Nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến với Mai triều và Mai Hắc Đế

“Thiên cổ sơn hà, thiên cổ báu/ Vạn An thành lũy, Vạn An hương”. (Câu đối tại đền thờ Mai Hắc Đế - Nam Đàn - Nghệ An)

Tôi vừa viết xong dòng cuối cùng tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương, đang tính nghỉ ngơi vài ngày, tạm rời xa các vấn đề lịch sử thì bỗng nhiên trong cuộc trò chuyện với PGS.TS Hỏa Diệu Thúy, đại ý chị bảo: Phùng Văn Khai nên viết thông một cuốn nối liền từ Mai Hắc Đế tới Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Các cụ một mạch đánh đuổi ách đô hộ nhà Đường giành độc lập dân tộc. Mai triều trước, Phùng triều sau đều là những anh hùng hào kiệt vì nghĩa nước mà quy tụ nhân tài, dốc tâm trí, vật lực kháng chiến hàng chục năm mới giành được nền độc lập cho nhân dân, đất nước. Cụ Mai Thúc Loan từ dấu mốc Đại Việt sử ký toàn thư đến nay người viết chưa chuẩn về cụ, lấy thời gian năm 722 nổ ra khởi nghĩa rồi tiếp đó bị dập tắt ngay năm 723 là thiếu sót lớn. Phùng Văn Khai hãy viết về Mai Hắc Đế, ắt sẽ có nhiều tư liệu để nhà văn thể hiện.

Nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến với Mai triều và Mai Hắc Đế - 1

Tượng đài Mai Hắc Đế. Nguồn ảnh:  VnExpress

Tôi cứ suy nghĩ mãi và bỗng nhận thấy rằng rất cần phải có một cuốn tiểu thuyết lịch sử dày dặn về Mai Hắc Đế. Dòng họ Mai là một trong những dòng họ có nhiều nhân vật lịch sử, vua chúa, tướng lĩnh, danh nhân, danh thần, người có công với nước. Trong tiến trình lịch sử dân tộc, một trong những dấu mốc lớn, vĩ đại, bi hùng nhất chính là triều đại Mai Hắc Đế. Thật lạ lùng, một vương triều dưới sự lãnh đạo của Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế kháng chiến trong nhiều năm, giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước trong mười năm (713-723), mà rất ít khi được nhắc đến. Vấn đề này tôi đã viết trong tham luận khoa học Từ Mai Hắc Đế đến Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng in trên các báo Trung ương và địa phương có nhiều người đồng thuận. Song phải đến khi, sự đam mê và cả sức ép để tôi cầm bút hạ quyết tâm viết tiểu thuyết lịch sử về Mai triều và Mai Hắc Đế mới càng thấy chúng ta không thể chậm hơn nữa việc tường minh và khẳng định thân thế, cuộc đời và sự nghiệp lừng lẫy của vị vua họ Mai với lịch sử dân tộc bằng các loại hình văn học nghệ thuật trong đó có thể loại tiểu thuyết lịch sử.

Quyết tâm thì như vậy, song đường đi nước bước sẽ như thế nào đây? Khi tôi viết Phùng Vương, đều là do dòng họ Phùng thôi thúc, thậm chí là giao nhiệm vụ. Trung tướng Phùng Khắc Đăng vào năm 2012, trong cuộc trao đổi hai chú cháu đã nghiêm trang nói: “Chú đại diện dòng họ Phùng giao nhiệm vụ cho Khai hãy viết một cuốn tiểu thuyết về Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. Dòng họ đặt, Khai phấn đấu 200 trang. Mọi người đều tin tưởng ở cháu”. Tôi vừa xúc động vừa bâng khuâng. Khi đó, tôi đang mải mê với các dự án viết khác của mình, thích những thứ độc lạ, khó hiểu, bí ẩn, uốn éo chữ nghĩa, gây ấn tượng mạnh kiểu như Hư thực; Hồ đồ... và nhất là thích đi làm các phim “mì ăn liền” cũng bởi mưu sinh. Bây giờ, dòng họ giao công việc như vậy. Thậm chí trong một cuộc họp các thành viên chủ chốt của họ Phùng, anh Phùng Hệ còn bảo thẳng tôi: “Chú hãy lập tức làm đơn xin ra quân. Ta sẽ trả ngay lương hàm Đại tá suốt đời cho chú, để chú chỉ ăn và đi khắp toàn quốc viết cho họ Phùng. Ta sẽ cấp xe và lái xe phục vụ chú. Chú hãy mau quyết định!”.

Tôi bật cười trong vô số tiếng cười của mọi người, trong lòng bỗng thấy hay hay. Phải máu lửa như ông anh Phùng Hệ mới có thể làm được một cái gì. Viết văn mà cứ chập chờn, toan tính thiệt hơn, nhìn trước ngó sau thì đời nào có tác phẩm. Viết văn phải dám xông vào chỗ mịt mùng gian khổ, hố gai miệng vực mà tổ tiên mình, cha ông mình, nhân dân mình từng từ đó “rũ bùn đứng dậy” mới là đạo lý của người cầm bút. Tôi từ bé đã ưa thích tìm hiểu lịch sử. Thầy văn chương của tôi - nhà văn Hoàng Quốc Hải đã từ lâu chuyên tâm với tiểu thuyết lịch sử mà thành danh thì việc xông thẳng vào vùng đất khó cũng là lẽ thường tình, tất yếu của một người con họ Phùng hôm nay với vị vua Bố Cái Đại vương Phùng Hưng.

Tôi đã nhận lời và sử dụng tối đa sự hiểu biết, niềm tin, trí tuệ, thời gian để viết 200 trang tiểu thuyết về Bố Cái Đại vương Phùng Hưng.

Gần hai năm trôi qua.

200 trang tiểu thuyết lịch sử có tên Phùng Hưng được viết ra, thậm chí đã được in ra.

Nhưng than ôi! Càng nhìn, nhất là càng đọc, tôi như không tin ở tai, mắt của mình. Từ nội dung đến hình thức, cuốn sách mỏng Phùng Hưng đều không thể nào xứng đáng với thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. Nó chỉ là những câu văn véo von, lạc lõng, khoe khoang chữ nghĩa của người hôm nay chứ không phải là chí hướng và khát vọng độc lập của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng cùng hàng chục tướng lĩnh tài ba của ngài đã nếm mật nằm gai trường kỳ kháng chiến 24 năm đánh đổ ách đô hộ của nhà Đường giành độc lập cho dân, cho nước. Tiểu thuyết lịch sử trước tiên phải tạo được những dấu mốc lớn của lịch sử, của thời đại, của vương triều đã được ghi vào chính sử, được dân gian hun đúc thành các huyền tích, huyền thoại mang giá trị giáo dục truyền thống sâu sắc. Tiểu thuyết lịch sử trước tiên phải nói được suy nghĩ, khát vọng và thực hành của nhân dân với đất nước, với thời đại đang sống của mình chứ không phải là “triệu hồi về những bóng ma đã chết”.

Lần đầu tiên tôi thất bại trong một cuốn sách cụ thể.

Cơ mà tôi không nản lòng. Nhà văn không thể dễ bị quật ngã như vậy. Thất bại ở đâu, đứng lên ở đó. Tôi đi điền dã liền một mạch hầu như tất cả các đình, đền, chùa, miếu thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và các tướng lĩnh của ông. Quả là nhân dân với nguồn tri thức vô tận đã mở mắt cho tôi, khai tâm cho tôi và nhất là chỉ cho biết đâu là đạo lý dân tộc, đâu là quốc thống của người phương Nam, những mưu mô quỷ quyệt bạo tàn ngàn đời của người phương Bắc...

Ba năm sau (2015), tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương trên 600 trang khổ lớn ra đời, được đón nhận liệt nhiệt, đến nay đã tái bản lần thứ ba và nối bản nhiều lần.

Phải nói dài dòng như vậy, vì không có gì dễ dàng, càng không dễ thành công trong tiểu thuyết lịch sử nếu người viết không bôn ba khắp chốn, vật vã đêm ngày, lao tâm khổ tứ, bằng cái tâm trong sáng, sự kính ngưỡng tiền nhân và nhất là yêu thương nhân dân mình, Tổ quốc mình thì đừng bao giờ nói tới thành công trong sự viết. Càng không được lợi dụng vào các điểm mờ lịch sử mà tô hồng hoặc bôi đen thỏa thích theo ý mình. Viết tiểu thuyết lịch sử, trước tiên và sau cùng đều phải trung thành với lợi ích của nhân dân, vai trò vị thế của quốc gia dân tộc. Các nhân vật chính có thể là minh quân thánh chúa, các tướng lĩnh trụ cột quốc gia có đóng góp lớn đến mấy vẫn phải xếp sau Tổ quốc và nhân dân. Đó chính là phương châm bất di bất dịch của tôi trong các tiểu thuyết lịch sử.

Tôi đã viết một mạch: Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc, Trưng Nữ Vương đều trong tâm thế ấy.

Chuẩn bị cho tiểu thuyết lịch sử về Mai Hắc Đế, dù đã khá thuần thục và có sự thành công nhất định trong các tiểu thuyết trước, tôi cũng tuyệt đối không dám khinh suất và ngay lập tức đi tìm tư liệu cho mình, nhất là các tư liệu của họ Mai với Mai Hắc Đế.

Người giúp tôi rất nhiệt tình chính là PGS.TS Hỏa Diệu Thúy. Dường như ngày nào hai chị em cũng điện thoại trao đổi với nhau. Thật bất ngờ, vị Phó Chủ tịch Hội đồng họ Mai Việt Nam là Trung tướng Mai Hồng Bỉnh, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là thủ trưởng cũ của tôi. Tôi với thủ trưởng Bỉnh có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tôi từng đi Trường Sa nửa tháng cùng ông. Khi đó, tôi là quay phim kiêm biên tập viên của Truyền hình Quân đội. Có những câu chuyện sâu sắc và ý nghĩa có tính bước ngoặt trong cuộc đời tôi ông đều biết và luôn trân trọng cấp dưới của mình.

Theo lời hẹn, tôi đến nhà riêng của Trung tướng Mai Hồng Bỉnh để tiếp nhận các tư liệu về dòng họ Mai, nhất là đức vua Mai Hắc Đế. Thật bất ngờ khi ông giao cho tôi bốn cuốn sách dày dặn về họ Mai trong đó có cuốn Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử của đồng tác giả: kỹ sư Đinh Văn Hiến và cử nhân Đinh Lê Yên. Cuốn sách đã cho tôi những suy nghĩ thật khác thường.

Càng đọc Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử, tôi càng khâm phục và kính trọng kỹ sư - nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến. Ở ông, đã thể hiện đầy đủ nhất phẩm chất của một trí thức xứ Nghệ: ham học hỏi, kiên quyết, kiên trì, mạnh mẽ, thẳng thắn, trí tuệ, khoa học và nhất là rất khôn khéo để từng bước đưa ra và khẳng định thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế một cách hết sức tài tình, thấu tình đạt lý, thấu đến tận trời xanh từ ghi nhận của nhân dân với Mai triều và các vị vua Mai từng có khoảng thời gian dài còn khuất lấp trong lịch sử.

Nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến với Mai triều và Mai Hắc Đế - 2

Nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến

Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử là công trình một đời, trọn đời của nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến. Ông đã dành tất cả trí tuệ và sức lực của mình, trái tim nồng ấm của người con đất Nam Đàn, Nghệ An với tiền nhân. Tôi luôn có cảm giác từng dòng, từng câu, từng chữ Đinh Văn Hiến viết ra đều do các tiền nhân trong cuộc chỉ cho dấu mốc, sự việc, nhất là các việc ích nước lợi dân mà viết.

Trước khi có Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử, mọi sự kiện lịch sử về Mai triều và vua Mai Hắc Đế còn nhiều điểm khuất lấp, rời rạc và thiếu thống nhất. Đến khi có sách, nhất là sau hội thảo khoa học về Mai Hắc Đế lần đầu tại trường Đại học Sư phạm Vinh; và hội thảo khoa học Khởi nghĩa Hoan Châu và vai trò của Mai Thúc Loan trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ngày 23 tháng 3 năm 2013, mọi góc khuất lịch sử, nhất là thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Mai Hắc Đế đã dần dần được tường minh, khẳng định bằng các chứng cứ khoa học vững chắc. Sách Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử được tái bản nhiều lần, là một tài liệu quan trọng trong công tác giáo dục và nghiên cứu lịch sử. Trước đó, chỉ có lác đác vài địa phương đặt tên đường phố, trường học tôn vinh ông, đến nay trên cả nước đã có hàng chục tỉnh, thành phố, thị xã, thị trấn đặt tên Mai Hắc Đế. Đó chính là sự công bằng với anh hùng giải phóng dân tộc Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế. Đó cũng chính là sự ghi nhận công sức và trí tuệ của kỹ sư - nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến.

Nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến từng tâm sự: “Tôi may mắn và vinh dự được là đồng hương với Mai Hắc Đế. Bố tôi, cụ Đinh Thăng Long, sinh thuở Pháp thuộc, là một nhà báo, sau cách mạng làm công tác văn xã của địa phương, nhà thỉnh thoảng có các bạn bè, cán bộ văn hóa, bảo tồn, sử học, sinh viên... đến tìm hiểu về đề tài Mai Hắc Đế nên những truyền thuyết, huyền thoại về danh nhân từ bé đã in đậm vào tâm tư của tôi. Qua một quá trình tìm hiểu, tôi nhận ra rằng, do những hạn chế về tư liệu của giai đoạn thế kỷ XII, XIII những tư liệu về Mai Hắc Đế quá sơ lược, không đầy đủ, chưa nói hết cái tài, cái đức, mô tả mức độ lớn lao, ảnh hưởng sâu rộng của vị anh hùng này... nên từ đó tôi đã dành hết thời gian và tâm huyết để đi điền dã, thu thập tài liệu và hoàn thiện tập sách”.

Nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến đã phải tự giải quyết mọi khó khăn, dành hàng chục năm cho tập sách Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử. Ông đã được gia đình, nhất là người vợ hiền và bạn bè ủng hộ hết mình mới dần dần thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình. Đặc biệt, từ sau khi nghỉ hưu, Đinh Văn Hiến đã toàn tâm toàn ý dành mọi thời gian đi điền dã và nghiên cứu về Mai Hắc Đế. Khi đó ông cũng đã ngộ ra được chân lý: Bạc tiền tuy rất quý, song những võ công của vị vua họ Mai còn khuất lấp mới chính là báu vật cần phải được tường minh, nâng niu và gìn giữ nên đã thanh thản bắt tay vào công việc. Ông đã đi nhiều đền thờ, nhất là các nơi thờ liên quan tới các vị Hoàng hậu của Mai Hắc Đế mà từ trước tới nay chưa được nhắc đến nhiều như cụm Di tích lịch sử đền Hoà Mục thờ bà Phạm Thị Uyển - người vợ thứ hai của Mai Thúc Loan. Mẹ bà là chị ruột Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. Bà đã hi sinh lẫm liệt khi đánh nhau với tướng giặc nhà Đường là Dương Tư Húc trên sông Tô Lịch. Từ thần phả quý giá này, Đinh Văn Hiến đã kì công cùng các cụ thủ từ ở khu Di tích lịch sử đền Hoà Mục tìm đúng bản gốc để khớp nối những dấu mốc lịch sử trên tinh thần khoa học.

Trong hội thảo khoa học Khởi nghĩa Hoan Châu và vai trò của Mai Thúc Loan trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, rất nhiều ý kiến đánh giá cao công trình nghiên cứu của Đinh Văn Hiến. Ông Mai Thúc Lân, nguyên phó Chủ tịch Quốc hội từ Quảng Nam - Đà Nẵng gửi thư ra có đoạn: “Việc dựng lại một nhân vật lịch sử mà tài liệu không nhiều là một việc khó. Nhưng Đinh Văn Hiến đã có công sưu tầm tài liệu và qua các truyền thuyết, các di tích còn lại để xây dựng nên hình tượng Mai Thúc Loan với quyển sách Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử là một việc làm rất đáng trân trọng”. GS.TSKH. Hồ Sĩ Thoảng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu khí Việt Nam khẳng định: “Tôi đã đọc cuốn Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử Đinh Văn Hiến gửi tặng, xin gửi tới ông lời cảm ơn chân thành. Tôi không sành về sử học, nhưng đọc cuốn sách đó đã thấy tác giả rất công phu và có nhiều phát hiện tìm tòi khiến cho sách có tính chất như một công trình nghiên cứu về khởi nghĩa Hoan Châu cũng như công trạng của Mai Thúc Loan”. GS.TS. Nguyễn Ngọc Hợi - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh đã dành những dòng xúc động: “Dù bận, tôi đã đọc cuốn Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử một lèo vào ngày chủ nhật vừa qua, trong đó có chỗ đọc lại đến hai lần vì nội dung khá hấp dẫn. Tác giả viết khá hay, tư liệu dồi dào, có nhiều điểm mới so với các tài liệu đã có từ trước về đề tài này. Toàn bộ cuốn sách toát lên một sự nghiên cứu khá sâu sắc, biện luận chặt chẽ của tác giả”. 

Nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến với Mai triều và Mai Hắc Đế - 3

Các cuốn sách về Mai Hắc Đế

Với sự công phu và nghiêm túc, nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến như một tấm gương đi trước để cho người đi sau như chúng tôi nhìn vào đó, soi dõi và tìm thấy ở đó sự thôi thúc phải làm những điều thiết thực, cụ thể, sáng rõ, bồi da đắp thịt với thể loại tiểu thuyết lịch sử khi thể hiện về thân thế cuộc đời và sự nghiệp của Mai triều và vua Mai Hắc Đế.

Cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của vị vua Mai trong tình thế nhà Đường phương Bắc đang ở giai đoạn cường thịnh càng khẳng định tài năng kiệt xuất của người anh hùng với hàng chục năm nằm gai nếm mật, quy tụ nhân tâm khắp các vùng đất Hoan Châu, phía Nam thông tới Lâm Ấp, phía Tây thông tới Di Lạo, phía Bắc thông tới Đường Lâm, phía Đông Bắc thông tới An Bang... đã thể hiện tầm nhìn xa rộng của đấng quân vương không chỉ có nhãn quan về quân sự mà còn cả về ổn định cục diện chính trị xã hội lâu dài, các phương lược ngoại giao với lân quốc của Mai triều đứng đầu là vua Mai Hắc Đế.

Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử đã cho biết rõ tên tuổi các vị thủ lĩnh, tướng lĩnh, châu mục, tù trưởng, tộc trưởng cùng chí hướng với Mai Hắc Đế từ buổi ban đầu cuộc khởi nghĩa như: Thôi Thặng, Phùng Hậu, Phục Trường Thủ, Đàm Du Vân, Mao Hoành, Tùng Thụ, Tiết Anh, Hoặc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sĩ Lâm, Độ Tân, Nguyễn Huynh, Nguyễn Đệ,... đều một lòng theo về nghĩa lớn, sát cánh với Mai Thúc Loan giành độc lập dân tộc, khơi thông quốc thống từ triều đại Hồng Bàng, tiếp đến Hùng Vương, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế... nối thông tới triều đại Mai Hắc Đế. Đây chính là cơ sở khoa học để người viết tiểu thuyết lịch sử như chúng tôi dựa vào đó triển khai các tình tiết sinh động, thực chất như đã diễn ra.

Song, đối với mỗi tiểu thuyết lịch sử, không thể chỉ khư khư bám chặt vào chính sử, mà chính là phải dựa vào sự sáng tạo, trí tưởng tượng của nhà văn mới là lẽ sống còn. Chính ở đó, Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử đã như một đồng hành thú vị, bởi trong đó là ăm ắp những truyền thuyết đã đi vào lịch sử, vào huyền sử dân gian. Ở đây, các nhà văn xin được cảm ơn nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến những thâu lượm truyền thuyết dân gian của mình, đó là những món quà vô giá đối với người viết tiểu thuyết lịch sử.

Trong tư cách người viết tiểu thuyết lịch sử, qua tập sách Mai Hắc Đế - Truyền thuyết và lịch sử, chúng tôi xin được tri ân nhà nghiên cứu Đinh Văn Hiến. Đây coi như lời đề tặng khi khai bút tiểu thuyết lịch sử về Mai triều và vua Mai Hắc Đế.

Phùng Văn Khai

Tin liên quan

Tin mới nhất