, từ những buổi đi học trường làng đến những cuộc chơi dường như bất tận…, tất cả những khoảnh khắc tuổi thơ khắc tươi đẹp ấy đều được tái hiện qua thơ bố. Bố yêu thương trẻ nhỏ vô cùng: yêu cái sự hồn nhiên, tinh nghịch, yêu nét thơ ngây trong sáng đẹp đẽ của những tâm hồn lên tám, lên mười. Nhà tôi ở giữa ngã tư làng, sau mỗi cuộc chơi ở khắp đầu làng, ngõ xóm, lũ bạn lại tập trung vào nhà tôi cười nói râm ran.

Mỗi lần như thế, bố vui lắm, luôn tới gần quan tâm hỏi han lũ trẻ chúng tôi, góp vui vài ba câu chuyện. Sự quan tâm của bố cũng thật đặc biệt, nó còn được thể hiện qua thơ. Thời ấy, chẳng mấy ai có điều kiện để đi chụp một bức ảnh, ấy vậy mà chân dung những đứa bạn thời tấm bé của tôi vẫn như được khắc hoạ rõ ràng trong từng lời thơ của bố.

Đứa nào hay phải bế em?

Bố đi dạy nhạc, mẹ tên là Hiền

Đứa nào ở nhà ria đồng

Trước tên là Tụ nay dùng khác tên.

hay

Đứa nào hay mặc áo vàng

Người thì bé nhỏ tiếng vang khắp làng

Đứa nào không phải bế em

Răng thì khấp khểnh nói năng nhẹ nhàng.

Nhà thơ viết cho thiếu nhi từng được giải thưởng của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc - 3

Bìa tác phẩm “Xôn xao ngõ vắng”

Trong đám bạn tôi, có đưa hay nói, hay cười, có đứa nói to, có đứa nhỏ nhẹ, có đứa thì hay phải bế em. Còn tôi, dưới con mắt của bố, chân dung được khắc học thật chân thật và đáng yêu: “Đứa nào cao lớn nhất đàn. Đòi ăn cơm nguội hét vang như còi”. Những đặc điểm ấy của lũ bạn và của tôi đều được thể hiện rất tự nhiên trong những câu đố vui thật là hóm hỉnh nhưng cũng chứa đầy tình cảm cũng như sự quan sát tỉ mỉ mà bố dành cho bọn trẻ. Nghe bố đọc xong những câu thơ, lũ trẻ chúng tôi ra chừng thích thú lắm, đứa nào đứa nấy vui cười hớn hở.

Món quà tinh thần ấy còn quý hơn cả gói bánh, gói kẹo, theo chân chúng tôi đến suốt cuộc đời. Chân dung của mỗi chúng tôi hồi bé chân thực như vậy đấy. Chính vì sự chân thực và dung dị ấy nên bây giờ mỗi khi nhắc lại, tất cả đều thấy vui và như được trở về sống trong bầu trời kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.

Không chỉ yêu trẻ nhỏ, bố còn gửi gắm qua thơ tình yêu với thiên nhiên tươi đẹp, với vạn vật muôn loài. Một cánh chuồn, một trái ớt, một ánh trăng qua con mắt thi vị của bố cũng trở nên thật là thơ biết bao nhiêu. Đời sống tinh thần ngày ấy đâu có được phong phú như bây giờ, vậy mà sao trong lòng tôi chưa có giây phút nào cảm thấy nhàm chán, phải chăng do bố đã thổi hồn vào những sự vật quá đỗi bình thường trong cuộc sống như cái tủ gỗ, cái quạt, cây đèn dầu, con quay... biến chúng thành những người bạn đồng hành với tôi trong suốt những ngày thơ ấu.

Bố tôi - một tâm hồn yêu cái đẹp, dường như bố luôn nhìn cuộc sống này bằng một con mắt đẹp, đôi khi đến bây giờ tôi mới hiểu ra, người nghệ sĩ là vậy, luôn tinh tế, nhạy cảm trước mọi rung động khẽ khàng nhất của cuộc sống, tâm hồn ấy chỉ cần nhìn bầu trời đêm đã có thể kể cả một câu chuyện cảm động về chòm sao người mẹ, nhìn con đường làng đã thấy cả một tuổi thơ ngọt ngào với nắng, với trăng, những ngõ hẻm, dậu thưa, cây cau, trái sung, cây duối, hoa bưởi, hoa giành, những trưa hè đầy nắng hay chiều vàng đều có mặt trong thơ bố và dường như qua con mắt của ông, những điều đơn sơ ấy lại đẹp lên bội phần, cái đẹp đời thường đến dung dị như thể bất cứ ai cũng có thể tìm thấy tuổi thơ của mình ở đó.

Tất cả tình yêu đời đều đưa đến tình yêu người cao cả. Tình người trong bố trước hết là tình cảm gia đình trìu mến. Bố như một nhiếp ảnh gia đại tài, cần mẫn ghi chép lại những khoảnh khắc trong gia đình nhỏ của chúng tôi. Từ lời ru ngọt ngào của mẹ đến làn gió mát mẹ mang đến cho chúng con mỗi lúc hè về. Tình yêu dạt dào, vô bờ bến của người mẹ được ví như chòm sao lấp lánh trên bầu trời đêm luôn dõi theo các con trong từng bước đường đời. Tình yêu gia đình còn được thể hiện trong suy nghĩ hồn nhiên, trong lời nói bi bô của đứa trẻ lên ba – cô con gái bé nhỏ mà bố hết lòng thương yêu:

Tú đang thỏ thẻ trong nhà

Búp tay gỡ gỡ tóc bà màu sương

Đến mai là Tú lớn khôn

Tú đi chợ Phủ mua ôm tiền quà..

Bố luôn nhìn đời, nhìn con người bằng con mắt trẻ thơ, vì thế nên cuộc sống trở nên sinh động và đáng yêu biết nhường nào. Qua lăng kính của đứa trẻ lên ba, món quà dành cho người thân yêu thật ngộ nghĩnh cũng mang những giá trị to lớn lạ thường. “Mua con chim thổi cho bà. mua cho mẹ một con gà bóp kêu…”

Nhà thơ viết cho thiếu nhi từng được giải thưởng của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc - 4

“Chuồn chuồn cánh pháo”

Tình yêu từ gia đình là cơ sở để đi đến tình yêu lớn đối với con người. Đó là sự cảm thông sâu sắc với những mảnh đời bất hạnh của một đứa trẻ thiếu thốn sự chăm sóc của cả cha và mẹ, nương tựa vào người bà mà giờ đây “ Bà thì lọm cọm tuổi già. Cái gì cũng thiếu nữa là lời ru” qua bài thơ “Cây sung”; đó còn là tình yêu dung dị nhưng vô cùng sâu lắng giữa người lính già với đứa trẻ chăn trâu qua bài thơ “Cây Duối giữa đồng”. Quả thật, tình yêu - mạch nguồn cảm xúc bất tận đã giúp bố khái quát được tình yêu tiếp nối giữa các thế hệ:

Ông lính già còm cõi

Cháu mới chấm vai trâu

Cùng thả bò gốc duối

Nên thành bạn của nhau

Năm tháng trôi qua, cháu đã trưởng thành, ông cũng không còn nơi đây nữa nhưng những ký ức tuổi thơ năm xưa của người cháu vẫn vẹn nguyên mỗi khi tìm về nơi xưa chốn cũ:

Mỗi lần về quê nội

Theo lối cũ ra đồng

Sương pha mờ gốc duối

Cháu gọi: Ông ơi! Ông!

Trong ký ức tuổi thơ chúng tôi còn có những đêm trăng sáng chị em nắm tay nhau hát dưới ánh trăng rằm. Ai đã sinh ra từ làng thì không bao giờ quên được những kỷ niệm thân thuộc gắn với bờ tre ngõ xóm:

Đường làng của nắng của trăng

Tuổi thơ để đó tháng năm ngọt ngào

Áo xanh áo đỏ cào cào

Lon ton theo mẹ đi vào hội xuân

Cha đưa đi học đánh vần

Xôn xao đường rộng bước chân bồn chồn.

Ký ức về con đường làng thật đẹp, đó là những trưa hè oi ả í ới gọi nhau ra bờ tre hóng mát, những chiều hè lộng gió nghe tiếng sáo diều vi vu, những đêm trăng xanh cao vời vợi cùng lũ bạn chạy chơi trốn tìm...

Những đêm trăng đợi gió vờn

Đường tung phép lạ thu hồn tuổi thơ

Trốn tìm ngõ hẻm, dậu thưa

Trái sung rụng, bóng cau đưa giật mình…

Dù thời gian có đổi thay, giờ đây chúng tôi đã trưởng thành, dù có đi khắp chân trời góc bể, bước chân chúng tôi có thể đi trên con đường bê tông bóng loáng hay những con đường trải nhựa thẳng tắp cùng với sự phát triển của đất thì những hình ảnh đường làng quen thuộc sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Đó vẫn là con đường đẹp nhất mà tôi đã đi qua, bàn chân tôi vẫn mãi thuộc về con đường ấy, bởi đó là con đường bố đã dành tình yêu thương, gửi gắm vào đó những tình cảm tự nhiên, mộc mạc, sâu lắng mà ai sinh ra ở vùng nông thôn có sự đồng cảm.

Ký ức về bố không chỉ thể hiện qua thơ, ký ức về bố còn là hình ảnh một người cha tận tụy hết lòng yêu thương các con, một người cha với lòng nhân ái bao dung với con người, với vạn vật. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, bố thường dẫn chúng tôi đi xem lễ hội vào mỗi dịp tết đến xuân về. Thời ấy, sách báo và phương tiện thông tin vô cùng hạn chế nhưng trên ngăn tủ nhà tôi vẫn đầy ắp sách, báo, truyện tranh…

Bố dặn chúng tôi, kiến thức rất đáng quý trọng và cần được lan tỏa đến nhiều người. Vì vậy mỗi khi đọc xong các cuốn sách, truyện, chị em tôi lại để ngay ngắn trên tủ và tặng lại cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn. Khi lớn dần lên, bước vào cổng trường Đại học, sống xa nhà tôi lại càng nhớ và thương bố hơn. Những tình cảm, sự quan tâm cùng những vần thơ đẹp vẫn luôn thúc giục tôi, là động lực giúp tôi cố gắng học tập và trưởng thành. Mặc dù tôi đã trở thành sinh viên đại học, nhưng mỗi lần trở về với bố, tôi thấy mình vẫn như một đứa trẻ được yêu thương trong vòng tay bố ngày nào: Bố vẫn dành những món ngon đợi tôi về mỗi dịp cuối tuần, vẫn mắc màn cho tôi những lúc tôi say giấc ngủ quên …

Nhà thơ viết cho thiếu nhi từng được giải thưởng của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc - 5

Những đứa cháu nhà thơ Hữu Nhi luôn trưởng thành cùng những vần tho của ông để lại 

Giờ đây mặc dù bố đã đi xa, bố đã xuống sân ga cuối cùng của cuộc đời để đi về nơi bình yên nhưng những dòng thơ của bố vẫn sống trong lòng chúng tôi và trong cả tâm hồn của lũ trẻ ngày trước. Những vẫn thơ đẹp về tình đời, tình người đã trở thành một phần cuộc sống của chị em chúng tôi. Nghĩ tới bố, mỗi chúng tôi thấy nhẹ nhàng hơn, biết bao dung và yêu thương con người hơn.

Bố ơi! Con biết ở đâu đó trong cõi bình yên, bố vẫn dõi theo các con qua những chặng đường.. Cảm ơn bố - người cha tuyệt với đã nuôi dưỡng con từ những vần thơ trong sáng, bố đã làm nên nhiều điều kỳ diệu trong tuổi thơ chúng con, hình ảnh bố lấp đầy ký ức chúng con mỗi khi tìm về. (Nguyễn Thúy Thanh)

Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của các nghệ sỹ đồ họa ASEAN

Tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của các nghệ sỹ đồ họa ASEAN

Các giải thưởng được trao tặng tại Cuộc thi và Triển lãm Tranh Đồ họa các nước ASEAN 2024 sẽ là nguồn động viên, khích lệ để các nghệ sĩ đồ họa ASEAN có thêm động lực, sức mạnh, tiếp tục sáng tạo thêm nhiều tác phẩm có chất lượng, góp phần làm phong phú thêm bức tranh nghệ thuật đồ họa của khu vực.

Bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024

Bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024

Tổ chức bình chọn 10 sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2024 là hoạt động nhằm đánh giá, tôn vinh các sự kiện tiêu biểu trên lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình. Thông qua bình chọn và công bố các sự kiện tiêu biểu góp phần tăng cường tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của ngành ở trong nước và quốc tế; thúc đẩy sự phát triển trong tiến trình công nghi