Ở một thế giới khác... (Ấn tượng đọc “Sống dưới ánh mặt trời”, tiểu thuyết của Viên Kiều Nga, Nxb Hội Nhà văn, 2024)

“Thế kỷ hai mươi là thế kỷ của tâm linh” (A. Malraux)

Sức quyến rũ của văn học giả tưởng

Văn học giả tưởng (gần với “Văn học kỳ ảo” - fantacy) vốn không xa lạ với người Việt Nam. Thời trung đại đã xuất hiện Truyền kỳ mạn lục của nhà văn Nguyễn Dữ, vào khoảng thế kỷ XVI. Thời hiện đại, văn học giả tưởng đã khoác bộ xiêm áo mới - “yêu ngôn”, như một sở trường của nhà văn Nguyễn Tuân trước 1945. Tuy nhiên, dòng văn học giả tưởng bị đứt đoạn trong một thời gian dài từ 1945-1985 vì những lý do khách quan và chủ quan.

Từ sau đổi mới (1986), văn chương thực sự cởi mở, chấp nhận các phương pháp, trường phái, phong cách, bút pháp, mọi thể nghiệm tìm tòi nghệ thuật miễn là hướng tới mục đích “chân - thiện - mỹ”. Trong văn chương đương đại Việt Nam thế hệ f+ (gồm 7X, 8X, 9X) đang là lực lượng nòng cốt. Họ có cái táo bạo của tìm tòi thể nghiệm và sẵn sàng chấp nhận thất bại. Điển hình của những tìm tòi theo hướng văn học giả tưởng có Nguyễn Đình Tú với bộ truyện Bãi săn, đang là best- seller; Lưu Sơn Minh với Bến trần gian; Phạm Duy Nghĩa với Người bay trong gió xanh,... Ngay cả các nhà văn lớp trước cũng say mê viết giả tường như Võ Thị Xuân Hà với Nàng Thê, Phạm Xuân Hiếu với Thiên hà cổ vật,...

Khi Sống dưới ánh mặt trời của Viên Kiều Nga trình hiện trên văn đàn, một lần nữa nó bảo chứng cho sự hiện diện có tương lai của văn học giả tưởng. Điều đáng nói là, tác giả của Sống dưới ánh mặt trời, một tiểu thuyết giả tưởng đặc sắc và đọc hấp dẫn, lại là một sỹ quan Công an - Đại úy Viên Kiểu Nga, công tác tại Công an tỉnh Hà Giang.

Chưa hết ngạc nhiên, nữ Đại úy Hình sự Viên Kiều Nga không phải là nữ nhi thường tình, không thuộc phái yếu. Nghề này đòi hỏi phải cương trường, tiết tháo, dạn dĩ, xông pha đôi lúc “liều mình như chẳng có” và luôn phải nhạy cảm đối phó với mọi tình huống bất trắc. Cuộc sống của người sỹ quan công an tưởng chừng như phải chính xác đến từng centimet. Nhưng khi chúng ta lạc vào thế giới nghệ thuật của Viên Kiều Nga trong

Sống dưới ánh mặt trời thì tất cả trở nên siêu thoát, du dương, dập dìu, lấp lánh, diệu kỳ, đáng ngạc nhiên và kỳ thú vì một thế giới hoang đường khác được mở ra không có trong cõi thực - đó là một thế giới thần tiên, giả tưởng, nó đối chọi với thế giới trần gian, trần tục, ô trọc, hiện sinh như định lý về hai đường thẳng song song, trắng đen phân chia rõ rệt,

Ở một thế giới khác... (Ấn tượng đọc “Sống dưới ánh mặt trời”, tiểu thuyết của Viên Kiều Nga, Nxb Hội Nhà văn, 2024) - 1

Bìa tác phẩm "Sống dưới ánh mặt trời" của Viên Kiều Nga

Liệu có một thế giới khác?

Liệu có một thế giới khác ngoài thế giới hiện sinh theo quy luật “sinh lão bệnh tử” hay không khi coi đó là thế giới của những “linh hồn” như một tấm gương soi vào cõi trần với những quy luật khác biệt?! Khoa học đích thực luôn trả lời câu hỏi “chưa biết” thay vì “không biết”. Không vô cớ mà Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận như là “Di sản văn hóa phi vật thể  của nhân loại”, hay “ngoại cảm” cùng “trường sinh học” lại có đất để bén rễ và nảy nở. Ái mộ đạo Phật thì sẽ biết đến những “sat-na” (kiếp nạn). Viết về thế giới giả tưởng là viết về những cái có thể có, tạo nên những tình huống giả định giúp con người thấu thị cõi bể dâu hiện đang sinh tồn.

Sống dưới ánh mặt trời của Viên Kiều Nga là một cách thức thể nghiệm cuộc thám hiểm phiêu lưu vào “cõi mộng”, thoát khỏi “cõi thực” để giả định nếu con người sống trong thế giới giả tưởng thì sẽ hành xử như thế nào? Hay là như một cuộc chuẩn bị và tập dượt để đến một ngày khi nền văn minh ngoài trái đất với những đại diện của nó đổ bộ xuống hành tinh của chúng ta đang sống thì sự thể sẽ ra sao? Bốn mươi lăm thiên (sat - na) trong Sống dưới ánh mặt trời là những tiết đoạn (hay kiếp đoạn) tạo nên một câu chuyện với hằng hà sa số những “Hoán đổi thân xác”, “Hố tử thần”, “Ở một thế giới khác”, “Linh hồn xuyên không”,  “Người cõi âm”, “Chung cư ma”, “Văn phòng ma”, “Đôi cánh thiên thần” “Hố đen”, “Con rối quỷ”, “Cái bóng”, “Kiếp trước”, “Đường đến thiên thai”,  “Viên ngọc nguyên thần”, “Hồi sinh”,...

Tác giả chia sẻ: “Tôi vẫn luôn tin rằng khi con người chết đi thì linh hồn vẫn còn tồn tại. Bởi vậy, tôi đã viết Sống dưới ánh mặt trời. Một câu chuyện nói về sự tái sinh của linh hồn trên một cơ thể, diện mạo mới, xuyên qua mọi thời gian, không gian và vượt qua ranh giới sinh tử không giới hạn. Ẩn sâu bên dưới cỗ máy nhân tạo chính là trái tim của con người nhân hậu, dịu dàng, ấm áp”.

Nhân vật chính của Sống dưới ánh mặt trời xưng “tôi” với mã số huyền kỳ TTNL 021247 (Trí tuệ năng lượng 021247), có thể hiểu như là một “nhân sinh kép” giữa sự sống thực và thành tựu của AI (trí tuệ nhân tạo). Một cuộc hôn phối giữa tự nhiên vô can và thành tựu của khoa học kỹ thuật của những 4.0 và hơn thế (có thể gọi là 4.0 plus). Đúng như lời bác sỹ Jay nói về “Tôi” như sau: “Cô không phải là con người. Cô là “trí tuệ năng lượng” cao cấp nhất do chúng tôi tạo ra. Cô có linh hồn, có giác quan, có cảm xúc, suy nghĩ như con người”.

Trong thế giới nhân vật do tác giả tạo ra, theo phương pháp carnival (Mặt nạ), như Bạch Thần Long, Tiên Nga, U Hồn vương, Âu Cơ, Lạc Long Quân, Viên Ngữ, bà Khả, Paddy Phong, Jay, Dương Cầm,... mỗi người đều mang một “lốt” (Mặt nạ) khác. Nhưng dẫu xiêm y, hình dáng có khác biệt cái chung thậm chí dị thường khi chúng sinh trên cõi trần thì họ vẫn có nét chung là hành động theo lý lẽ của trái tim.

 Giả tưởng và cách thức tiếp nhận văn chương nhìn từ Sống dưới ánh mặt trời

Đến tận hôm nay trong giới sáng tác và nghiên cứu văn học vẫn cứ còn thổn thức và tốn không biết bao nhiêu giấy mực xoay quanh một nỗi niềm -  SỰ THẬT là gì? Văn học có phản ánh hiện thực? Đại thể, chia làm nhiều phái: một/ cho rằng sự thật là những gì vốn có của đời sống được đưa/ tái hiện trung thành vào văn chương (“Tiểu thuyết như tấm gương kéo lên trên đường” – Stendhal); cho rằng sự thật là cái có thể có, có thể xảy ra nên tác phẩm văn chương phái có tầm đón đợi, tiên cảm về những tình huống có thể đến, xảy ra giúp con người kinh nghiệm sống; ba/ cho rằng sự thật là những gì nhà văn tin và viết ra để truyền cảm hứng tới độc giả.

Một tác phẩm mới xuất hiện thu hút được độc giả chắc hẳn phải kích cầu được những suy nghiệm mới mẻ về đời sống của con người trong thế giới tự nhiên và xã hội. Người ta vẫn thường nói về “không gian ba chiều” và “thời gian hai chiều” trong nghệ thuật. Nhưng thực tế thì thế giới vốn “đa chiều”. Nếu theo quan điểm này thì trí tưởng tượng của con người là không có giới hạn. Nên mới có Hai vạn dặm dưới biển của Jules Verne, mới có Tây du ký của Ngô Thừa Ân với nhân vật Tôn Ngộ Không có khả năng siêu việt đằng vân giá vũ, nhìn thấu tim gan kẻ xấu yêu tinh đội lốt người hại người lành.

Nhiều khán giả của nghệ thuật thứ bảy thích xem phim ma, nhiều người thích đọc Người đi xuyên tường của nhà văn Pháp hiện đại M. Aymé,... cũng như trẻ em (mà không riêng gì trẻ em) thích xem phim Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars)... Vậy là cơ chế của văn hóa đọc đã thay đổi quan trọng.

Viên Kiều Nga (sinh 1991) là tác giả trẻ của một thực thể “văn trẻ”. Khi người ta trẻ người ta nghĩ khác, cảm xúc khác, viết khác. Tất nhiên. Ở đây cần chú ý đến mối tương liên biện chứng giữa nhà văn (chủ thể) và độc giả (khách thể). Đã qua cái thời nhà văn chỉ viết theo ý mình, không “đếm xỉa “ tới người đọc trong một cơ chế bao cấp (cả về tư tưởng, cả về lao động nhà văn).

Thế hệ f+ (gồm 7X, 8X, 9X) sống và viết trong thế giới phẳng, không gian mạng và ít nhiều không thể không “dính líu” đến thị trường nên nếu họ chọn một tâm thế viết khác các thế hệ tiền bối, thiết nghĩ kông có gì lạ.

Trước đây, hai chữ “viết lách” bị định kiến, nay thì có thể hợp thời bởi chữ “lách” ở đây chỉ một trạng thái khi nhà văn quan tâm tới đối tượng tiếp nhận và thụ hưởng nghệ thuật ngôn từ, khi tác phẩm văn chương cũng được định vị như một thứ hàng hóa (đặc biệt). Một lần nữa, công thức “không phải là viết cái gì mà là viết như thế nào” lại hiện hữu ở tầm vĩ mô rõ ràng đến như thế, có tính chất tiên đề như trong toán học vậy.

Vĩ thanh

Cuộc thể nghiệm nào trong khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt trong văn học nghệ thuật cũng đều có thể thất bại. Tuy nhiên, “thất bại là mẹ của thành công”. Nhưng phát triển bền vững rất cần những người tiên phong mở đường có bản lĩnh sống và bản lĩnh nghệ thuật. Bản lĩnh thì không phân biệt già, trẻ hay gái, trai. Với tư cách một người đọc có kinh nghiệm, riêng tôi muốn làm một người cổ vũ, khích lệ tác giả Viên Kiều Nga viết giả tưởng văn học, như cách mở màn ngoạn mục - Sống dưới ánh mặt trời./.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất