Vợ chồng như thớt với dao (truyện ngắn)
Bỗng thấy như có gì áy náy, dậy xong tiết cuối cùng ở trường, Ân vội đạp xe về nhà. Nhưng xe vừa rẽ vào ngõ, Ân đã thấy cái Bích bé nhỏ, còm cõi, tóc xơ rơ, vệt nước mắt còn chưa khô trên má đứng ở đó có ý như đợi chờ. Quả nhiên, Ân vừa dừng xe, con bé đã túm lấy bác, mếu máo: “Bác ơi, bác về ngay đi. Bố cháu đang đánh mẹ cháu vỡ đầu chảy bao nhiêu máu kia kìa!”.
Hoảng hồn, Ân vội buông cái xe cho con cháu, xách cái cặp đâm bổ vào ngõ. Đường ngõ đã chật khăng khăng lại ngoằn ngoèo rắn lượn. Tránh mấy chiếc xe máy đi ngược chiều suýt trồ phải, toát mồ hôi lưng, Ân mới về tới nhà. Và vừa đẩy cổng vào đã thấy vợ chồng Kích, người tay dao, người tay ghế, như hai con gà chọi hăng tiết đang vừa gầm ghè vừa rủa xả nhau ở giữa sân.
Vợ Kích có vỡ đầu chảy máu đâu! Béo trục béo tròn như con cun cút. Quần âu xanh phùng đầu gối bên cao bên thấp. Cái áo hoa tím rộng thùng thình buột khuy để hở cả hai bầu vú thỗn thện trắng hêu hếu. Miệng the thé chửi chồng, mắt đỏ đòng đọc, con dao phay lưỡi mới mài sáng loáng, trong tay y thị cứ loang loáng trong động tác chém dứ về phía Kích. Trong khi đó, Kích đen gầy như bộ xương khô, răng nghiến, mắt trợn, tay cầm chiếc ghế đẩu gẫy một chân, cứ mỗi nhịp văng về phía vợ, miệng lại phát một câu chửi tục.
Không thể đừng được nữa, Ân để cái cặp sách xuống đất, xông vào giữa hai cơn hăng máu, giơ ngang hai tay, quát to:
- Cô Lích, cậu Kích! Có thôi không đi nào! Hàng xóm họ đang đến xem đầy ra kia kìa mà không biết xấu hổ ngượng ngùng à!
Tiếng quát nghe thống thiết quả là có tác dụng. Lích, vợ Kích hạ tay dao, nhưng chống nạnh, khuôn mặt trái xoan mỏng như cái bánh đa vênh vênh, đầy vẻ nanh nọc:
- Đứa nào có tội đứa ấy khác ngượng ngùng. Còn bà đây, bà chả việc đ. gì phải xấu hổ cả.
Kích đặt cái ghế ba chân xuống đất, chỉ tay vào mặt vợ, sừng sộ:
- Tiên sư con đĩ. Còn muốn già mồm hả!
Chẳng vừa, vợ Kích lại hếch cái cằm chẻ đôi, bĩu mỏ, thật ngạo mạn:
- Rõ vừa đánh trống vừa ăn cướp mà không biết nhục chưa!
- Thế tao hỏi, sáu chục triệu năm ngoái, của thừa kế của bà ngoại chia cho, mày để vào cái lỗ hổng nào mà nay chẳng còn lấy một đồng một cắc? Mày cho thằng nào, con nào? Hay mày cũng dâng nốt cả cho thằng chủ nhiệm đĩ đực của mày rồi?
Kích phanh áo, để lộ bộ ngực lép kẹp như gián đói, nhe răng hằm hè. Vợ Kích vỗ bồm bộp vào ức, quăng quắc:
- Nói cho mày biết nhé. Tao cho thằng nào con nào là quyền của tao. Việc đ. gì đến mày mà mày dựng ngược mặt lên tức tối, vặn vẹo?
- Tao có quyền.
- Mẹ mày chứ, vừa đêm qua anh anh em em, dỗ ngon dỗ ngọt rồi đè xấn người ta xuống, giờ đã dở mặt. Đồ chó!
- Tiên sư con đượi. Bố mày bắt quả tang rồi mà vẫn còn to mồm đánh trống lấp hả? Hừ, con này không cho ăn đòn nặng, nó còn chưa chừa đâu!
Lần này thì vừa gằn Kích vừa xấn tới. Cơ chừng cuộc ẩu đả đã vào hồi gay cấn. Ân đành liều mạng một tay giơ ra cản Kích, một tay tóm lấy tay Lích, rồi nhanh như cắt giật được con dao phay từ tay y thị, lẳng ra ngoài sân. Cái Bích dắt được cái xe của bác về, dựa vào bể nước từ nãy, thấy vậy, liền chạy vào bếp lấy ra một cây cọc tre dúi vào tay mẹ.
Ân thét:
- Bích! Mày đổ dầu thêm cho lửa cháy hả!
Vợ Kích vằng khỏi tay Ân, như được thể, nhằm mặt chồng, hồng hộc:
Mẹ cha thằng nào không có tiền muốn mua cả chợ, không có vợ muốn đ. cả làng nhá! Chuyện mày với con cave Tý Ngọ bà còn chưa tính đến đấy.
- Mày định cả vú lấp miệng tao vạch tội mày với thằng chủ nhiệm hả, con bớp!
Rối như nồi canh hẹ. Không còn biết thế nào để suy đoán đầu cuối, trật tự, mạch lạc của những cuộc ẩu đả, xung khắc gần đây xẩy ra như cơm bữa giữa vợ chồng Kích. Vì cả hai, kẻ tám lạng, người nửa cân. Lích thì đáo để. Còn Kích cũng chẳng kém phần hung bạo. Nghĩa là đang hỉ hả bên mâm rượu đấy mà bất thình lình có thể đập chát cái đít bát xuống rìa mâm, rồi đưa tay hất đổ tung toé cả cơm canh, rượu thịt, và đứng lên sửng cồ chỉ mặt nhau, gọi nhau là thằng ngô con đĩ, mày tao chi tớ được ngay. Nghĩa là đang đêm, vừa hùng hục trong cuộc ái ân vừa cắn véo nhau chí choé, cười đùa rinh rích đấy mà bỗng dưng đùng đùng vùng dậy, vác gậy gộc ra sân choảng nhau một trận ra trò ngay được.
Ảnh minh họa
Vì cơn cớ gì? Vì nghèo khó? Vì làm ăn thất bát? Vì ghen tuông, vì tự ái? Vì những trái ý con con? Hay là vì bản chất cuộc sống chung là vậy, nó là nỗi bất ổn, là thứ quan hệ chứa đầy xích mích, mâu thuẫn bùng nhùng không sao có thể giải tỏa được? Là sự lắp ghép vênh vẹo giữa hai cá thể khác biệt nhau, không thể tìm được sự hoà đồng?
May lúc này tình thế cũng chưa đến mức quá mù ra mưa. Vợ chồng Kích dẫu xuất thân từ tầng lớp bình dân, thất học, vợ bán rau quả ở hợp tác xã thực phẩm phường, chồng là thợ nề tự do kiếm ăn lần hồi, cũng còn có tí sĩ diện trước bà con hàng xóm. Và buổi trưa ngả chiều của tiết thu muộn lúc nãy nồng ngấu oi bức như kích động con người manh động bất cẩn, giờ đã dìu dịu và điểm mấy hạt mưa lành. Thuỷ khắc hoả. Mấy hạt mưa hạ được cơn hoả bốc. Hàng xóm bu đến xem vở kịch đã quá quen thuộc, biết là sẽ hạ màn trong tình thế thông lệ là hoà hoãn đôi bên, cũng đã ùn ùn bỏ về. Thiên thời địa lợi rồi, thì nhân hoà là cái chắc. Vợ Kích làu bàu mấy câu trong miệng cầm cái gậy đi vào bếp. Thoáng cái thấy nước dội ùm ùm trong nhà tắm.
Ân kéo em trai vào nhà:
- Đúng là chẳng còn ra cái thể thống gì nữa! Tôi hỏi cậu: đầu đuôi câu chuyện nó là thế nào?
Kích trợn trừng nhìn chị gái:
- Bà đừng có mà lên mặt dậy đời. Còn cái thân bà nữa đấy!
- Thân tao thế nào? Mày đã rủa tao bao lần là cô quả độc ác rồi. Tao không chấp. Nào, nói đi.
Ân dồn. Kích hạ nhiệt, quay đi. Ân ướm:
- Thế có phải là nó vẫn sa đà vào chuyện lên đồng, bói toán, kéo đàn kéo lũ đi lễ không?
- Nếu chỉ thế đã là may.
- Thế thì là chuyện gì?
Kích cắn răng, bằm môi rồi quay đi quay lại, lập bập:
- Nói ra thì xấu hổ. Nhưng thôi, trước sau gì thì tôi cũng ly dị nó. Giờ tôi nói để chị biết.
Trời! Thì ra Kích ghen, Kích uất. Mà ghen và uất cũng phải. Sáng nay, sắp đi làm, như thường lệ, thằng Mích hai tuổi trước khi đi gửi trẻ thế nào cũng bú mẹ một chập thật no. Nhưng, lạ là mấy lần Lích vạch vú, ấn vào mồm thằng bé rồi nịnh nọt đủ điều nó cũng một mực nhả ra. Cáu sườn, Lích phát cho nó mấy cái vào mông. Thằng bé oải ra, ưỡn người, khóc ré lên. Con không bú mẹ. Chả lẽ là nó ốm? Nhưng nó có ốm đâu. Sờ đầu, sờ gan bàn tay thằng bé vẫn thấy mát nguyên. Kích thấy vậy liền ngồi xuống cạnh vợ, dở đùa dở thật, quờ tay vào ngực vợ, nhễ nhàng: “Thôi, con không bú thì bố bú hộ vậy.” Nói rồi, vừa định lấn tới thì liền bị vợ kêu xoe xoé và đẩy ra: Ban ngày ban mặt thật không biết dơ! Không biết dơ thật. Vì lúc này nhìn thấy hai bầu vú vợ căng mọng, trắng nhễ nhại, Kích đã nổi cơn thèm. Thèm quá đi chứ, vú đàn bà quà đàn ông. Vợ ở nhà, quà giữa chợ cơ mà. Thế là hùng hổ hẩy con ra, húc đầu vào, chúm môi chụp ngay lấy cái đầu ti đỏ hồng của vợ. Nhưng chụp vào thì lạ chưa, cũng lại như thằng Mích, vội nhả ra ngay. Nào có thấy cái vị ngòn ngọt, nhàn nhạt như mọi khi. Chỉ thấy nó đăng đắng mùi thuốc lá và nồng nặc mùi rượu Tây. Chà!
- Nhất định là nó lăng nhăng với thằng cha chủ nhiệm hợp tác xã thực phẩm rồi. Đã có lần em gặp thằng này đèo xe máy nó đi phố. Lần này thì em không nhịn nữa đâu. Dứt khoát là em ly dị nó!
Lích đã tắm xong, mặc bộ áo quần hoa cúc tươi tắn, xách cái làn nặng vàng hương hoa quả đi qua cửa, nghe loáng thoáng được câu cuối cùng, liền ngoái đầu, điềm nhiên:
- Ly dị thì ly dị. Bà sợ đ. gì!
Rồi đi được mấy bước, thấy chưa thoả, còn quay lại, chỉ tay vào mặt Kích, nghiến răng chèo chẹo:
-Nói cho mày biết, thề có ông mặt trời kia, từ nay tao có là vợ chồng với mày thì tao là con chó.
Kích nhễ nhại:
- Chị xem nó mất dậy thế đấy. Bỏ nhà cửa, bỏ cả đứa con bé để đàn đúm lễ lạt với mấy con mẹ đồng bóng và thằng cha chủ nhiệm, mà không hề nói với ai một câu. Chị biết thằng cha chủ nhiệm hợp tác xã thực phẩm phường không? Chính thức là hiện nay nó có ba vợ rồi.
Ân rầu rầu:
- Gia đình cậu thật chẳng còn ra thế nào nữa. Nhưng trong sự việc vừa rồi cậu cũng phải bình tĩnh hỏi lại cô ấy cho rõ ngọn ngành chứ.
Kích lắc đầu.
- Chị ơi. Em hỏi nó rồi. Nó bảo hôm liên hoan hợp tác xã, nó làm nhiệm vụ tiếp tân, khi rót rượu vô ý để rượu rớt ra. Rớt ra! Rớt ra sao áo không có mùi. Mà vú lại có cả mùi thuốc lá nữa.
Ân hạ giọng:
- Thôi bây giờ chuyện ấy để lại đấy đã. Tuần này, có cái giỗ bầm vào ngày thứ tư. Sau đó ngày chủ nhật có việc đưa vong chú Tích lên chùa. Cậu có đi được không?
Kích khoát tay, chẳng một lời đáp trả, lử khử lừ khừ đi ra cửa. Cái Bích đứng ở cửa, nhìn trời đang nhả mưa, run run đưa mu tay quệt mắt.
*
Vừa thấy bóng Lích ở đầu ngõ, ba bà một gầy hai béo, từ cửa chiếc ô tô Land Cruiser bảy chỗ đậu ở dệ đường, đã lịch bịch nhảy xuống, nhanh nhẹn ùa tới, người đón tay, người đỡ làn, vồn vã như lâu lắm rồi mới gặp nhau. Toàn các bà bạn buôn ở cùng hợp tác xã, cỡ ngoài bốn mươi, đang tuổi hồi xuân.
Lích bước lên bậc cửa ô tô. Trong xe, ngoài anh lái đang phì phèo thuốc lá, còn một ông trung niên đội mũ phớt nâu, đeo kính râm to gọng, ria con kiến, mặc áo bu dông da nâu. Ông này đang độc chiếm cả ở hàng ghế thứ nhất.
- Chào anh!
Nghe tiếng Lích chào thật ngọt ngào, người đàn ông đang im phắc như pho tượng liền quay lại, môi tớn lên như môi ngựa, tươi tỉnh:
- Cô Lích! Hay bị say xe thì ngồi lên đây. Gì mà chờ cả tiếng đồng hồ mới thấy ra thế?
Bà gầy quài tay đóng cửa xe, ra vẻ sành sỏi:
- Chắc sắp đi ông anh lại ... đòi.
- Ôi giời, đòi đã là may.
- Này, nhưng hỏi thật Lích, hồi này mày bắt lão phục vụ thế nào mà hôm qua tao gặp thấy lão như cái tóp mỡ.
Giữa tiếng cười ré lên của ba bà, người đàn ông quay lại bình:
- Gầy là thầy mọi thứ đấy, các chị ơi.
Lích ỏn ẻn:
- Hắn bị bệnh tiểu đường. Ốm đau mệt mỏi là cái cớ để hắn gây sự. Đấy vừa nãy sắp đi, lại suýt một trận sứt đầu mẻ trán. May mà bà Ân bà ấy về.
- Bà Ân nhà cậu trông cũng mỏng mày hay hạt ra phết mà cao số nhỉ!
- Cao gì! Bà ấy sợ lấy chồng.
- Chuyện, người ta là giáo học chứ đâu có đĩ bợm như chị em phố chợ nhà mình
-Ối giời! Người ta đang cầu càng nhiều càng ít chẳng được, nay lại có thứ sợ lấy chồng.
Người đàn ông cười khằng khặc, vẻ đắc chí:
- Còn cô Lích đây thì không sợ. Vì Vợ chồng như thớt với dao. Ngày thì cãi lộn đêm vào ngủ chung. Có đúng không?
Lích đưa cái nguýt qua ngang mặt người đàn ông:
- Còn lâu nhé!
-Thôi đi. Vợ ở nhà, quà giữa chợ. Lòng vả cũng như lòng sung. Dạ trâu cũng như dạ bò. Đừng có dối lòng!
Tiếng máy ô tô cuộn tròn. Bà gầy nghển lên vỗ tay bồm bộp:
- Thôi, chuyện trai gái đàn ông đàn bà chốc nữa tha hồ thả phanh. Còn bây giờ, kế hoạch đi của hội ta là thế này. Sáng mai ta đến đền Mẫu Âu Cơ ở Yên Bái. Chiều, ta sang đền Xanh ở Tuyên Quang, còn bây giờ, muộn rồi, tới Sóc Sơn ta nghỉ, ngủ đêm ở đó...
- Chưa đi đã nghỉ, đã ngủ đêm!
- Cuộc đi phải có nghỉ, có ngủ cách đêm mới thú vị chứ.
Bình phán một câu có vẻ hơi lạc lõng, người đàn ông quay lại băng ghế sau, nơi ba bà ngồi, đối mặt trịnh trọng:
- Công việc của chủ nhiệm nó không như hồi bao cấp đâu. Nói thật, tôi chiều các bà lắm lắm, nên mới thu xếp cùng đi chuyến này đấy.
- Chiều các bà!
Bà gầy nhổm lên dẩu môi. Người đàn ông gật gật:
- Chiều thật đấy chứ!
- Chiều ai? Chiều ai? Có dám công khai ra không nào? Rõ khéo ỡm ờ, vừa được ăn vừa được nói chưa!
Người đàn ông bỏ kính, tít mắt cười rồi như lảng chuyện:
- Thôi, nói chuyện nghiêm chỉnh nhé. Các bà có biết Tây nó nhận xét dân mình thế nào không? Dân mình là dân cúng lễ, thờ phụng nhiều nhất thế giới. Này nhé, trong khi, dân Islam chỉ có lễ thánh Allah, người Do Thái thờ mỗi Đức Jehovah, người theo đạo Tin Lành thờ Chúa Kitô, dân công giáo thờ Chúa và Đức Mẹ, thì ta thờ cúng, lễ lạy những vị nào? Phật. Thánh. Mẫu. Bà chúa Liễu. Bà chúa Kho. Thổ công. Ông Táo. Ông Thần Tài. Ông tơ bà nguyệt. Hết chùa, đình lại miếu, đền, phủ.
- Ông anh ơi, vẫn còn thiếu một thần đấy.
- Thần gì?
-Thần gì ấy à? Thần gì mà văn chương chữ nghĩa bề bề, thế mà vẫn cứ bị nó ám ảnh đến mê mẩn hồn ấy.
- Hé hé hé...
Bà gầy vuốt hai bên mép, nhấm nhẳng:
- Tôi thì tôi thấy, lễ được càng nhiều càng tốt. Có thờ có thiêng có kiêng có lành.
Lích hào hứng hồn nhiên:
- Đúng đấy! Em nghiệm ra, cứ mỗi lần đi lễ về là người cứ nhẹ tênh tênh, sảng khoái, thoải mái vô cùng cơ.
Xe đột ngột giảm tốc độ và ngoặt một cua gấp khúc. Người và vật trên xe đồng loạt xô về một phía. Lích chỉ kịp nhận ra bờ vai mình như vừa dính vào ngực người đàn ông, thì đã thấy bàn tay ông luồn qua sau lưng, rồi như êm nhẹ lần vào nách rờ rẫm tìm cái dải xu chiêng ở gần bầu ngực mình.
- Thế thì tuyệt vời quá, em nhỉ!
Người đàn ông như ghé tai Lích thì thầm. Lích bủn rủn và như mê dại, ngước nhìn người đàn ông, thỏ thẻ:
-Ý em là ta nên tranh thủ thời gian. Chỉ nên nghỉ ở Sóc Sơn một tý rồi đi Yên Bái ngay đêm nay. Lúc này bỏ một buổi chợ em tiếc lắm.
Người đàn ông nhe răng, thở ra toàn hơi rượu nặng và mùi thuốc lá, mắt nhay nháy, cợt nhả:
-Thì anh cũng muốn tranh thủ chứ!
Làm như không hay biết gì, nhìn ra ngoài cửa kính xe, bà gầy nói như reo:
- Đêm nay mưa, mát mẻ ngủ mới sướng đây! Chứ cứ như trưa nay, oi nồng ngột ngạt quá chỉ muốn gây sự đánh nhau thôi, các vị ạ.
*
Mưa thu đổ bụi dầy như tấm thảm. Ở hàng hiên, từ lúc mẹ đi lễ, cái Bích vẫn đứng thẫn thờ, nước mắt ngắn dài. Ân gắt:
- Lúc nãy thì mày đổ dầu vào lửa. Giờ thì mày muốn ngõ xóm này ngập lụt hả! Đi đón thằng Mích ở nhà trẻ về, tắm rửa cho em đi.
- Bác ơi! - Chưa chịu đi, cái Bích ngước lên, mắt đẫm lệ, run rẩy: Bố mẹ cháu nhất định bỏ nhau, hả bác?
- Mày nói cái gì thế, hả Bích!
Quát gằn một hơi, nhưng Ân đã ngồi xuống ôm choàng con bé Bích, khe khẽ:
Thôi, đón em về rồi nấu cơm cho bố mày và thằng Mích ăn đi.
- Nhà cháu chiều nay hết tất cả thức ăn rồi ạ.
Ân đứng dậy, chép miệng:
-Thế thì để bác nấu ăn cả thể vậy. Khổ, bố mẹ mày có là người biết nghĩ hay không mà cứ dăm ba ngày lại gây sự với nhau một trận thế!
Ân đi vào bếp. Lát sau, quay ra Ân thấy cái Bích xốc nách thằng Mích đứng ở trước cửa, nói vào:
Bác An ơi, bác đừng nấu cơm cho bố cháu.
- Bố mày đi đâu?
- Vừa nẫy cháu thấy bố cháu vào nhà cô Tý Ngọ rồi. Mọi bận cũng thế. Cứ cãi nhau với mẹ cháu xong là bố cháu lại đến nhà cô ấy ăn ngủ ở đấy.
Quả nhiên, bữa cơm tối chỉ có hai đứa trẻ cùng ăn với Ân. Ân không nói được một câu. Còn hai đứa trẻ, đặt bát xuống, chưa kịp lau mồm, theo thói quen của con nhà nghèo đã díp mắt lại rồi. Sửa soạn giường chiếu, thu xếp cho hai đứa trẻ đi ngủ ở nhà mình xong, Ân định ngồi soạn bài, nhưng thấy lòng ngổn ngang quá, nên bỏ công việc đó, tắt đèn đi nằm.
Ngổn ngang quá là đời người với bao nhiêu dang dở. Nhà có hai chị em, Ân đã ba mươi lăm, một lần yêu không thành vì không chịu nổi thói phàm trần của ái tình thiêng liêng. Còn Kích thì như thế đó; xung sát, cãi chửi nhau như cơm bữa, quan hệ vợ chồng dung tục, thấp kém, lúc nào cũng mấp mé bên bờ tan vỡ, khiến Ân vô cùng lo lắng.
Ân lo lắm. Nhất là lúc này đây, Ân đang thấp thỏm đợi chờ. Vì cuộc xung đột lần này của vợ chồng Kích đã động chạm tới phần sâu sa của đạo lý vợ chồng và sẽ là thế nào đây cái quan hệ vốn đã sứt mẻ thường xuyên của họ? Hay là sẽ lại như mọi lần? Nghĩa là chiều mai Lích sẽ đi lễ về. Từ ngoài ngõ, Lích sẽ đi vào, mặt vênh vang sáng láng ánh thần quang của phép lạ hiển thị, tay xách một con cá chép ba ký mang còn tươi đỏ. Cái Bích sẽ dắt thằng Mích lõn chõn chạy ra đón mừng. Và bữa cơm chiều có cá rán, cá nấu riêu sẽ thật thịnh soạn. Và hồn nhiên như một gã trai tơ, Kích sẽ nâng chén rượu, ngả giọng nghê nga: “Hà, mẹ cái Bích thế mà khôn! Ngư nhục sinh tinh! Được, tối nay tao sẽ... đền!” Và buổi tối ấy, hai đứa trẻ sẽ được cho đi ngủ sớm. Vợ chồng Lích tắm gội, sửa soạn giường chiếu, tắt ti vi từ lúc chín giờ rồi đi nằm. Không một lời làm lành. Vì hình như chẳng có chuyện gì mà phải làm lành cả. Chỉ có tiếng Lích làu bàu khai cuộc: “Gớm chết thôi, cứ như đói khát cả năm trời không bằng!”Rồi Kích cười hì hì cụt ngủn và tiếp đó là những tiếng sàn sạt thân người chuyển động trong đêm.
Sẽ là như thế chăng? Nghĩa là không có chuyện tan vỡ, ly dị, cũng chẳng có sự thanh minh giãi dề và làm lành gọi là. Và như vậy thì nên vui hay nên buồn?
Trong chốc lát, Ân thấy mình đã già đi đến mấy chục tuổi. Là nhà giáo vốn quen với những giá trị, ổn định mực thước, Ân đã trở nên lạ lẫm với đời sống xung quanh mình rồi ư? Ôi, cái đời sống thông tục thừa rắc rối, lắm thói tật, thậm chí bợm bãi bẩn tưởi, đầy bản năng tăm tối, nhưng là một dòng chẩy mặc nhiên bắt người ta phải chấp nhận, mạnh mẽ và giầu tính hiện thực! Và Ân và cái Bích, một đã quá già, một còn quá ngây thơ nên chưa thể hiểu và còn quá xa lạ với đời sống hiện hữu này, một đời sống vừa quái dị vừa hồn nhiên như bản chất nó là vậy, nhùng nhằng như cái tội cái nợ, không êm thuận hài hòa nhưng cũng không thể ly cách dứt bỏ nhau được. Một đời sống tự nhiên nhi nhiên, không chịu sự chi phối của một lý thuyết nào hết!
Thiếp đi một giấc dài, như trong mơ, Ân lấy làm lạ vì loáng thoáng như nghe thấy tiếng nói cười nhả nhớt của vợ chồng Kích ở bên nhà. Rồi lát sau tỉnh dần, nhìn ra khung trời đã he hé sáng, lại như nghe thấy tiếng chổi tre loét quét trên nền sân xi măng, Ân liền vùng ngay dậy, và mở cửa hấp tấp bước ra.
Không! Không có bóng hình Lích. Tất cả chỉ là ảo giác. Trên mặt sân xám nhờ, trơ trỏng chiếc ghế gỗ gẫy chân và cây cọc tre, dấu tích của trận ẩu đả của vợ chồng Kích trưa hôm qua. Thở một hơi dài, Ân đi vào nhà. Và những tưởng là có thể tĩnh tâm ngồi soạn bài thì Ân lại bồn chồn đến mức chẳng thể làm nổi một việc gì! Vì lát sau, cái Bích đưa thằng Mích từ nhà trẻ trở về, đã đứng bần thần ở trước cửa nhà Ân:
Bác An ơi, giờ cháu phải làm gì, hở bác?
- Vào đánh thức bố mày dậy.
- Bố cháu vừa về, còn đang ngủ. Cháu mà gọi bố cháu đánh cháu chết mất.
“Hừ, lại còn thế nữa!”. Mặt cau cau, Ân lầm bầm. Cái Bích lầm nhầm:
Bác ơi, mẹ cháu liệu có về không, hở bác?
Ân hất hàm, cáu kỉnh:
Con này hay nhỉ! Không về thì đi đâu?
*
Mẹ cái Bích không về thì đi đâu!
Có vẻ hiển nhiên là như thế rồi! Và hiển nhiên là như thế rồi! Mẹ cái Bích sẽ về. Sẽ về! Sẽ về! Sẽ về! Nhưng sẽ về như thế nào? Câu chuyện sẽ kết thúc ra sao? Làm sao Ân có thể dự đoán được. Vì đó sẽ là cái kết thúc của một truyện ngắn vừa được viết một cách tài tình vừa là sự sinh động của đời sống nhân sinh hồn nhiên, không khuôn sáo!
Làm sao mà có thể dự đoán được!
Làm sao mà có thể dự đoán được!
Làm sao mà biết trước được, trưa ấy, trời vừa hâng hẩng, chiếc ô tô Land Cruiser sau một ngày một đêm đẫy đưa đoàn người đi lễ chùa đã trở về, đậu lại một phút ở trước ngõ nọ và Lích từ đó bước ra áo quần đồng màu tím hồng, trẻ tươi như một bông hoa mười giờ. Mặt tròn phính, đỏ hăm hăm, tay xách cái bu gà, tay đánh ve vé, Lích băm từng bước chân, phăm phăm lao về phía nhà mình.
Nghe như có hơi gió mạnh quét qua, Ân bừng thức từ giấc ngủ trưa, thì đã thấy hai cánh cổng mở toang. Và Lích đã về! Lích đang đứng ở giữa sân! Cạnh cái bu gà, hai ống tay áo xoe cao, mắt quăng quắc, chân dậm bành bạch, đột ngột Lích cao giọng hướng vào cửa căn hộ nhà mình: “Tiên sư thằng chó dái, cháy nhà ra mặt chuột. Khôn hồn thì ra đây cho bà hỏi tội!” Rồi xăm xăm bước tới góc sân, nhấc cây gậy tre lăn lóc từ trưa qua lên, dộng đánh kịch xuống sân:
-Nào, đêm qua mày úp mặt vào bẹn con Tý Ngọ và những con nảo con nào nữa mà bây giờ còn chưa lê ra khỏi giường, hả!
Nghe thấy tiếng vợ, Kích đã trở dậy. Lừ lừ, Kích bước ra khỏi cửa và hơi sững người vì trông thấy gương mặt vợ đỏ hăm cùng thái độ hung hăng của y thị.
Thế nào, bà đi vắng, một mình ở nhà, đã thỏa mãn chưa, con?
- Hớ!
- Hớ cái gì?
Đã tỉnh hẳn, Kích chống tay lên háng, mắt trợn trừng, hất hàm:
- Hớ, cái con này láo! Ai là con mày đấy, hả?
- A, cũng còn biết vặn vẹo, hở! Này, nói cho cái mặt kia biết. Đừng có vờ vịt vải thưa che mắt thánh nhé. Nói ngay không đây ba máu sáu cơn lên thì cả lò nhà người ra tóp đấy!
Cúi xuống nhặt chiếc mễ gẫy chân, Kích chỉ tay vào mặt Lích, cười gằn:
-Rõ vừa đánh trống vừa ăn cướp chưa! Hừ, tưởng là vớ được thằng chủ nhiệm miệng toàn mùi rượu và mùi thuốc lá nó bú tí thì cuốn xéo đi rồi.
Lích giơ đầu gậy, trề môi, mặt tỉnh không:
-Này, dựng chuyện vu oan cho người mà không sợ trời phạt à! Đây đi lễ chùa, chay tịnh, sạch sẽ, đàng hoàng là để cầu tài cầu lộc cho ai, có biết không? Mà đừng có tưởng bở, tưởng ly dị được đây dễ lắm à!
Vợ chồng Lích Kích đang biến thành hai kẻ gây gổ. Rõ ràng là như thế chứ còn gì. Nhưng, đó chỉ là màn hai của một vở kịch, là chương tiếp theo của một cuốn truyện dài người xem, người đọc đã biết từ lâu, chẳng còn hấp dẫn được ai! Chẳng còn hấp dẫn được ai, nếu lúc ấy cái Bích không xuất hiện. Đúng lúc ấy cái Bích từ cổng đi vào. Vừa thấy mẹ, nó liền mừng húm xồng xộc chạy tới. Mấy con gà trong bu nghe động, sợ hãi, rúc vào nhau, khiến cái bu lăn long lóc ra giữa sân. Như chỉ chờ có thế, Lích liền quay lại, túm lấy tay con gái, khe khẽ: “Mấy con gà đồi Phú Thọ mẹ mua về giỗ bầm và đưa vong chú Tích lên chùa đấy. Đem vào bếp cho mẹ”.Lời nói đã dịu hẳn. Câu chuyện đã đổi dòng. Cảm nhận được ngay tình thế mới, Kích cúi mặt, làm như vô tình, lẳng cái mễ gẫy chân vào góc sân, rồi phủi tay, làu bàu: “Tinh tướng thì cũng một vừa hai phải thôi chứ quá đáng thì bố ai người ta chịu được!”, đoạn quay lưng lững thững đi ra cổng.
Im phắc. Ân nhìn ra ô cửa sổ và hiểu rằng, vở bi hài kịch thế là đã hạ màn. Hạ màn, để ngày mai bắt đầu bằng một tấn kịch khác tương tự, vì cuộc đời xưa rày vốn cứ lặp đi lặp lại, vừa lạ lùng vừa buồn tẻ là vậy. Biết làm sao được mà phàn nàn mà đòi cải đổi, hừ!
19/7/1997
![Tổ trưởng dân phố (truyện ngắn)](https://cdn.arttimes.vn/upload/3-2024/images/2024-08-02/1722587544-thumbnail-width750height563.jpg)
Khi gia đình tôi dọn đến ngõ 555 trên đường phố T.D.H. thì ở đây đã có tổ dân phố rồi và giữ trách nhiệm tổ trưởng...
Bình luận