Vợ chồng nhà văn Việt

(Arttimes) - Làng văn Việt Nam thời hiện đại có một nét ưu trội đã trở thành truyền thống tốt đẹp: có nhiều “cặp đôi hoàn hảo” - những cặp vợ chồng viết văn. Rất nhiều nhưng tôi chưa có điều kiện thống kê đủ đầy. Ngay trong những ngày diễn ra Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX (từ ngày 9 đến 11/7/2015) tôi đã viết bài về sáu cặp vợ chồng nhà văn có mặt trong phòng khánh tiết

Nay tiến tới Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, tôi muốn bổ sung vào bộ sưu tập thú vị của mình  một số chân dung vợ chồng nhà văn. Văn chương của ta đôi lúc nghiêm ngắn thành ra hơi căng thẳng. Nay tôi xin thưa trước khi viết, được thêm một chút gia vị cho vui vẻ (là mẹ sức khỏe) chuyện làng văn thời nay. Bài viết của tôi như món quà nhỏ thân tặng các“cặp đôi” tiêu biểu như là đặc sắc của văn chương Việt thời hiện đại.

.1. Chế Lan Viên (1920 - 1989) - Vũ Thị Thường

Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chế Lan Viên. Trên tạp chí Hồn Việt (số 10-2020), đăng bài của nhà nghiên cứu Trần Đăng Suyền suy tôn Chế Lan Viên là một thiên tài văn chương/thi ca Việt Nam thời hiện đại. Không có gì là quá lời. Mười bảy tuổi đã nổi danh trên thi đàn Việt với tập thơ Điêu tàn, nếu chỉ có một “điêu tàn” thôi thì Ông cũng đã xứng đáng là “thi bá”. Nhưng Chế Lan Viên, như dự báo tinh tường của Hoài Thanh - Hoài chân (tác giả Thi nhân Việt Nam, 1942) là người còn tiếp tục đi xa, có khả năng vượt gộp. Vậy nên thi nhân còn có những Ánh sáng và phù sa. Đặc biệt hơn cả có văn sản Di cảo thơ đồ sộ mấy trăm bài. Thơ Chế Lan Viên có hàm lượng văn hóa cao, nó chứng minh văn hóa là gốc rễ, nội lực của một nhà văn lớn. Bên cạnh Chế Lan Viên, Vũ Thị Thường luôn khiêm nhường học hỏi và thi đua sáng tác. Bà là nhà văn chuyên viết và thành danh nhờ chỉ trung thành với truyện ngắn. Vợ chồng nhà văn đã đúc ra một nhà văn trẻ tài năng - Phan Thị Vàng Anh.

Vợ chồng nhà văn Việt - 1 Nhà văn Chế Lan Viên và gia đình  2. Nguyễn Xuân Sanh - Nguyễn Thị Cẩm Thạch

Một người làm thơ và một người viết văn xuôi. Tưởng như quá khác biệt vì một người sẽ rất lãng mạn, một người sẽ rất tỉnh táo trong quan sát đời sống. Nguyễn Xuân Sanh là nhà thơ cuối cùng của phong trào Thơ mới lẫy lừng, không chỉ một thời (1930-1945), mà đến nay gần một thế kỷ, có thể nói, chưa xuất hiện thêm một cuộc cách mạng nào trong thi ca, dẫu cho có ai đó muốn “chôn Thơ mới” (!?). Trong một cuốn tiểu thuyết có tính chất tự truyện. 

Nhan đề Âm vang biển sóng, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạch đã chia sẻ với bạn đọc về những tháng năm có ngọt ngào, có vất vả gian nan của đời sống riêng trong khung cảnh chung của đất nước. Bà tâm sự: “Chúng tôi là hai người viết văn, hai cá tính văn khác nhau, nhưng tôi và anh Nguyễn Xuân Sanh có điểm chung là tôn trọng tác phẩm của nhau. Thường thì chúng tôi gợi mở cho nhau những cảm xúc, mạch văn và là độc giả đầu tiên của nhau”.

Vợ chồng nhà văn Việt - 2 Nguyễn Xuân Sanh và Nguyễn Thị Cẩm Thạch 3.Vũ Tú Nam (1929-2020) - Thanh Hương

Khi nhà văn Vũ Tú Nam đi xa, tôi có viết một bài Còn lại mùa xuân tiếng chim đăng trên báo HàNội Mới cuối tuần. Ý của tôi trong bài này nhằm khẳng định đặc sắc văn chương Vũ Tú Nam (cả văn, cả thơ) - ấm áp tình đời, tình người. Nói về vợ chồng viết văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương, người ta thường nhắc đến những bức thư  tình của họ viết cho nhau suốt nửa thế kỷ. Quy luật của văn chương là quy luật tình cảm, con đường từ trái tim đến trái tim. Sinh thời, văn giới vẫn trân trọng gọi Vũ Tú Nam là người gìn giữ ngôi đền thiêng có tên văn chương. Bạn đọc vẫn nhớ rõ, Vũ Tú Nam còn là ngòi bút viết văn cho thiếu nhi vừa ưu ái, vừa dí dỏm, vừa tinh tế trong những tác phẩm về thiên nhiên, về loài vật. Văn của Vũ Tú Nam trong sáng nhờ sự rèn giũa tiếng Việt giàu nhạc tính, giàu hình ảnh, giàu đường nét.

Vợ chồng nhà văn Việt - 3 Nhà văn Vũ Tú Nam và nhà  văn Thanh Hương 4. Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ

Ai đã đặt tên cho dòng sông là tác phẩm ký xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12, dùng làm đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm. Bậc thầy ngôn từ văn chương Nguyễn Tuân đã trân trọng viết về bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có “rất nhiều ánh lửa”. Lâm Thị Mỹ Dạ thuộc thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước. Chị đã in 8 tập thơ, 1 tập thơ tuyển dịch ra tiếng Anh. Lâm Thị Mỹ Dạ được biết đến rộng rãi từ bài thơ Khoảng trời, hố bom viết trong chiến tranh. Bài thơ có cái cấu tứ “hy sinh lớn cũng là hạnh phúc”. Thời hậu chiến, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trở mình, tìm tòi nghệ thuật, tập trung thể hiện cái tôi trữ tình theo động hướng tinh thần “tôi về với tôi” (nhan đề một bài thơ vào hạng hay nhất của thơ đương đại). Bây giờ thì cả hai nhà văn sức khỏe không còn dồi dào, cùng sống tựa vào văn chương, vào tình người (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp), vào niềm hy vọng thiêng liêng về cái tốt, cái đẹp như là ân huệ của cuộc đời, của thời gian.

Vợ chồng nhà văn Việt - 4 Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ  5. Xuân Quỳnh (1942-1988) - Lưu Quang Vũ (1948-1988)

Có cái gọi là số phận chăng? Tất nhiên có. Tài tình chi lắm cho trời đất ghen (!?). Tôi vốn không sành thơ. Nhưng trong tủ sách gia đình thì không thể thiếu thơ của hai thi nhân lừng danh thời hiện đại này. Kể cả cái chết cũng không thể chia cắt được họ, được hai tâm hồn thơ lãng mạn, phóng khoáng, tài hoa hiếm thấy. Lưu Quang Vũ viết cả thơ, truyện, kịch. Hồn Trương Ba da hàng thịt (kịch) được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 12. Sóng (thơ) của Xuân Quỳnh cũng là một điểm độc sáng của Ngữ văn 12. Học sinh phổ thông đi thi tốt nghiệp năm nào cũng “tủ” hai tác phẩm này. Viết thơ, Lưu Quang Vũ lúc nào cũng dự cảm thấy “gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”. Những con “sóng” tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh không thôi dào dạt trong tâm hồn không chỉ người trẻ tuổi, mà thấm đượm cả trong tâm thức lứa tuổi trung niên, những ai yêu thơ. Đọc thơ Xuân Quỳnh, đôi khi tôi cứ váng vất, mường tượng có cái nét gần gũi với thơ Ôn -ga Béc - gôn, một trong những thi sỹ được yêu thích bậc nhất trong văn học Nga - Xô viết một thời chưa xa. 

Vợ chồng nhà văn Việt - 5 Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ  6. Vân Thanh - Phong Lê

Đây là cặp vợ chồng, như cách gọi hiện nay là các viện sỹ, từng công tác tại Viện Văn học (Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam), có trụ sở ngụ ở con phố vào loại đẹp nhất Hà Nội - Lý Thái Tổ. Trong một nhà có đến hai nhà nghiên cứu văn học, thì tôi đồ rằng đời sống vật chất là tùng tiệm, còn đời sống tinh thần thì trái lại chất ngất vui vẻ, vì cả đời người làm việc với sách vở, chữ nghĩa, cái đẹp. Chị Vân Thanh có hàm Phó Giáo sư, còn anh Phong Lê  từng là Viện trưởng Viện Văn học, nên hàm tất nhiên cũng cao hơn một bậc - Giáo sư. Sách của hai người cộng lại dễ đến hàng vài chục tác phẩm. Chị chuyên tâm nghiên cứu văn học thiếu nhi, viết nền nã, nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc. Anh thì tả xung hữu đột, làm chủ văn học dân tộc thời hiện đại. Dăm năm nay giữ chức Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, vào Nam ra Bắc, sang Đông về Đoài tung hoành một cõi với chỉ riêng Nguyễn Du và Truyện Kiều. Hơn 80 tuổi nhưng vẫn sang sảng chất giọng Hà Tĩnh khi nói, khí sắc vẫn tươi, trí tuệ vẫn mẫn tiệp, dường như nguồn suối chữ nghĩa lúc nào cũng tràn ứ, nên phải viết/nói không thể nào khác. Đôi lúc tôi cứ nghĩ, anh có bí quyết gì và lấy đâu ra nhiều năng lượng như thế để sống vui, viết khỏe, cứ thế xốc tới xung thiên? 

7. Nguyễn Thị Hồng - Hoàng Quốc Hải

Tôi đã hân hạnh được chị và anh mời đến nhà chơi và dùng một bữa cơm rau dưa gọi là (theo cách nói của chủ nhân). Sau lần ấy tôi mới cảm nhận được cái không khí hòa hiếu, ấm cúng trong ngôi nhà nằm trong khuôn viên Học viện Phụ nữ (trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) mà chị và anh thắt lưng buộc bụng nhiều năm trời xây cất nên tổ ấm của lứa đôi. Chị đúng là nội tướng, có cái linh khí “vượng phu ích tử”. Chị vốn là cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng làm việc nhiều năm ở Nhà xuất bản Phụ nữ. Chị là nhà thơ, theo tôi, rất kín tiếng, không nổi đình đám như ai đó cùng giới. Một lần đi Quảng Ngãi, ra đảo Lý Sơn, chợt nhớ Lý sơn mùa tỏi của Nguyễn Thành Long. Lại thưởng thức đường phèn xứ Quảng, ngọt thanh, mát dịu, thấm thía dư vị. Chợt nghĩ và có một so sánh với thơ Nguyễn Thị Hồng như Gọi thu, Những bông hoa thiên sứ - những tập thơ hay. Chị làm thơ. Anh viết văn chuyên về lịch sử. Những bộ tiểu thuyết đáng đọc của anh như Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần,... Dài thật dài nhưng không có cảm giác ngại ngùng, bỏ cuộc khi đọc. Hơn tám mươi rồi nhưng có vẻ anh không có ý “rửa tay gác kiếm”.  Mỗi lần gặp anh, tôi lại nghĩ, trong nghề văn không cần học đâu xa, cứ nhắm các vị trên 80 mà noi gương. Tôi có một chuyến đi thực tế ở Formosa (Hà Tĩnh) cùng anh năm 2016. Lúc đó anh vào tuổi 80. Nhưng bền bỉ không kém ai. Sau chuyến đi anh viết một bài (thời luận) in trên báo Văn nghệ làm nóng văn đàn và thời đàm. Anh là nhà văn tài năng và tiết tháo (kẻ sỹ).

8. Bùi Kim Anh - Trần Mai Hạnh

Tôi mới quen chị và anh gần đây nhưng trong lòng đã liền tâm phục khẩu phục. Chị là giáo viên dạy Văn yêu thơ, làm thơ (đến nay đã in 11 tập). Thơ chị có cái nét riêng “ngậm ngùi riêng tư” (như lời bình của một người nam làm thơ). Trong gia đình chị có một thành viên - một nhân vật nổi tiếng: Bé Thiện Nhân (sau này trở thành một biểu tượng sự sống “Lửa Thiện Nhân”). Thơ của chị có cái khả năng “gánh buồn đem bán chợ vui” (nhan đề một bài thơ). Mới cách vài hôm, găp ở Hội Nhà văn Việt Nam, chị tặng sách Đàn bà thơ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, quý IV/2020). Không phải thơ in riêng của chị mà của 65 chị em gặp nhau trên “phây”. Tôi thích câu của văn hào V. Hu-go: “Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ” mà chị trích dẫn đặt ở cuối Lời mở đầu sách thơ. Chị Bùi Kim Anh cầm càng in tập thơ này, coi như một cuộc chơi thơ: “Và rồi/những người đàn bà hò hẹn/ nửa ngày bên nhau/để vui nốt những ngày”. Chị làm thơ. Anh viết văn. Anh vốn cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Làm báo. Viết văn. Bên nào cũng thành thục, thành tựu. Nhưng phải nói về cuối đời, văn đã bù đắp cho anh những gì thiếu hụt. Chỉ một Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (tiểu thuyết tư liệu lịch sử, 2014) đã giúp anh bước lên đài vinh quang với Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2014), Giải thưởng văn học Đông Nam Á (2015). Cuốn sách được tái bản nhiều lần với số lượng phát hành khiến bất kỳ nhà văn nào thời nay cũng thèm muốn (vài chục nghìn bản), đã có phiên bản tiếng Anh, đã được giới thiệu tại Hội chợ sách Quốc tế Habana (Cu Ba), năm 2019. Sau đột phá khẩu này anh còn viết tiếp.... Nhưng nói đến Trần Mai Hạnh là người ta chỉ nhớ đến “Biên bản chiến tranh...”. Tôi nghĩ, mỗi nhà văn cần có một cuốn sách ghi dấu tên mình trên văn đàn và trong lòng độc giả, là đủ (quý hồ tinh bất quý hồ đa).

9. Vũ Thị Hồng - Chu Lai

 Dân gian có câu “thế gian được vợ mất chồng”. Tôi thấy, nhà này không mất ai, trái lại được cả đôi. Ít ai đều tay hay việc như cặp đôi này. Chị là cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 12. Ra trường sớm và đi B (chiến trường miền Nam). Có lẽ chị và anh gặp nhau trong chiến trường nhưng mãi sau 1975 mới thành vợ thành chồng. Chị vốn là biên tập viên nhà xuất bản Quân đội nhân dân, sau lên làm Trưởng ban phụ nữ Quân đội, về hưu mang hàm đại tá. Cả chị và anh đều chuyên tâm viết văn xuôi. Chị thì trội về truyện ngắn (các tập Xóm biển, Tiếng rừng, Có một thời yêu). Truyện của chị không gai góc, không sex, không có “bóng đè”,... Chỉ là những câu chuyện bình thường, muôn thuở nhưng không hề cũ càng trong mắt ai. Chị cũng viết tiểu thuyết (Trở lại là em). Nhưng có lẽ không phải là sở trường nên không đeo đuổi. Anh thì trái lại, vạm vỡ nhờ tiểu thuyết. Từ Nắng đồng bằng qua Ăn mày dĩ vãng đến Mưa đỏ,..hơn 40 năm qua Chu Lai là một cái tên, hơn thế là một “thương hiệu” tiểu thuyết về chiến tranh và người lính (tác phẩm phải tính bằng hai chữ số rồi). Anh có một tuyên ngôn: “Chiến tranh là một siêu đề tài. Người lính là một siêu nhân vật”. Nghe có vẻ “đại ngôn” nhưng ngẫm ra thế hệ “nhà văn trung úy” như anh viết gì cũng không ra khỏi chiến tranh (tâm thế sáng tác này “ám” cả Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trọng Luân, Đoàn Tuấn,..). Anh đã có Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Hiện đang phấn đấu mức cao hơn. Ít người trong làng văn sống được bằng ngòi bút như vợ chồng nhà này. Anh chị viết văn mà mua được nhà (chung cư hạng sang), xe hơi. Ăn tiêu rủng rỉnh, phóng khoáng. Anh là người của công chúng. Thì chị là nội tướng. Một lần cách nay chưa lâu, tôi được chị và anh mời dự tân gia. Hình như chung cư hiện đại ở tầng 24, bên kia sông Hồng, chị và anh tậu được bằng tiền viết văn. Tài đến thế là cùng....ai bằng Vũ Thị Hồng - Chu Lai (!?).

Vợ chồng nhà văn Việt - 6 Vũ Thị Hồng và Chu Lai 10. Lê Hồng Nguyên - Phạm Khải

Là một trong những cặp vợ chồng viết văn có tiếng ở Hà Nội. Một dạo tôi thấy Lê Hồng Nguyên (kiều nữ của nhà thơ Lê Hồng Thiện, quê Hưng Yên - thật thú vị khi trong gia đình có đến ba người làm văn) làm ở nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Rồi lâu lâu không gặp, cũng không biết chuyển về cơ quan nào. Một lần làm tuyển chọn truyện ngắn nữ để in ở nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tôi có chọn của Lê Hồng Nguyên một truyện. Cứ tưởng con người lúc nào cũng cười tươi này chỉ viết những cái nho nhỏ, ngăn ngắn, ai ngờ chị đã viết tiểu thuyết Con hoang (mạnh dạn dự thi tiểu thuyết ở Hội Nhà văn). Hình như  bây giờ chị rút về “cố thủ” ở nhà, lo cho cái tổ ấm của mình lúc nào cũng cơm ngon canh ngọt, nhà cửa thơm thơm tho sạch sẽ. Kể ra đấy cũng là một cách đầu tư chiều sâu có hiệu quả kinh tế.

Và sau những ổn thỏa, đầm ấm gia đình chị tranh thủ viết như một đam mê không cưỡng lại được. Tôi biết anh Phạm Khải hiện là Đại tá, Tổng biên tập báo Công an nhân dân nên rất bận, ít thời gian rỗi dành cho việc nhà. Vì thế cần một hậu phương vững chắc, tin cậy. Ai đó nói “đằng sau một người đàn ông thành đạt có một người phụ nữ”. Câu này ứng với Phạm Khải và Lê Hồng Nguyên. Rất ít khi tôi có cơ gặp Phạm Khải, vì anh “rất bận ngày ngày vô tận”. Nhưng anh còn duyên nợ với văn chương lắm lắm dẫu cho báo nó “ghè” anh từng giờ. Lê Hồng Nguyên thì cũng thuộc “tip” náu mình chờ thời cơ. Ít khi thấy xuất hiện ở đám đông. Nhưng hễ có việc cần là y như có mặt. Chị viết ít nhưng kỹ lưỡng, văn lắm nỗi niềm của người nữ.

Bùi Việt Thắng 

Hà Nội, mùa Đại hội, 11/2020  

None

Tin liên quan

Tin mới nhất