Chuyện làng văn nghệ: Tôi viết thơ tặng “Phố Phái”

Trong hành trình sáng tạo ngót nửa thế kỷ đến khi “khuất núi”, Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã gắn đời mình vào với hội họa, trong đó có hàng trăm tranh phố cổ Hà Nội làm nên “phố Phái” nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật… Một giải thưởng Văn học Nghệ thuật mang tên Bùi Xuân Phái cũng được hình thành. Thủ đô Hà Nội cũng quyết định đặt tên phố Bùi Xuân Phái tại Khu đô thị mới Mỹ Đình để vinh danh ông.

Sau một lần xem tranh ông, cảm xúc dâng trào, tôi đã viết bài thơ tặng ông. Sau khi đăng báo, tôi đã tặng họa sĩ và được ông mời chén rượu ấm nồng.

Chuyện làng văn nghệ: Tôi viết thơ tặng “Phố Phái” - 1

Họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Bất cứ ai là họa sĩ đã từng sống ở Hà Nội hoặc là người yêu tranh Phái sẽ không thể bỏ qua mảng tranh về phố cổ Hà Nội (có người quá yêu tranh ông gọi tranh phố Phái). Tranh phố của ông như một thoáng gặp nơi góc phố, như một sững nhìn chỗ đầu hồi, như một chợt ùa trong ngõ vắng. Tranh phố của họa sĩ chỉ có cột điện không có dây điện với những mái nhà nghiêng nghiêng như nỗi niềm cô đơn của ông. Bao nhiêu cách điệu đường nét sắc màu tiết chế được ông xử lý thuần thục.

Có người xem tranh Phái thốt kêu lên rằng: Tranh vẽ phố của ông cứ cong vênh như bánh đa quá lửa ấy! Còn màu sắc trong tranh ông cứ lành lạnh thế nào (nhất là cái màu ghi thạch ông thường dùng cuối đời). Tôi đã từng được ngắm tranh ông trong một triển lãm của cá nhân họa sĩ (choán phần lớn là tranh vẽ phố cổ Hà Nội).

Phòng tranh chiếm cảm tình tôi ngay phút đầu bởi cách thuyết phục của tranh ông: Hàng Bè, hàng Muối, hàng Giày, ngã tư Phất Lộc – nét đam mê run rẩy một tấm lòng – có kỷ niệm nào day dứt với mình không… Có thể nói rằng tranh phố cổ Hà Nội đồng nhất với phố Phái là ghi nhận cái độc đáo của sáng tạo tranh ông và cũng là một hiển thị không ngoa chút nào. Sau này có rất nhiều họa sĩ vẽ tranh phố cổ Hà Nội nhưng không thể vượt được tranh ông, nhiều khi lại “na ná” như tranh phố Phái!? Bản lĩnh nghệ thuật của ai đó không đủ mạnh dễ bị lây nhiễm trong từ trường của những tài năng lớn, khó thoát ra được.

Chuyện làng văn nghệ: Tôi viết thơ tặng “Phố Phái” - 2

Một bức tranh ông vẽ phố cổ Hà Nội. Ảnh Tư liệu

Tôi đã từng được đến thăm ông tại nhà riêng của ông ở phố Thuốc Bắc vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Hôm đó có họa sĩ Trần Lưu Hậu cũng ghé thăm ông. Họa sĩ Bùi Xuân Phái ngồi trong chiếc ghế bành bằng mây đan đã ngả nâu vàng, nét cười ông ánh lên hiền từ. Khi tôi đưa ông tờ báo có bài thơ Với người vẽ phố cổ Hà Nội, Bùi Xuân Phái áp tờ báo trước ngực khẽ nói: “Không ngờ tôi lại được ca ngợi đến như thế này ư”. Và ông rót mời tôi chén rượu quê để mừng lần gặp này. Họa sĩ có nhã ý tặng tôi một bức tranh ông vẽ nhưng tôi ngại ngần vì vinh dự quá lớn. Đó cũng là lần gặp cuối cùng của tôi với họa sỹ Bùi Xuân Phái trước khi ông mất.

Đương thời, cố nhà văn Nguyễn Tuân mong có một vựng tập về Hà Nội (trong đó có những phiên bản về tranh phố Phái) để người trong nước cũng như “lênh đênh bốn biển hiểu về Hà Nội cả xưa cả giờ”. Ước mong của cụ Nguyễn đã thành. Sau này tôi tìm hiểu được biết thêm rằng: Triển lãm tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái khai mạc ngày 22 tháng 12 năm 1984 là triển lãm đầu tiên của ông tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam (số 16 Ngô Quyền – Hà Nội) sau nhiều năm vắng bóng. Bây giờ nhiều người yêu tranh Phố Phái lại có dịp được chiêm ngưỡng một mảnh hồn Hà Nội thân thương trong quá vãng với bao ký ức một thuở… 

Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh ngày 1/9/1920 tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, Hà Đông (cũ) nay thuộc Hà Nội – Một làng quê có nghề tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng. Dấu ấn tuổi thơ với những sắc màu rực rỡ, những nét hình sống động… gắn với làng quê thuở ấy đã đi suốt cuộc đời nghệ sĩ của ông cùng với niềm đam mê làm nên một Bùi Xuân Phái rạng danh nền mỹ thuật Việt Nam. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 15 (1941-1946).

VỚI NGƯỜI VẼ PHỐ CỔ HÀ NỘI

Kính tặng họa sĩ Bùi Xuân Phái

Cả dĩ vãng về trong phố cổ

ơi tranh anh mờ tỏ những sắc màu

những gam màu như lòng anh thầm lặng

xanh lục vòm cây, chói ngời mảng nắng

với những mái nhà, với những ngõ sâu…

Những vương triều vàng son huy hoàng sụp đổ

màu rêu phong u tịch phủ lên rồi

chẳng bao giờ anh là chứng nhân lạnh lùng

lịch sử

nền sơn ướt mặt tranh tươi ròng bao dãy phố

của sắc màu ấm nóng niềm vui.

Tâm hồn anh trong tâm hồn cảnh vật

nhịp tim anh, đường nét ấy, giao hòa

bạn bè thường thân mật gọi tranh anh

“phố Phái”

thực mơ này rung động sâu xa.

Ở cuộc đời nhiều khi chúng ta không để ý

một họa sĩ tài hoa như anh đi lặng lẽ bên 

đường

soi mọi cung bậc vui buồn trong những

dáng nhà cao thấp

hàng Bè, hàng Muối, hàng Giầy, ngã tư

Phất Lộc (1)

nét đam mê run rẩy một tấm lòng

có kỷ niệm nào lay thức với mình không?

(1) Tên tranh vẽ phố Hà Nội của họa sĩ

Nguyễn Thanh Kim

Tin liên quan

Tin mới nhất

Sống sót sau 8 ngày mắc kẹt giữa sông: Con người sống được bao lâu khi không ăn uống?

Sống sót sau 8 ngày mắc kẹt giữa sông: Con người sống được bao lâu khi không ăn uống?

Câu chuyện về anh Phan Minh Thắng, người được giải cứu sau 8 ngày mắc kẹt giữa nước lũ ở Gia Lai, đã khiến nhiều người ngỡ ngàng về khả năng sống sót thần kì của con người. Thế giới cũng có những trường hợp sống sót trong tình cảnh tương tự, thậm chí với thời gian lên đến 1-2 tháng. Từ các trường hợp đó, chuyên gia chỉ ra 2 yếu tố quan trọng giúp giành giật sự sống trong tình