Mục sở thị tục Nhảy lửa của người Pà Thẻn

Trong chuyến đi dự trại sáng tác văn học nghệ thuật ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi được mục sở thị một tập tục kỳ lạ của người Pà Thẻn: Tục nhảy lửa. Sở dĩ chúng tôi không gọi là lễ nhảy lửa vì lễ hội thực sự ở đây chỉ diễn ra ngày 16 tháng giêng âm lịch. Theo lời anh Minh Trưởng phòng Văn hóa huyện Lâm Bình, để phục vụ trải nghiệm cho đoàn văn nghệ sĩ nên nhân dân thôn Khuổi Xoan sẵn sàng phục dựng lễ hội độc đáo, sơ khai và huyền bí này vào ngày không phải hội.

Hôm ấy, ăn tối ở nhà trưởng thôn Khuổi Xoan xong, chúng tôi đi bộ khoảng 700m đường đất quanh co, đến bãi đất khá rộng của thôn. Trời đã nhá nhem. Đống củi xếp hình chóp nón cao giữa bãi đất trống đã được châm lửa, bắt đầu cháy bừng bừng.

Cách đấy không xa, sáu thanh niên trong trang phục Pà Thẻn ngồi xếp bằng trên một tấm chiếu rộng. Họ gần như không quan tâm những gì đang diễn ra xung quanh mà tập trung thả hồn theo điệu nhạc ma mị thầy cúng đang gõ. Thầy cúng ngồi trên một chiếc ghế dài thâm thấp và khá chắc chắn, tay gõ liên hồi vào một nhạc khí đặt ngang qua ghế, trời tối nên chúng tôi không quan sát rõ kết cấu. Cạnh đó là một chiếc bàn thấp trên bày các lễ vật phục vụ nghi lễ cúng, chúng tôi thầy có con lợn quay và vài thứ khác. Theo một người dân thì các thứ đó bao gồm: một bát gạo, hương, một chai rượu, tiền giấy…

Theo trình tự nghi thức nhảy lửa bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối. Mở đầu, thầy cúng thắp nến và bày lễ vật lên mâm cúng, rồi thắp ba nén hương cắm vào bát hương trên bàn, tiếp đó thắp ba nén hương khác, cắm dưới đất bên cạnh ghế nơi thầy cúng ngồi. Sau đó, thầy ngồi vào ghế cúng, một tay cầm que tre, một tay cầm chiếc vòng lắc Pà sán tầu vừa gõ que tre vào đàn Pàn dơ vừa lắc vòng, thân người rung bần bật theo từng nhịp gõ, miệng đọc bài cúng đầu tiên nói lên lý do tổ chức Lễ hội Nhảy lửa bằng tiếng Pà Thẻn. Thầy cúng sai các học trò nhóm lửa vào đống củi, rồi thầy cầm bát nước thơm đi vẩy vào bốn góc của đống lửa và vẩy lên các học trò.

Tiếp đó, thầy quay về đàn cúng, tay gõ đàn Pàn dơ và lắc Pà sán tầu liên tục, miệng đọc các bài cúng để được “xuất hồn” lên trời tìm các vị thần về nhập vào các chàng thanh niên đã ngồi chờ. Khi cúng, đầu ông thầy lắc lư, hai chân thầy rung lên đều đặn theo nhịp gõ của đàn Pàn dơ, nhạc lắc Pà sán tầu bên tay trái thầy cũng rung lên từng nhịp tạo âm thanh náo động, dồn dập.

Mục sở thị tục Nhảy lửa của người Pà Thẻn - 1

Tục Nhảy lửa của người Pà Thẻn. Ảnh: Phạm Quốc Anh

Người Pà Thẻn cho rằng, lúc này ông thầy đang xuất hồn đi chu du ở thế giới bên kia để tìm các vị thần. Thế giới bên kia là thế giới vô hình, chỉ nhờ có ma “âm binh” phù trợ thầy cúng mới nhìn thấy và đi đúng vào con đường mà các ma nam “Pạ quơ” đang trú ngụ.

Sau tiếng nhạc nổi lên, cùng với lời gọi của thầy cúng trong khoảng 20 - 30 phút, cơ thể của các chàng trai bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ, đầu lắc đi, lắc lại... Họ cho rằng, các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào những người đó. Cứ thế, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy. Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra, thì lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc. Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự reo hò, khích lệ của người xem như không hề cảm thấy sức nóng của than hồng. Trong lúc đó, thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng như hòa vào nhịp nhẩy của các học trò, toàn thân rung lên bần bật trên ghế.

Khi một người kết thúc màn nhảy lửa của mình thì trở về ngồi bên cạnh thầy cúng và một lúc sau người lại rung lên, đầu lắc liên tục, rồi bất ngờ thay người khác lao vào đống lửa nhảy múa với than hồng. Việc nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một tiếng - Lửa tàn thì nhóm lại, rồi nhảy tiếp cho đến khi đống than tàn hẳn mới thôi. Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng tiễn các ma về trời, lúc này các học trò của thầy mới dần tỉnh lại. 

Điều kì lạ nhất là họ không thấy đau đớn và cũng không hề bị bỏng. Lễ hội kết thúc, thầy cúng đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia. 

Tôi hỏi một người trung niên dân tộc Pà Thẻn đứng cạnh: “Anh có làm được như vậy không?” - “Không đâu, con ma nó không vào trong người, không làm được đâu”.

Vũ Trung Kiên, người quay phim của Trung tâm Văn hóa huyện Lâm Bình chia sẻ: “Trước đây cháu đã thử và hỏng đôi giày, cháy mấy lỗ của ống quần”. Họa sĩ Nguyễn Công Mỹ - người có mấy chục năm sống ở Tuyên Quang cho biết: loại cây dùng để đốt trong lễ nhảy lửa này là đồng nhất và than, tàn của nó không giống với các loại củi khác, tức là nó không dễ dính bám vào quần áo hay tay chân khi dẫm lên hay cầm nắm (?) .

Mục sở thị tục Nhảy lửa của người Pà Thẻn - 2

Đoàn văn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm với nhân dân thôn Khuổi Xoan. Ảnh: Phạm Quốc Anh

Sau màn nhảy lửa nhiều người trong đoàn tôi không giấu diếm sự thán phục các chàng trai Pà Thẻn mạnh mẽ quả cảm. Có cô đã khóc. Ai cũng muốn tận mắt nhìn, tận tay sờ những bàn tay của các chàng trai vừa cầm than vừa nhảy chân trần trên than đỏ rực, thật kỳ lạ không hề hấn gì, chỉ lấm lem một tý vì than thôi.

Hỏi một thanh niên vừa nhảy lửa: “Cảm giác lúc ấy thế nào?” - “Chỉ thấy lạnh trong người và muốn nhảy vào lửa thôi, không thấy nóng.” 

Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn đã có lịch sử lâu đời và được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. Lễ hội không chỉ phản ánh vai trò và địa vị của những người thầy cúng trong xã hội trước kia, mà còn là bằng chứng thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên.

Lễ hội Nhảy lửa còn là một di sản văn hóa mang tính đại diện tộc người, được biết đến như một bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn. Khi nhắc đến Lễ hội Nhảy lửa, người ta nghĩ ngay đến người Pà Thẻn và ngược lại. Đây cũng là lễ hội duy nhất của người Pà Thẻn còn duy trì đến ngày nay.

(Bài viết có sử dụng tư liệu của Cục di sản Văn hoá)

Ngô Xuân Khôi

Ngỡ ngàng Pú Đao
Ngỡ ngàng Pú Đao

Chúng tôi tới xã Pú Đao với tâm thế háo hức. Pú Đao từng được Gecko Travel - một hãng du lịch của nước Anh bầu chọn...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng

Buổi sinh hoạt chuyên đề “Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 đã tập trung bàn về một phẩm chất đặc biệt của dòng thơ cách mạng kháng chiến 1945-1975 là thi pháp trữ tình lãng mạn – điều đã làm nên sức sống trường tồn của thi ca đương đại Việt Nam.

Phi tần từng được hoàng đế sủng ái nhất hậu cung, sinh 6 người con nhưng cuối đời chịu cảnh cô quạnh

Phi tần từng được hoàng đế sủng ái nhất hậu cung, sinh 6 người con nhưng cuối đời chịu cảnh cô quạnh

Từng là phi tần được hoàng đế sủng ái nhất chốn hậu cung, người phụ nữ này đã hạ sinh 6 người con, giữ vững địa vị cao quý và sự yêu thương từ nhà vua. Tuy nhiên, cuộc đời không mãi êm đềm, khi về già, bà phải đối mặt với sự cô độc, lẻ loi trong những năm tháng cuối đời khiến bao người cảm thán.