Ghé thăm quê hương Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành

LTG: Đây là vài nét giới thiệu sơ lược về Tiến sĩ Lê Công Hành, vị quan thời Hậu Lê, ông tổ của nghề thêu từ góc độ một người về mặt chuyên môn có gốc là khoa học tự nhiên, chính xác là vật lý học, nhưng đã chuyển sang nghề dịch thuật và hoạt động văn hóa từ gần 30 năm nay. Và cũng xin nêu vài ý kiến tản mạn về nghiên cứu lịch sử, văn hóa nói chung và nhân học văn hóa nói riêng là ngành khoa học rất mới, không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới.

Chuyến điền dã thăm quê hương ông tổ nghề thêu

Trong ngày 25 tháng 11 năm 2023, người bạn quý mến của chúng tôi là nhà văn Phùng Văn Khai tổ chức một buổi dã ngoại ghé thăm quê hương Tiến sĩ Lê Công Hành, ông tổ nghề thêu tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Chúng tôi xuất phát trên một chiếc Limousine 16 chỗ đúng 8 giờ sáng từ một quán ăn quen thuộc với giới văn nghệ sĩ ở đầu đường Lê Duẩn rồi cứ dọc theo Quốc lộ 1 cũ, giáp phía trái đường sắt Bắc Nam, thẳng tiến xuống phía Nam, con đường quá quen thuộc với tôi, người vốn đã hành nghề du lịch trên 20 năm nhưng nay do tuổi tác phải tạm dừng.

Thế nhưng trước khi đi sâu vào chủ đề, cũng xin nói đôi lời về chính bản thân tác giả bài viết để bạn đọc khỏi bỡ ngỡ, ngạc nhiên thấy viết những vấn đề phần đông ai cũng biết rồi, coi như vào đề.

Tôi được cái may mắn xuất thân từ một gia đình trí thức cách mạng nên được xuất ngoại sớm, ngay từ thời niên thiếu đã được sống và học tập nhiều năm ở nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Đức. Rồi sau khi học khóa 9 ngành Vật lý Đại học Tổng hợp Hà Nội giữa những ngày bom đạn trên Đại Từ, Thái Nguyên, tốt nghiệp làm ở Viện Vật lý Hà Nội, lại sớm được đi làm Tiến sĩ ở Berlin một năm trước giải phóng Miền Nam và nghiên cứu hậu Tiến sĩ ở Paris những năm 80.

Rồi vì nhiều lý do, tôi đi dạy học ở châu Phi và lang thang ít năm bên trời Âu sau những rối loạn xã hội và gia đình những năm đầu 90. Khi về nước tôi không tiếp tục nghiên cứu khoa học được nữa (ngành thực nghiệm mà sau vài năm bỏ thì phải bỏ hẳn) nên với vốn ngoại ngữ sẵn có, chuyển sang nghề tour, dịch thuật, viết sách báo. Những ngành này đòi hỏi giao tiếp rộng chứ không như những gì tôi đã quen trong thời gian trước đó, nhưng may tôi cũng thích nghi được.

Tôi có nhiều bạn bè mới nên đó là cú hích cho những hoạt động xã hội của tôi. Cách nay gần chục năm, thấy ngành Nhân học Văn hóa mới tách ra từ ngành Nhân học nên tôi có tham gia xây dựng một viện ngoài Nhà nước ở môn này. Sau thời gian dài âm ỉ, nay có thể là thời gian chín muồi cho những hoạt động khởi đầu của chúng tôi, nhất là nhờ những mối liên hệ với các ngành Văn học nghệ thuật. Chuyện đi khảo cứu điền dã này là một trong những hoạt động đó.

Trở lại chủ đề. Mấy năm nay, do hậu quả của dịch Covid-19, tôi ít được đi đây đó, nhất là các miền quê xung quanh Hà Nội, nay ở một sáng nắng ấm đầu đông, nhìn các làng quê cây cối xum xuê, ao hồ dẫu mùa đông lẽ ra vốn là khô nhưng vẫn không thiếu nước, nhất là các ruộng rau muống vẫn tươi tốt, lòng tôi cứ nao nao. Quê hương ta đẹp biết bao và càng thấm thía quyết định năm 1995 trở về nước sau bao năm xa vắng, nhất là khi tuổi già đang chuẩn bị ập đến, là đúng đắn.

Ghé thăm quê hương Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành - 1

Đoàn các nhà nghiên cứu tại UBND xã Quất Động huyện Thường Tín.

Được ban lãnh đạo xã Quất Động đón tiếp và sau thủ tục chào hỏi, nhà văn Phùng Văn Khai - người chủ trì buổi điền dã này nói mục tiêu cuối cùng là tôn tạo những nơi thờ phụng cụ tổ nghề thêu cho xứng với công lao của cụ đối với đất nước nói chung và địa phương nói riêng. Muốn vậy trước hết phải tìm hiểu lai lịch và công lao của cụ mà trước nay chủ yếu vẫn dựa vào truyền thuyết, sau đó tổ chức Hội thảo khoa học để có chứng cứ chính xác đặng viết sách, báo phổ biến rộng rãi trong công luận để rồi có các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm và toàn xã hội đóng góp cho việc xây dựng.

Làm việc với lãnh đạo xã Quất Động, các anh cho biết vùng đất này đã trải qua nhiều biến thiên trong lịch sử với những tên đất gắn liền với quá trình khai phá vùng đất thành những xóm làng, như: Sở Trũng, Đầm Bùi, Đỗi Trong, Rộc Kênh Dưới, Đường Dâu, Bãi Mây, Đỗ Rộc... cùng những chứng tích lịch sử như: Bãi Đình, Đồng Chùa Đất, Đầu Chùa, Ao Miễu, Văn Chỉ, Đồng Lăng, Miếu Cũ, Cổng Đồng... mang dấu ấn của vùng đất hoang sơ từ xa xưa.

Qua thời gian, Quất Động dần dần được cải tạo thành vùng đất trù phú, đông đúc. Ngoài nghề nông, Quất Động còn phát triển thêm các nghề phụ, trong đó nghề thêu Quất Động đã nổi tiếng trong cả nước từ rất sớm. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa tâm linh được tạo lập nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương. Nhiều di tích có niên đại khởi dựng từ sớm tại đây đã minh chứng cho điều đó, như: đình Lưu Xá, đình Quất Động, chùa Quất Động cùng các nhà thờ của những dòng họ trong các làng.

Sau khi có phát biểu ủng hộ của lãnh đạo xã, đoàn chúng tôi ghé thăm bia mộ cụ Lê Công Hành, đền, chùa và nhà thờ tổ của dòng họ. Buổi chiều, chúng tôi kết hợp ghé thăm Khu tưởng niệm Nguyễn Trãi cũng là người gốc Thường Tín rộng hàng hecta không do Nhà nước đầu tư xây dựng mà năm tới sẽ hoàn thành nên rất nguy nga, có một số hạng mục đã xong nên chúng tôi dễ tưởng tượng ra khi xây xong khu tưởng niệm sẽ đẹp đến thế nào, tương xứng với công lao của cụ. Chúng tôi cũng tới thăm đền Ngũ Xã do dân 5 xã được hưởng thành quả từ nghề thêu lập ra để ghi nhớ công đức cụ tổ nghề thêu Lê Công Hành và thăm cửa hàng thêu thuộc Công ty TNHH Thêu tranh, ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương nằm ở một làng khác ngay ven đường Quốc lộ 1 mà nếu không nhầm, tôi đã có lần đưa một đoàn khách du lịch Đức đến đây thăm.

Để kết thúc ngày điền dã đầy hứng khởi, chúng tôi còn ghé thăm nhà của doanh nhân trẻ Lưu Viết Dũng, một người rất nhiệt huyết đóng góp công sức cho sự nghiệp tưởng nhớ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành. 

Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành và nghề thêu làng Quất Động

Về Lê Công Hành, xin vắn tắt ôn lại những gì cho đến nay đã biết về ông: Ông sinh ngày 18 tháng Giêng năm Bính Ngọ (tức ngày 24/2/1606) tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội). Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng về sự ham học, hay chữ. Lớn lên, ông thi đỗ Tiến sĩ (thời vua Lê Thần Tông 1637).

Sau khi ra làm quan, ông được triều đình bổ dụng vào các chức vụ từ biên quận đến triều đình, thăng dần lên hàng Thượng thư, từng được cử đi sứ nhà Minh. Do lập nhiều công trạng, ông được triều đình ban cho hiệu Kim Tử Vinh lộc Đại phu, chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh lương hầu, được vua ban Quốc tính. Do đó, ông có tên Lê Công Hành. Ông mất ngày 12 tháng 6 năm Tân Sửu (tức ngày 7/7/1661), thọ 56 tuổi, được triều đình ban hàm Thượng thư Thái bảo Lương Quận công. Ngày giỗ của ông ngày 12 tháng 6 Âm lịch được xem là ngày lễ giỗ tổ nghề của những làng sinh sống bởi nghề thêu tại Việt Nam.

Ghé thăm quê hương Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành - 2

Các nghệ nhân tại Xưởng thêu huyện Thường Tín

Ở Việt Nam, nghề thêu là một ngành nghề thủ công truyền thống đã có từ lâu đời. Ngay từ thời các vua Hùng, người Lạc Việt đã biết: “Mặc áo chui đầu, cài khuy bên trái. Những chàng trai có khăn khố đẹp, các cô gái mặc váy áo thêu”. Sử cũ còn ghi: “Đời Trần, vua quan nước ta đã dùng lọng và đồ thêu. Vào năm 1289, vua Trần đã gửi tặng vua nhà Nguyên một đệm vóc đỏ thêu chỉ vàng và một tấm thảm gấm viền nhiễu”. Còn trong sách An Nam túc sự, Trần Phu đã viết: “Về phẩm hàm của các quan Đại Việt, ai cao thấp cứ nhìn vào lọng mà phân biệt, hễ là khanh tướng thì ba cây lọng xanh, bậc thấp hơn thì đi hai lọng hay một lọng. Còn như lọng tía thì chỉ có những người trong hoàng tộc mới được dùng”.

Trước thế kỷ XVIII, người Việt cũng đã biết nghề thêu và làm lọng, nhưng còn rất đơn sơ. Chỉ khi Lê Công Hành được cử đi sứ sang Trung Quốc, học được kỹ thuật thêu và làm lọng tân tiến hơn, nghề này mới phát triển hơn, lan dần ra nhiều làng nghề trên khắp cả nước. Nên lễ giỗ tổ nghề của các làng sống bởi nghề thêu ở ta cũng thường được tổ chức vào ngày giỗ hàng năm của Lê Công Hành. Tại trung tâm thành phố Hà Nội còn có đình Tú Thị ở số 2 phố Yên Thái, phường Hàng Gai được công nhận là Di tích Quốc gia thờ Lê Công Hành, trong đình còn giữ tấm bia đá có tiêu đề “Bản thị tiên công liệt vị” nghĩa là “Kể tên các vị công đức của bản thị”, được dựng ngày 11 tháng 10 năm Hoàng triều Thành Thái thứ 3 (1891).

Cũng có nhiều chuyện kể dân gian mang hơi hướng truyền thuyết về Lê Công Hành nên ở đây chỉ xin kể lại sơ lược, đó là khi ông 18 tuổi phải đưa ra vế đối với một viên quan để thoát tội. Viên quan đọc: “Ông quan thị, cắm đường cái tiêu, trị hồng thủy, cho dân được cậy”. Khá oái oăm vì có 4 thứ quả: thị, chuối tiêu, hồng và quả cậy, ông ứng khẩu đối lại ngay: “Trai Quất Động, thi đỗ bảng nhãn, phù quân vương, phỉ chí mới cam”. Vế đối lại cũng đủ 4 thứ quả: quýt, nhãn, bồ quân và cam.

Rồi chuyện Lê Công Hành đi sứ, được vua Minh thử tài, đưa ông lên lầu cao chót vót rồi cất thang lên để mặc trên đó. Lê Công Hành xử trí tài ba, ăn tượng Phật Di lặc làm từ bột bánh khảo. Ông còn chẻ tre vót nan, sau khi quan sát kỹ cách làm lọng, cách làm bức trướng, thấy những con dơi xòe cánh chao đi chao lại như chiếc lá, ông nghĩ đến hai cái lọng cắm trên lầu, ôm lọng nhảy xuống đất bình an vô sự khiến triều đình nhà Minh vô cùng kính phục. Những chuyện dân gian như thế chứng tỏ người dân phải quý mến tài đức và công ơn Lê Công Hành đưa nghề thêu từ Trung Quốc về nước ta thành công đến thế nào mới lưu truyền lại được.

Nghề thêu phức tạp là thế nên ngày nay dẫu đã có nhiều máy móc thay thế vẫn cần có nghệ nhân thêu tay và các tác phẩm của họ dĩ nhiên chẳng có máy móc nào thay thế được, vẫn xứng đáng coi là tác phẩm nghệ thuật.

Đầu những năm 1990, ở Quất Động có rất nhiều xưởng thợ, xưởng to quy tụ chừng 200 đến 500 tay kim. Nay bước sang nền kinh tế thị trường, làng nghề tưởng chừng mai một nhưng làng nghề Quất Động vẫn kiên trì giữ nghề, hầu như nhà nào cũng có 2 đến 3 người làm nghề.

Quất Động có nhiều nghệ nhân nổi tiếng như cụ Bùi Lê Kính đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Trong làng hiện có ông Thái Văn Bôn, người duy nhất trong làng thêu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Nghệ nhân Thái Văn Bôn nổi tiếng với các bức thêu chân dung các nguyên thủ quốc gia, trong đó bức chân dung vua Thái Lan được giới yêu thích nghệ thuật thêu quốc tế đánh giá rất cao.

Nghề thêu Quất Động gắn với cái tên Lê Công Hành là ông tổ nghề và công ơn sẽ được mãi mãi ghi nhớ mà các cuộc hội thảo dự kiến được tổ chức sẽ còn làm sáng tỏ ra nhiều vấn đề hơn nữa.

Bút ký của Ngụy Hữu Tâm

Tin liên quan

Tin mới nhất