Lối tắt

Truyện ngắn của Đỗ Hàn.

Mành, anh bạn học cùng phổ thông giờ làm chủ một công ty trách nhiệm hữu hạn tầm cỡ ở tỉnh. Hắn có cái dáng cao lòng khòng với đôi bàn tay và bàn chân quá cỡ, đôi bàn tay bàn chân ấy lúc nào cũng như muốn nhảy ra khỏi găng tay hoặc tất chân...

Lối tắt - 1

Tranh minh họa

Hôm qua, Mành gọi cho tôi:

- Ông có hay về quê không?

- Tôi cũng hay về, dăm bữa nửa tháng hoặc quê có việc hiếu hỷ trong họ, tôi đều có mặt.

Hắn reo lên mừng rỡ:

- Thế thì hay rồi, quê ông có cái tay La Vinh, nghe nói làm ăn phát đạt lắm hả?

Tôi hơi chững lại trong suy nghĩ, nhớ lại trong đầu các mối quan hệ ở quê, lục lọi trong trí nhớ, cố nhớ ra cái tên La Vinh. Chịu! Tôi nói lại cho Mành:

- Họ La thì ở làng Cam Thịnh, cách làng tôi gần 3 cây số. Họ  La này ít khẩu và cũng không phải dân gốc vùng quê tôi - Tôi khẳng định thế, vì khi công tác ở huyện tôi đã tham gia viết địa chí của xã - Nhưng ông có chuyện gì à?

- Ừ, có chuyện cần nhờ ông thẩm tra giúp! Chẳng là có một tay ở Quảng Ninh giới thiệu tay La Vinh này với tôi. Hắn có danh thiếp ghi là Chủ tịch Tập đoàn tài chính La Hưng, vốn hàng nghìn tỷ. Tôi ngộp quá. Hắn lại có ý định hợp tác làm ăn lâu dài với công ty tôi. Khi tiếp xúc lần đầu, hắn nói quê gốc là người xã ông. Tôi muốn tìm hiểu thêm...

- Ồ, ông Mành ơi, điều đó, ông kiểm tra dễ ợt, ông qua các cơ quan của tỉnh như Công an hay Sở Kế hoạch, Sở Thuế, ông có đủ thông tin ngay!

- Nếu cần những thông tin ấy thì tôi không nhờ đến ông. Tôi muốn biết cách sống, lối ứng xử của hắn với vợ con, họ mạc... Muốn làm ăn lâu dài thì phải nắm cái đó ông ạ! Chứ ở trên giấy tờ, thiếu gì thông tin giả và thông tin ảo. Tôi sợ nhất loại người “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” trong làng quan chức, và loại người “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ” của mấy ông nhà giàu mới phất. Nói thật nhé, những người như thế, chẳng chóng thì chầy sẽ rơi vào vòng quay của nhân quả, gặp những hậu quả khó lường.

Tôi cười, trêu bạn:

- Ông biến tôi thành thám tử à?

Hắn cười, nghe giọng cười khờ khờ, đến là đáng ghét!

Về quê, tôi không chủ tâm nhưng cũng có ý hỏi thêm về tay La Vinh này. Tôi tự trách mình, làm báo mà ở quê có một doanh nhân thành đạt thế, mình không biết, kể ra cũng không phải. Hỏi mấy người nhà thì biết anh ta chính là chồng chị Dẻo, chị Dẻo lại cùng họ Đỗ nhà tôi.

Xã tôi có tám thôn, rộng trên 15 cây số vuông; thôn Cam Thịnh nằm áp với con đê Tả Hồng, cũng là địa giới với xã bạn. Thôn gần trăm hộ, có họ Đặng, họ Khuất, họ Vũ là nhiều, họ La chỉ có 8 hộ. Ấy là mới tách 3 hộ chừng trên dưới 10 năm nay. Tôi biết chị Dẻo vì chị là con út gia đình làm nghề thuốc Nam trong thôn. Gạo, Thơm, Cơm, Dẻo là bốn anh em nhà chị. Theo họ tộc, các anh các chị là chi trên. Nhưng vì tôi lớn lên đi học xa và công tác xa luôn, nên không biết rõ lắm về gia cảnh bên nhà chồng chị. Chị Dẻo là người con gái xinh nhất làng Cam Thịnh, mà cũng là xinh nhất xã tôi.

Trong ký ức của tôi, một người chị hơn tôi hai tuổi, đôi má luôn hây hây đỏ. Đặc biệt là đôi môi. Không son phấn gì, nhưng môi chị lúc nào cũng như  vừa cắn một trái dâu tây. Mọng đỏ.

Trong vai nhà báo, tôi tìm đến căn biệt thự to nhất thôn.  

Vừa thấy bốn con chó Béc-giê ông ổng sủa, đã thấy hai chàng bảo vệ với đồng phục tím than rồi găng tay trắng, gậy trắng lao ra cổng. Khi tôi chìa thẻ nhà báo và xin gặp ông Tổng giám đốc La Vinh, các chú bảo vệ niềm nở đón tôi vào chiếc bàn kê cạnh cổng, rồi nước nôi, chào hỏi hết sức chu đáo. Tôi đã có cảm tình. Một chú bảo vệ hỏi:

- Nhà báo đến tư dinh, có hẹn trước với ông Tổng La không?

- Tôi chưa kịp hẹn!

- Vậy thì nhà báo thông cảm và phải chờ rồi. Lịch sáng nay, chúng tôi được biết là ông chủ sẽ lên Ủy ban tỉnh.

Tôi vớt vát:

- Hôm nay là ngày nghỉ mà!

- Biết là vậy, nhưng ông chủ La luôn làm việc có nguyên tắc, nhà báo thông cảm.

Tôi thấy lạ về cách gọi của hai chú bảo vệ, liền hỏi:

- Các anh gọi ông chủ La, tức là gọi họ của ông ấy, nghe như trên đất nước của người Tàu ấy nhỉ?

- Hì... - Một chú giơ gậy lên giải thích: Gốc gác ông chủ La từ Phúc Kiến, Trung Quở sang đây mà! Ông chủ rất thích gọi như thế nhà báo ạ!

Tôi đã định rút lui và điện cho ông bạn Mành về cảm nghĩ của tôi trước cung cách làm việc của La Vinh và những người giúp việc. Xử lý thế nào là tùy ông bạn. Tôi coi như đã giúp bạn rồi. Bỗng có tiếng xe đạp dừng ngay trước cổng. Bốn con chó Béc-giê vẫy đuôi đón người phụ nữ vừa dắt xe vào. Tôi nhận ra ngay - chị Dẻo!

Vì tôi vẫn đeo khẩu trang theo khuyến cáo 5K, chống dịch Covid-19, nên chị Dẻo không nhận ra tôi. Tôi quay sang bắt chuyện luôn:

- Xin chào bà chủ, tôi là nhà báo, muốn tìm hiểu cuộc sống tại quê của ông chủ La Vinh, nên đường đột...

Chị Dẻo vội xóc lại túi rau củ quả buộc sau xe, đưa ánh mắt mệt mỏi ngước nhìn hai chú bảo vệ rồi nói nhỏ: “Mời nhà báo vào nhà...”

Hai chú bảo vệ nhìn nhau rồi như đành phải làm, vội hướng dẫn tôi dắt xe theo chị Dẻo vào sân, không qua cái cổng thứ hai, lối vào biệt thự.

Chị Dẻo đưa tôi vào căn nhà ngang một tầng, nằm vuông góc với tòa biệt thự. Đây là khối nhà ba gian, hai gian ngoài và một buồng xây chắc chắn bằng bê tông và đổ mái bằng. Ngước nhìn sang tòa biệt thự 5 tầng, tôi choáng ngợp vì sự to lớn và rộng rãi của nó. Có dễ đến trên 300 mét vuông xây dựng, những mái vòm, cửa kính lóa mắt. Tôi chủ động đón chuyện:

- Là bà chủ công ty lớn thế mà chị vẫn đi chợ, nấu cơm hằng ngày thế này à?

- Thì vẫn phải nấu cho lũ chó và nhất là thằng con duy nhất của tôi chứ! Nó bệnh tật, hiền như đất nhưng cực kỳ khó tính, chỉ ăn đồ tôi nấu thôi... - Chị tất bật vừa mời tôi ngồi, vừa sắp xếp những đồ từ trên xe xuống. Tôi thấy có mấy lạng thịt bò bèo nhèo, mấy miếng phổi lợn, chắc là nấu cho lũ Béc-giê. Từ bao tải chị đổ ra là khoai tây và bí đỏ đã để lâu, bốc mùi. Tôi chậc lưỡi, bà này chẳng bỏ được cái tính kẹt xỉn quê mùa, giàu nứt đố đổ vách mà mua toàn những đồ thiu thối!

Tôi đưa mắt nhìn bàn tay chị. Bàn tay nhăn nheo. Tôi ngước nhìn khuôn mặt chị. Chao ôi, chị Dẻo xinh nhất xã ngày nào đâu rồi? Trước mắt tôi là một người tuổi như bà, nhìn như hơn tôi đến chục tuổi. Tôi chợt nghĩ đến những bà chủ, cô chủ, hay đặc biệt là bồ nhí của các ông nhà giàu, son phấn thơm lừng, vàng, kim cương lấp lóa. Đây là bà chủ xuất thân nông dân, bố mẹ nền nếp gia giáo nên có khác chăng?

Câu chuyện giữa tôi và chị Dẻo ngày càng nồng ấm. Tay chị vặt rau, miệng luôn cười buồn và giãi bày tâm sự. Chị nói nhiều về làng quê, về phong tục cưới hỏi, ma chay. Chị ca thán về những cặp ông bà trẻ con, mới 40 tuổi đã có cháu nội cháu ngoại. Chị hồi tưởng những ngày tháng thời con gái, rồi những năm tháng chị chật vật với những ngày chồng đi làm ăn xa... Đặc biệt chị lo và nói nhiều về cậu con trai 18 tuổi, nằm trên tấm phản kê ở gian cạnh buồng. Tôi được biết, cháu bị não úng thủy khi lên ba tuổi, sau một trận sốt li bì. Ngày ấy, chữa chạy không đến nơi đến chốn nên đã để lại di chứng cho đến hôm nay. Cứ dăm bữa nửa tháng, cháu lại lên một cơn động kinh dữ dội. Người cứng lại, mắt trợn ngược, mồm sè bọt mép, chân đạp đạp bơi trong không khí. Mới đầu chị rất sợ. Nhưng theo hướng dẫn của bác sỹ, dần dà chị cũng quen và hằng ngày chăm lo cho cháu. Tất nhiên, cháu khó có thể làm được việc gì, bởi nhiều khi trông cháu cứ ngơ ngơ, như đứa trẻ lên năm. Chị không thể xa rời cháu vì mỗi lần lên cơn, không có người ở bên sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng cháu. Chị chăm con từ ăn uống, vệ sinh, tắm rửa đã 18 mùa đông. Chị thật sự sung sướng thấy từng nét đổi thay trên da chân, trên khuôn mặt con. Chị hồ hởi nói với tôi:

- Thế là hai tháng mười sáu ngày rồi, cháu không bị lên cơn chú ạ! Đây là đợt cháu lẻo bệnh dài nhất trong năm năm trở lại đây đấy!

Tôi chỉ biết gật đầu và nói liên mồm “Quý hóa quá, quý hóa quá...” nhằm chút nào  động viên chị. Cũng nhằm để chị vui hơn, tôi gợi chuyện:

- Anh La Vinh mới hơn năm mươi tuổi mà sở hữu khối tài sản lớn thế, thật là một người tài ba trong giới doanh nhân hiện nay.

- Ồ, làm giàu bây giờ cũng nhiều cách nhà báo ạ!

- Ý chị là sao?

- Cũng như trong giới quan trường ấy, có những cách đi tắt mà không phải ai cũng làm được!

- Em chưa hiểu ý chị!?

- Nhà báo làm gì mà không biết, trong giới quan trường, nổi tiếng câu đàn bà làm quan tắt, các cụ xưa đã có câu: “Đàn ông quan tắt thì chầy, đàn bà quan tắt nửa ngày nên quan...”

- À, ấy là họ nói đến cái vốn tự có của phụ nữ mà đàn ông không có!

Chị sôi nổi hẳn lên, đúng những gì được gợi lên trong một con người hiểu biết:

- Đó! Cũng là đầu tư vốn mà chú! Làm giàu cũng thế, cũng có lối tắt để đầu tư vốn chú ạ! Bây giờ dân gian có câu: “Làm giàu hùn vốn thì chầy, làm giàu tựa ghế vài ngày phất to...”

- Chị nói vậy có nghĩa là làm giàu phải dựa vào người có ghế trong xã hội, tức có chức có quyền?

- Tất nhiên rồi. Có người bỏ ra hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ, chỉ để được một ông quan nào đó nhận làm người nhà. Rồi ông quan ấy sẽ cho làm các công trình cỡ lớn, tha hồ thu vốn. Thế mới có chuyện dân ta bây giờ luôn ngạc nhiên, hết doanh nhân này là con đỡ đầu của ông bộ trưởng này, doanh nhân kia là con nuôi cụ trưởng ban nọ, em nuôi chủ tịch tỉnh kia... Trong chuyện bồ bịch của lớp trẻ bây giờ có tên gọi “em gái mưa” thì trong giới quan chức giờ có loại “con trai mưa, con gái mưa” đấy nhà báo ạ!

- Chà... chuyện này thực sự giờ chị nói em mới hiểu, thế anh La Vinh nhà ta thì...

- Thì cũng thế thôi, chẳng biết từ khi nào ông ta có chuyện đã từng hút máu mình để cứu mẹ vợ một ông trưởng ban Hành chính kỷ luật ở Trung ương, được ông trưởng ban quyền thế lệch trời ấy coi như em ruột, thế là tiền ùn ùn về thôi...

Câu chuyện thật lại được kể từ miệng vợ nhà doanh nghiệp còn gì thật hơn. Tôi chào chị và định sẽ điện ngay cho ông bạn Mành về cách làm giàu mưu mẹo, cùng lối sống chân tình, thủy chung của doanh nhân La Vinh với vợ con.

Tôi đến bên cháu, hỏi han mấy câu và ngượng ngùng gửi chút quà mọn cho cháu mua thêm hộp sữa hay gói bánh. Chị rơm rớm nước mắt đón nhận tờ giấy bạc, nói:

- Đây là lần đầu tiên sau mười bảy năm, có người cho cháu quà.

- Vậy là sao hả chị?

- Vì ai cũng hiểu rằng con của ông La Vinh, nhà giàu thế thì thiếu gì tiền!!!

- Hiện nay anh chị có cho cháu điều trị ở bệnh viện nào không?

Chị ngước cặp mắt ầng ậng nước:

- Chú hỏi anh chị nào?

- Anh La Vinh và chị!

Chị quay mặt ra cửa, đôi môi mọng thắm ngày nào rung lên bần bật làm các vết nẻ thâm đen hằn sâu hơn:

- Ông ta và chị ly thân 10 năm và ly dị 5 năm nay rồi! Ông ta bỏ mẹ con chị ngay từ khi thằng bé gặp bạo bệnh. Ly hôn, chị được nhận nuôi cháu...

- Giời ạ, thế chị ở đây nghĩa là sao?

- Thì đây là thẻo đất tòa xử chia ra, chị được đền bù chút ít, thêm tiền bố mẹ đẻ cho, chị làm căn nhà này. Mà biết đi đâu được nữa khi cháu bệnh tất thế kia. Chú hỏi tôi ở đây nghĩa là sao ư? Ông ấy có vợ mới trẻ đẹp ở thủ đô ấy, cuối tuần mới đưa nhau về đây. Li dị rồi mình là người dưng, là người hàng xóm. Thấy ông ta tìm người làm ô sin, ngày nuôi mấy con chó Béc-giê và lau dọn nhà cửa, chị xin nhận. Thù lao hằng tháng quản lý của ông ấy trả, chị giật gấu vá vai mà nuôi con chứ sao... Mà hình như...

- Sao hả chị?

- Chị làm công cho ông ấy đã hơn 6 năm, nhưng hình như ông ấy cũng không biết chị là người nuôi chó cho ông ấy thì phải... - Nói rồi chị ngồi bệt xuống bậc thềm nhà, tiếng thở dài như một dòng sông.

Tôi cúi đầu thật thấp rồi từ từ bước lùi ra cổng, nhẹ nhàng dắt xe ra về. Tôi không dám cất tiếng chào trước bức tượng Người của chị Dẻo. Chị như hóa đá trên thềm nhà mình. Bàn tay khô cứng của chị xòe ra, ôm lấy vầng trán sạm đen. Trời gần trưa, nắng tháng Tám chói chang, hắt cái bóng đen thẫm của tòa biệt thự to đùng, trùm lên căn nhà nhỏ bé và cả con người chị Dẻo, người chị đã một thời xuân sắc...

Đỗ Hàn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).