"Tìm chồng cho mẹ": Tập truyện ngắn ấn tượng

Giữa một rừng sách với bạt ngàn những truyện ngắn, tôi cầm lên một cuốn. Không chọn tác giả mà chọn tên sách. “Tìm chồng cho mẹ”, tên rất khơi gợi. Khắc sâu trong tiềm thức cái triết lý đã thành quy luật từ bao đời, đó là “Phu tử tòng tử” – chồng chết thì theo con. Nhưng ở đây ngược lại, người con lại “Tìm chồng cho mẹ”. Tập truyện ngắn của Hoàng Dự - “Tìm chồng cho mẹ” NXB Quân đội nhân dân có 9 truyện, trong đó có những truyện mang tên độc đáo: “Tìm chồng cho mẹ”; “Thiếu phụ còn trinh”; “Không có lần thứ ba”; “Hai chồng”.

"Tìm chồng cho mẹ": Tập truyện ngắn ấn tượng - 1

Tập truyện ngắn “Tìm chồng cho mẹ” của nhà văn Hoàng Dự.

Ở Tây Nguyên, trong một nhà kia có hai anh em trai là Y Núi và Y Thực. Thời chiến tranh chống Mỹ người anh vào bộ đội. Sau ba tháng huấn luyện được nghỉ phép về thăm nhà, Y Núi cưới vợ, được ba ngày thì trở lại đơn vị chiến đấu, rồi một thời gian sau có giấy báo tử về địa phương và xã đã tổ chức làm lễ truy điệu. Y Thực đã nhiều lần khuyên chị dâu đi lấy chồng nhưng Hơ Rí chỉ muốn ở lại để thắp hương cho Y Núi và khuyên em chồng đi lấy vợ. Trong một lần đi nương, lúc trở về gặp mưa phải vào hang trú qua đêm. Hơ Rí nằm mơ thấy con ma lai về bắt mình, sợ quá vội la to và vùng dậy chạy đến chỗ Y Thực ôm chầm lấy em chồng. Thế rồi cả hai không kìm giữ được bản năng...

Còn Y Núi, anh chỉ bị thương chứ không phải đã hy sinh. Tuy nhiên người bác sỹ điều trị nói, anh bị dập tinh hoàn và bị chèn tuỷ ở cột sống nên không còn làm được cái việc của người đàn ông với vợ nữa. Đồng bào dân tộc Tây Nguyên nơi đây có tục lệ khi chồng chết có thể lấy anh chồng hoặc em chồng. Sức khỏe Y Núi không bình thường nhưng Y Núi muốn trong con mắt của người buôn làng, anh vẫn là một người đàn ông, một người chồng đích thực, và anh có ý nghĩ cháy bỏng là muốn có đứa con. Y Núi thuyết phục em trai, hãy ở với anh chị cùng một nhà mãi mãi.

Người đọc cảm thương cho Y Núi vì chiến tranh nên nỗi, nhưng không hề nhen nhún một ý nghĩ vẩn đục nào về luân thường đạo lý. Đọc đi rồi đọc lại mà nước mắt muốn trào. Chuyện éo le khó xử nhưng được giải quyết ổn thoả, việc tưởng như không có thể xảy ra nhưng lại phù hợp với hoàn cảnh thực tế ấy. Truyện ngắn này có mối quan hệ tay ba. Quan hệ tay ba chứ không phải tình yêu tay ba.

Năm sau, Hơ Rí sinh một bé trai giống Y Núi, Y Thực như giọt nước. Y Núi luôn giành phần bế Y Ngoan, anh ru nó bằng lời ru của núi rừng và những bản hành khúc của những người lính thường hát. Hạnh phúc thế đấy. Vậy mà Y Núi phải trút hơi thở cuối cùng do vết thương cũ tái phát. Tất cả cũng là tại chiến tranh. Chỉ tiếc là Y Núi không được hưởng niềm vui trọn vẹn, không được nhìn thấy Y Ngoan trưởng thành. Hơ Rí khóc than thảm thiết: Anh đã nói với Hơ Rí thế nào? Hơ Rí đồng ý làm vợ hai chồng rồi mà! Người đọc cứ băn khoăn thương tiếc sao nhà văn lại để cho Y Núi chết sớm quá. Giá như tác giả cứ để Y Núi sống và tiếp tục được thấy Y Ngoan lớn lên theo năm tháng (Hai chồng).

Thiếu phụ còn trinh có lối viết dung dị, tác giả dẫn dắt chuyện của một người phụ nữ kết hôn với anh thương binh nặng, tưởng như cũng bình thường như nhiều người phụ nữ khác từng lấy thương binh làm chồng… nhưng ở đây lại là trường hợp quá độc đáo khi mà đêm tân hôn, chị đã vòng tay nâng người anh nằm đè lên cơ thể đang run rẩy vì khao khát của mình, nhưng anh thở dốc lên và vội vã rời cơ thể chị nằm vật ra mồ hôi vã như tắm, và cái của quý của anh vẫn mềm oặt. Lấy một thương binh, mà lại là thương binh nặng, đã liệt nửa cơ thể, phải ngồi trên xe lăn, chị biết sẽ phải hy sinh rất nhiều và thực chất là chị đã chịu thiệt thòi khi vừa cưới nhau xong đã phải xin nghỉ hưu mất sức để ở nhà dễ bề chăm sóc tốt cho anh. Nhưng đến hy vọng cuối cùng là có một đứa con cũng không được. Năm tháng trôi qua trong vô vọng. Một hôm có bạn anh trước cùng đơn vị, cũng là thương binh đến chơi, người này có vợ và ba con. Huân nói với vợ rằng anh không còn sống được bao lâu, anh dàn xếp để bạn cho vợ mình một đứa con… nhưng chị phản ứng: “Khi nào anh còn ở bên em thì em vẫn là một cô gái còn trinh, và em không có ý định dành cho ai ngoài anh ra”.

Chồng chết, nhân vật Mai tưởng như là theo quy luật thông thường sẽ ở vậy để thờ chồng. Nhưng rồi Mai lại được nhà văn đẩy lên cái nấc cuối cùng của một người phụ nữ sống cao siêu, thánh thiện…là xuống tóc rồi đi tu. Người đọc cứ thấy bùi ngùi. Tiêng tiếc.

Nhưng đời là vậy. Thế mới nên chuyện.

Đó là chị Thanh, người phụ nữ chung thuỷ chờ người yêu là bộ đội chiến đấu ở chiến trường phía Nam những năm chiến tranh đằng đẵng. Đến khi đất nước thống nhất, anh không còn nữa và tuổi trẻ của chị cũng đã trôi qua. Hai vợ chồng người em thuyết phục chị xin ai đó một đứa con để sinh nở để có niềm vui trong khi Nhà nước cũng đã có luật chấp nhận phụ nữ đơn thân được quyền có con ngoài giá thú, nhưng chị giẫy nảy: Tôi không thể làm thế được, không chồng mà chửa ư, tôi còn là chủ tịch Hội phụ nữ nữa không, còn là đảng viên không? Sau này, tuổi gần năm mươi chị mới chịu lấy một người đồng đội cũ của em trai, vợ đã mất vì bệnh tật. Nhưng rồi chị lại phát hiện có khối u và không có khả năng có con (Chị tôi)

Mầm sống kể về trường hợp một anh bộ đội, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhưng mãi một năm sau anh mới về phép, vì anh bị thương còn phải điều trị. Anh lấy được người vợ trẻ đẹp, chín tháng sau ngày cưới nhận được bức điện vợ ốm nặng về gấp. Thế rồi Hải thấy trời long đất lở khi về đến nhà nhìn thấy đứa con không ra hình hài một con người. Anh hiểu rằng mình đã bị nhiễm chất độc da cam.

Những người bộ đội, những người phải chịu hy sinh mất mát trong chiến tranh. Đất nước hoà bình, họ vẫn phải chịu thiệt thòi. Sự hy sinh và thiệt thòi không có gì có thể bù đắp được. Đó là quyền làm chồng, làm cha. Mầm sống không phải là chuyện của một người mà của một đất nước. Cái giá của chiến tranh thật khủng khiếp, khi nó là chiến tranh huỷ diệt, của chất độc da cam mà đời sau sẽ còn phải giải quyết hậu quả.

Truyện đậm chất nhân sinh. Đứa con mà Hải đã từng định tiêm cho nó mũi thuốc độc bảng A, đứa con mà chính mẹ nó dứt ruột đẻ ra cũng đã quá sợ hãi mà bỏ đi khỏi làng, ông bà ngoại định đem đi chôn sống, may bà nội kịp giữ lại. Rồi bà nội nó cũng qua đời. Bố nó - cái anh Hải bộ đội ấy - xin xuất ngũ về làng, ở vậy và nuôi cái mầm sống - dị nhân của chiến tranh.

Truyện Căn nhà lửa ấm đem đến cho người đọc những suy nghĩ tích cực, những hy vọng và niềm vui chan chứa. Tình tiết câu chuyện được diễn giải một cách đơn giản, như nó vốn dĩ là vậy, không thể khác. Và cuộc đời này nó là như thế. Rất đẹp.

Tuy không thuộc tốp tên truyện giật gân, thậm chí Giai điệu của rừng còn gợi một cái gì êm ả, thanh bình nhưng thực tế câu chuyện lại rất lâm ly. Vân từng là một chiến sĩ quân giải phóng, trong một trận chiến bị một viên đạn thù vạt ngang ngực. Người xé áo băng bó cho Vân cũng là một chiến sỹ. Rồi hai người yêu nhau… Sau này, chuyển ngành, Vân phát hiện anh hy sinh ngay cạnh nông trường của chị hôm nay và chị thu gom hài cốt xây mộ, chăm lo hương khói cho anh. Còn mình, chị cho rằng không ai dám yêu nữa và sẽ chẳng có con. Có anh nhà báo từ Hà Nội vào nông trường để viết bài. Lúc này Vân đã là giám đốc. Nhà báo tán tỉnh “Anh muốn có con với em…” chị không đồng ý. Truyện ngắn này có một cái kết tròn trịa. Anh nhà báo trở về Hà Nội cho đăng một loạt bài về nông trường và giám đốc Vân trở thành người nổi tiếng. Hài cốt người yêu được bốc chuyển về Nam Định theo nguyện vọng của thân nhân ngoài Bắc. Nhà báo được vợ đồng ý để anh cho Vân một đứa con. Anh hí hửng trở lại nông trường rồi ngạc nhiên thấy nhiều sự thay đổi ở con người Vân. Cô kể, được ông giám đốc công ty tác thành với một người bạn chiến đấu cũ, và đã sinh một con trai. Vân lịch sự cảm ơn vợ chồng anh nhà báo và hẹn anh đưa vợ vào chơi, nông trường ngày nay có khu rừng là khu du lịch sinh thái.

Không có lần thứ ba kể về chuyện  vợ ngoại tình khi chồng đi công tác vắng. Câu chuyện muôn thuở. Không chỉ một lần mà đã hai lần vào nhà nghỉ với người tình, cùng một cơ quan, đều là nhân viên của chồng. Chuyện bại lộ. Nhưng cái kết của truyện không phải là trận đánh đòn thù và tan vỡ. Đọc truyện này thấy nhân vật người chồng bị vợ cắm sừng quá tỉnh táo, bình thản đến lạ lùng. Người vợ mắc tội ngoại tình thốt lên: “Sao anh lại đối xử với em tốt như thế? Em cảm ơn anh đã tha thứ cho em.” Anh kéo chị vào lòng. Hình như chị thấy có những giọt nước mắt từ gò má anh thấm sang gò má chị… Trong cuộc sống thực ngoài đời, những trường hợp vợ ngoại tình thường dẫn đến cảnh ly hôn. Ở đây tác giả tạo dựng lên một mẫu người lý tưởng với cách xử sự cao thượng. Đậm tình người. Nhân vật người vợ ngoại tình cũng rất đáng thương, đáng tội dưới con mắt của chính người chồng bị vợ cắm sừng.

Tìm chồng cho mẹ là tên một truyện ngắn được tác giả lấy làm tên chung cho tập truyện. Lan là cô giáo cấp II, mới 22 tuổi đời, vô tư đến mức, cưới nhau xong mấy ngày, chồng phải lên tàu vào đơn vị. Ở nhà một mình, đêm ngủ sợ ma, ôm gối ra gian ngoài xin ngủ chung với mẹ chồng, rồi hỏi lục vấn mẹ chồng về chuyện riêng ngày xưa một cách hồn nhiên. Sau này chồng Lan được chuyển ngành rồi xin cho Lan cũng được về Hà Nội công tác tiện bề chăm sóc con trai. Lúc đầu có mẹ chồng giúp đỡ, nhưng sau cháu đi nhà trẻ, bà nội về quê vì không muốn để nhà cửa lạnh lẽo. Sống bên chồng con nhưng Lan không quên và rất thương mẹ chồng, muốn giới thiệu cho mẹ chồng với thầy giáo Ban nơi trường cũ của mình vợ bị bệnh chết từ lâu. Ban đầu bà kiên quyết phản đối, nhưng bẵng đi vài năm, cả hai vợ chồng cô bất ngờ khi thấy thầy Ban và mẹ lên chơi. Bà đã đồng ý về chung sống với ông. Một truyện ngắn có hậu. Con dâu tìm chồng cho mẹ chồng. Đây là một điều ít gặp nhưng rất đáng để mọi người suy ngẫm.

Những truyện ngắn dù mang cái tên bình thường cũng có cốt truyện với những tình tiết éo le, những khổ đau, bất hạnh. Những con người chân chất, những con người đã phải trải qua một thời chiến tranh, một thời đạn bom và gian khổ bươn trải vì cuộc mưu sinh… Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, cuộc sống của họ vẫn sáng lên tấm lòng nhân ái, bao dung, của mỗi con người đó về đạo lý, về nghĩa tình. 

Tác giả vốn là một người lính, đó là thuận lợi để Hoàng Dự hoá thân vào vai những nhân vật từng là người lính để cảm thông, chia sẻ. Cách hành văn của Hoàng Dự giản dị. Truyện ngắn của anh là loại truyện ngắn có chuyện – Hoàng Dự không mô tả kỹ về hình dáng, về nét mặt nhân vật, nơi phản ánh cá tính, bản chất của nhân vật, cũng không đi sâu mổ xẻ phân tích tâm lý nhân vật qua các trạng huống hoặc phân tích lý giải các tình tiết trong truyện. 

Cách viết của Hoàng Dự là viết theo lối kể chuyện đậm chất tâm tình, nhờ thế dễ đi vào lòng người đọc.

"Tìm chồng cho mẹ": Tập truyện ngắn ấn tượng - 2

Nhà văn Hoàng Dự

Dù những tình tiết éo le, uẩn khúc, những xung đột nội tâm giằng xé nhưng vẫn được kể ra bằng một giọng văn nhẹ nhàng. Bên cạnh những tình tiết đỉnh điểm của loại quan hệ tình cảm tiêu cực, của bạo lực vẫn có những phút giây, những sự tỉnh táo của lý trí, của yếu tố tích cực làm chủ đạo: Mùa thay lá; Giai điệu của rừng; Không có lần thứ ba.

Ngòi bút của nhà văn tỉnh táo. Từng tình tiết được đẩy lên cao trào, đến nút thắt, rồi nó được tháo gỡ một cách nhẹ nhàng và phù hợp logic, mang một lý tưởng cao đẹp.

Những chuyện của cuộc sống đời thường mà đâu đâu cũng thấy nó xảy ra, nhất là với một đất nước vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh, thì những hậu quả của nó, những bi kịch do chiến tranh để lại vẫn còn dai dẳng xuất hiện. Thiếu phụ còn trinh; Mầm sống. Nếu người viết thiếu bản lĩnh nó sẽ trở nên gượng ép, gò bó.

Mọi chuyện được ngòi bút của nhà văn xử lý chu đáo, ngõ hầu góp phần mô tả cuộc sống mà con người là các thành viên của cuộc sống ấy, xã hội ấy phải chịu đựng nỗi đau, sự mất mát hy sinh để rồi vượt lên được và hoà hợp với nhau để cùng sống, cùng tồn tại. Câu triết lý “Văn học là nhân học” luôn luôn đúng. Truyện ngắn của Hoàng Dự giàu chất đời sống. Truyện nào cũng đậm chất tình người. Đó là ý tưởng đẹp xuyên suốt trong tập truyện Tìm chồng cho mẹ.

Nguyễn Ngọc Phan

Tin liên quan

Tin mới nhất