Suối Cọp - Tiểu thuyết đích thực (Đọc tiểu thuyết “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước, Nxb Hội Nhà văn, tái bản lần thứ 3 - 2023)

Tiểu thuyết “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước được bạn đọc đón nhận hào hứng nồng nhiệt. Một năm mà phải tái bản ba lần.

Thái độ hơn trình độ

Về xứ nhãn lồng quê nhà văn Hữu Ước dạy học từ năm 1962, làm rể ở đấy, lần đầu gặp ông là Trưởng Văn phòng đại diện báo Công an TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội nên Trưởng phòng quản lý Báo chí xuất bản Hà Nội - là tôi rủ cả vợ đi. Lí do: Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cừ thời chống Mỹ sơ tán ở xã Đình Cao nên Chủ tịch huyện - thân phụ ông ở nhà vợ tôi.

Trong câu chuyện ông nói: …Sau này… nếu… em sẽ ra tờ Văn nghệ Công an. Vì bên quân đội có Văn nghệ Quân đội rồi mà. Nhưng… nhưng, phải có một tờ báo về an ninh thế giới, những vụ án, những bí mật của ngành an ninh trong nước và trên thế giới là kho vô tận, khai thác không bao giờ hết. Anh còn lạ gì, tò mò, hiếu kỳ là bản tính cố hữu của loài người mà… Chà chà!

Nhiều năm sau… khi cờ đến tay, những ý tưởng ấy đã là thực 100% và hơn thế nữa. Điều này chứng tỏ từ độ ấy, ông đã có tầm nhìn chiến lược của một người có tài làm báo.

Suối Cọp - Tiểu thuyết đích thực (Đọc tiểu thuyết “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước, Nxb Hội Nhà văn, tái bản lần thứ 3 - 2023) - 1

Bìa tiểu thuyết “Suối Cọp” 

Mấy chục năm sau, ngày 1/11/ 2023, ông hẹn tôi đến tặng Suối Cọp. Những hai cuốn. Một cuốn khổ 14,5x20,5cm tái bản theo quyết định ngày 1/8/2023. Một cuốn khổ 15,5x23,5cm tái bản theo quyết định ngày 13/9/2023. Song khi ký tặng lại đề ngày 10/10/2023… “cho nó đẹp!” - ông nói.

- Tôi đã mượn đọc lướt rồi đấy!

- Em đang sửa chữa, bổ sung cho tái bản lần thứ 4. Đây anh xem!

Cầm hai trang chủ nhà đưa, đọc ngay. Một lát:

- Tôi nghĩ từ “yêu” ở đây nên thay bằng từ “làm tình” thì hợp hơn!

- Đúng quá rồi - đưa cây bút - anh chữa ngay hộ em.

- Đây nữa, từ “mồm” nên thay bằng từ “miệng” nghe trang nhã hơn.

- Anh chữa luôn cho em!

- Còn cụm từ “đại đội trưởng Tuần “Râu”, cứ dùng mãi, dễ làm người đọc nhàm chán. Có thể thay bằng các đại từ nhân xưng khác. Thực tế, trong ngôn ngữ nói lính còn có lối nói rút gọn “đại trưởng” kia mà!

- Đúng quá rồi!

Người Việt thường duy tình hơn duy lý. Dù phẩm hàm, học hàm, quân hàm cao đến đâu, song một thái độ thực sự cầu thị như thế làm người đối thoại vì nể, muốn nói chuyện thêm. Gần hai tiếng sau mới chia tay.

Chuyện của người trong cuộc

Không phải là người trong cuộc, không có thực tế chiến trường, không thể nào biết được mẹo của lính: đào hố sâu 40cm, rộng 20cm sẽ có nước. Buộc đèn pin rọi xuống, côn trùng thấy ánh sáng sẽ lao đến, sa xuống chết. Sáng ta vớt lên luộc kỹ bằng lá rừng chua, chát, rang ăn thêm chất đạm. 

Không phải là người trong cuộc không thể viết về cảnh một đơn vị hành quân qua một cánh rừng trước đó có một đơn vị trú quân, bị B52 rải thảm trúng đội hình. Rừng tan hoang. Người mỗi nơi một mảnh. Cánh lính trẻ lần đầu tiên thấy cảnh ấy đau xót, sợ quá… khóc. Chính trị viên đại đội chưa kịp động viên, làm công tác tư tưởng thì đại đội trưởng già dặn trận mạc, vào sống ra chết hiểu rõ tâm lí lính mình, liền lấy quyền uy ra trấn áp để làm bạt đi nỗi sợ hãi ấy: “Thằng nào còn khóc, tao bắn!” Cánh lính thấy thủ trưởng nổi nóng mới hết khóc.

Chỉ có người trong cuộc mới dám viết về người tù binh Mỹ, khi Thế Cương bàn giao cho đơn vị có trách nhiệm: “Trung sĩ Thomas McCain thuộc đại đội biệt kích 15, sư đoàn Anh Cả Đỏ của quân đội Mỹ, bị bắt trong trận giao tranh với Đại đội bộ binh 759 thuộc Binh đoàn Trường Sơn và Đại đội trinh sát 26 Công an Vũ trang trên đồi “Không tên” ngày 20/5/1971…”.

Và, bia mộ của một chiến sĩ ghi thế này: “Binh nhì Ngô Khải Hoàn sinh ngày 20/2/1952, quê quán Hà Nội, Đơn vị trinh sát vũ trang 26 Công an vũ trang, mất ngày 8/9/1972 tại Suối Cọp - Trường Sơn.”

Ông kể với tôi: “Lúc Hoàn chết, hai chân vẫn ngâm trong nước suối mà!”.

Nhà văn bậc trưởng lão Nguyễn Công Hoan bảo, “tiểu thuyết là chuyện bịa y như thật”. Không phải là người trong cuộc không thể bịa (hư cấu) ra như thế được. Ai cũng biết chi tiết, chi tiết và chi tiết là sự sống còn của tiểu thuyết. Nhưng nếu chi tiết chỉ hợp với logic tác phẩm mà không phù hợp với logic cuộc sống thì không thể đứng được. Có người bịa… không như thật lại biện hộ rằng, thế mới độc đáo, mới khác lạ! Không ai tranh luận với cái lối nói lấy được ấy. Các chi tiết trong Suối Cọp của Hữu Ước vừa phù hợp với logic cuộc sống, vừa phù hợp với logic tác phẩm. Đấy là một trong những lí do mà Suối Cọp được bạn đọc đón nhận hào hứng nồng nhiệt. Một năm mà phải tái bản ba lần. Hiện tượng văn học viết về chiến tranh của một người trong cuộc.

Suối Cọp - Tiểu thuyết đích thực (Đọc tiểu thuyết “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước, Nxb Hội Nhà văn, tái bản lần thứ 3 - 2023) - 2

Chuyện sex trong "Suối Cọp"

Chắc chắn, chưa có ai như nhà văn Hữu Ước nói thẳng nói thật và có lẽ cũng nói hết về chuyện tình dục của người lính trong chiến tranh. Tất nhiên không phải là để câu khách. Hơn bất cứ chuyện gì, chuyện tình dục hấp dẫn người đọc ở CÁCH viết chứ không phải CÁI viết. Nếu miêu tả khéo hơn, ngôn từ chuẩn hơn, gợi hơn thì còn hấp dẫn người đọc hơn nữa.

Cái khác lạ, cái độc đáo của tác giả là cái nhìn trung thực, rất thật, rất đời về vấn đề này. Phải có lòng dũng cảm thực sự mới dám phô bày chuyện này ra trong tiểu thuyết, dù ai cũng biết là nó có thật. Nhưng đã ai dám nói đâu?

Chuyện thủ dâm, chuyện Đại Đội trưởng Tuần cho các chiến sĩ nhìn trộm các nữ quân nhân của Trạm cứu thương suối Cọp tắm dưới suối là chuyện rất thấu cảm tâm lí những người lính trẻ của mình.

Đến chuyện nữ bác sĩ Liên thấu hiểu tâm sinh lí của cánh lính trẻ, chắc chưa lần nào hôn một người con gái nên đã cho họ được tận mắt - tất nhiên không được “sờ vào hiện vật” - nhìn một chiến sĩ nữ không mặc gì nằm trên bàn mổ, đã được đánh thuốc mê. Chuẩn bị làm một phẫu thuật nhỏ là cắt ruột thừa, cũng là chuyện rất NGƯỜI. 

Chuyện chính Đại Đội trưởng Tuần (đã có gia đình) lại ôm chặt bác sĩ Liên bị sốt rét ác tính. Anh xoa cho nóng khắp cơ thể chị. Sau đó, có lần anh và liên lạc Hữu đưa chị đi cấp cứu cho chính trị viên Mão, đã bảo liên lạc về, dặn không được để lộ ra rồi làm tình với Liên. Chị, tuy đã có người yêu rồi, nhưng vẫn tự nguyện hưởng ứng tình anh - người chỉ huy can trường mình vẫn ngưỡng mộ, đã một lần cứu sống khi anh vật lộn với địch. Sau lần ấy, biết nếu ở lại, sẽ có những lần sau nên chị xin đơn vị cho chuyển vào tuyến trong, chỉ để lại một lá thư cho Tuần.

Chuyện O (cô) y tá Lan, để giúp các chiến sĩ vượt qua cơn đau đớn khi mổ, không có cả thuốc tê lẫn thuốc mê đã vạch vú ấn vào miệng để anh di chuyển chú ý. Thậm chí còn phải mân mê dương vật một thương binh trong ca mổ nặng.

Và một lần khác cao hơn thế, chị đã tự nguyện dâng hiến trinh tiết cho một người lính, trước khi đi làm nhiệm vụ, cầm chắc cái chết nên đơn vị đã làm lễ truy điệu sống. Trong khi trạm có mấy người ngỏ lời mà chị bỏ qua.

Người phụ nữ với chức năng trời cho, chỉ dành trinh tiết cho người sẽ lấy làm chồng. Vậy mà O Lan đã làm như thế. Đấy là sự hy sinh của một tấm lòng cao cả để cho người lính trẻ trước khi hy sinh vì nhiệm vụ, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng được biết “mùi đời”.

Sau này, yêu Khải Hoàn, trước khi trao xương gửi thịt cho nhau, chị đã nói thật chuyện ấy với anh. Hiểu mục đích, động cơ việc làm ấy nên Hoàn không mảy may vướng bận gì. Vẫn thấy chị đẹp, nguyên vẹn của mối tình đầu. Còn ứa nước mắt vì cảm phục. Sau đó mỗi lần hẹn gặp người yêu để làm tình, Hoàn đều nhờ Hữu - bạn chí cốt - mang vũ khí đi cảnh giới hộ (nhỡ biệt kích địch vồ). Lần ấy, Hữu không đi thì… họ bị các thủ trưởng bắt quả tang. Chính trị viên Mão bật khóc vì thương cảm cho một chuyện tự nhiên như thế của đôi trẻ yêu nhau mà mình sẽ buộc phải kỉ luật. Vừa kết nạp Đảng buổi sáng, lập tức bị khai trừ và hạ quân hàm từ binh nhất xuống binh… bét.

Nhưng kỉ luật không giết được tình yêu của họ. Cái khéo của tác giả là để lần cuối cùng họ trốn đi làm tình với nhau thì… cái chết bất đắc kì tử ập đến với Khải Hoàn - chết trên bụng O Lan. Nhưng tình yêu của họ không chết. Mầm sống trong Lan vẫn quẫy đạp. Dù chị sẽ phải chịu kỉ luật vác ba lô quay về địa phương.

Lan là nhân vật nữ đặc biệt ấn tượng trong Suối Cọp. Phải nhắc lại, đấy là một người phụ nữ đẹp cả về hình thức (“mặt trái xoan, hơi mỏng, đôi mắt sắc lẻm, da trắng và mái tóc dài quá gối ôm kín cả thân hình mảnh mai thon cao đầy quyến rũ”) đẹp cả về tâm hồn. Đẹp từ ngoài vào trong, đẹp từ trong ra ngoài. Đẹp nhất ở tâm hồn cao cả. Một thành công của nhà tiểu thuyết Hữu Ước.

Nhân vật O Lan làm tôi liên tưởng đến một chi tiết trong Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc thời chống Mỹ. Một lá thư kể, một cuộc biểu tình của Đội quân tóc dài - nổi tiếng thế giới do Thiếu tướng Phó tư lệnh quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định chỉ huy. Người chỉ huy cuộc biểu tình, cử những cô trẻ trung, xinh đẹp nhất đi đầu. Bọn lính Việt Nam Cộng hòa xông tới… Chúng không dùng lựu đạn cay hay lưỡi lê mà… lột truồng cô xinh nhất ra. Hòng vì xấu hổ giới tính các chị sẽ phải nhụt chí!

Lập tức, từ trong đám đông, người chỉ huy ra một mệnh lệnh. Lập tức cả đoàn biểu tình cởi phăng tất cả quần ra. Bọn lính chịu thua. Cả đoàn lại mặc quần vào xông lên. Cuộc biểu tình thắng lợi.

Xấu hổ là tính cách của tất cả phụ nữ tử tế, đích thực trên hành tinh này nên họ đều phải che kín bộ phận nhạy cảm đi. Phải hy sinh sự xấu hổ và dùng nó làm vũ khí đánh địch. Và thực tế là địch đã thua. Không ai nói đến chi tiết ấy bởi nó lạ lùng như… không phải của những người phụ nữ bình thường. Với tôi, cái sự không bình thường ấy là biểu hiện của một sự hy sinh cao cả của những tấm lòng cao cả.

O Lan của Hữu Ước là một hy sinh cao cả. Khi chị tự thú với người mình sẽ trao xương gửi thịt, Hoàn đã khóc. Tiếng khóc ấy cũng thể hiện một sự hy sinh không kém phần cao cả. 

Suối Cọp mang tính tự truyện

Mới đọc, không ai nghĩ đến yếu tố này. Mãi đến phần kết mới nhận ra. Tuy trước đó, tác giả có nói đến đoàn văn nghệ sĩ vào Trường Sơn có nhà thơ Phạm Tiến, nhạc sĩ… mới nhớ ra đấy là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Đoàn cán bộ Bộ y tế vào chiến trường nghiên cứu để bào chế thuốc chống sốt rét do giáo sư Đặng Ngân dẫn đầu. Mới liên tưởng đến thực tiễn thời ấy. Giáo sư, bác sĩ Đặng Ngân chính là giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ - Viện trưởng Viện Ký Sinh Trùng vào chiến trường nghiên cứu để bào chế thuốc chống sốt rét. Phần kết thì nói rõ đoàn cựu chiến binh vào thăm chiến trường cũ. Hữu giờ đã mang quân hàm tướng thì chợt nhớ ra Hữu chính là nhân vật mang tính tự truyện của Trung tướng Hữu Ước. Điều ấy cũng tự nhiên như Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky thôi. Vào thăm chiến trường xưa còn có Đại Đội trưởng Tuần đúng vào dịp Trạm cứu thương Suối Cọp làm lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”.

Vừa là một cái kết có hậu, vừa thể hiện rõ yếu tố tự truyện. Chi tiết Tướng Hữu bỏ tiền túi ra thanh toán món nợ của già làng Vân Kiều càng chứng tỏ “chuyện của người trong cuộc” mang tính tự truyện.

Đôi lời khuyến nghị

Tính hấp dẫn, đặc biệt là không khí trận mạc ác liệt của Suối Cọp là điều ai đọc cũng nhận ra. Nhân tính, tính nhân loại của tiểu thuyết ai cũng thấy khi Đại Đội trưởng Tuần sau khi xem ảnh của tên biệt kích địch bị bắn chết, vuốt mắt cho nó xong còn tạo điều kiện cho trực thăng hạ xuống bốc xác nó về “trả cho” mẹ và em nó. Và khi anh nhường cả xuất ăn cho tù binh Tôm.

Song, sẽ hấp dẫn hơn khi tác giả đầu tư thêm vào vế sau của mệnh đề “văn chương chữ nghĩa”. Nhất là có ý thức đầy đủ về thuyết Proton Bạn đọc là trung tâm luận của nhà phê bình người Anbani - Tiến sĩ triết học Gjekë Marinaj mà tôi đã lưu ý ông trong đối thoại ngắn khi nhận sách tặng và nhiều bạn viết khác cũng không mấy quan tâm.

Nguyễn Bắc Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất