Thi đua ở vùng “đất lửa” như tôi được biết

Bây giờ, nhắc đến chức danh “cán bộ thi đua”, có lẽ nhiều người ngạc nhiên. Vậy mà tôi đã vinh dự mang chức danh đó suốt một phần mười quãng thời gian hơn 80 năm của đời mình. Đó là những năm từ đầu 1967 đến năm 1974, một thời kỳ đặc biệt ở Quảng Bình, “nhịp cầu nối hai miền đất nước”. Với trọng trách đó, ngành giao thông vận tải mới ra đời một nhóm công tác gọi là “tổ thi đua”. Từ Công trường 12A, tôi được điều về đây cuối năm 1966.

Thực ra, phong trào thi đua yêu nước ngày càng sổi nổi sau khi Hồ Chủ tịch ra “Lời kêu goi thi đua ái quốc” từ 75 năm trước - ngày 11/6/1948. Về sau, có điều kiện đọc “sử sách”, tôi mới biết điều đó; còn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, cả trong 8 năm làm “thi đua”, tôi cũng như hầu hết mọi người tuy không có điều kiện đọc “Lời kêu gọi” nhưng bằng hành động, việc làm cụ thể đã hưởng ứng “Lời kêu gọi” một cách thiết thực nhất.

Thi đua ở vùng “đất lửa” như tôi được biết - 1

Bác Hồ trao tặng lại cho anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế bó hoa mà Đại hội Thanh niên xung phong toàn quốc năm 1967 vừa tặng Bác.

Tôi được điều động về “tổ thi đua” ngành giao thông vận tải Quảng Bình đúng vào lúc phong trào “Hai Giỏi” (Sản xuất giỏi và chiến đấu giỏi) lên cao trào, sau Đại hội “Hai Giỏi” của tỉnh và Đại hội “Thi đua bảo đảm giao thông đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” toàn miền Bắc họp tại Hà Nội (tháng 3/1966). Hơn nửa thế kỷ đã qua từ những năm tháng sôi động đó. Cuối năm 1966, tôi mới là thành viên của “tổ thi đua” thuộc văn phòng Ty Giao thông, nhưng từ tháng 10/1965, khi tôi còn là cán bộ bảo đảm giao thông tại Công trường 12A đóng tại La Trọng, có lẽ là lần đầu tôi quan tâm đến việc thi đua.

Nói vậy vì những năm trước đó, trong không khí hòa bình, việc bình bầu “lao động tiên tiến” và “chiến sĩ thi đua” chỉ diễn ra trong từng đơn vị nhỏ lẻ theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”; có khi cả phòng đều đạt “lao động tiền tiến”! Cuộc bình bầu “chiến sĩ hai giỏi” tháng 10/1965 thì khác hẳn, sôi động khắp công trường, từ các tổ văn phòng cho đến các đội công nhân, các đại đội thanh niên xung phong gồm gần 1500 người.

Đó là lúc cuộc chiến đấu trên mỗi đoạn đường đã bước vào giai đoạn quyết liệt, tất cả các cầu trên tuyến đã bị đánh sập, đơn vị nào cũng có thương vong và tuy không nói ra, nhưng ai cũng cảm thấy mình đã cố gắng vượt mức bình thường - nếu không ngại mang tiếng “đại ngôn” thì có thể nói hầu như tất cả đã sống và chiến đấu như những anh hùng vì tất cả đều xông ra mặt đường hứng bom đạn địch mà trong tay không có vũ khí để đánh trả.

Vậy nhưng các cuộc bình bầu chỉ có thể chọn ra một số gương mặt xuất sắc nhất để đi dự Đại hội “Hai giỏi” công trường, rồi chọn tiếp người xuất sắc toàn công trường về dự Đại hội toàn ngành, rồi toàn tỉnh. Một không khí thật sôi động nhưng không tránh được tiếng “nhỏ to” tị nạnh. Thì con người ta ai chẳng muốn được khen! Xin đừng nghĩ điều đó chỉ đáng chê trách. Mọi sự ở đời đều có hai mặt. Thi đua cũng như trong kinh doanh, có cơ hội để so sánh hơn - thua, buồn - vui, con người mới thấy phải không ngừng tiến lên phía trước, miễn là không lấy chuyện hơn - thua làm mục đích cuộc sống. Ở Công trường 12A dạo đó, sau Đại hội “Hai Giỏi” phong trào thi đua càng sôi nổi, nhiều đơn vị, cá nhân lập thành tích xuất sắc hơn cả số được chọn đi dự Đại hội “Hai Giỏi” cấp trên.

Dạo đó, biết tôi có viết đôi bài về chiến công trên đường 12A, Ban chỉ huy giao cho tôi viết thành tích cho Công trường và 2 cá nhân xuất sắc nhất để báo cáo tại Đại hội cấp trên. Không ngờ tôi cũng nằm trong số 15 chiến sĩ “Hai Giỏi” được Công trường chọn cử về Đồng Hới dự Đại hội toàn ngành. Tại Đại hội này, tôi đọc bài báo viết về Công trường 12A bước vào cuộc chiến đấu mới được đăng báo Văn nghệ. Hình như tôi đã lọt vào “mắt xanh” Trưởng Ty Giao thông Lại Văn Ly từ đó, nhưng phải đợi đến cuối năm 1966, khi cuộc chiến đấu trên đường 12A cũng như toàn tuyến chiến lược Trường Sơn chủ yếu do Ban 67 và lực lượng công binh đảm nhiệm, lãnh đạo Ty Giao thông mới điều động tôi cùng một số cán bộ và 3 đại đội thanh niên xung phong về tăng cường cho miền xuôi.

Tôi về nhận công tác tại Văn phòng Ty Giao thông, khi “tổ thi đua” đã có anh Hồ Văn Danh (quê Quảng Trạch) và anh Trần Chương Tí (quê Quảng Ninh); ít lâu sau được bổ sung thêm anh Nguyễn Sàm (quê Quảng Trạch). Không có đơn vị cấp Sở địa phương nào lại bố trí cán bộ làm công tác thi đua đông như thế. Cũng do mặt trận giao thông Quảng Bình là “điểm nóng” của cả nước, quản lý một lực lượng tham gia mặt trận giao thông vận tải đông đảo. Ngoài hàng ngàn công nhân, thanh niên xung phong, còn có nhiều hợp tác xã vận tải sông biển và hàng vạn dân quân du kích các xã ven đường. Tất cả đều là “đối tượng” mà “tổ thi đua” phải theo dõi để kịp thời nắm được thành tích, đề nghị các cấp khen thưởng. (Sau này, tôi mới biết, thời kỳ đó ở Hải Phòng cũng có một “cây bút trẻ” được điều về làm “cán bộ thi đua” như tôi; đó là anh Bùi Ngọc Tấn, tác giả cuốn tự truyện nổi tiếng “Chuyện kể năm 2000”…).

Công việc của tổ nhiều khi bù đầu, chẳng kể giờ giấc, nhất là những đợt tập trung khen thưởng, lựa chọn anh hùng… Anh Danh cao tuổi nhất, tính cẩn thận, chữ viết đẹp, thường ở văn phòng làm hồ sơ. (Sau này, anh có người con rể là nhà văn Nguyễn Quang Lập nổi tiếng, một thời chung “mặt trận” văn nghệ với tôi khi Bình Trị Thiên còn là một tỉnh). Anh Tí không đi được xe đạp, chỉ có thể về các đơn vị ở gần (có chuyện vui là nhờ anh Tí “làm mối”, tôi thành rể Quảng Bình từ đầu năm 1973); anh Sàm từng là cán bộ xã nên lo nắm thành tích các địa phương…

Tôi, trẻ nhất (lúc “vào nghề thi đua” chưa đến 30 tuổi) lại biết “viết lách” chút ít, đảm nhiệm về tận các “điểm nóng”, các đơn vị có thành tích xuất sắc để tìm hiểu thực tế, viết giúp thành tích và đề nghị khen thưởng, trong đó có đại đội thanh niên xung phong 759 và Nguyễn Thị Kim Huế, chiến sĩ lái ca nô Võ Xuân Khuể ở Bến phà Gianh đã được tặng danh hiệu anh hùng. Nhân đây cũng xin nói rõ: để có được một anh hùng, thường phải chuẩn bị đến 3 - 4 hồ sơ, do nhiều đơn vị, nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc gần như nhau, không thể “bỏ qua”, nhưng qua mấy khâu xét duyệt, chỉ có thể chọn một số lượng mang tính tiêu biểu…

Năm - sáu thập kỷ đã qua, nhưng tôi vẫn không thể quên những ngày đêm về “bám” các đơn vị như Bến phà Gianh, Công trường “Quyết thắng”, Hợp tác xã đường sông Bình Minh… Trong một chuyến ra vùng sông Gianh, trong khi tôi ghé lại Công trường “Quyết thắng” (có bạn “chọc” vì ở đó có cô Phó Ban chỉ huy xinh đẹp!), kỹ sư Minh (quê Hà Nội) về Đồng Hới trước, đến đèo Lý Hòa trúng bom hy sinh! Minh cũng vừa được điều từ Công trường 12A về Ty; ở 12A, bao lần Minh cùng tôi vượt các “cửa tử” Khe Ve, Ca Tang bình yên; thế mà về đồng bằng lại “dính” bom! Trưa, khi tôi dắt xe đạp xuống dốc đèo Lý Hòa thì chỉ thấy một tốp công nhân san lấp hố bom bên quãng đường còn nhiều vết máu bầm đen!...

Hồi đó, không chỉ ra mặt đường dễ trúng bom mà ở ngay Văn phòng Ty cũng nguy hiểm. Bom tạ, bom sát thương, bom lân tinh mấy lần ném xuống sát căn nhà - hầm “Tổ Thi đua” ở; bom bi xuyên mái ngói làm nát cả chiếc xe đạp; còn Phòng Tài vụ có lần trúng bom, hai cô kế toán hy sinh…

Bây giờ, nói đến “thi đua”, có người đính kèm theo 4 từ “cờ - đèn - kèn - trống” với hàm ý chỉ trích những kẻ sính “hình thức”. Điều đó là có thật và đang được khắc phục vì nó trái với tinh thần “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Hồ Chủ tịch 75 năm trước là thi đua nhằm tới các mục tiêu cụ thể… Còn thời tôi làm “thi đua”, cũng có phát động và “kêu gọi” nhưng mọi việc đều diễn ra dưới những căn nhà - hầm (kiểu nửa nổi, nửa chìm để tránh bom sát thương, bom bi khi rơi xung quanh.)

Như cuộc hợp “phát động” tại Hợp tác xã Bình Minh diễn ra khi chiếc thuyền vấp thủy lôi gần phà Quán Hàu chưa vớt được các liệt sĩ và những thùng đạn pháo chìm trên sông nhưng đoàn thuyền vẫn tiếp tục lên đường. Ở Bến phà sông Gianh, cuộc “phát động” là lễ truy điệu sống các thủy thủ noi gương anh hùng Võ Xuân Khuể, trước khi lên ca nô đưa phà qua dòng sông không biết bom từ trường và thủy lôi giấu mặt ở đâu. Ở đại đội thanh niên xung phong 759 là lễ xuất quân lên tuyến Ba Trại bờ Nam sông Gianh, nơi hôm trước 3 chiến sĩ thanh niên xung phong tiểu đội 6 vừa hy sinh!...

Với một người nuôi “mộng” làm văn như tôi, những năm được làm công tác thi đua là điều may mắn. Hàng ngàn trang sách báo tôi viết lấy bối cảnh Quảng Bình đều có dấu ấn và không khí thời kỳ sôi nổi và gian khổ cùng chiếc xe đạp cà tàng ngược xuôi trên những chặng đường máu lửa đến với các điển hình “thi đua ái quốc”…

Nguyễn Khắc Phê

Lãnh tụ và nghệ sĩ
Lãnh tụ và nghệ sĩ

Trước hết, cần nói đến phẩm tính văn hoá Hồ Chí Minh - "Bậc đại nhân - đại trí - đại dũng". Trên báo Ogoniok (Tia...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Người Trung Quốc ùn ùn về quê ăn Tết

Người Trung Quốc ùn ùn về quê ăn Tết

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, người Trung Quốc chen chúc trên ô tô, tàu hỏa và máy bay để về quê ăn Tết, chính thức khởi động mùa Xuân Vận - cuộc di cư thường niên lớn nhất thế giới của loài người.

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam luôn nóng bỏng với những cái tên như Honda City, Toyota Vios, Hyundai Accent, Mazda2 và Kia Soluto. Mỗi mẫu xe mang phong cách thiết kế riêng, từ sự sắc sảo, thể thao của City đến vẻ bền bỉ của Vios hay thời thượng của Accent. Vậy đâu là thiết kế chinh phục người Việt nhất?