Phía trước sông trôi

Truyện ngắn của Phùng Văn Khai

Thuở bé tôi thường ra sông chơi. Con sông tuổi thơ không có tên, nhỏ nhắn uốn lượn giữa hai bờ dâu. Người ta bảo đó là con sông cổ, con sông thiêng của vùng đất cổ thập bát điền trang. Bên kia sông, bãi dâu rộng ngút tầm mắt.

Có một dạo đói kém người ta đào hết các cội dâu già để trồng ngô. Ngô răng ngựa hạt ken dày, ninh thế nào cũng không nhừ, nhai mỏi răng.

Bà nội tôi sống gần trăm tuổi hàm răng đen vẫn dày nhưng nhức bảo: “Chặt phá hết dâu thế có tội đấy, có tội với cụ Thượng”.

Tôi ngây ngô hỏi: “Cụ Thượng ở đâu hở bà?”.

Bà nội thở dài: “Cụ ở dưới sông làng, năm trước các anh các chị chả phá miếu thờ, phá đình chùa quẳng xuống sông là gì”.

Tôi hờn dỗi: “Cháu biết đâu đấy”.

Bà nội vuốt vuốt mớ tóc đuôi gà của tôi thì thầm: “Cha tiên nhân chị thì biết cái gì. Rồi lại khổ thôi”.

Lúc ấy tôi thấy cái gì mơ hồ chuyển động, mơ hồ bám níu trái tim thiếu nữ phấp phỏng dạo này tự nhiên hay mơ thấy mấy người đàn ông bặm trợn ở lô cốt ven sông chỉ trỏ sang cánh đồng dâu mặt đầy nhục cảm. Sau này lớn lên, đi xa, bôn ba nơi xứ người tôi còn đối diện với những khuôn mặt ấy. Khi lẩn quất bất thần. Khi nhơn nhơn chiếm giữ. Lại có khi nhăn nhở soi mói tấm thân thiếu nữ của tôi.

Một luồng gió ù ù thổi xuống bàn làm việc của tôi tợn tạo. Tôi sực tỉnh, khẽ rùng mình. Tôi đã gục thiếp trên chiếc bàn làm việc lúc nào không biết. Cái đồng hồ cổ chạy lịch xịch báo hiệu đã đến bữa ăn trưa. Trấn tĩnh nhìn xuống ngực mình tôi khẽ mỉm cười. Cái áo vest khoác hờ rơi xuống đất lộ ra phần ba khuôn trăng căng đầy, lấp ló được chiếc áo thun ngoại quốc ép dâng lên.

Tuổi bốn mươi, thân thể tôi căng nhức giễu cợt thời gian, giễu cợt lũ đàn ông hiếu sắc. Những thư ký xinh đẹp cánh đàn ông mới đến văn phòng tôi hấp háy xin số di động, hứa hẹn mây xanh khi được các em dẫn vào đối diện bà chủ cứ thẫn ra, ân hận nuốt nuốt một cái gì cựa lên. Lúc ấy tôi thường nháy mắt với nữ thư ký: “Trưa cho phép em đi dùng bữa với chị. Anh đây cưng em rồi đó”.

Thường những đức ông hiếu danh hiếu sắc lập tức xoa tay, sờ tai, gãi đầu thành kính: “Xin phép chị. Mời chị đi riêng ạ. Chuyện này quan trọng...”.

Tôi cười. Tiếng cười ma mị người đời bảo có dục tính và thường đậm nét khinh khi sao lũ kia vẫn cứ bám riết. Chúng cần tiền của danh vọng? Hay là chúng thật lòng yêu thương tôi, một tổng giám đốc duyên phận còn đang giăng ra phía trước. Trái tim tôi sao cứ chai như đá tảng. Những lá dâu cành dâu mơn mởn tuổi thơ tôi đánh đổi bằng bê tông cốt thép chóng vánh hoàn thiện đến vậy sao.

Phía trước sông trôi - 1

Ảnh minh họa

Thuở mười ba, sau cái hôm bà nội mắng tôi ngốc nghếch tôi trở thành thiếu nữ. Hôm tắm con sông thiêng tôi hấp hoảng thấy lũ cá mương tợn tạo rúc rúc vào phần trinh nữ của tôi, một con hứng chí rúc quá mạnh mắc kẹt vào chiếc quần con mẹ tôi mới mua trên phố huyện ngúc ngắc cái đuôi tội nghiệp. Tôi gỡ chú cá mương ra chợt thấy trong làn nước trong vắt ghềnh đá bến sông lòa xòa tre trúc một màu đầm đậm, hồng hồng từ chiếc quần con xinh xinh rịn ra loang chùm sợi hồng lạ lẫm. Linh cảm mơ hồ và ngượng ngập, tôi gỡ chú cá mương háu đói lúng túng thả ra. Chú nhoai người liệng liệng trên mặt nước rồi phơi bụng thoi thóp, lềnh bềnh. Tôi bỗng ôm mặt khóc thương chú cá mương tội nghiệp vốn tinh nghịch nhưng yếu đuối và rất dễ bị tổn thương.

Cái hôm bến sông thiêng ấy trôi dần vào cổ tích, vào một khoang riêng trong tâm hồn đa phức của tôi mà trú ngụ. Từ ấy tôi không tắm trong dòng sông nữa. Mẹ dựng cho tôi căn phòng tắm xinh xinh bằng những tấm phên tre thân thuộc. Những đốt tre mắt tre cười lim dim thân thể thiếu nữ tôi. Tôi đẹp và cao lớn nhất vùng. Cặp giò tôi sải nhanh thấp thoáng, ẩn hiện nơi triền dâu, mái tóc dài vung vãi là đề tài của mấy anh nhiếp ảnh, họa sĩ và nhà văn. Tôi học cấp ba dưới trường huyện phía cuối dòng sông. Dòng sông ấy chưa bao giờ thôi chảy trong tôi, có khi là ào ạt có khi là thầm thì.

Cô thư ký văn phòng bước vào sau tiếng gõ cửa và lời mời đồng ý của tôi. Váy xẻ cao, bộ cánh màu be hồng ôm khít tấm thân thiếu nữ. Tôi không nhìn em vẫn mường tượng ra cái mím môi trẻ con, hất hỏng. Học hành không đến nơi đến chốn song thường ghen tị. Tập tài liệu tôi đã ký đẩy về phía trước dường như có thể thay câu trả lời nhưng tôi lại lên tiếng.

Giọng tôi chưa bao giờ cởi mở hay nghiêm túc: “Em ngồi xuống. Chị muốn nói chuyện với em”.

Đôi mi giả chớp chớp rồi rướn lên bình thản. Khuôn ngực thiếu nữ căng lên vừa khiêu khích vừa giả tạo lấp liếm dưới cái thứ đồ chế tác tinh vi. Tôi như cùng một lúc vừa thấy lại tuổi thơ lấm láp nhưng chất phác, tự nhiên của mình. Từ cái áo con mẹ khâu cho mỏng mảnh và quá nhỏ không chứa im trái tim cứ thình thịch căng tràn. Rồi cái áo cánh diềm bâu cứ như nhỏ lại, cũn cỡn từng ngày sao bây giờ nó đối chọi với cô gái trước mặt tôi đến thế.

Ngày xưa tôi phát khóc, hoảng sợ vì nó cứ ngắn lại, căng ra thì bây giờ ánh mắt, bộ ngực hãnh tiến kia cứ giơ ra, bình thản, chủ định và trâng tráo. Tôi vô thức ngẫm ngợi lâu lâu làm cô gái phải lên tiếng: “Nếu không có chuyện, em xin phép mang đề án xuống phòng kế hoạch”.

Tôi trở về thực tại, khẽ mỉm cười: “Chiều hãy đưa xuống đó, em. Trưa nay, hai chị em mình ăn cơm mời. Được không em”.

Cô gái cúi đầu, di di ngón chân trên thềm chiếc guốc cao, đỏ và bóng loáng, biểu hiện vô ý thức của một người luôn tự gồng mình, sống quá lên với khả năng có thể: “Thưa chị, được ạ”.

“Em chuẩn bị, mười lăm phút nữa ta đi. Đi xe của khách”.

Cô gái đi khỏi phòng tôi lại thấy băn khoăn, có cần thiết phải như thế không. Hay tôi cũng đang tự gồng mình, chống chọi một cái gì vô nghĩa lý. Biểu hiện của phía dốc bên kia cuộc đời chăng. Hay những biến cố sẽ còn lân la, chờ dịp để buông xuống tôi, người còn lại duy nhất của dòng họ sau biến cố kinh hoàng ngày trước. Có con thú nào không mảy may linh giác trước muôn vàn bẫy giập. Còn tổ tông tôi, những con người ưu việt sẽ còn mãi và lên tiếng chứ, lên tiếng như dòng sông thiêng đang thầm thĩ vặn mình.

Phía trước sông trôi - 2

Bữa tiệc sang trọng được bày biện tao nhã trên dòng sông Mẹ. Những tre trúc một thời giương đôi mắt trước tấm thân thiếu nữ đương thì giờ bình thản tiếp đón người trở về từ viễn xứ. Một thời người ta chặt tre trúc. Cùng thời ấy người ta đào những gốc dâu bên kia sông.

Người đàn ông đối diện tôi nói bông đùa với cô thư ký: “Em nhìn dòng sông kìa, mãnh liệt lắm đấy”.

Cô thư ký của tôi như hoạt bát hơn trong bộ váy kín đáo mới tinh thơm mùi vải vóc: “Anh tinh tế lắm, còn biết là sếp em thích sông nữa cơ”.

Chàng thanh niên lái xe cho người đàn ông chắc phải là người có học, nghiêm trang nhìn mọi người nói nhỏ nhẹ, rõ ràng: “Em xin phép tự giới thiệu, em là Lăng, kỹ sư địa chất mới về chỗ anh Tư. Em đã được nghe nhiều về chị”.

Lăng? Một cái gì khẽ rộn rạo trong tôi. Xa lắm. Mộng mơ thời thiếu nữ tôi có gắn tới cái tên độc đáo ấy. Người ấy cũng làm khảo sát, dạo về sông thiêng khảo sát làm cầu tôi học dưới trường huyện. Một tốp cứ lặn ngụp đo đạc dọc triền sông và hay trêu chọc tôi.

Hôm ấy, không hiểu sao có mỗi một anh, tôi đi học ngang bờ, bạo dạn: “Lặn ngụp ở đây có hà bá đấy, chú gì ơi!”.

Chàng trai dưới sông cười lóa nhóa trong cái nắng tháng sáu khua khua tay: “Đừng gọi chú, chú lặn luôn xuống đáy mất đấy”.

Tôi hứng chí càng tợn tạo: “Chú lặn thử xem!”.

Tưởng chơi, ai ngờ người ấy lặn thật. Lâu lắm không thấy làn nước động đậy, tăm bọt gì. Tôi hốt hoảng. Rồi hoang mang, quýnh quáng chạy trên bờ săm soi. Im lặng. Bên kia sông là mố cầu sần sùi lô cốt lau lách lật phật. Bên này sông ngàn dâu xanh mướt lào xào. Hay là ma hiện hình người trêu tôi. Trưa vắng. Làng xa yên tĩnh đến rợn người. Và trước mặt tôi dòng sông không một gợn sóng, bóng tăm. Người ấy đã chui hút xuống lòng sông? Tôi ngồi buông phịch cặp xuống bãi cỏ sát mép nước, nước mắt tự nhiên cứ trào ra thút thít rồi òa vỡ.

Khi sự hoang mang đã lên tới tột cùng bỗng cảm giác có ai đang đến ở đằng sau. Tôi quay phắt người lại. Trời ơi! Chính là người ấy quần áo chỉnh tề, mặt mũi đầu tóc còn ướt sũng nước sông và cái cười như phân bua, xin lỗi mà vẫn hóm hỉnh vô ngần cứ nhằm tôi là lan đến. Tôi quay phắt nhìn dòng sông hờn dỗi. Người ấy ngồi sát xuống và một giọng trong veo, ấm áp lạ thường: “Chú xin lỗi cháu”.

Tôi bật cười, xoay người không nhìn chú, lặng ôm chặt cặp sách trước ngực đứng lên, người kia giọng chợt trở lên hốt hoảng: “Sao? Giận gì mà vô cớ thế. Muốn chú lặn hẳn xuống lòng sông hay sao?”.

Tôi mím môi, quay lại nói bừa: “Chú giỏi thì lặn đi. Lần này thì cho chết”.

“Sao trên bờ khóc?”

Tôi càng lúng túng nói bừa: “Ai người ta thèm khóc chú. Rõ dơ...”.

Rồi cứ thế, tôi chạy thẳng khỏi bãi cỏ ấy, không thèm ngoái lại. Cỏ rối dưới chân hôm ấy như dài hơn, bám níu khó chịu. Gần về đến cái ngõ tre lòa xòa, tôi chầm chậm bước. Giàn thiên lý thân thuộc trên bể nước rêu phong ngan ngát tỏa hương...

Người đàn ông trò chuyện rất thân tình với cô thư ký. Đời vẫn thế. Mấy ly rượu vàng sóng sánh mật ong khua múa lanh canh. Tôi vẫn chưa trả lời cậu kỹ sư trẻ. Cậu ấy nhìn tôi, một cái nhìn mạnh mẽ và bao dung. Tôi cần gì sự bao dung của cậu. Rõ ràng cậu trợ lý trẻ tinh tế và láu lỉnh.

Thứ đàn ông này ít ra khiến tôi bớt khinh khi, tôi trêu lại cậu: “Thế người ta nói gì về tôi vậy đồng chí kỹ sư. Chắc không phải chuyện riêng tư chứ ?”.

“Không em tự tìm hiểu và em hỏi họ. Em có cái nhìn của em, chị lạ lắm”.

Tôi bật cười. Cũng thế cả thôi. Đã có người đàn ông nào bảo tôi không lạ? Rồi thì lân la làm quen, rồi thề bồi, dụ khị, cả lạy lục, lật lường. Nhưng linh giác mách tôi cậu kỹ sư này có gì hơi khang khác. Là cái gì chắc rồi sẽ rõ bây giờ thôi.

Tạm cất vào sâu cái ý nghĩa ấy, tôi nhìn người đàn ông đang tất bật trêu chòng cô thư ký, buông giọng lạnh lùng cố hữu: “Anh Tư, ta vào việc được chưa anh?”.

Người đàn ông thoáng ngượng ngập nhìn tôi, tay loay hoay sửa cái ca vát đỏ sặc sỡ: “Dạ, Cảm ơn chị. Xin được bắt đầu ạ. Chị đã đọc tập dự án tôi gửi hôm trước rồi chứ. Tôi muốn chị nhường lại cho mặt bằng dự án của chị. Mức đền bù là tùy ở chị”. 

Tôi mỉm cười nhìn vào cặp môi mỏng, sống mũi cao và vầng trán hơi dô của vị Tổng giám đốc nghe đâu cũng quyền thế lắm, nhỏ nhẹ: “Anh biết đấy. Nó là tuổi thơ tôi. Sao anh không tìm một nơi khác. Đất đai bây giờ thiếu gì”.

Người đàn ông hơi nhổm người. Cô thư ký của tôi đã quay sang bắt chuyện với cậu kỹ sư trẻ thi thoảng liếc trộm người đàn ông ao ước.

Người đàn ông nhìn thẳng vào tôi giọng nói vẻ hơi run: “Ra là thế, thú thật với chị nó cũng là tuổi thơ của tôi. Hay là ta liên doanh với nhau được không?”.

Tôi lặng đi. Người đàn ông trước mặt chợt mờ nhòe, ẩn hiện chập chờn sương khói. Không thể là người trước đây trêu chòng, lặn ngụp trên sông thiêng được vì đoàn khảo sát địa chất ngày ấy mãi trên trung ương về. Về rồi lại đi. Năm cuối cấp tôi còn nhận được lá thư từ biên giới Tây Nam, nói rằng anh đã chuyển ngành sang Quân đội và đang vừa làm địa chất vừa cầm súng. Lá thư bây giờ tôi còn giữ. Trải qua bao biến cố nó vẫn nằm trong trái tim tôi. Tôi coi đó là mối tình duy nhất của mình đến bây giờ và biết đâu là mãi mãi.

Tôi bảo người đàn ông trước mặt: “Nhưng tôi không tán thành dự án của anh. Nó sẽ giết chết con sông bằng chất thải. Tôi không đồng ý”.

Người đàn ông chợt trở nên đờ đẫn thở dài: “Tôi không còn phương án khác. Nếu nó không được thực hiện, chúng tôi có thể bị phá sản”.

“Kinh doanh thì phải chấp nhận”.

Tôi lạnh lùng nhìn người đàn ông không chút xót thương. Người đàn ông chợt trở nên điềm tĩnh và tinh quái: “Là tôi đã thưa trước chuyện với chị. Tôi chắc chính quyền không bỏ rơi mấy nghìn công nhân bản địa ở đây đâu. Dù sao cũng cảm ơn chị”.

Người đàn ông nâng ly rượu nhã nhặn mời. Tôi cạn ly. Cuộc đời đã trang bị cho tôi cả sự lạnh lùng cả sự láu lỉnh trong những cuộc chơi lớn.

Tôi không thể làm khác vì đó là biến cố gia tộc tôi. Dự án của tôi đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mọi chuyện đền bù đã xong. Địa phương hoan nghênh tôi trở về quê đầu tư, lại đầu tư chính ngành nghề đang mai một. Ao ước của tôi cho những triền dâu vùng “Thập bát điền trang” phải xanh trở lại. Gió trên sông ngai ngái hương dâu thở dọc tuổi thơ tôi phải hồi sinh. Và sâu hơn, nơi tổ tiên an nghỉ vĩnh hằng vùng đất này không thể chịu thêm oan khuất nào nữa. Đó là một điều bí ẩn mà tôi chôn giữ từ bao năm nay. Đó là mệnh lệnh tâm linh không gì xâm phạm được. Ít ra là khi tôi đang còn sống.

Bữa tiệc đi vào im lặng. Người đàn ông thôi không đoái hoài trò chuyện với cô thư ký của tôi hơi xoay người nhìn ra sông Mẹ. Tôi cũng nhìn ra sông. Ở đấy sông đang trôi. Sông đang miệt mài trôi về phía chân trời...

Tôi trở về văn phòng trong trạng thái mông lung, huyền hoặc. Chúng tôi đã uống khá nhiều rượu. Cô thư ký lễ phép xin tôi về nghỉ mắt bỗng ánh lên lóng lánh. Cuộc đời vốn vậy ư? Một cái gì đã và sẽ tiến hành cản trở công việc của tôi? Chắc sẽ là rất nhiều. Chắc sẽ là rất quyết liệt. Trời sẩm sẩm. Chiếc điều hòa phòng ngủ chạy êm ả, ru vỗ. Tôi ngắt mọi liên lạc với bên ngoài để trở về với thế giới của riêng mình theo thói quen. Rượu làm tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Năm giờ rưỡi sáng tôi tỉnh dậy. Cảm thấy có cái gì váng vất, tôi ào vào bồn tắm xả nước nóng. Cơ thể tôi bồng bềnh. Khoái cảm dồn trở lại. Tôi chợt nhớ đến cậu kỹ sư trẻ và cái nhìn mạnh mẽ, bao dung. Cậu ấy bao nhiêu tuổi nhỉ? Đã đến ba mươi chưa? Hay là hơn. Còn người đàn ông tham vọng kia nữa. Khổ thân các người chưa. Mê lú vào những tiền tài, xác thịt để làm gì. Cứ như tôi, một thân một mình tự do tự tại mà thực hiện phần di nguyện bí ẩn đủ gây bao thắc mắc cho người đời. Ngắm nhìn bộ ngực mình tôi chợt mỉm cười. Chợt nhớ tới cô gái thư ký mà ủy ban gửi gắm cho tôi. Cũng phải có một cái giá nào chứ. Tại sao không thể khuyên bảo thẳng nhau được nhỉ. Cứ phải vấp vào con đường cũ ư? Để làm gì? Tôi lau người. Hơi nước phả ra mờ mờ ảo ảo. Những đường cong chính tôi còn kinh ngạc mấy chục năm như thách thức, trêu ngươi. Nó thuộc về ai? Hay là nó thuộc về đất cát tằm dâu ở bãi sông này.

Vận bộ đồ thể thao mốt nhất tôi rời khỏi văn phòng. Trời đất còn mờ mịt hơi sương. Những bước chân sếu của tôi giẫm qua đường nhựa, sang đường đất rồi tràn ra triền cỏ xanh mướt. Những bụi dâu non ngỡ ngàng đón bàn chân chờ đợi, phấp phỏng mấy mươi năm. Gió sớm lào xào trên mặt sông, lùa vào tai vào tóc vào bờ mi khóe mắt mùi lá dâu non ngai ngái, ươn ướt. Phía trước, sông đang trôi.

Hít thật sâu hơi thở đồng bãi. Tôi nhìn sang bên kia sông phía xa mờ mờ, ụ lô cốt xù xì nghiêng đổ xuống lòng sông hình như có ai đang ngồi bó gối nhìn dòng sông đang thầm thĩ chảy. Là ai được nhỉ? Liệu có phải một người con gái như tôi? Hay là người đàn ông nào đó đang tìm kiếm một đối sách với tôi bên dòng sông này. Hay là cậu kỹ sư trẻ? Hay là người năm trước lặn ngụp trêu chòng tôi giờ trở lại dòng sông. Có thể và không thể.

Tôi ngồi xuống triền cỏ mát rượi ướt rượt hơi sương nằm xoài ra cỏ mặc kệ nước sương đọng trên cỏ ngấm qua áo quần thấm vào da thịt tôi lành lạnh. Tôi đã đi qua bao nhiêu trời Âu trời Phi để về lại bến sông này. Tôi dang tay như muốn đo, ôm tất thảy vùng đất cổ “thập bát điền trang” qua bao thăng trầm, binh biến, mất còn vẫn tươi non nằm nghe sông kể chuyện. Cho dù phía trước còn bao nhiêu chông gai, ghềnh thác tôi vẫn sẵn sàng. Tôi nhắm mắt hít hà hương cỏ hương dâu rồi mở mắt. Ơ kìa! Nơi cuối triền sông sương khói, mặt trời bỡ ngỡ nhô lên.

Tin liên quan

Tin mới nhất