Những đóng góp cho nền văn học từ những trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh cách mạng”

Nhiều năm qua, đều đặn hàng năm, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đều phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh cách mạng”.

Trung bình mỗi trại sáng tác, đều có khoảng 15 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học… tâm huyết với đề tài này tham gia. Hai thể loại gần như là truyền thống, đặc sản, là đóng góp to lớn của NXB Quân đội từ những năm chiến tranh cho nền văn học nước nhà, là tiểu thuyết và trường ca. Cho đến nay, hai thể loại này vẫn là ưu tiên hàng đầu của Trại sáng tác và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.

Tại trại sáng văn học về đề tài" Lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng" tác tổ chức tại Nha Trang năm 2017 có  14 tác giả  trong và ngoài quân đội được mời tham dự với 19 tiểu thuyết và trường ca về người lính, về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng được hoàn thành,được xuất bản, phục vụ đông đảo bạn đọc.

Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” năm 2018 tại Đại Lải là sự tiếp nối thành công từ Trại sáng tác Tam Đảo cuối năm 2015, Đại Lải 2016, Nha Trang 2017 và hai đợt đầu tư chiều sâu. Tham gia trại viết năm 2018 có 14 nhà văn, nhà thơ là những cộng tác viên lâu năm của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, có nhiều tác phẩm chất lượng về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” như: Chi Phan, Lê Văn Vọng, Nguyễn Bắc Sơn, Minh Chuyên, Vân Thảo, Nguyễn Minh Khiêm…

Những đóng góp cho nền văn học từ những trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh cách mạng” - 1Các nhà văn và Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm tại Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh cách mạng” năm 2018

Các trại sáng tác được thu về những tác phẩm chất lượng được bạn đọc đón nhận. Nhiều tác phẩm đã được nhận các giải thưởng. Thành công của trại viết là cơ sở để động viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân khẳng định vị thế trong việc tổ chức xuất bản các tác phẩm có chất lượng cao về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng”.

Năm 2019, sau 15 ngày tổ chức, trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” tại Vũng Tàu đã thu nhận được 2 đề cương tiểu thuyết và 19 bản thảo tương đối hoàn chỉnh, trong đó có 8 tiểu thuyết, 3 trường ca, 2 tập thơ, 2 tập bút ký, 3 tập truyện ngắn, 1 tập lý luận văn học, nhiều đề cương, bản thảo có tính khả thi cao.

Những đóng góp cho nền văn học từ những trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh cách mạng” - 2

Bế mạc Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh cách mạng” năm 2019

Trước lễ bế mạc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật còn tổ chức tọa đàm văn học “Nâng cao chất lượng tác phẩm văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”. Các ý kiến tập trung phân tích về đề tài người lính, người chiến sĩ cách mạng, hậu phương quân đội, hậu quả chiến tranh… trong các cuộc kháng chiến cũng như trong giai đoạn hiện nay, nêu bật vai trò của văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng trong nền văn học nước nhà. Các đại biểu cũng trao đổi về cách phát hiện, triển khai đề tài, đổi mới nội dung cũng như hình thức thể hiện để các tác phẩm có chiều sâu, đi vào lòng người.

Tại Trại sáng tác văn học năm 2020 tổ chức tại Đà Lạt, các nhà văn, nhà thơ đã hoàn chỉnh 10 tiểu thuyết, 1 trường ca, 2 tập bút ký và truyện ký, 3 tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học. Cụ thể là các tác phẩm: Rừng hẹn, Hòa giải (2 tiểu thuyết của nhà văn Hà Đình Cẩn); Người mẹ và cánh rừng (tiểu thuyết của Châu La Việt); Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc (trường ca của Hoàng Quý); Dòng sông thơm hương cỏ Xương Bồ (trường ca của Châu La Việt); Người từ chối vinh quang (tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Mộc); Những tượng đài và hiện tượng văn chương (nghiên cứu, phê bình của GS. TS Trần Đăng Xuyền); Khúc bi tráng tháng tư (tập nghiên cứu, phê bình của Bùi Việt Thắng); Nữ tướng rừng xanh (tiểu thuyết Uông Thái Biểu); Trăng lạnh (tiểu thuyết Nguyễn Duy Hiến); Những người phất cờ hồng (tập truyện ký của Phạm Vân Anh); Lửa hậu phương (tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hương); Miền ký ức (tập truyện ký của Nguyễn Thanh Hoàng); Hạ cháy (tiểu thuyết của Đặng Duy Lưu); Vùng đất thiêng (tiểu thuyết của Vương Thu Thủy); Cơm bắc giặc nam (tiểu thuyết của Phùng Phương Quý); Nhân vật người lính trong tiểu thuyết chiến tranh (nghiên cứu phê bình của Xuân Hùng)...

Sau năm 2021, do đại dịch Covid-19 trại tạm hoãn, nhưng khi bước sang năm 2022, trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” lại được tiếp tục tổ chức tại Cần Thơ. Gặt hái từ trại viết là có thêm 8 tiểu thuyết, 1 trường ca , 5 tập bút ký và truyện ngắn, 2 tập nghiên cứu phê bình văn học. Sau tiểu thuyết Mây vẫn bay về trời viết tại Trại viết Đà Lạt năm 2020 được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, thì tại trại viết này, nhà văn Hà Đình Cẩn hoàn thành tiểu thuyết Muối của đảo, với sức viết không biết mệt mỏi của “một nhà văn không tuổi”, ông còn tiếp tục hoàn thiện bản thảo tiểu thuyết kể về những người chiến sĩ Quân khu 6 anh hùng trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước  mang tên Vùng da báo.

Nhà văn An Bình Minh - một cựu chiến binh cũng hoàn thành tập tiểu thuyết Bi tráng Trường Sơn. Tác phẩm mới của An Bình Minh được thi triển theo môt lối viết mới của dòng văn học đương đại “Tiểu thuyết ứng dụng”. Nhà văn luôn sóng đôi với nhà văn An Bình Minh là nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, từng là Trưởng đại diện của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, song nghiệp cầm bút của ông đã neo chặt trong lòng bạn đọc bằng những trang văn bi thương mà hùng tráng. Đó là Cao hơn bầu trời - bộ tiểu thuyết đồ sộ đồng thời cũng là bộ phim dài tập từng xuất hiện ở khung giờ vàng của Đài Truyền hình Việt Nam. Ở trại viết này, ông hoàn thành tập bản thảo Núi rộng sông dài - khắc họa chân dung những danh nhân văn hóa, tướng lĩnh và những người anh hùng...

Cùng là cựu chiến binh, nhà văn Châu La Việt thường được gọi đùa bằng biệt danh “Anh cả của những cuộc hội tụ” với sức sáng tạo dồi dào đã hoàn thành tập bản thảo mang tên Tiếng đàn tuổi hai mươi - tập ký sự nghệ thuật ngồn ngộn sức sống viết về chân dung của các văn nghệ sĩ, những chiến sĩ văn hóa đã đem hết tài năng, trí tuệ của mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong kháng chiến cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.  PGS, TS, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tú với tâm thế của người trở lại chiến trường xưa, đã dồn hết tâm huyết để hoàn thành công trình nghiên cứu mang tên Văn hóa Hồ Chí Minh - Ánh sáng thời đại, đi sâu khai thác những khía cạnh văn hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua giá trị của những tác phẩm văn học mà Người để lại cũng như những bài nói, bài viết, những tác phẩm đã viết về Người trong suốt cuộc đời hoạt động.

Những đóng góp cho nền văn học từ những trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh cách mạng” - 3

Các nhà văn Hoàng Dự, Hà Phạm Phú, Châu La Việt (từ trái qua phải) tại lễ khai mạc Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh cách mạng” năm 2023

Trong khi đó, nhà văn Hoàng Dự từng là người lính chiến đấu nơi chiến trường miền Tây Nam Bộ trong đội hình Quân khu 9, kinh qua những năm tháng trận mạc, rồi trưởng thành trên nhiều cương vị khác nhau của nghiệp cầm bút, giờ đây, trên cương vị Tổng biên tập của 1 tờ báo văn chương hàng đầu Việt Nam (Thời báo Văn học nghệ thuật), ông đến với trại viết như được trở lại chính ngôi nhà xưa của mình. Tiếp nối sự thành công của tiểu thuyết Đường đời (từng tái bản tới 9 lần), tại trại viết, ông đã hoàn thành tập bản thảo tiểu thuyết Nước mắt làng quê - tiểu thuyết đã vinh dự nhân giải thưởng cuộc thi viết về đề tài Công đoàn và công nhân do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức năm 2023.

Nhà văn - Đại tá công an Trần Khánh Toàn, Phó ban sáng tác Hội Nhà văn Hà Nội nhận giải cho tiểu thuyết Biển bây giờ vẫn khát - đoạt Giải A cuộc thi sáng tác về Cảnh sát biển Việt Nam năm 2023 và sau đó được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đặt hàng in ấn phát hành. Tiếp theo đó, từ trại viết, nhà văn Trần Khánh Toàn hoàn thành tiểu thuyết Vang mãi khúc quân hành mang sức nặng của thể loại tiểu thuyết lịch sử chứng tỏ anh đã dày công sưu tầm tư liệu và nghiên cứu rất kỹ lưỡng về đối tượng của đề tài và lao động văn chương hết sức nghiêm cẩn.

Những đóng góp cho nền văn học từ những trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh cách mạng” - 4Các nhà văn chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh cách mạng” năm 2023

Tại Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” tại Đà nẵng  năm 2023, số lượng và chất lượng những tiểu thuyết và trường ca ngày một tăng, và gặt hái những mùa vàng bội thu. Đặc biệt, để hướng về 70 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau gần 2 tuần hoạt động, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, lý luận dự trại đã hoàn thành 17 bản thảo văn học, trong đó có 11 tiểu thuyết, một trường ca, bốn tập bút ký và một chuyên luận phê bình văn học.

Đó là  tiểu thuyết Rừng mặn của nhà văn Hà Đình Cẩn phản ánh cuộc chiến đấu ác liệt và cam go của đặc công rừng Sác trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước; tiểu thuyết Chiến binh và cuộc đụng đầu lịch sử của nhà văn Nguyễn Trọng Tân tái hiện cuộc chiến đấu oanh liệt của Sư đoàn bộ binh 10 trong chiến dịch Plei Me lịch sử tại thung lũng Ia Đrăng trên mặt trận Tây Nguyên năm 1965; tiểu thuyết Miền cỏ tranh của nhà văn Nguyễn Minh Ngọc và Im lặng sống của nhà văn An Bình Minh là hai tác phẩm riêng nhưng cùng chung một bút pháp, trong đó hai tác giả đang cố gắng sử dụng thi pháp mới khi viết về chiến tranh, bởi bên cạnh những sự bi hùng, còn mở ra những chân trời mới cho số phận của con người trở về sau chiến tranh. Có thể coi đây là một lối viết, một phong cách hiện đại, mang đến sự mới lạ của văn chương thời hội nhập.

Cũng như vậy với Trần Khánh Toàn khi anh viết  tiểu thuyết Thao thức phía hoàng hôn, viết về những chiến sĩ mũ nồi xanh làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; nữ nhà văn Bùi Thị Biên Linh có tiểu thuyết Lính miền đông như một dấu son cho sự nghiệp sáng tác của nữ nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiền và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại tại miền đất đỏ Bình Phước...

Một nỗ lực lớn của nhà văn Châu La Việt tai trại viết này là ông hoàn thành tiểu thuyết Vầng trăng Him Lam, như mượn sự ảo diệu của nghệ thuật để tái hiện những năm tháng ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, với hình ảnh những người nghệ sĩ và chiến sĩ sát cánh bên nhau làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây là tiểu thuyết được in ấn sớm nhất của NXB Quân đội nhân dân nhân kịp dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Và thật ý nghĩa khi tiểu thuyết đã kịp đến tay bạn đọc “giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui”. Trong chuyến hành trình Qua miền Tây Bắc về với Điện Biên, đoàn văn nghệ sĩ thuộc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã đến thăm và tặng quà cho các em học sinh trường tiểu học Him Lam nơi TP Điện Biên, các em học sinh, những thế hệ mầm non tương lai tỏ ra vô cùng thích thú khi được tặng và đọc cùng nhau vô cùng thich thú tiểu thuyết Vầng trăng Him Lam.

Hiệp Nghĩa

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi