Nhớ “Ông Đồ dạy vẽ” trên phố Thiền Quang

Là người thầy vỡ lòng khai tâm của nhiều thế hệ họa sĩ Hà Nội, cuộc đời “Thầy đồ Phạm Viết Song” đã gắn chặt với sự nghiệp hội hoạ bằng tài năng, lối ứng xử chân thành mà mực thước, cái nhìn hào sảng và phân minh. Dù người họa sĩ ấy đã đi xa nhưng tấm gương về niềm say mê cuộc sống và nghệ thuật của ông vẫn là niềm tự hào, động lực tinh thần cho con cháu, cho các thế hệ học trò.

Nhà của một nhà sư phạm hội họa

Ghé thăm ngôi nhà tại phố Thiền Quang – nơi họa sĩ Phạm Viết Song từng sống và dạy học vào một ngày cuối thu, từng bậc thang, từng kỷ vật, từng bức tranh xếp đan nhau như đang thở ra những hơi thở xưa cũ, lưu dấu lại một không gian sáng tạo nghệ thuật yên bình, mộc mạc và tràn đầy cảm xúc.

Trong không gian hoài cổ của sách và tranh ấy, các con, các cháu của họa sĩ Phạm Viết Song vẫn đang ngày ngày tiếp nối dòng chảy nghệ thuật của một gia đình có ba thế hệ đều là họa sĩ, đều được biết đến với tư cách họa sĩ sáng tác và nhà giáo nghệ thuật.

Nhớ “Ông Đồ dạy vẽ” trên phố Thiền Quang - 1

Trò chuyện với họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam và bà Phạm Viết Lan Phương, hai người con của họa sĩ Phạm Viết Song. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Đó là cặp vợ chồng họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam và Tạ Phương Thảo là con của họa sĩ Phạm Viết Song và họa sĩ Tạ Thúc Bình, họ cùng tốt nghiệp khóa 15 trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, cùng về dạy tại Trường cao đẳng Sư phạm nghệ thuật Trung ương (nay là Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) từ năm 1977 cho tới lúc nghỉ hưu.

Nối nghiệp hai ông nội, ngoại và cha mẹ, họa sĩ trẻ Phạm Viết Minh Tri cũng đang giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương với sự say nghề - say công việc trong niềm đam mê với tranh sơn dầu, mong muốn thể hiện cái nhìn đương đại mới mẻ và tìm cho mình một hướng đi riêng.

Nhớ “Ông Đồ dạy vẽ” trên phố Thiền Quang - 2

Gia đình họa sĩ Phạm Viết Song (từ trái qua: con trai Phạm Viết Hồng Lam, họa sĩ Phạm Viết Song, con gái Phạm Viết Xuân Phương và con gái Phạm Viết Lan Phương).

Dù đã ngoài 70, lại mang trong mình nhiều di chứng của chiến tranh, của bệnh tật, dù đã quên đi nhiều điều nhưng những gì liên quan đến người cha chân quý của mình thì họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam vẫn nhớ rành mạch, vẫn kể trơn tru từng chữ như đã khắc sâu vào tâm trí mình.

Nhớ “Ông Đồ dạy vẽ” trên phố Thiền Quang - 3

Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam hào hứng kể về người cha Phạm Viết Song của mình. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Ông cho biết, họa sĩ Phạm viết Song là một nhà sư phạm hội họa có tiếng, trong suốt cuộc đời mình, ông liên tục mở các lớp dạy vẽ cho mọi lứa tuổi và mọi trình độ. Con số học trò qua nhiều thế hệ được ông đào tạo từ những bài vỡ lòng về hình họa đến lúc sử dụng thuần thục chất liệu sơn dầu không thể tính hết, cũng như không thể tính hết bao nhiêu môn sinh từ lò vẽ của ông thi đỗ vào trường, bước vào đời, hành nghề và thành đạt, thành danh, trở thành những họa sĩ, giảng viên ưu tú.

Còn với ông, họa sĩ Phạm Viết Song là một cha đáng kính, là một người thầy lớn của cuộc đời. Ông giãi bày: “Nếu như không có cụ thì tôi không có một cái nghề vẽ đúng nghĩa của nó”.

Nhớ “Ông Đồ dạy vẽ” trên phố Thiền Quang - 4

Chân dung họa sĩ Phạm Viết Song. Ảnh tư liệu

Trong những dòng ký ức không thể nào quên của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam, họa sĩ Phạm Viết Song hiện lên với những đức tính của một con người mực thước, tài hoa, nhân hậu: “Ông là một người yêu tất cả mọi người, ai ông cũng đều yêu mến, đều giúp đỡ tận tình. Do sinh ra trong một gia đình nho gia nên tính tình ông đôi lúc rất mềm mại, đôi khi lại cứng rắn, bên ngoài tuy khô một chút nhưng bên trong lại giàu tình cảm vô cùng”.

Thầy giỏi mới có trò tài

Là họa sĩ chuyên nghiệp nhưng cuộc đời ông cũng gắn với sự nghiệp dạy học từ năm 1942 đến khi qua đời năm 2005, nhiều thế hệ họa sĩ nay đã thành danh đều được dẫn dắt qua những lớp học đầu đời của ông.

Nhớ “Ông Đồ dạy vẽ” trên phố Thiền Quang - 5

Một lớp học vẽ của họa sĩ Phạm Viết Song. Ảnh tư liệu

Từ năm 1962, do yêu cầu chung, ông và các họa sĩ Đinh Minh, Ai Nga, Mạnh Quỳnh tập hợp lại thành Trường mỹ thuật dân lập, thu hút nhiều con em lao động, công nhân, viên chức yêu thích môn mỹ thuật vào học.

Ông cũng là người khởi xướng và trực tiếp giảng dạy trong sự nghiệp hướng dẫn, đào tạo các tầng lớp công nhân, viên chức, nông dân, bộ đội và các tầng lớp khác trong các lớp học mỹ thuật quần chúng từ những năm 1965-1980 của Hà Nội, góp phần đào tạo những họa sĩ có xuất thân từ tầng lớp lao động của Thủ đô.

Đỉnh cao của giai đoạn này là việc thành lập Trường Trung cấp mỹ thuật dân lập Hà Nội có cấu trúc như chương trình đào tạo các cán bộ Hội họa có trình độ Trung cấp mỹ thuật chuyên nghiệp của trung ương.

Khởi đầu, ông tổ chức các lớp học cho công nhân khu công nghiệp Cao Xà Lá – Thượng Đình với những lớp học ngắn ngày. Phổ cập cho anh chị em công nhân ở nhà máy Cơ khí Hà Nội, Cao su Sao vàng, Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Chính họ, những người công nhân tay búa tay bút này đã trở thành cốt cán cho các hoạt động Câu lạc bộ Văn hóa văn nghệ tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội giai đoạn này góp phần giúp đời sống tinh thần của công nhân lao động Thủ đô phong phú hơn, tăng năng suất lao động.

Để tổ chức dạy và học thật chu đáo, tận tình, ông mời các đồng nghiệp họa sĩ cùng tham gia giảng dạy và tích cực đóng góp cho phong trào mỹ thuật Thủ đô như: Đinh Minh, Ai Ngà, Nguyễn Thị Khang, Mạnh Quỳnh, nhà điêu khắc Phạm Gia Giang, Phạm Xuân Thi, Cần Thư Công, Nguyễn Thuận, Họa sĩ Nguyễn Văn Bổng, Quang Phòng, Bùi Xuân Phái, Đinh Trọng Khang, Đỗ Hữu Huề, Nguyễn Văn Chung, nhà mỹ học Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Trân…

Cùng sự phát triển vững chắc của phong trào công nhân bộ đội vẽ tranh cổ động, phong trào còn được tổ chức ở các Huyện ngoại thành như Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm cho các hợp tác xã nông nghiệp. Các lớp mỹ thuật được tổ chức theo mô hình 1 khóa 3 tháng, 6 tháng hoặc bổ túc liên tục nâng cao từ dưới lên.

Có thể nói, quá trình xây dựng và tổ chức đào tạo mỹ thuật cho phong trào nghệ thuật quần chúng ở Thủ đô là giai đoạn hoạt động sôi nổi nhất trong sự nghiệp giáo dục mỹ thuật của họa sĩ Phạm Viết Song. Học trò của ông thuộc nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ hầu đều có mặt tại tất cả các nhà máy, xí nghiệp thuộc Thủ đô và các tỉnh lân cận. Ông là người thầy, người cha tinh thần của họ. Ông yêu họ như yêu con mình. Với chiếc xe đạp, lòng nhiệt huyết, tinh thần yêu nghề, ông say mê tổ chức các lớp học và trực tiếp giảng dạy không kể ngày đêm, nắng mưa, bom đạn.

Bà Phạm Viết Lan Phương, con gái họa sĩ Phạm Viết Song kể rằng: “Ngày ấy tôi còn nhỏ, chỉ nhớ trong nhà chỉ có 3 buồng nhỏ mà có đến chục anh học trò từ quê lên học được cụ cưu mang. Cụ bà thì nấu cơm cho ăn, cụ ông thì dạy vẽ, buổi tối thì lau nhà thật sạch rồi nằm ngủ, nhà lúc nào cũng đông vui”.

Nhớ “Ông Đồ dạy vẽ” trên phố Thiền Quang - 6

Vợ chồng họa sĩ Phạm Viết Song. Ảnh tư liệu

Ông còn viết sách “Tự học vẽ” để giúp những ai không có điều kiện thời gian đến lớp học chính quy có thể tự học và rèn luyện.

Theo sự chỉ đạo của Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, một trung tâm văn hóa Hà Nội được mở ra tại 88 phố Hàng Buồm (rạp chiếu bóng Đông Đô cũ) trở thành nơi đào tạo Hội họa, Điêu khắc, Nhạc… Trung tâm này được xây dựng với mô hình cấu trúc như đào tạo Đại học với đầy đủ các môn học lý luận và chuyên môn. Với mô hình này, ông là người tạo nên những họa sĩ công nhân, nông dân, trí thức của Hà Nội rất độc đáo và nhiều người trong số họ nay đã là những họa sĩ tên tuổi làm rạng rỡ Thủ đô như: Cơ Chu Pin, Nguyễn Chính, Nguyễn Đình Huống, Kim Xuân...

Bằng những đóng góp trực tiếp cụ thể và tâm huyết, họa sĩ Phạm Viết Song là người có công trong sự nghiệp xây dựng một phong trào mặt trận quần chúng rộng khắp và có hiệu quả góp phần làm nên một Hà Nội lịch lãm, hào hoa và văn hóa độc đáo (bởi trên Thế giới chưa có nơi nào và chưa bao giờ có một mô hình Họa sĩ – Người Lao Động như ở Hà Nội).

Nhớ “Ông Đồ dạy vẽ” trên phố Thiền Quang - 7

Nhiều thế hệ họa sĩ nay đã thành danh đều được dẫn dắt qua những lớp học đầu đời của ông. (Tự họa của họa sĩ Phạm Viết Song)

Khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng lòng nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục vẫn rực cháy, ông tiếp tục mở các lớp học vẽ tại nhà riêng, nhận dạy các cháu từ lớp 1 đến lớp 12 và các lứa tuổi có năng khiếu mỹ thuật hoặc yêu thích môn mỹ thuật. Tại lớp vẽ này, ông đã giúp rất nhiều học trò chuẩn bị về chuyên môn thi vào các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp mỹ thuật.

Sau này có những người trưởng thành trở thành họa sĩ tài danh và được giao nhiều vị trí khác nhau trong bộ máy quản lý của nhà nước, tiếp nối con đường đào tạo mỹ thuật của ông như: Nguyên hiệu trưởng Họa sĩ Nguyễn Lương Tiến Bạch và Hiệu trưởng đương nhiệm Lê Anh Vân trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, như Phạm Minh Hải, Nguyễn Anh Vũ hiệu phó trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, như Trịnh Sinh Nha Giám đốc Trung tâm Mỹ thuật Hà Nội…

Trong sự nghiệp mỹ thuật của đời mình, họa sĩ Phạm Viết Song đã có những đóng góp không nhỏ cho nền mỹ thuật nước nhà với nhiều tác phẩm được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhiều giải thưởng lớn và đặc biệt là Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II năm 2007.

Nhớ “Ông Đồ dạy vẽ” trên phố Thiền Quang - 8

Họa sĩ Phạm Viết Song được trao Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II năm 2007.

Nhớ “Ông Đồ dạy vẽ” trên phố Thiền Quang - 9

"Viếng bác" (1969) một trong những tác phẩm xuất sắc của họa sĩ.

Gia tài ông để lại là những bức tranh sau những chuyến đi vẽ, những bài giảng về hội họa, những học trò tài giỏi và hơn cả là một nhân cách đáng quý. Có ai ở Hà Nội mà không biết có một lò đào tạo mang tên “Ông Đồ dạy vẽ” Phạm Viết Song một thời ở Phố Thiền Quang.

Tri ân thầy giáo, hoạ sĩ Phạm Viết Song nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, NSƯT - Đạo diễn - Nhạc sĩ - Hoạ sĩ Trần Ngọc đã sáng tác ca khúc "Phạm Viết Song - Người thầy - Hoạ sĩ tài hoa":

https://www.youtube.com/watch?v=TLssXtxZSok

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phụng dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954

Phụng dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954

Lần đầu tiên sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các tác phẩm xuất sắc đạt giải Nhất, giải Nhì tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức năm 1954 được phục dựng lại và biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”.