“Phù thủy ca khúc” và những mối tình làm nên tác phẩm

Nhớ lại, khi trái tim bắt đầu biết rung động trước một bóng hồng, tự nhiên tôi nhập tâm và luôn say sưa hát bài “Dư âm” của Nguyễn Văn Tý: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ…”. Tôi mê mẩn bài này đến mức suốt thời trai trẻ, cứ cầm đàn là gần như chỉ hát “Dư âm”.

Vậy là Nguyễn Văn Tý đã gắn với những kỷ niệm tuổi trẻ của tôi như thế. Sau này, khi bắt đầu sáng tác âm nhạc, ông là một trong những người thầy của tôi với đúng nghĩa của từ này, và là người tôi vô cùng ngưỡng mộ, trước hết bởi sức thuyết phục của những tác phẩm.

Đến bây giờ tôi vẫn cho rằng nói đến nền ca khúc hiện đại Việt Nam, không thể không nhắc đến Nguyễn Văn Tý bên cạnh những tên tuổi lớn khác như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phạm Duy, Lê Yên, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu. Ông là một trong mấy mặt trời ca khúc rực rỡ ở nước ta. Ông viết bài hát cứ như chơi, cứ như chẳng tốn nhiều công sức bởi mạch âm nhạc tuôn ra rất tự nhiên, thoải mái, rồi ngấm vào người nghe cũng rất tự nhiên, thoải mái như vậy.

Nhưng sự thực, nếu chứng kiến quá trình hình thành một bài hát của ông, sẽ thấy vô cùng cầu kỳ, công phu. Ông tỉa tót từng nốt hoa mỹ, sửa đi sửa lại hàng chục lần một nốt, một chữ. Giai điệu của ông như có phép thần: Đã ngấm vào thì làm ta mê mẩn mãi, chẳng khác gì bùa phép của ái tình. Hầu như bài hát nào của ông cũng được khai thác từ một chất liệu dân gian nào đó. Hoặc nếu không xuất phát từ một làn điệu cụ thể thì cũng phảng phất, có hơi hướng dân ca rõ rệt. Tôi cho rằng ông là một… phù thuỷ trong nghề sáng tác ca khúc.

Xin miễn nói đến những bài quá hay, quá nổi tiếng ai cũng biết, rất nhiều người thuộc lòng như “Mẹ yêu con”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Tiếng hát người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Dáng đứng Bến tre”… Chỉ xin nói đến những bài mà cùng chủ đề, vào tay người khác khó có thể tạo nên bài hát đáng yêu, hấp dẫn như thế.

“Phù thủy ca khúc” và những mối tình làm nên tác phẩm - 1

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Trong một đợt tổ chức cho một số nhạc sĩ đi tìm hiểu thực tế sáng tác về ngành ngân hàng, khi mà nhiều người không cho ra được sáng tác, hoặc viết được nhưng lại có lời ca “tiền bạc là tình là nghĩa”(?) để rồi chẳng ai để ý thì Nguyễn Văn Tý viết được bài “Em đi làm tín dụng”.

Bằng chất liệu dân ca miền núi phía Bắc quen thuộc, ông tạo nên bài hát hết sức duyên dáng, với giai điệu đầy quyến rũ. Đến hôm nay, sau rất nhiều năm, người ta vẫn thích bài hát này, và ngành ngân hàng vẫn coi như bài “ngành ca” chính thức, chưa có bài thứ hai vượt qua.

Viết về nông nghiệp luôn không dễ dàng, nhất là lại gắn với thành tích tỉnh đầu tiên trong thời chiến đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Ông đáp ứng thẳng vào yêu cầu này của Bộ Nông nghiệp khi ấy với “Bài ca năm tấn”. Vừa ra đời, bài hát đã nhanh chóng lan truyền khắp cả nước. Suốt một thời gian dài, nhạc hiệu buổi phát thanh “Khắp nơi ca hát” của Đài Tiếng nói Việt Nam chính là giai điệu bài “Múa hát mừng chiến công” của ông.

Bài hát khai thác chất liệu từ điệu “Chức cẩm hồi văn” - một làn điệu chèo quen thuộc. Trong không khí bom đạn, cuộc sống của mỗi người vô cùng gian khổ giữa thời chiến tranh mà nghe âm điệu hân hoan, tưng bừng của bài hát này thì ai cũng quên vất vả để vui và tin ở chiến thắng. 

 Ở nước ta, quả là rất hiếm những nhạc sĩ được nhiều tầng lớp xã hội, ngành nghề đều nhận là của họ như Nguyễn Văn Tý. Ông là nhạc sĩ của nông dân với 3 bài: “Pha màu luống cày”, “Chim hót trên đồng đay”, “Bài ca năm tấn”; của phụ nữ với 3 bài “Mẹ yêu con”, “Tiễn anh lên đường”, “Bài ca phụ nữ Việt Nam”; của ngành mầm non (bài “Tiếng hát cô nuôi dạy trẻ”); của thiếu nhi (Bài màu áo chú bộ đội) và của hai tỉnh Hà Tĩnh (Bài “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” và “Tiếng hát người xây hồ Kẻ Gỗ”), Bến Tre (Bài “Dáng đứng Bến Tre”)…

Sau năm 1975, ông chuyển vào làm việc và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Từ đó, tôi rất ít có dịp gặp lại ông. Mãi về sau rất lâu, khi có nhà xuất bản mời làm các tuyển tập ca khúc về từng chủ đề, tôi mới gắng tìm để liên hệ với ông. Ông báo tin đau buồn: Người vợ yêu dấu từng đi chọn cả cuộc đời với ông đã theo anh trai về chốn suối vàng, để lại ông bơ vơ giữa cõi đời này. Nhìn tấm ảnh ông gửi tặng tôi mà ông vừa chụp, đọc những dòng tâm sự của ông, tôi không cầm được nước mắt. Ông kể rằng đã già yếu lắm, cuộc sống lại khó khăn, không biết xoay sở ra sao khi tiền lương hưu chỉ đủ trang trải các khoản điện nước, điện thoại và những phát sinh linh tinh bất thường khác.

Tôi hỏi ông qua điện thoại: “Thế các khoản thu từ những bài hát của anh vẫn thường xuyên xuất hiện trên các làn sóng phát thanh, truyền hình, các sân khấu biểu diễn, các băng, đĩa, tuyển tập thì sao?”. Ông thở dài đánh thượt: “Đáng gì đâu!”.

Nguyễn Văn Tý là một nhạc sĩ tài năng. Khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông ôm trọn hết cả nửa sau của thế kỷ trước với một giá trị lớn về tư tưởng và thẩm mỹ. Dấu ấn của ông trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam là hết sức sâu đậm. Ông là một chấm son chói sáng trong lĩnh vực ca khúc. Điều này thì mọi người đều thừa nhận. Nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được thấu đáo con người ông. Với Nguyễn Văn Tý, ai hiểu rõ sẽ rất quý trọng, còn nếu sơ sơ, xã giao thì sẽ dễ nghĩ ông là người tự phụ, kiêu căng, thậm chí cực đoan. Ông mà yêu điều gì thì làm cho người khác phải yêu theo, ngược lại nếu ghét thì như “bát nước đổ đi”, sẵn sàng mạt sát, báng bổ không thương tiếc.

Có người đã nói: “Nguyễn Văn Tý có ưa ai bao giờ, ông ta chỉ yêu bản thân mình”. Tôi có thể chứng minh: Đó là sự nhìn nhận sai lầm, có phần kỳ thị đối với ông. Một lần, ông gửi cho tôi một bài báo nhờ tìm cách đăng. Bài báo nói về kỷ niệm của ông với nhạc sĩ Hoàng Vân trong đó toát lên tình đồng nghiệp, tình bạn nghệ sĩ thật ấm áp. Ông có cái nhìn về Hoàng Vân hết sức trân trọng, thấu hiểu. Ngay cả những chi tiết trong cuộc đời công cán mà chính Hoàng Vân không muốn nhớ cũng được ông nhìn nhận thấu tình. Người như vậy sao lại có thể bị nghĩ là “chỉ yêu mình”? Tuy nhiên, dáng vẻ, hình hài và cách phô diễn, chuyện trò của ông rất dễ khiến những người “yếu bóng vía” e ngại, có khi dị ứng. Ông thuộc loại nhạc sĩ từ … trong ra ngoài - nghĩa là trông cái mẽ đã rất… nhạc sĩ với dáng người cao ráo, luôn toát ra vẻ hào hoa.

Đặc biệt là khuôn mặt đẹp với nụ cười duyên dáng, hóm hỉnh. Nhưng cũng chính từ cái miệng rất “điệu” dễ lôi cuốn người khác mà lắm lúc đã làm hại ông. Con người thông minh, nhạy cảm như ông rất dễ bị tổn thương. Động vào điều khiến ông vui sướng thì nụ cười rạng rỡ, mắt cười tít lại như “không thấy tổ quốc”, như con quay của trẻ con chơi đang tít. Còn chạm vào nỗi đau nào đó khiến ông tự ái thì hãy coi chừng. Hoặc là nếu nhắc đến ai đó mà ông ghét cay ghét đắng thì mắt ông nheo lại, tỏ sự khinh bỉ tột cùng.

Ông ít khi nói to điều gì, ngay cả khi phẫn nộ cũng ít lớn tiếng. Nói nhỏ, thậm chí rất bình thản nhưng từ ngữ ông dùng thì chì chiết, tận cùng thông tin. Ví như có lần, tôi vô ý nhắc đến một người mà ông không ưa, ông đã bật như chiếc lò so: “Nhắc đến cái thằng ngu dốt ấy làm gì. Thằng phản phúc, loại “ăn cháo đá bát”…”. Nói chuyện về tác phẩm của ông thì ông có thể dành cả buổi, lại tự thể hiện bài hát của mình đầy sức thuyết phục. Nhưng giả sử giữa lúc ấy mà nhắc đến bài người khác thì ông mất hứng hẳn. Điều này quả là rất giống với cố thi sĩ Xuân Diệu vậy.

Gần như cả đời Nguyễn Văn Tý không làm một chức vụ gì đáng kể ngoài việc trưởng một vài đoàn văn nghệ nhỏ từ hồi kháng chiến chống Pháp. Những năm 57- 58 của thế kỷ trước, ông bị chút tai nạn nghề nghiệp, phải về làm công tác phong trào ở Hưng Yên. Nhưng chính nhờ vụ đó mà ông có được một bài hát hay về tỉnh này: “Chim hót trên đồng đay”. Chẳng biết ông vui hay buồn khi nghĩ lại cuộc đời mình không có những chiếc ghế để ngồi? Nhưng có lẽ ông cần phải cảm ơn những nhà tổ chức đã không nghĩ tới việc mời ông ngồi vào những chiếc ghế, bởi nếu họ làm vậy, rất có thể sẽ chẳng bao giờ có được một Nguyễn Văn Tý như bàn dân thiên hạ đã biết và ngưỡng mộ? 

 Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925. Những năm cuối đời, ông rất yếu. Mỗi lần nói chuyện qua điện thoại với ông, tôi không còn nghe rõ từng lời ông nói vì giọng ông đã phều phào. Một lần, tôi có dịp thăm ông tại TP Hồ Chí Minh. Khi ấy, ông luôn phải chống gậy, vận động đi lại chỉ trong căn phòng nhỏ cũng rất lập cập, khó khăn. Mắt ông đục, mờ nhiều. Đầu tóc bạc phơ với ít sợi bơ phờ. Răng rụng đã gần hết.

Tuy nhiên, mỗi khi nhắc lại một kỷ niệm nào đó đã lùi sâu vào quá khứ thì ông vẫn rất nhớ như chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua – nhất là những kỷ niệm tâm hồn. Khi ấy, mắt ông sáng hơn như ánh lên một vầng hào quang đặc biệt khiến người đối diện rất dễ cảm nhận.

Ông hỏi tôi: “Hình như cậu thích bài “Dư âm” thì phải?” - “Em thích nhiều bài của anh chứ đâu chỉ “Dư âm” - “Là mình nhớ cậu nói thích “Dư âm” từ hồi còn trẻ và luôn hát. Để mình kể cậu nghe chuyện liên quan đến bài này”.

Và Nguyễn Văn Tý kể: Năm 1949, ông 24 tuổi, được người giới thiệu cho một cô gái quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhưng khi đến nhà cô này thì chàng nhạc sĩ hào hoa phong nhã lại mê cô em gái vì xinh đẹp, trông bắt mắt hơn. Cô này cũng có vẻ mến ông. Song, ông bị gia đình hai cô kịch liệt tẩy chay vì cho rằng từ chị “tạt” xuống em.

Càng vậy, ông càng mê mẩn cô em, suốt ngày tương tư, không làm được gì. Nhớ cô gái quá, ông chỉ dám mon men đến cổng rồi tìm cách vẫy cô ra để gặp gỡ lén lút. Cô mới 16 tuổi, bị bố mẹ mắng nhiều nên phải tránh mặt, không dám gặp Nguyễn Văn Tý.

Cuối cùng, thấy tình hình chẳng hứa hẹn gì, ông đành ôm hận, từ bỏ hình bóng mình thần tượng và những ngày này, ông đã viết nên bài “Dư âm” với âm điệu tha thiết, si mê. Ông cũng cho biết là sau khi tác phẩm ra đời và bắt đầu lan truyền trong công chúng thì bị đơn vị kiểm điểm vì đã viết một bài hát sướt mướt, ủy mị, lạc lõng với nhiệm vụ kháng chiến lúc ấy.

Trường hợp ra đời bài “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” cũng khá độc đáo. Một lần, ông đem lòng yêu thương một cô gái làm nghề dệt vải quê Hà Tĩnh. Không biết thế nào nhưng mỗi lần gặp gỡ, không thấy cô nói gì. Sau nhiều lần lui tới chuyện trò, rồi thì mối quan hệ cũng chấm dứt.

Nhưng 20 năm sau, cô gái vẫn không lấy chồng. Có người cho Nguyễn Văn Tý biết ngày ấy, cô gái cũng phải lòng nhạc sĩ nhưng nhát, không dám biểu hiện gì, trong khi ông cũng không mạnh dạn để dấn thêm. Suốt 20 năm xa cách không gặp lại, ai hỏi cô gái cũng nói đã có chồng nhưng ở xa. Vẫn nguyên vẹn tình yêu với cô như thuở nào, lại thương cô vì mình mà lỡ dở tuổi xuân, đồng thời ân hận là mình không biết tình cảm của cô nên để mất mà lẽ ra đã có được người mình đêm ngày tơ tưởng, ông viết bài hát trên trong đó có câu thật sâu sắc: “Thương con thuyền cắm sào đứng đợi”.

Có thể nói không người phụ nữ Việt Nam nào lại không ưa thích bài hát “Mẹ yêu con” của Nguyễn Văn Tý. Đây là một trong những bài hát ru hiện đại hay nhất, có sức sống lâu bền, mãnh liệt nhất, ra đời cách đây đã gần 70 năm mà vẫn nguyên vẹn sức hấp dẫn. Bài hát được sáng tác gắn liền với đứa con của nhạc sĩ cùng người vợ tên Bạch Lê khi bé cất tiếng khóc chào đời. Bà Lê là em ruột nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương – người vợ thứ hai của Nguyễn Văn Tý (Vợ đầu của ông qua đời sau khi sinh đứa con đầu lòng). Khi gặp Bạch Lê, nhạc sĩ như bị trúng tiếng sét ái tình mặc dù bà đã có những 4 con riêng. Nhưng ông vẫn không hề nao núng chỉ vì quá mê nhan sắc của bà. Và bài hát trên ra đời với nhiều cảm xúc về đứa con cùng người vợ mình đam mê.

 Nguyễn Văn Tý có nhiều năm tháng cuối đời sống cô đơn trong một căn phòng chật hẹp tại TP Hồ Chí Minh. Suốt ngày ông nằm trên giường do đã hai lần bị tai biến và liệt nửa người. Một người đàn bà giúp việc ở tuổi 50 chăm lo bón cơm và mọi việc khác cho ông. Ông nói và nghe đều khó khăn. Thỉnh thoảng ông ngồi dậy, nhìn qua cửa sổ ra phố, thèm nghe mọi âm thanh của cuộc sống đời thường và mơ hồ nhìn những bóng người hối hả qua lại. 

Tôi đến thăm, hầu chuyện ông nhưng ông chỉ nghe mà rất ít nói. Ông bảo tất cả đã lui vào quá khứ quá lâu. Nhưng tôi lại thấy những gì ông đã có, dâng hiến cho đời từ hai đứa con gái đến hàng trăm bài hát bất hủ vẫn còn đó, mới mẻ và vẹn nguyên, là đặc sản tinh thần của người Việt Nam. 

Ngày 26/12/2019, ông qua đời, hưởng thọ 95 tuổi. Với người yêu nhạc Việt Nam, ông vẫn sống mãi, trọn vẹn vinh quang trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng.

Nguyễn Đình San

Tiếng hát Tân Phương
Tiếng hát Tân Phương

Bởi thời trẻ, thân thiết với nhạc sĩ Phó Đức Phương từ những năm anh đang còn là sinh viên Trường m nhạc Việt Nam...

Tin liên quan

Tin mới nhất