Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

(Arttimes) - “Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi” là tư tưởng lớn, tình cảm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân miền Nam đi trước về sau trong cuộc kháng chiến mười nghìn ngày (1945-1975) của toàn dân tộc Việt Nam đánh bại hai đế quốc lớn của thế kỷ XX là Pháp và Mỹ.

Ngày 5/6/1911, tại Bến Nhà Rồng, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống con tàu Amiral Latouche Treville, nhận việc làm phụ bếp để có điều kiện đi ra thế giới tìm đường cứu nước. Cho đến ngày “Bác đã lên đường, nhẹ bước tiên” (Tố Hữu – Bác ơi), trong tâm khảm của Người vẫn chỉ có một nỗi niềm, đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam – Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta” (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Trong ký ức của Người, Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) luôn luôn là một điểm sáng lung linh gắn với tuổi trẻ đầy ắp hoài bão sống, khát vọng tình yêu và niềm hi vọng thiêng liêng. Trong tâm hồn của Người, đó là một ký ức văn hóa.

Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà - 1

Ảnh: Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng ngày 15/5/1975. Ảnh Tư liệu TTXVN

“Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi” là tư tưởng lớn, tình cảm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân miền Nam đi trước về sau trong cuộc kháng chiến mười nghìn ngày (1945-1975) của toàn dân tộc Việt Nam đánh bại hai đế quốc lớn của thế kỷ XX là Pháp và Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định Nam Bộ là “máu của máu Việt Nam”, “thịt của thịt Việt Nam”, “sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lí đó không bao giờ thay đổi”.

Nhà thơ Tố Hữu là người có điều kiện gần gũi với Bác Hồ trong nhiều năm tháng (từ thời kháng chiến chống pháp, qua chống Mỹ, đến ngày Bác đi xa). Nhà thơ đã viết trực tiếp và thành công về Lãnh tụ: Hồ Chí Minh (1945), Sáng tháng năm (1951), Bác ơi (1969), Theo chân Bác (1970). Trong một số bài thơ/ trường ca khác đã nhà thơ đã viết về Bác Hồ: Nước non ngàn dặm (1973), Toàn thắng về ta (1975). Trong sự cảm nhận của nhà thơ Tố Hữu, tình cảm của Bác Hồ với đồng bào miền Nam vô cùng rộng lớn, sâu sắc như biển rộng, như trời cao. Đó là mối tình cảm biện chứng giữa Lãnh tụ với nhân dân, giữa nhân dân với Lãnh tụ: “Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!/ Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời/ Miền Nam thắng lớn mơ ngày hội/ Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!”.

Không phải là từ năm 1946, Bác Hồ mới nói về miền Nam bằng những lời thiết tha, thực tế có gốc rễ sâu xa hơn, từ trước đó 35 năm, từ ngày Người ra đi tìm đường cứu nước khi tròn 21 tuổi (năm 1911). Vì thế: “Bác nhớ Miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha/ Bác nghe từng bước trên tiền tuyến/ Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa” ( Tố Hữu - Bác ơi).

Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ở Nam Bộ lưu truyền một câu chuyện dân gian: vào quãng những năm sau 1955, khi chính quyền Ngô Đình Diệm mở chiến dịch tố/ diệt Cộng (sản), chúng cấm nhân dân treo cờ Tổ quốc (Cờ đỏ sao vàng) và ảnh Lãnh tụ (Hồ Chí Minh). Một bữa bọn địch càn vào một làng, chúng vào nhà ngay đầu xóm. Tên chỉ huy nhìn thấy chính giữa nhà, trên bờ tường cao treo một bức tranh vẽ chân dung một cụ già, phong thái ung dung đạo cốt, ngồi câu cá bên hồ sen (trông giống Bác Hồ) với bốn câu thơ đề tựa: “Cụ già thong thả buông cần trúc/ Hồ rộng trời in mặt nước hồng/ Muôn vạn đài sen hương bát ngát/ Tuổi già vui thú với non sông”. Tên chỉ huy hạch sách, bắt cụ chủ nhà tháo gỡ bức ảnh. Cụ già không chịu và cãi lý rằng đây là bức ảnh bình thường ca tụng sự an nhiên của tuổi già, ca tụng thú chơi điền viên câu cá. Tên chỉ huy sừng sộ: “Già đừng lấy vải thưa che mắt thánh nghe. Cứ ghép bốn chữ đầu của bốn câu thơ thì thành câu khẩu hiệu Cụ Hồ Muôn Tuổi!”. Cụ già cũng rất lý lẽ: “Đấy! Là chính ông nói ra câu Cụ Hồ Muôn Tuổi đấy nghe. Xin mọi người làm chứng cho tui!”. Tên chỉ huy đuối lý đành kéo lính tráng đi. Câu chuyện này tôi được nghe từ nhỏ, nó lưu mãi trong ký ức tuổi thơ.

Trong bài thơ dài Theo chân Bác (1970), nhà thơ Tố Hữu cũng đã viết về hoàn cảnh và tâm trạng của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi từ Bến Nhà Rồng (Sài Gòn), tìm đường cứu nước: “Từ đó Người đi... những bước đầu/ Lênh đênh bốn biển một con tàu/ Cuộc đời sóng gió trong than bụi/ Tay đốt lò, lau chảo/ thái rau/ Mở mắt trông quanh, màu sắc mới/ Những bờ bến lạ, nước nông sâu/ Á, Âu đâu cũng lòng trong đục/ Vàng máu chia hai cảnh khổ đau”.

Chúng ta sẽ càng hiểu thấm thía và sâu sắc hơn cội nguồn tình cảm lớn của Bác Hồ với đồng bào miền Nam ruột thịt: “Ở Việt Nam có một câu nói phổ biến: miền Nam đi trước về sau. Câu nói này có nghĩa là miền Nam đấu tranh trước tiên chống quân xâm lược nước ngoài, nhưng miền Bắc lại được giải phóng trước, còn miền Nam sẽ được giải phóng sau. Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Hồ Chủ tịch mà là Bác Hồ” (Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi, dẫn theo sách: Hà Minh Đức - Báo chí Hồ Chí Minh - Chuyên luận và tuyển chọn, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2017, tr. 311-312).

Trong lời ăn tiếng nói của đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ, là Cha già. Ngày Bác Hồ “Lên đường nhẹ bước tiên”, ở mảnh đất miền Nam bên kia vĩ tuyến 17, hàng triệu người đã khóc trong bầu không khí đau thương chung của cả nước “Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa” (Tố Hữu – Bác ơi). Nhà thơ Thu Bồn ở cách xa Thủ đô hàng nghìn cây số đã xúc động viết bài thơ Gởi lòng con đến cùng cha (9/1969): “Có người thợ dựng Thành đồng/ Đã yên nghỉ tận sông Hồng mẹ ơi!/ Con đi dưới một vòm trời/ Đau thương nhưng vẫn sáng ngời niềm tin/ Đã ngừng đập một trái tim/ Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng/ Niềm đau vô tận thời gian/ Nhớ thương nhưng chớ lệ tràn đẫm mi”. Nhà thơ chưa từng được gặp Bác Hồ nhưng sự tưởng tượng, hình dung về Lãnh tụ không vì thế mà giảm sút: “Tiếc rằng trước lúc chia ly/ Con chưa được thấy dáng đi của Người/ Hẳn trong đôi mắt sáng ngời/ Còn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam”. Theo mạch liên tưởng, nhà thơ tiếp tục hình dung: “Bác nằm lòng trải ven đê/ Quả tim Bác đã đi về phương Nam/ Bác đi dưới rặng dừa lam/ Bác đi dưới những vườn cam chín vàng/ Cầu tre lắt lẻo Bác sang/ Bác bước nhẹ nhàng như thuở còn trai”. Hai chữ “phương Nam” ở đây không đơn thuần có ý nghĩa chỉ phương hướng, rộng và sâu sắc hơn thể hiện đời sống tinh thần của Lãnh tụ, tái hiện một kỷ niệm đã trở thành ký ức văn hóa của Người.

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã cảm nhận tấm lòng của Bác Hồ đối với toàn thể nhân dân đất nước mình, nhưng trong đó đặc biệt sáng ngời tình cảm Bắc - Nam: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam – Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Ước ao của Bác Hồ khi đất nước hòa bình, thống nhất vẫn là đi thăm miền Nam trước tiên. Đó là một canh cánh nỗi niềm của Người. Liên tục trong các bài thơ chúc Tết từ năm1956 đến năm 1969, hai tiếng “miền Nam” luôn vang vọng, ngân rung trong thơ Người: ‘Thân ái mấy lời chúc Tết/ Toàn dân đoàn kết một lòng/ Miền Bắc thi đua xây dựng/ Miền Nam giữ vững thành đồng/ Quyết chí bền gan chiến đấu/ Hòa bình thống nhất thành công” (Chúc mừng năm mới, 1956); “Nam Bắc như cội với cành/ Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng/ Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà/ Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” (Chúc mừng năm mới, 1964); “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” (Mừng xuân 1968); “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”(Mừng xuân 1969).

Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời đã xúc động viết về những ngày tháng cuối cùng của Bác Hồ: “Mấy tháng trước khi qua đời, lúc đó Bác đã mệt nhiều, tuy vậy Bác vẫn thiết tha bàn với chúng tôi điều mong muốn mãnh liệt của Bác là đi miền Nam. Lần này, chúng tôi trình bày với Bác sức khỏe của Bác không thể cho phép thực hiện điều ấy, và chúng tôi nói thêm rằng cuộc chiến tranh đang diễn biến thuận lợi cho ta, không bao lâu nữa chúng ta sẽ giải phóng miền Nam, lúc đó Bác sẽ vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Nhưng ai có thể biết được Bác đã trả lời chúng tôi thế nào? Bác bảo: “Lúc đó đi miền Nam thì còn phải nói làm gì. Chính bây giờ, lúc đồng bào và chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu, hy sinh, thì đi miền Nam mới có ý nghĩa” (Hồ Chí Minh: Tác gia - Tác phẩm - Nghệ thuật ngôn từ, Nhà xuất bản Giáo dục, 2005, tr. 65). “Miền Nam luôn luôn trong trái tim tôi” là một câu nói bất hủ khi hậu thế nghĩ, nhớ về Người. Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là một điểm sáng trong nỗi nhớ, trong ký ức văn hóa của Người về miền Nam - Thành đồng Tổ quốc.

Trong số những bộ phim truyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, không riêng tôi, nhiều khán giả yêu thích nhất Hẹn gặp lại Sài Gòn, công chiếu năm 1990, nhân Kỷ niệm 100 năm năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (Kịch bản - Nhà văn Sơn Tùng; Đạo diễn - Long vân). Xin được ghi lại lời thoại cuối phim, khi cô Út Vân hỏi: “Bao giờ anh trở về?”. Câu trả lời của chàng thanh niên Nguyễn thật dài rộng suy tư: “Anh chưa lường được. Chắc chắn hẹn gặp lại Sài Gòn!”. Út Vân xúc động: “Sài Gòn sẽ đón anh!”.

None

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất