Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức sáng 27/11 tại Hà Nội đã cho thấy một cái nhìn vừa tổng quát, vừa chuyên sâu về những thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua và góp phần xác định xu thế của văn học Việt Nam trong thời đại mới.

Tham dự hội nghị có PGS. TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; NSND, họa sĩ Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam…

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975 - 1

Đại biểu tham dự hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”.

Những bước ngoặt lớn

Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, chặng đường 50 năm qua là một chặng đường có những bước ngoặt lớn của đất nước đã tác động rất lớn vào sự phát triển văn học Việt Nam.

Theo ông, bước ngoặt thứ nhất bắt đầu từ sau ngày 30/4/1975, khi cuộc chiến tranh kết thúc và đất nước được thống nhất, đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đất nước và trong tâm khảm của những người cầm bút. Kể từ khi chiến tranh kết thúc, các nhà văn vẫn tiếp tục viết về chiến tranh nhưng trong một cách tiếp cận mới và một thi pháp mới. Đề tài về chiến tranh được khai thác từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc, mang lại một cái nhìn đa chiều về chiến tranh nhưng vẫn tập trung vào sự hi sinh, khát vọng lớn lao của một dân tộc cho độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975 - 2

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Bước ngoặt thứ hai được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá là một bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với đất nước Việt Nam, đặc biệt với nền văn học Việt Nam đó là công cuộc đổi mới của Đảng được tiến hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Công cuộc đổi mới đã tác động sâu sắc vào sự sáng tạo của các nhà văn Việt Nam, nó mở ra một biên độ rất rộng về đề tài, về đối tượng, về thi pháp và tư tưởng. Một thời đại mới của văn học đã bắt đầu được sinh ra cùng những tác phẩm đóng góp thực sự vào một tầm cao mới của văn học Việt Nam.

“Công cuộc đổi mới cho chúng ta định giá lại một cách chính xác và công bằng những tác giả, tác phẩm văn học mà một thời với những lý do cần thiết của lịch sử chúng ta chưa có một đánh giá chính xác. Bởi thế những tác giả, tác phẩm đích thực của nền văn học Việt Nam đã được công bố, tái công bố, khẳng định và tôn vinh”, nhà thơ Nguyễn Quang thiều nói.

Bước ngoặt thứ ba là bước ngoặt được mở ra khi đời sống chính trị của Việt Nam hòa nhập vào đời sống chính trị chung của thế giới. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, lúc này văn học đã trở lại đầy đủ với bản chất nguyên vẹn của nó, đây là giai đoạn những vấn đề của nội dung, của thi pháp, của tư tưởng tác phẩm đã có những bước đi chung trong dòng chảy của văn chương thế giới. Và cũng từ đây, một xu thế mới của văn học Việt Nam đã xuất hiện.

Nhìn lại văn học từ 1975 đến nay, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta không thể không tự hào vì những gì nó đã có trong 50 năm đầy biến chuyển vừa qua. Có thể nói rằng văn học của chúng ta đã đi qua những trạng huống, những hình thái tâm lý cộng đồng đầy phức tạp. Với thiên lương của mình, văn học nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước, vừa cần mẫn vá lại những vết thương, những rách nát của con người, vừa dìu con người lần hồi tiến về phía trước trong ánh sáng của tinh thần lạc quan”.

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975 - 3

Quang cảnh hội nghị.

Những chuyển động trong chặng đường 50 năm của văn học

Cùng với sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của đất nước trong suốt 50 năm qua, văn học Việt Nam sau 1975 đã thu được nhiều thành tựu quan trọng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, trong lĩnh vực sáng tác, sự đổi mới văn học bắt đầu từ sự tìm kiếm một ý thức mỹ học mới. Mỹ học thời chiến đã được thay thế bởi mỹ học thời bình, cái nhìn sử thi đã dần nhường chỗ cho cái nhìn thế sự - đời tư. Trong lĩnh vực lý luận, phê bình, ý thức đổi mới tư duy nghiên cứu và nỗ lực hiện đại hoá lý luận, phê bình đã giúp cho đời sống lý luận, phê bình có nhiều khởi sắc. Sự thay đổi nhãn quan khoa học, việc mở rộng tiêu chí đánh giá giá trị trên nền tảng nhân văn hiện đại đã giúp cho lý luận, phê bình dần thoát khỏi lối phê bình áp đặt, máy móc, giáo điều.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, đời sống văn học sau 1975 vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: thiếu tương xứng giữa lượng và chất; mặt trái của kinh tế thị trường và sự phân hoá, biến đổi trong thị hiếu tiếp nhận đã “dung dưỡng” cho khuynh hướng thương mại hoá và tạo môi trường cho văn học giải trí, phê bình cánh hẩu, thù tạc hay PR tác phẩm một cách dễ dãi; một số cây bút, bất chấp sự khác biệt văn hoá đã miêu tả đời sống một cách quá mức tục tĩu, hoặc do nhìn nhận đời sống một cách méo mó đã viết nên những trang viết sống sượng khiến độc giả phản ứng gay gắt…

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975 - 4

Đại biểu chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các tham luận cho rằng công cuộc đổi mới mang lại luồng sinh khí mới, tạo ra thay đổi to lớn trong việc kế thừa và phát triển nền văn hóa dân tộc; tư duy lý luận của các cấp lãnh đạo về văn học nghệ thuật có sự chuyển biến mới; giao lưu quốc tế mở rộng tạo ra nhiều cơ hội, nhiều cách tiếp cận mới mẻ; nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên; các chuẩn mực văn hóa và đạo đức mới hình thành… Tất cả những yếu tố đó là cơ sở để văn học nghệ thuật có điều kiện phát triển nở rộ.

Ở lĩnh vực thơ, nhà thơ Trần Anh Thái nhận định, 50 năm là một chặng đường khá dài và cuộc đổi mới thơ đã đạt được những bước tiến rất quan trọng trong sự phát triển chung của nền thơ ca dân tộc. Thơ phát triển lên một tầm cao mới bằng sự mở rộng mọi chiều kích với một đội ngũ sáng tác đông đảo, ở mọi đề tài phong phú, đa dạng muôn màu sắc với rất nhiều tìm tòi sáng tạo, ở mọi cấp độ từ trung tâm đến hiện đại chủ nghĩa, thơ tự do, thơ hậu hiện đại, thơ trẻ…

Bên cạnh đó, thơ còn chứng kiến sự nở rộ những thể nghiệm tìm tòi, những cách tân mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức nhằm chống lại sự sáo mòn cũ kỹ, thoát ra khỏi những quy ước khuôn sáo ước lệ, mục đích nhằm kéo thơ trở lại với công chúng, tôn vinh nghệ thuật, hướng tới cái đẹp.

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975 - 5

Đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị.

Trong lĩnh vực tiểu thuyết, TS Đỗ Hải Ninh cho rằng, tiểu thuyết từ sau khi đất nước thống nhất vận động theo hướng từ sự mở rộng phạm vi đề tài đến sự đa dạng hóa bút pháp, phong cách nghệ thuật. Xuất phát từ nhu cầu của thời đại mới, tiểu thuyết quan tâm nhiều hơn đến vấn đề cái tôi cá nhân, đến con người trong tồn tại của chính nó bao gồm cả tính dục và tâm linh, sự tha hóa và cao thượng, cái ác và cái đẹp…

Tiểu thuyết hướng tới cách tân nghệ thuật với sự phong phú hình thức như bút pháp kỳ ảo, trào lộng, giễu nhại, những thủ pháp cắt dán, phân mảnh, đồng hiện, dòng ý thức… Sự dân chủ hóa kích thích cá tính sáng tạo đem lại những sắc thái mới cho tiểu thuyết: xuất hiện cái hài hước, tiếng cười mỉa mai châm biếm; sự miêu tả tình dục, con người bản năng nhiều cung bậc, ngôn ngữ suồng sã, đời thường.

Sau 1975, văn học các dân tộc thiểu số phát triển trong một bối cảnh xã hội có nhiều chuyển động, tiếp tục quán tính của chặng trước, khi còn chiến tranh. Theo TS. Đỗ Thị Thu Huyền, văn học dân tộc thiểu số 50 năm qua có những phát triển lớn mạnh về đội ngũ, chất lượng tác phẩm, ở đó, các vấn đề khác nhau trong đời sống hiện thực được soi rọi bằng một cái nhìn mới, và đáng kể nhất là sự ý thức ngày một sâu sắc về tinh thần dân tộc, bản lĩnh và vị thế dân tộc.

Trong đó, thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam trong quá trình phát triển nửa thế kỷ qua đã ghi dấu nhiều tên tuổi nổi bật; nền văn xuôi các dân tộc thiểu số cũng có một đội ngũ tác giả đông đảo và những thành tựu nhất định; những thể loại như ký, tản văn, trường ca của dân tộc thiểu số cũng phát triển mạnh vào những thời điểm khác nhau.

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975 - 6

Các tham luận đã cho thấy một cái nhìn vừa tổng quát, vừa chuyên sâu về những thành tựu của văn học Việt Nam 50 năm qua.

TS. Đỗ Thị Thu Huyền cho biết thêm, trong lĩnh vực văn học các dân tộc thiểu số, so với những sáng tác bằng tiếng phổ thông, sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số chiếm một số lượng khiêm tốn.

“Một quy luật dễ dàng được thừa nhận là văn chương là một trong những điều kiện tồn tại và phát triển của ngôn ngữ dân tộc. Những sáng tác bằng tiếng dân tộc là một phần thể hiện sự tự ý thức về nét độc đáo của dân tộc mình, về sự giàu có của một nền văn học, văn hóa. Từ đó đặt ra những suy tư về công cuộc gìn giữ, lưu truyền bản sắc văn hóa khi ngôn ngữ dân tộc thiểu số ngày một mai một đi nhiều”, TS. Đỗ Thị Thu Huyền nói.

Phát triển văn học trong tình hình mới

Tại hội nghị, để góp phần xây dựng nền văn nghệ Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận đã đưa ra những giải pháp thể hiện tâm huyết của mình đối với sự phát triển, phồn vinh của nền văn học Việt Nam.

Để phát triển lý luận trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay, PGS. TS Trần Khánh Thành đã đưa ra một số đề nghị: cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thể chế hóa đường lối bằng chính sách, pháp luật và đầu tư của nhà nước vào hoạt động văn học nghệ thuật; đào tạo đội ngũ lý luận phê bình văn nghệ có chuyên môn cao, có năng lực nghiên cứu khoa học và nắm bắt thực tiễn sáng tạo văn nghệ; cử những người có uy tín chuyên môn cao, tâm huyết, có lập trường chính trị vững vàng tham gia quản lý văn hóa, văn nghệ; tìm cơ chế quản lý, kiểm soát các sản phẩm văn hóa, văn nghệ trên không gian mạng; lập các diễn đàn văn học, nghệ thuật mạng để thu hút cộng đồng sáng tác và thưởng thức một cách lành mạnh...

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975 - 7

PGS. TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phát biểu tại hội nghị.

PGS. TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho rằng cần tăng cường đổi mới nhận thức về bản chất, đặc trưng của văn học nghệ thuật, vai trò, sứ mệnh của lý luận, phê bình văn học trên nền tảng mỹ học Mác Lênin, đường lối văn nghệ của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời kết hợp hài hòa việc kế thừa tinh hoa văn học dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Cần chăm lo phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng phát hiện tài năng, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới của các văn nghệ sĩ, các nhà lý luận, phê bình. Tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, chú trọng “đầu vào” và “đầu ra” trong tiếp nhận và quảng bá văn học. Phải coi đây là cách thức hiệu quả để văn học Việt Nam tiến ra thế giới một cách hiệu quả.

PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp cũng cho rằng, việc tăng cường mở rộng giao lưu văn hoá quốc tế giúp đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập, đưa văn học Việt Nam nhanh chóng bắt kịp tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới. Tuy nhiên, tiếp nhận văn hoá nhân loại khác với mô phỏng, bắt chước một cách thụ động. Cần phải hình thành bộ lọc văn hoá chủ động, tiếp nhận một cách hợp lý, gắn tiếp nhận với tiếp biến, từ đó mở ra những sinh lộ sáng tạo mới.

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V: Phác thảo diện mạo văn học Việt Nam từ 1975 - 8

Hội nghị một lần nữa khẳng định và tôn vinh những giá trị đã có của văn học Việt Nam 50 năm qua.

Bên cạnh đó, để văn học đương đại có được sự phát triển đúng đắn, lành mạnh, các ý kiến cho rằng cần đến một đội ngũ quản lý văn học, nghệ thuật tinh thông nghề nghiệp, xứng đáng là “bà đỡ” cho những giá trị nghệ thuật mới ra đời. Đây được xem là một phương diện quan trọng liên quan đến tính hiệu quả của thiết chế văn hoá, nghệ thuật nhằm tạo dựng hành lang tư tưởng khoáng đạt, đủ sức kích hoạt tối đa năng lượng sáng tạo của nhà văn, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những tài năng văn học mới của tương lai.

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế” đã mang tới một cái nhìn khoa học, có tính lịch sử, có tính tổng kết cũng như phác thảo một diện mạo văn học Việt Nam trong những thập kỷ tới của đất nước. Hội nghị một lần nữa khẳng định và tôn vinh những giá trị đã có của văn học Việt Nam 50 năm qua, đồng thời cũng là sự chào đón một thời đại mới của văn học Việt Nam.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

THCS Vân Hồ phát động cuộc thi Vang mãi khúc quân hành

THCS Vân Hồ phát động cuộc thi Vang mãi khúc quân hành

Ngày 25/11, Trường THCS Vân Hồ phối hợp với Thời báo Văn học nghệ thuật (Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) tổ chức phát động hưởng ứng cuộc thi Tìm hiểu 80 năm Truyền thống vẻ vang Quân đội Nhân dân Việt nam anh hùng với chủ đề “Vang mãi khúc quân hành”.