Phạm Văn Đồng, nỗi trăn trở với sự nghiệp giáo dục

LTS. Qua nhiều kỳ Đại hội, Đảng vẫn luôn xuyên suốt quan điểm coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Dẫu vậy thực trạng giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề khiến cả xã hội phải bận tâm. Nhân Tết đến xuân về, Tòa soạn giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn về nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người đặc biệt trăn trở về sự nghiệp giáo dục - “trồng người” để bạn đọc tham khảo.

Sáng 8/4/1988, tôi đến trường sớm, dù đêm trước thao thức mãi không ngủ được. Lý do sẽ được gặp Cố vấn Phạm Văn Đồng (1906-2000) - nguyên Thủ tướng Chính phủ, người giữ cương vị Thủ tướng lâu nhất (32 năm, 1955-1987).

Anh Vũ Thái Bình, Hiệu trưởng thưa với bác Phạm Văn Đồng: 

- Việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 80 năm Trường Bưởi - Chu Văn An đã xong, mời bác bớt chút thì giờ đến dự.

- Không, tôi không đến dự… mà về dự!

Chúng tôi cười theo, sung sướng vì tình cảm bác dành cho trường và sự chính xác đến từng con chữ của người dùng. Bác đã học chương trình tú tài bản xứ năm 1925 ở trường này, tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh rồi làm reo, bỏ học đi làm cách mạng. “Trung vệ Đồng đen” của đội bóng đá chân đất nhà trường vẫn tranh bóng rất quyết liệt mỗi khi giao hữu với trường bạn. Ấy là tôi nghe các cụ cựu học sinh trường kể thế khi được giao chủ trì làm một cuốn sách mỏng về trường.

Kệ Hiệu trưởng và Trưởng phòng Giáo dục quận cùng đi, cái gã Phó Hiệu trưởng nhãi nhép là tôi, cứ nói những gì muốn hỏi.

- Thưa bác, hồi ở nội trú, ăn uống của học sinh thế nào ạ?

Bác quay nhìn vào nhà trong:

- Có khi còn hơn bữa ăn bây giờ!

- Thưa bác, cháu để ý, nhưng không biết bác sinh ngày nào ạ?

- Thỉnh thoảng mới có một ngày sinh ấy mà!

Tôi ngẩn ra một tí rồi chợt hiểu.

- Bác sinh ngày 29 tháng 2 ạ? (năm nhuận).

Bác gật đầu. Về sau, thấy báo đưa tin chúc mừng bác Phạm Văn Đồng nhân ngày sinh 1/3, tôi viết trên “Nhà báo và công luận” chuyện này, tuy biết rõ người ta làm thế để năm nào cũng được chúc thọ cố vấn. Chúc thì cứ chúc, chứ không được đổi ngày sinh bác như thế. Khi ấy tôi nghĩ chứ không viết ra.

Phạm Văn Đồng, nỗi trăn trở với sự nghiệp giáo dục - 1

Cố vấn Phạm Văn Đồng (1906 - 2000) - nguyên Thủ tướng Chính phủ, tại buổi chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 80 năm Trường Bưởi - Chu Văn An. Ảnh Tư liệu

Bác Phạm Văn Đồng không về ngày lễ mà về trước, chỉ để gặp mặt mọi người và cựu học sinh trước cách mạng. Tôi đi bên, đưa tay đỡ, chỉ để tỏ lòng tôn kính chứ không hẳn bác cần đỡ. Bác bảo: “Cứ để tôi đi!”.

Mọi người im phăng phắc. Tôi ngồi bên bác, điều khiển cuộc gặp mặt (vì Hiệu trưởng chưa đến). Bác đứng dậy, hai tay chống sườn, cách chống sườn của người lịch lãm, khiêm nhường: Hai ngón cái phía trước, bốn ngón kia phía sau chứ không phải ngược lại. Người thư ký đến phía sau nhắc bác gỡ kính đen ra, bác mới nhớ (ảnh trong bài chụp trước đó mấy phút).

Đấy là ký ức cách đây 36 năm (1988). 10 năm sau đó, bác lại về cả trường cấp 2 (trong khuôn viên trường cũng mang tên Chu Văn An). Có lần thăm này vì trước đó, báo “Giáo dục thời đại” có xin bác cho ý kiến về giáo dục hiện nay, “Muốn vậy, tôi phải để ra ít nhất một năm tìm hiểu đã” - bác trả lời.

Lần về thăm này, vì thế bác chỉ nghe. Bác đã yếu nhiều, phải có người đỡ rồi. “Chắc còn đồng chí muốn nói. Nếu cần thì viết thư. Hôm nay tôi không nói gì, để dành” - mọi người vui vẻ cùng cười với Bác.

Tôi sẽ có ý kiến, sẽ làm hết sức mình để góp vào sự nghiệp giáo dục. Bác hẹn sẽ dự một số giờ. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Năng Định kể, dự giờ sử của mình, bác tỏ ý hài lòng, nhưng nhận xét: “Thầy còn nói nhiều, ít tương tác với học sinh”.

Hòa bình lập lại được dăm năm, Bác đã về thăm trường cũ. Cũng dự một giờ sử. Bác nhận xét: “Tư liệu của thầy rất phong phú. Có những việc tôi là người trong cuộc (Trưởng đoàn ta đàm phán với Pháp ở Hội nghị Phôngtennơblô) cũng không biết (nhờ khai thác từ sách báo Pháp). Nhưng tiếc là, điều quan trọng nhất thầy lại chưa nêu được. Nó thể hiện đường lối cách mạng của Bác, Đảng: chiến - đàm - chiến - đàm - chiến cho đến khi đạt được mục đích cuối cùng”.

Nếu ta nhớ những sự kiện: Hiệp định sơ bộ (6/3), Tạm ước (14/9), rồi đằng đẵng cuộc kháng chiến thứ nhất kết thúc bằng Điện Biên Phủ rồi Hiệp định Giơnevơ (1954, Bác làm trưởng đoàn). Rồi cuộc kháng chiến thứ 2 rồi Hiệp định Pari (1973) đến đại thắng mùa xuân thì rõ đường lối chiến lược ấy xuyên suốt cả một hành trình dài của cách mạng Việt Nam.

Trong một hội nghị giáo dục toàn quốc, bác Phạm Văn Đồng nói, điều quan trọng không phải là dậy cái gì mà là dậy thế nào? Trả lời câu hỏi thế nào không quan trọng bằng câu hỏi tại sao? Nghĩa là phải dậy phương pháp tư duy. Cách quan trọng hơn cái nhiều lắm, có thế học trò mới biết tự học, vì tự học quan trọng hơn học nhiều lắm.

Bác ở bên Phủ Thủ tướng nên đến trường chỉ vài phút xe. Chu Văn An lưu giữ nhiều kỉ niệm thời học trò của người, nên đúng là bác “Về trường”, ra Hồ Tây bơi thuyền những lúc cần thư giãn hiếm hoi. Năm 1959, về trường, trong bài nói chuyện ngày 21/3 của bác có câu: “Nhà trường là chuẩn bị cho đời sống”. Nếu ta coi trọng ý kiến này để dậy học sinh, sinh viên những kỹ năng sống cần thiết, bên cạnh những kiến thức cần thiết thì đã không có chuyện bây giờ, nhiều em ra trường mà vẫn như “gà công nghiệp”.

Chắc hồi đi học bác từng vùng vẫy trong làn nước xanh Hồ Tây nên dạo ấy, bác còn tặng trường mấy chiếc phao lớn bằng sắt, vây thành bể bên trường cho học sinh bơi.

Có lẽ sau Bác Hồ, bác Phạm Văn Đồng là người quan tâm đến giáo dục nói chung, trường Chu Văn An nói riêng nhất. Qua Chu Văn An, hai Bác thể hiện ý kiến chỉ đạo của mình với giáo dục và Chu Văn An xứng đáng được hưởng vinh dự ấy… “Ngày xưa”, cả xứ Đông Dương chỉ có một trường trung học bảo hộ này. Lãnh đạo Đảng ta như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ; lãnh đạo Đảng Lào như Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn và rất nhiều tên tuổi khác đã học ở đây. Địa thế nhà trường là đẹp nhất Thủ đô, nhất nước, cả Đông Dương bởi ở ngay bên Hồ Tây thơ mộng.

Bác Hồ đã đến thăm trường cả thảy 5 lần. Lần thứ 5 (31/12/1958), Bác có phát biểu một số ý kiến được viết sẵn, chứng tỏ tầm quan trọng bài nói của Người. Sau đó Bác có gửi cho trường những lời chúc ngắn gọn đề ngày 1/4/1959:

“Chúc trường:

Các thầy zạy bảo tốt

Các cháu học tập tốt

Mọi người lao động tốt

Cả trường đoàn kết tốt.”

Đấy là nội dung chủ yếu của phong trào thi đua Hai tốt sau này.

Đầu những năm 80, Sở Giáo dục cố ý mời bác Phạm Văn Đồng đi thăm trường cấp 2 Nguyễn Trãi trong cảnh úng lụt rất tang thương. Làm việc với Thành phố sau đó, bác chỉ thị phải làm sao cho trường ra trường, lớp ra lớp. Hà Nội đã dẫn đầu, rồi cả nước làm theo chỉ thị ấy. Hà Nội và các nơi khác đã làm được. Còn vùng sâu, vùng cao? Nhưng quyết định thành công trong công tác giáo dục, giáo dưỡng vẫn là đội ngũ thầy. Làm sao để thầy phải ra thầy, trò phải ra trò. Mấy năm sau, bác hoàn chỉnh suy nghĩ ấy thành một quan niệm, một lập luận khoa học, hệ thống, toàn diện, cả điều kiện vật chất và con người, cả CÁI và CÁCH: Sổ vàng của trường còn lưu bút tích Bác đề ngày 15-3-1988 có viết:

“Tôi thân ái chúc Thầy và Trò trường Chu Văn An làm tốt hai điều Bác Hồ dạy. Điều đó cũng là làm tốt mấy điểm sau đây:

Trường ra trường,

Lớp ra lớp,

Thầy ra thày,

Trò ra trò, 

Dạy ra dạy,

Học ra học.”

Bây giờ, trong giáo dục, thầy đóng vai trò chủ đạo, hướng dẫn để trò chủ động tiếp nhận kiến thức trong sự tương tác giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa nhà trường và cuộc sống chính là làm theo luận điểm trên.

Sau này, bác Phạm Văn Đồng còn có ý kiến với Bộ Giáo dục để trình Chính phủ xây dựng mỗi miền một trường Trung học Quốc gia. Miền Bắc là Chu Văn An (Hà Nội), Miền Trung là Quốc học Huế. Miền Nam là Lê Hồng Phong. Năm 1998, Bác mời Hà Nội đến hỏi chuyện. bác đã yếu lắm. Phải có hai người dìu hai bên, và mắt thì không còn nhìn thấy gì nên cặp kính đen không rời mắt. Sau câu: “Chào các đồng chí”, bác vào đề ngay: “Hà Nội trả lời tôi xem, khi nào dự án thực hiện được?”. Mắc nhất của dự án này vẫn là việc giải phóng mặt bằng. Vì thế, bác yêu cầu Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh vào cuộc ngay…

Bây giờ Trung học Quốc gia Chu Văn An đã Trường ra trường, lớp ra lớp (có hội trường, nhà giáo dục thể chất, thư viện, nhà nội trú…) và thầy đang ra thầy, trò đang ra trò, dậy đang ra dậy, học đang ra học, theo tinh thần Phạm Văn Đồng thì đã không kịp. Bác đã đi xa năm 2000.

Phải nói các việc khác trước nữa rất lâu bác đã làm. Trong hội nghị “Bàn về phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu toán học (7-1996), bác đã chỉ ra: “Nếu các em vào trường phổ thông, ta có cách phát hiện được phần lớn và đừng bỏ sót những em có năng khiếu đặc biệt, rồi ta có cách dậy… nâng đỡ, phát huy năng khiếu. Nếu ta làm được việc này từ cấp 1, cấp 2, lên cấp 3 rồi lên nữa thì trong mươi năm nữa có thể có những nhà toán học trẻ có triển vọng ghê gớm…”.

Việc này, Hà Nội và nhiều nơi khác đã làm được nên giờ mới có trường phái toán học Hà Nội, mới có Giáo sư Ngô Bảo Châu, giải toán học Fields…

Cuối những năm 50, Bác đã khởi xướng cuộc vận động Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt mà việc này càng ngày càng phải báo động. Sau đó là phong trào Vở sạch chữ đẹp, Nét chữ nết người, Dạy văn, học văn thế nào. Nói rộng ra là việc cải cách giáo dục bác cũng đã đề xuất và chỉ đạo. Tiếc rằng mọi chuyện vẫn còn đang ngổn ngang…

Đầu tư vào giáo dục là đầu tư khôn ngoan nhất, hữu ích nhất. Nhưng có lần, giữa hội trường Ba Đình, trong lễ tuyên dương và phát thưởng học sinh giỏi Thủ đô, Bác xòe bàn tay lên, vẻ bất lực nói: “Tôi là Thủ tướng tôi biết ngân sách dành cho giáo dục là bao nhiêu chứ!”.

Đấy là việc quốc gia đại sự. Còn chúng ta, nhớ đến Phạm Văn Đồng là nhớ con người suốt đời trăn trở với sự nghiệp trồng người.

Là nhà giáo xin hãy đầu tư tâm trí.

Là cha mẹ trước hết chỉ xin hãy đầu tư thời gian đã và nếu ai cũng có, dù chỉ một phần nghìn trăn trở, tâm huyết với giáo dục như bác thì đất nước mới sánh vai cùng bè bạn năm châu được.

Nguyễn Bắc Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất