Đội ngũ trí thức và tinh thần đổi mới sáng tạo

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X), xác định: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”. Nói cách khác, trí thức là đội ngũ những người có học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên, là một nhóm xã hội làm nghề lao động trí óc gắn liền với phân công xã hội. Giới trí thức bao gồm các kỹ sư, kỹ thuật viên, thầy thuốc, luật sư, kiến trúc sư, nghệ sĩ, cán bộ giảng dạy, người làm công tác nghiên cứu khoa học, một bộ phận công chức, viên chức quản lý Nhà nước…

Đội ngũ trí thức ở trong nước hiện nay

Theo đánh giá của Đảng gần đây, đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng, chủ động tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo khoa học, là lực lượng đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và hội nhập quốc tế, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh công nhân - nông dân - trí thức.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có gần 8 triệu người được coi là trí thức (năm 2009 có 2,8 triệu người, năm 2017 có 6,5 triệu người), bình quân 12 người dân có 01 trí thức. Trong đó, có 1.600 Giáo sư, gần 12.000 Phó giáo sư, khoảng 26.800 tiến sĩ, gần 120.000 thạc sĩ. Trung bình mỗi đợt phong tặng có thêm 500 -750 Giáo sư, Phó giáo sư (có đợt hơn 1.200 người), 1.500 tiến sĩ, hơn 36.000 thạc sĩ.

Tuy nhiên, số trí thức làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, học viện đào tạo trình độ đại học trở lên chỉ có gần 80.000 người (chiếm khoảng 10% trong tổng số trí thức) trong đó có khoảng 650 Giáo sư, 5.000 Phó giáo sư (chiếm 40% số Giáo sư, Phó giáo sư), gần 20.000 tiến sĩ, 49.000 thạc sĩ, hơn 10.500 cử nhân. Các trường cao đẳng đào tạo ngành Giáo dục mầm non có gần 2.000 giáo viên cơ hữu, trong đó chỉ có 02 Phó giáo sư, 150 tiến sĩ, khoảng 1.400 thạc sĩ và 350 cử nhân... Số Giáo sư, Phó giáo sư hiện làm công tác nghiên cứu khoa học chỉ có 25%, trong khi đó hàng nghìn người là Giáo sư, Phó giáo sư không giảng dạy, nghiên cứu mà chỉ là công chức trong hệ thống chính trị.

Chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng và Nhà nước đã có một số cơ chế, chính sách phù hợp với quan điểm trọng dụng nhân tài, xác định “Con người là trung tâm, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển”, tạo điều kiện cho giới trí thức phát huy năng lực trí tuệ, chủ động sáng tạo và khởi nghiệp.

Về đào tạo, năm 2000 Chính phủ phê duyệt Đề án 322 “Đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước”. Theo đó, giai đoạn 2000 - 2013 đã tuyển và cử được 5.833 người đi học, trong đó 2.951 tiến sĩ, 1.603 thạc sĩ, 260 thực tập sinh và 1.019 đại học. Ban Tổ chức Trung ương cũng thực hiện Đề án 165 “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước”, hàng năm chi hàng trăm tỉ đồng vào việc gửi nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đại học đi đào tạo ở nước ngoài theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

Kết quả, giai đoạn 2009 - 2013, đề án đã bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho 11.690 lượt cán bộ. Trong số 941 người được cử đi học ở nước ngoài có 158 tiến sĩ, 444 thạc sĩ, 339 thạc sĩ khác đào tạo theo hình thức liên kết.

Đội ngũ trí thức và tinh thần đổi mới sáng tạo - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu, trí thức tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023).

Người Việt Nam ở nước ngoài có hơn 400.000 trí thức

Theo Bộ Ngoại giao, người Việt Nam ở nước ngoài có hơn 400.000 trí thức là Việt kiều sinh sống, làm việc tại gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có hàng trăm Giáo sư, Phó giáo sư, hơn 6.000 tiến sĩ, nhiều nhất tại Pháp có hơn 40.000 người, tại Canada hơn 20.000 người, tại Hoa Kỳ hơn 15.000 người, tại Australia có hơn 7.000 người, tại Nga và Đông Âu hơn 4.000 người…

Những năm gần đây, hàng năm có khoảng 300 lượt trí thức Việt kiều về nước làm việc, tham gia các chương trình kinh tế - xã hội, hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo. Nhiều trí thức Việt kiều phối hợp trong nước tổ chức Diễn đàn “Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” (do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và nhóm Sáng kiến Việt Nam tổ chức). Hội Người Việt Nam ở nước ngoài đã thu hút hơn 500 trí thức, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội hướng về đất nước.

Năm 2017, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mở “Diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt Nam tại Hoa Kỳ và Việt Nam” tổ chức ở San Francisco và New York (Mỹ) thu hút 150 trí thức tham gia. Sau đó nhiều người về nước khảo sát, đầu tư phát triển…

Trí thức lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo

Hội nghị Trung ương lần thứ VII Khoá X ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW (2008) nhấn mạnh: “Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội; đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo, truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”.

Thực hiện đường lối đó, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Đảng, Nhà nước chủ trương: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân”.

Trí thức Việt Nam là lực lượng cơ bản tiếp thu thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến của thế giới, chủ động chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thích hợp về nước; đồng thời thực hiện đổi mới sáng tạo trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Với những phẩm chất cao quý, đội ngũ trí thức góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, xây dựng định chuẩn xã hội mới, tiến bộ, công bằng, văn minh, từng bước tạo nên một xã hội tôn vinh giá trị tri thức, tích cực đổi mới, thúc đẩy xã hội tiến bộ, phát triển.

Trong lịch sử cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trí thức vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc lỗi lạc, kiệt xuất, Danh nhân văn hoá thế giới. Bác có biệt tài dùng người, trọng dụng trí thức, kêu gọi nhiều nhà khoa học tài ba là người Việt ở nước ngoài về tham gia kháng chiến và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời, đồng chí Trường Chinh đánh giá: “Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, đội ngũ trí thức nước ta đã nêu cao ý chí chiến đấu kiên cường, không lùi bước trước khó khăn, đem năng lực, trí tuệ và cả xương máu của mình thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Đội ngũ trí thức của ta hiện nay được đào tạo bài bản trong chế độ mới, vừa hồng vừa chuyên cả về đức - trí - thể - mỹ, nhìn chung đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Tầng lớp nòng cốt này giữ vị trí quan trọng và là nhân tố quyết định sự phát triển của quốc gia. Với đặc trưng là lao động trí óc, đội ngũ trí thức đóng góp cho sự phát triển xã hội bằng sản phẩm sáng tạo là những tri thức khoa học mới, tạo nên sự thay đổi căn bản theo chiều hướng đi lên của xã hội.

Đổi mới sáng tạo là quá trình bắt đầu từ sáng chế, phát minh qua sản xuất, kinh doanh, quản lý để đưa ra thị trường, đem vào xã hội và kết thúc bằng thành công thương mại. Theo luật Khoa học và Công nghệ Việt Nam - 2013, đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hoá. Đó là quá trình biến đổi một ý tưởng thành sản phẩm mới hoặc cải tiến cái hiện có, cái lạc hậu để hình thành công nghệ mới, sản phẩm mới, quy trình mới, dịch vụ mới tiến bộ hơn, năng suất cao hơn cho xã hội. Đổi mới sáng tạo có 2 đặc trưng: Tính mới và tính giá trị.

Giới trí thức là đội ngũ chủ thể trực tiếp tạo ra tri thức khoa học, công nghệ, lực lượng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực. Trách nhiệm của trí thức là không ngừng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ, văn minh của loài người để tạo nên giá trị và sức mạnh nội sinh, gia tăng sự cống hiến trong chặng đường phát triển đất nước.

Hiện nay, trong cả nước có gần 2.500 tổ chức khoa học - công nghệ, tăng gần 12 lần so với năm 1996 mà lực lượng chủ đạo, nòng cốt là đội ngũ trí thức. Trong đó, gần 1.100 tổ chức công lập, 642 trong số đó chuyển sang hình thức hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm với 473 tổ chức thuộc các Bộ, ngành Trung ương, 170 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố. Còn 1.389 tổ chức là ngoài công lập, 77% trong số đó thuộc khối Trung ương, khối các địa phương, doanh nghiệp. Các tổ chức khoa học - công nghệ và giới trí thức là lực lượng nòng cốt, chủ yếu trong sự nghiệp nghiên cứu, phát minh, sáng chế, tiếp thu kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến của thế giới đem vào trong nước.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức mang tính chất chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hoạt động nghiên cứu sáng tạo, dịch vụ khoa học, công nghệ, bao gồm 93 hội, ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp Hội cấp tỉnh, thành phố với hơn 3,7 triệu hội viên, trong đó hơn 2,2 triệu hội viên là trí thức, 607 tổ chức trực thuộc, 3 đơn vị sự nghiệp (Quỹ VIFOTEC, Nhà xuất bản Tri thức, Báo Trí thức và Cuộc sống).

Liên hiệp hoạt động đạt nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào đời sống xã hội: Từ năm 2015 - 2022 đã 4 lần Liên hiệp tổ chức tôn vinh và trao biểu tượng trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu cho gần 600 người trong hệ thống Liên hiệp Hội. Chỉ riêng năm 2022, các tổ chức Khoa học và Công nghệ thuộc Liên hiệp đã được cấp 33 bằng sáng chế độc quyền, 29 bằng giải pháp hữu ích độc quyền, 68 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, 802 bài báo khác đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, thực hiện 279 dự án, đề tài nghiên cứu khoa học.

Cần có nhiều trí thức tinh hoa và hiền tài trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta nhận định về nguyên nhân của những hạn chế và đánh giá đội ngũ cán bộ, trong đó có giới trí thức chưa tương xứng với vai trò lãnh đạo cả về năng lực, phẩm chất và trí tuệ. Đó là, nhận thức còn hạn chế, trình độ trí tuệ còn nhiều bất cập, công tác lý luận chưa ngang tầm trước sự phát triển của thực tiễn, năng lực thể chế hóa đường lối của Đảng, điều hành của Nhà nước còn bất cập trước sự đòi hỏi của cuộc sống, nhất là giải quyết một số vấn đề kinh tế - xã hội bức bách. Điều này cho thấy có những sự yếu kém đáng lo ngại về năng lực, trình độ, vai trò trách nhiệm và có cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận trong đội ngũ trí thức làm công tác lãnh đạo, quản lý, giữ những trọng trách công việc mà Đảng, Nhà nước giao cho từ Trung ương tới địa phương, cơ sở.

Trên thực tế, đội ngũ trí thức làm công tác nghiên cứu đã tạo ra những sản phẩm là các công trình, đề tài khoa học - công nghệ được ứng dụng thành công trong thực tiễn, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới.

Đội ngũ trí thức làm công tác giáo dục và đào tạo đã góp phần trực tiếp nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, tạo ra nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Động ngũ trí thức làm công tác lãnh đạo, quản lý trên mọi lĩnh vực trong hệ thống chính trị các cấp đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trình độ quản lý của Nhà nước, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Đội ngũ trí thức trẻ được đào tạo bài bản, năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ phận trí thức hoạt động trong khối tư nhân, trong các cơ sở khoa học - công nghệ ngoài công lập, trong cơ sở giáo dục và đào tạo dân lập, tư thục, y tế tư nhân, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng có vị thế quan trọng trong công cuộc đổi mới.

Đội ngũ trí thức Việt kiều đang được thu hút, vẫy gọi góp phần hỗ trợ, lan tỏa tri thức công nghệ, kĩ năng, kinh nghiệm của thế giới đem về cho nước nhà.

Mặc dù vậy, trên thực tế thì ở nước ta đội ngũ trí thức tuy đông đảo, tăng nhanh về số lượng song về chất lượng còn phải phấn đấu không ngừng, lâu dài; trí thức tinh hoa và hiền tài còn khiêm tốn, có thể nói còn ít. Hiện tượng xếp hàng ngang về trí tuệ trở thành phổ biến, đãi ngộ còn là sự cào bằng…

Vấn đề quan trọng, then chốt là cần tập trung xây dựng tầng lớp trí thức là đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là “vấn đề của mọi vấn đề”, bởi nếu đội ngũ này hoạt động xứng tầm nhiệm vụ, “chí công vô tư”, thật sự là công bộc của dân, sống trong sáng, lành mạnh, không tham nhũng, trung thực, khách quan, tất cả vì lợi ích của người dân sẽ trở thành nam châm thu hút, chinh phục các loại trí thức khác vận hành đồng bộ, tận tuỵ, năng suất, chất lượng, hiệu quả sẽ nhanh chóng vượt trội.

Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, có cơ chế bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, đám đương đầu với khó khăn, thách thức, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

Cùng với việc trọng dụng trí thức phải đổi mới cơ chế, để ra những chính sách phù hợp, khuyến khích để trí thức chuyên tâm vào nghiên cứu, sáng chế, ứng dụng, đồng thời tôn vinh trí thức bằng kết quả của lao động trí óc, đổi mới sáng tạo. Cần thay đổi tư duy trong xem xét, đánh giá, sử dụng trí thức, phát huy tài năng của họ, nhất là đội ngũ trí thức đầu ngành.

Công tác cán bộ nói chung, đối với trí thức nói riêng cần bảo đảm sự công bằng. Nhà nước nên tăng cường tổ chức thi tuyển hơn là chỉ quy hoạch, bổ nhiệm (theo quy trình) dẫn tới tình trạng nhiều trí thức giỏi phấn đấu cả chục năm không lên nổi cấp phòng, trong khi con em cán bộ mới ra trường, hay học ở nước ngoài về, năng lực tầm tầm nhưng chỉ ba, bốn năm đã được bổ nhiệm “thần tốc” năm, sáu chức vụ. Đây là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều cơ quan Trung ương, các địa phương gây xáo trộn tâm lý đông đảo cán bộ, khiến nhiều trí thức nản lòng, làm việc cầm chừng, “gặp chăng hay chớ”, một số bỏ cơ quan Nhà nước ra làm tư nhân vừa có thu nhập cao, vừa tự do thoải mái.

Đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ, thành tựu khá nổi bật. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực thì còn tụt hậu xa về kinh tế, trong đó năng suất lao động, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng giao thông (đường sắt lạc hậu nhất thế giới), hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội chưa phát triển so với nhu cầu.

Năm 2022 mặc dù GDP tăng trưởng cao nhất thế giới (8,02%) nhưng giá trị tuyệt đối còn rất khiêm tốn, GDP bình quân đầu người (khoảng 96 triệu đồng, tương đương 4.000 USD/người/năm) chỉ bằng 1/10 đến 1/15 các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, thua kém cả với Indonesia, Malaysia, Thái Lan… trong khi tiềm năng đất nước, văn hoá, trí tuệ con người không phải là thua kém họ. Đây là vấn đề đáng để đội ngũ trí thức suy ngẫm, hiến kế trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu hơn hai thập kỷ nữa Việt Nam là một quốc gia phát triển như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất

Vì sao lại có cầu vồng?

Vì sao lại có cầu vồng?

Cầu vồng là một trong những hiện tượng tự nhiên đẹp nhất mà chúng ta có thể thấy sau những cơn mưa lớn vào ban ngày. Nhưng cầu vồng được hình thành như thế nào?