"Tùy bút Sài Thị": Từ khơi thông cội nguồn lịch sử, đến vút cao văn hóa sông Hồng

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình tu trí lực

Non nước ấy ngàn thu

(Tụng giá hoàn kinh sư - Trần Quang Khải)

Từ tấm bé, khi lũ học trò chúng tôi bên cây đa Sài Thị cổ kính đã được nghe các cụ đọc những vần thơ sang sảng của các bậc danh tướng, danh thần có công với nước. Càng lớn lên, đi xa và trở lại quê hương, vẫn cây đa cổ kính ấy, mái đình rêu phong trầm mặc ấy mà lời thơ lịch sử càng ngân vọng trong tâm trí mỗi con người.

Quê hương đi mấy vẫn gần. Nguồn cội quê hương dẫn ta về, cho ta hiểu sự dài rộng phong quan của văn hóa lịch sử. Nguồn cội với con người riêng - chung vời vợi thăm thẳm cao xanh bát ngát chân trời. Cội nguồn lịch sử cho ta sức vóc để làm người trong muôn nẻo mưu sinh. Và cũng cội nguồn lịch sử ấy vẫy gọi ta trở về làm những việc hữu ích cho quê hương nguồn cội.

Anh chị em văn nghệ sĩ Hưng Yên cảm nhận thật rõ ràng từng ngày tháng, từng công việc, từng dự án sách văn hóa lịch sử không chỉ riêng với Hưng Yên mà nhất định phải là rộng dài đất nước. Văn hóa lịch sử phải là một nền tảng chung để tạo dựng lên những thành quả hữu ích cho tất thảy mọi người trên lộ trình tiến tới nền văn minh nhân loại chắc chắn cũng là một tất yếu lịch sử.

Cùng với Thuật bút Xuân Cầu đang được khẩn trương tiến hành, Tùy bút Sài Thị cũng được những người con tâm huyết thực hành từng bước đi, đích đến rất cụ thể.

Những ngày chúng tôi đưa giáo sư sử học Lê Văn Lan về đình làng Sài Thị tìm hiểu cội nguồn lịch sử bên những sắc phong cổ đã hàng trăm năm mới thấy chiều sâu và sự dẫn dắt của các bậc tiền nhân, của linh khí núi sông hun đúc cũng là đặt ra trọng trách cho chính mình phải làm điều gì đó với vùng đất châu thổ sông Hồng, với quê hương Sài Thị.

"Tùy bút Sài Thị": Từ khơi thông cội nguồn lịch sử, đến vút cao văn hóa sông Hồng - 1

Các thành viên thực hiện sách "Tuỳ bút Sài Thị" đưa Nhà sử học Lê Văn Lan về Sài Thị tìm hiểu lịch sử, văn hoá nơi đây.

Chúng ta tự hào được sinh ra, lớn lên với đất nước, với non sông tươi đẹp, với bề dày lịch sử hào hùng nghìn năm văn hiến dựng nước và giữ nước. Chúng ta càng tự hào về nền văn hóa độc đáo đa sắc màu từ 63 tỉnh thành với 54 dân tộc anh em đã tạo nên truyền thống văn hóa vô cùng thiêng liêng và lâu đời. Mỗi tỉnh trên khắp dải đất hình chữ S này đều có những nét văn hóa riêng độc đáo và niềm tự hào riêng về những vĩ nhân, các bậc danh nhân là những ngôi sao sáng chói đã làm rạng danh đất nước, quê hương, gia đình, dòng họ. 

Hậu nhân nhìn các tiền nhân trong tiến trình lịch sử, khi có sự đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học, nhân đạo, nhân văn, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa lớn lao và tầm vóc lịch sử của mỗi nhân vật “nhân kiệt”, mỗi vùng đất “địa linh”. Chúng ta trân trọng công lao đóng góp của tiền nhân bằng văn hóa. Lời cảm ơn của hậu nhân với tiền nhân của thế hệ trẻ chúng ta là vẻ đẹp của dân tộc Việt và ngày ngày vun đắp vẻ đẹp văn hóa lịch sử của tổ tiên nghìn năm truyền lại ấy.

Mỗi một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “văn võ song toàn” của 63 tỉnh thành cả nước là rất nhiều, không dễ kể ra hết được những nhân vật lịch sử có tầm vóc, công trạng lớn lao với dân tộc. Hà Nội nghìn năm văn hiến, nơi tụ hội tinh hoa của cả nước, là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều tác phẩm có tư tưởng giá trị, đặc biệt là tác phẩm Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc góp phần chấn hưng văn hóa dân tộc. Vùng đất Nghệ An, nơi sinh ra chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng vĩ đại của dân tộc. Vùng đất Thanh Hóa (Thanh Hoa) nơi phát tích của nhiều triều đại trong lịch sử nước nhà. Hưng Yên, mảnh đất văn hiến “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”…

Để làm được những cuốn sách nổi bật tính hồn cốt của một vùng đất và cốt cách của nhân vật lịch sử có giá trị thì người viết phải có tình yêu quê hương đất nước sâu đậm “lắm lắm” vì mỗi mảnh đất đều gắn với từng con người trong từng nét văn hóa riêng. Vậy không đâu xa, hãy bắt đầu bằng trái tim nồng ấm từ tình yêu quê hương của chính chúng tôi, của vùng đất chúng tôi được sinh ra, gắn với tuổi thơ yêu dấu. Hưng Yên, chính là quê hương của chúng tôi để bắt đầu những cuốn sách đầu tiên trong 63 tỉnh thành.

Dòng sông Hồng nghìn năm ứa đỏ phù sa dâng mật bãi bờ cây trái xum xuê đời nối đời cần lao hạt lúa củ khoai chân chất mà thiêng liêng tượng hình bia đá bảng đồng góp phần rạng danh văn hiến Việt Nam. Từ khơi thông cội nguồn lịch sử - đến vút cao văn hóa sông Hồng. Từ đất nước lầm than, nô lệ - đã rũ bùn bừng sáng non sông. Dường như lời của tiền nhân cứ văng vẳng truyền vào tim óc giới văn bút Hưng Yên. Và cái tên Tùy bút Sài Thị xin được trình ra cũng là tấm lòng thảo thơm với quê hương nguồn cội.

Nhà sử học Lê Văn Lan chậm rãi nói từng câu, từng chữ, từng khu vực từ thượng cổ tới thời đại hôm nay về sông Hồng, về Hưng Yên, về Khoái Châu, về Thuần Hưng, về địa danh Đại Mang Bộ đến cây đa Sài Thị như muốn tâm truyền cho chúng tôi điều cổ nhân để lại: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã - Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Trần Nhân Tông). Đất nước ta, nhân dân ta, từ thượng cổ tới hôm nay, từ vua chúa đến bách tính thị tộc đều cảm nhận sâu sắc để non sông vạn thuở vững âu vàng đã phải bôn ba, lấm bùn, cơ hàn, nghiệt ngã, trùng vây, mới có những trang sử vàng chói lọi. Đó cũng là bản lĩnh của Đại Việt - Việt Nam ta.

Chúng ta nói được như vậy là bởi vì ngay từ những buổi đầu các vua Hùng dựng nước, Hưng Yên đã có sự cư trú của con người. Và minh chứng rõ nét nhất chính là truyền thuyết về Chử Đồng Tử - Tiên Dung, hay các di chỉ, di tích còn lại đã được khai quật như mộ thuyền tại Đống Lương (huyện Kim Động); mộ cũi ở An Viên (huyện Tiên Lữ)... Với lịch sử văn hiến lâu đời như vậy, mảnh đất Phố Hiến xưa chính là quê hương, là nơi lưu giữ và bảo tồn các di tích lịch sử, những lớp trầm tích văn hóa xưa đặc biệt là đền, chùa và các di vật mang giá trị về nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, in đậm nét văn hóa như Văn miếu Xích Đằng, Đền Hiến, Chùa Linh Ứng, Đông Đô Quảng Hội, Chùa Chuông, Chùa Pháp Vân, những pho tượng Phật nghìn năm, chuông đồng, khánh đá vài trăm năm tuổi... Tất thảy đã mang đến cái nhìn đầy tôn kính và trang nghiêm cho mảnh đất văn hiến trước vẻ đẹp của sự kết hợp nghệ thuật kiến trúc truyền thống và hiện đại. 

Truyền thống yêu nước và tôn trọng lịch sử, luôn hướng về tổ tiên cội nguồn của mảnh đất Phố Hiến xưa còn được in đậm bởi việc duy trì và bảo tồn trên 400 lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội in đậm sắc thái nền văn minh lúa nước như: lễ hội cầu mưa, lễ rước nước, kéo co…; hay một lễ hội rất độc đáo, mang đặc trưng riêng, đó là lễ hội tình yêu Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Đáng tự hào và khâm phục hơn là hiện nay, Hưng Yên vẫn còn gìn giữ được hát ca trù - loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và hát trống quân tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu cũng đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Càng viết thì Hưng Yên lại mở ra một trang mới, một vẻ đẹp mới, đưa người đọc từ cái ngạc nhiên này sang cái trầm trồ khác khiến lòng ta như thêm yêu, thêm khâm phục, ngưỡng mộ và chỉ muốn đặt chân du thú đến mảnh đất văn hiến này một lần.

Mỗi mạch đất, mạch làng, mạch người hiền góp nên nguồn cội quê hương và từ nguồn cội quê hương đó đã mở ra, hướng tới, mãi khang trang là một trong những vẻ đẹp nhất của mỗi người con Hưng Yên, trong đó có những người con làng Sài Thị, xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu.

Nhà sử học Lê Văn Lan không chỉ bâng khuâng mà ông còn tha thiết nói về, muốn rằng thế hệ trẻ hôm nay, những người con Khoái Châu hôm nay hãy làm một điều gì cho Sài Thị - Đại Mang Bộ. Chúng ta phải biết tiết kiệm thời gian cho văn hóa lịch sử. Chúng ta hãy tâm huyết hơn và nhất là mạnh mẽ hơn để thực hành các vấn đề về văn hóa lịch sử. Không thể nào một di chỉ văn hóa lịch sử như Sài Thị - Đại Mang Bộ không được khơi dẫn đúng tầm vóc, ý nghĩa, hành trạng để từ đó hiện hình thành nguồn năng lượng trong giáo dục truyền thống và phát triển bền vững về văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa tâm linh, để thế hệ trẻ vươn lên một tầm cao hơn - để vút cao văn hóa sông Hồng.

Tùy bút Sài Thị trong tâm khảm và những khởi động đầu tiên của nhóm văn bút Hưng Yên đã được bắt đầu, đang từng bước nhịp nhàng hiển hiện và chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái với một niềm tin sâu sắc.

Khi chúng tôi dự Lễ khánh thành đền thờ hai danh tướng Lỗ Nha, Nghị Chú đã có từ thời Hùng Vương, đã từng giúp vua Hùng đánh giặc, lập công, lập làng, hưng quốc, đã cho chúng tôi những điểm nhìn trên tinh thần khoa học lịch sử và trách nhiệm công dân. Các vị danh tướng Lỗ Nha, Nghị Chú khi về sinh sống tại làng Sài Thị đã dành hết tâm sức để khẩn hoang, đánh đuổi thú dữ, khơi dẫn ao đầm, dậy bảo chúng dân cấy cày, sinh sôi nảy nở, ăn đời ở kiếp trong tâm thức của nhân dân.

"Tùy bút Sài Thị": Từ khơi thông cội nguồn lịch sử, đến vút cao văn hóa sông Hồng - 2

Bộ sách "Danh nhân Hưng Yên" trong tiến trình lịch sử do nhóm văn nghệ sĩ Hưng Yên thực hiện.

Gắn bó máu thịt với nhân dân luôn là vẻ đẹp nhất của các danh tướng, danh thần, danh nhân xuất thân trên vùng đất Hưng Yên mà các vị Lỗ Nha, Nghị Chú là một điển hình mà nhân dân đã tôn thờ qua hàng nghìn năm lịch sử. Bên mái đình cổ kính, bên những tấm sắc phong nhuốm sắc thời gian phong hóa, mái đầu bạc phơ của các cụ thủ đình, thủ đền bên những mái tóc xanh ai nấy đều cảm nhận rõ ràng mạch chảy của thời gian lịch sử luôn không ngừng nghỉ. Và địa danh Đại Mang Bộ chính là vùng đất xã Thuần Hưng và các vùng đất chung quanh với những trầm tích lịch sử được nối thông từ thời Hùng Vương, tiếp đến An Dương Vương, tiếp đến Hai Bà Trưng, tiếp đến Lý Nam Đế, tiếp đến Triệu Việt Vương - Triệu Quang Phục, tiếp đến triều Trần với ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thì thời kì nào cũng đều là khu căn cứ địa, khu trọng yếu để thực hiện các hoạt động binh lương đánh đuổi quân thù.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông năm 1285, lần khốc liệt nhất, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông từ Trường Yên (Ninh Bình) và Thiên Trường (Nam Định) tiến quân bằng đường sông đã dừng lại tại Đại Mang Bộ để bàn kế sách đuổi giặc dữ. Tại nơi đây, các vị vua Trần cùng những tướng lĩnh chủ chốt đã có những hoạch định xuất sắc trong cuộc tổng phản công. Những trận đánh đã đi vào lịch sử như Hàm Tử, Tây Kết (trên địa bàn huyện Khoái Châu) chính là những đòn chí mạng khiến hệ thống binh tướng xâm lược của đế chế Nguyên - Mông đổ gãy không thể gượng dậy được. Những danh tướng như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật và nhất là danh tướng Phạm Ngũ Lão - người con của đất Phù Ủng - Hưng Yên đã bằng tài năng và sự quả cảm, tạo dựng nên những võ công đã đi vào lịch sử dân tộc. Những võ công ấy đã góp phần làm nên sức mạnh để đất nước ta, nhân dân ta, mỗi người chúng ta từ đó trưởng thành. 

Tiếp nối truyền thống đó, làng Sài Thị cũng là nơi ghi dấu sự ra đời của Chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Hưng Yên 84 năm về trước. Cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Tiến Trạc, cán bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội về gây dựng cơ sở ở Sài Thị. Các đồng chí đã có những hoạt động tích cực như in ấn tài liệu, rải truyền đơn tuyên truyền, tổ chức treo cờ đảng ở nhiều nơi, tổ chức cho đảng viên học tập các tài liệu cách mạng. Ðến cuối năm 1929, Chi bộ Ðông Dương Cộng sản Ðảng Sài Thị được thành lập. Ðây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Hưng Yên. Chi bộ được thành lập dưới bóng đa Sài Thị, với vẻn vẹn bảy đảng viên đầu tiên. Cây đa Sài Thị cũng là địa điểm liên lạc, hội họp của chi bộ. Nhờ được nhân dân ủng hộ, che chở, "đốm lửa nhỏ" ấy đã lan tỏa mạnh mẽ. Phong trào cộng sản đã không ngừng lớn mạnh, phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh Hưng Yên.

Không một thành lũy nào vững bền bằng thành lũy nhân dân. Chỉ có máu đỏ của người trung nghĩa mới luôn tươi xanh và trường tồn cùng nhân dân, cùng lịch sử. Lứa chúng tôi, anh em văn giới đang thực hiện Thuật bút Xuân Cầu và Tùy bút Sài Thị hiểu rất sâu sắc rằng, để có được những việc làm hữu ích, tất cả phải được bắt nguồn từ trái tim ấm nóng và khát vọng đúng đắn của mỗi con người.

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” Hồ Chủ tịch đã từng nhắc nhở cũng là tạo dựng nền tảng và khẳng định những giá trị bất biến trong sự chuyển động không ngừng của cuộc sống đang diễn ra với hôm nay. Tùy bút Sài Thị đã và sẽ từng bước được thực hiện trên tinh thần khoa học lịch sử và sự tâm huyết, đầu tư đầy đủ nhất có thể để mỗi người con Hưng Yên, mỗi người con Khoái Châu, mỗi người con Thuần Hưng khi nhắc đến sẽ tự hào và tự tin trong bước đường trưởng thành của chính mình.

"Tùy bút Sài Thị": Từ khơi thông cội nguồn lịch sử, đến vút cao văn hóa sông Hồng - 3

Các thành viên thực hiện sách "Tuỳ bút Sài Thị".

Thay mặt các văn nghệ sĩ tâm huyết với Tùy bút Sài Thị, cá nhân tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới tổ tiên nguồn cội, tới nhân dân quê hương nơi nuôi dưỡng tâm hồn tôi, tới các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, các bạn đồng hành, niềm vui và hạnh phúc.

Nguyễn Xuân Tuấn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Taliban hưởng lợi thu bộn tiền sau khi Iran nã tên lửa vào Israel

Taliban hưởng lợi thu bộn tiền sau khi Iran nã tên lửa vào Israel

Khủng hoảng Trung Đông đang đẩy các hãng hàng không quốc tế lựa chọn không phận Afghanistan, dưới sự kiểm soát của Taliban, làm tuyến bay an toàn hơn. Điều này mang lại nguồn thu đáng kể cho chính quyền Taliban, trong bối cảnh các tuyến bay truyền thống qua Iran và Syria trở nên quá nguy hiểm.

Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024: Vinh danh 33 tác phẩm xuất sắc

Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024: Vinh danh 33 tác phẩm xuất sắc

Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024 là dịp để tập hợp lực lượng sáng tác nhiếp ảnh trong cả nước, giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật xuất sắc. Đồng thời, tổng kết và đánh giá các thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của giới nhiếp ảnh Việt Nam trong 2 năm 2023 và 2024.