Bóng thầy còn đó, tiếng đàn... còn vang

Mấy ai qua được trăm năm tuổi/ Mà tay còn nắn phím so dây? Người sống trên trăm tuổi đã hiếm, mà người còn có thể nhấn phím hòa đàn khi đã 102, 103 tuổi thì lại càng khó kiếm. Nhưng quy luật vô thường của cuộc đời đã mang thầy đi xa ở tuổi 104…

Bóng thầy còn đó, tiếng đàn... còn vang - 1 Học trò và người yêu quý nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo về thăm ông tại Đồng Tháp vào năm 2018. Ảnh: TƯ LIỆU

1. Càng tiếp xúc với thầy, chúng con càng có nhiều điều để làm đầy thêm vốn kiến thức và vốn sống của mình. Thầy thường dạy học trò bằng những câu chuyện thú vị rút ra từ ngay chính cuộc đời mình. 

Có lần, thầy kể chuyện có một vị bác sĩ đến học đàn. Tay phải đàn được lắm mà tay trái thì mỗi lần đến kỹ thuật rung là ổng không làm được vì tay cứng đơ. Lần đó, đang dạy mà vị ấy vẫn không hiểu cách làm, thầy bèn ôm bụng kêu: “Đau bụng quá”. Ông bác sĩ vội vàng đưa cả hai tay nhún nhún trên bụng thầy rồi hỏi đau ở đâu. Thầy chụp bàn tay ổng rồi nói: “Cái cách rung dây đàn là nhún nhún đều như vầy nè”. Chúng con hỏi: “Rồi sau đó sao thầy?”. Thầy cười: “Thì sau đó ổng biết đờn biết rung luôn”. Vậy là tụi con học một bài học - mỗi người thầy là một bác sĩ, mỗi người học là một bệnh nhân không ai giống ai, nên vị bác sĩ cũng phải tìm cách riêng để hướng dẫn cho bệnh nhân của mình.  

Hôm con hỏi thầy về một vị nhạc sĩ đã mất, thầy không trả lời ngay mà nói sẽ gửi tư liệu. Con vừa chạy xe về tới nhà thì máy báo có thư, con vội mở ra ngay. Thì ra thầy gửi cho con file thu âm tiếng đàn của vị nhạc sĩ đó. Âm thanh rõ ràng, mạch lạc và lời nhắn của thầy là con tự nghe và tự có nhận xét. Thầy không cho nhận xét của thầy vì sợ rằng sẽ không khách quan. Con đã được học một bài học lớn là tập cách nhận xét người khác một cách trong sáng, trung thực và không chịu ảnh hưởng từ bất kỳ ai. 

2. Ai đó đã nói rằng: “Mỗi người già là một bảo tàng sống”. Thầy là một bảo tàng sống đích thực với những hình ảnh trực quan sinh động về con người, về thời cuộc, về vùng đất. Mỗi lúc bên thầy, chúng con như sống lại không gian của những ngày xa xưa, khi thầy cùng các bạn hòa đàn ca. 

Khi tụi con thắc mắc rằng sao thầy minh mẫn thế, thầy nhắc đến cô Hai Quạ, cô Ngọc Đáng, đến nhạc sĩ Chín Kỳ, nhạc sĩ Hai Thinh, nhạc sĩ Sáu Tửng… với từng nét đặc điểm thú vị nơi họ. Rồi thầy trả lời rằng: “Qua đâu có nhớ về họ như sách vở nói mà qua đang nhìn thấy buổi họp mặt, nhìn thấy các vị đó, sống trong buổi đàn ca đó và kể về họ như họ đang có mặt nơi đây”. Quả đúng là ai gặp thầy cũng phải nể phục vì thầy có một trí nhớ siêu phàm và bộ nhớ đó được bồi đắp mỗi ngày, vì thầy đã sống trọn trong từng phút giây. Thầy thường nói: “Mỗi khi tôi đánh đàn là tôi đang thiền với âm thanh của cây đàn” - Tiếng đàn như một làn hương/Phiêu bồng đi khắp bốn phương mặt trời/Con tim tôi trót dâng đời/ Tiếng đàn là cả ngàn lời tri âm… (Nguyễn Vĩnh Bảo, 22-4-2014).

Thật may mắn là cuối đời, thầy đã chọn được chốn dừng chân để tiếng đàn vang mãi. Thầy đã về sống tại Đồng Tháp, nơi có một “Nhà lưu niệm dành cho nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo”. Nơi đây lưu những bức ảnh quý giá của thầy đang giảng dạy trên thế giới. Hình ảnh thầy vui cười cùng các giáo sư, hòa đàn cùng các môn sinh... Nơi đây cũng giữ những cây đàn quý giá mà thầy đã tự tay đóng, tự tai thẩm âm, cùng với tư liệu sách vở, băng từ ghi lại tiếng đàn của thầy cùng các vị nhạc sĩ cùng thời, những bộ phim tài liệu ghi lại dấu ấn của một vị nhạc sư tài hoa. Ngày khánh thành nhà lưu niệm cũng là ngày vui của thầy và tất cả môn sinh vì giờ đây chúng con đã có địa chỉ để tề tựu, để cùng được sống trong không khí thân mật của những buổi đàn ca và chìm đắm trong hương vị của “thiền” mà thầy đã dạy.    

Hôm nay, khi thầy khuất núi, những di sản mà thầy để lại sẽ vẫn còn được lưu truyền mãi mãi. Thầy vẫn sẽ sống mãi trong lòng những người yêu mến âm nhạc dân tộc Việt Nam. Thầy cũng vẫn là chỗ dựa cho chúng con, những môn sinh, cố gắng tiếp bước thầy trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật âm nhạc nước nhà - Dù cho thể xác sẽ tan/ Bóng Thầy còn đó, tiếng đàn còn vang…

Theo SGGP

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10//2024), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Triển lãm Sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.