Thị trường sách điện tử ở Việt Nam: Triển vọng và những trở ngại

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đi vào cuộc sống và tác động đến mọi ngành nghề, lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực đã ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), robot,... vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Và ngành xuất bản, in, phát hành cũng không đứng ngoài xu thế đó. Việc ứng dụng công nghệ để quản trị toàn diện các hoạt động sản xuất - kinh doanh tại một số nhà xuất bản, hay sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng thương mại điện tử để mua bán sách online là những ví dụ nổi bật. Bên cạnh đó, không thể không kể đến sách điện tử (ebook). Và việc phát triển sách điện tử tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới. Khi thế giới phát triển ebook thì ở Việt Nam nhiều công ty ebook ra đời, khi thế giới nóng sốt vì audiobook (sách nói) thì ở Việt Nam audiobook cũng đang phát triển. Ngành xuất bản của Việt Nam luôn đi cùng những xu hướng của ngành xuất bản trên thế giới.

Theo khoản 4, Điều 4 - Giải thích từ ngữ trong Chương 1 của Luật Xuất bản năm 2012, xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức sau đây: (a) Sách in; (b) Sách chữ nổi; (c) Tranh, ảnh, bản đồ, ápphích, tờ rời, tờ gấp; (d) Các loại lịch; (đ) Bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.

Theo đó, khoản 9, Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012 có định nghĩa xuất bản phẩm điện tử như sau: là xuất bản phẩm quy định tại các điểm a, c, d, đ khoản 4 Điều này được định dạng số và đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử. Như vậy, theo định nghĩa trong Luật Xuất bản năm 2012, chúng ta có thể hiểu, xuất bản phẩm điện tử bao gồm sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook), sách có video (video book), sách 3D, sách thực tế ảo tăng cường (AR book),... Ở thị trường Việt Nam hiện nay, phổ biến nhất là ebook và audiobook.

Thị trường sách điện tử ở Việt Nam: Triển vọng và những trở ngại - 1

Minh họa Ebook

Ebook có thể được hiểu là sách in được chuyển đổi sang định dạng số để đọc trên các thiết bị số như máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng, iPad, điện thoại,... Định nghĩa như vậy thì chưa đủ cho một ebook. Ebook phải có hai đặc tính quan trọng, không thể thiếu, đó là: không thể can thiệp nội dung và thích ứng với từng loại màn hình. Ebook phải được chuyển đổi sang định dạng số với kỹ thuật tối ưu để người đọc không thể can thiệp nội dung. Để bảo đảm chất lượng của ebook thì nội dung không được thay đổi dưới bất cứ hình thức nào bởi người dùng cũng như đối với sách in.

Một đặc tính quan trọng nữa của ebook là khả năng thích ứng với màn hình của nhiều thiết bị số khác nhau, cho dù kích cỡ màn hình như thế nào. Chính vì đặc tính này mà trong các loại định dạng của ebook như epub, azw, pdf thì pdf lại bị xem là không tiêu chuẩn. Định đạng pdf không tự động điều chỉnh để tương thích với kích cỡ màn hình, nên sẽ rất khó khi đọc ebook với định dạng pdf trên màn hình nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, nhiều nhà xuất bản vẫn còn sản xuất ebook theo định dạng này; một phần do thiếu vốn để đầu tư công nghệ, một phần là do tính quen thuộc của pdf. Trong hai loại định dạng còn lại, azw thì dành riêng cho Kindle của Amazon, còn lại epub là định dạng ebook tốt nhất và hiệu quả nhất hiện nay, vì nó thỏa mãn được đặc tính tương thích màn hình.

Audiobook là sách in được thu âm để nghe trên các thiết bị số như máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng, iPad, điện thoại,... Định dạng file MP3, MP4.

Thị trường sách điện tử ở Việt Nam: Triển vọng và những trở ngại - 2

Minh họa Audiobook

Hiện tại còn dạng ebook có kết hợp với âm thanh và hình ảnh; đặc biệt là truyện tranh - khi được “nhúng” âm thanh và cho hình động vào nội dung, hình thức này được gọi là webtoon. Hình thức này xuất hiện ở Hàn Quốc và Nhật Bản từ lâu và đã du nhập vào Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Trong khoảng những năm 2008-2010, ebook trên thế giới đã phát triển mạnh, với thống kê của Amazon vào tháng 7/2010 là cứ 140 cuốn sách điện tử bán ra mới có 100 cuốn sách giấy bán tương ứng. Nắm được thông tin đó, giới xuất bản Việt Nam cũng đã dự đoán sự ra đời và phát triển của ebook tại thị trường trong nước; đồng thời với đó là nhiều lo ngại về việc ebook phát triển sẽ ảnh hưởng đến sách giấy. Xu hướng đó của thị trường ebook thúc giục các nhà xuất bản, các công ty sách, cũng như nhiều công ty khác đã đầu tư vào việc xuất bản và phát hành ebook. Nhiều công ty lần lượt ra đời như Alezaa, Lạc Việt, Sachweb (Nhà xuất bản Tổng hợp), Ybook (Nhà xuất bản Trẻ), Komo,...

Từ khi ra đời năm 2012, Ybook của Nhà xuất bản Trẻ và một số đơn vị khác cố gắng định vị giá bán thấp để thâm nhập thị trường cũng như giáo dục cho độc giả ý thức sử dụng các sản phẩm có bản quyền. Thị trường ebook ở Việt Nam trăm hoa đua nở, người người nhà nhà đầu tư vào xuất bản và phát hành ebook. Tuy nhiên, tính đến nay đã 10 năm, thị trường ebook có lúc đã lắng xuống, nhưng hiện nay có tín hiệu tăng trưởng trở lại. Có công ty đã rời thị trường, có công ty đóng băng, nhưng cũng có công ty vừa ra đời và tuyên bố sẽ vừa phát hành ebook, vừa phát triển hướng đi mới mà họ cho là đáp ứng nhu cầu tự xuất bản, nhu cầu viết theo nhóm kiểu 4.0 của tác giả, độc giả Việt Nam.

Thị trường sách điện tử ở Việt Nam: Triển vọng và những trở ngại - 3

Sự thăng trầm của thị trường cũng như hoạt động không hiệu quả của các công ty ebook xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên, có thể kể đến là xu hướng thế giới cũng như những dự báo trước đó đã không diễn ra như mong đợi; giờ đây giới làm sách trên thế giới lại chuyển hướng sang phát triển audiobook hay những hình thức sách khác dựa trên nền tảng công nghệ.

Thứ hai, câu chuyện lớn nhất của việc kinh doanh ebook chính là nội dung (content) và công nghệ. Do sự nở rộ của nhiều đơn vị làm ebook nên có tình trạng phân mảnh, các đơn vị tự bản thân mình không có nhiều và không có đủ đầu sách để cung cấp cho bạn đọc. Điều này gây bất tiện cho độc giả, bởi nếu muốn đọc ebook của các nhà xuất bản ở Việt Nam, độc giả phải tải rất nhiều ứng dụng (app) của nhiều đơn vị cung cấp ebook khác nhau về các thiết bị của mình. Song song đó là công nghệ của các đơn vị kinh doanh ebook ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Các công ty chưa đầu tư đúng mức về công nghệ để theo kịp xu hướng làm ebook trên thế giới.

Thứ ba, nạn vi phạm bản quyền sách điện tử còn rất phổ biến. Việc phát tán các sách điện tử không có bản quyền trên mạng ngày càng nghiêm trọng. Hầu như rất dễ dàng tìm thấy một bản ebook của bất kỳ một cuốn sách nào trên mạng! Và cuối cùng là do Thông tư số 42/2017/TTBTTTT buộc các nhà xuất bản, công ty ebook phải xây dựng đề án hoạt động xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử để tiếp tục hoạt động. Rất nhiều nhà xuất bản, đơn vị kinh doanh ebook hoặc đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ đề án hoặc không đáp ứng đủ yêu cầu của đề án, nên việc phát hành ebook bị dừng lại. Đây là một nguyên nhân ảnh hưởng đến số lượng xuất bản phẩm nộp lưu chiểu, mà theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong hai năm 2017-2018 mỗi năm chỉ có trên 200 xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu so với trên dưới 30.000 bản sách in (năm 2015 có 1.163 xuất bản phẩm điện tử).

Thị trường sách điện tử ở Việt Nam: Triển vọng và những trở ngại - 4

Lễ ra mắt bộ sách điện tử tổng hợp “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường sách điện tử đã khởi sắc trở lại. Với số liệu sách điện tử nộp lưu chiểu theo thống kê năm 2020 là 2.000 xuất bản phẩm điện tử, năm 2021 là 2.300 xuất bản phẩm và 6 tháng đầu năm 2022 là 1.142 xuất bản phẩm. Có hai nguyên nhân chính có thể lý giải cho sự tăng trưởng trở lại này.

Thứ nhất, việc cấp phép hoạt động xuất bản điện tử cho các nhà xuất bản đã được thúc đẩy nhanh hơn. Cục Xuất bản, In và Phát hành luôn tạo điều kiện và hỗ trợ để giúp các đơn vị đủ điều kiện theo quy định có thể đầu tư sản xuất - kinh doanh xuất bản phẩm điện tử. Tính đến đầu năm 2022 đã có 12/57 nhà xuất bản được cấp phép sách điện tử. Bên cạnh các nhà xuất bản còn có một số công ty cũng được cấp phép phát hành sách điện tử.

Thứ hai, từ năm 2019, một số ứng dụng sách nói đã ra đời, như Fonos, Voiz FM, Waka,... Các ứng dụng này đã nhanh chóng bắt kịp và đáp ứng đúng nhu cầu của độc giả, đặc biệt trong hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành (2020, 2021). Đến nay, ebook vẫn đang tồn tại bên cạnh audiobook ngày càng lớn mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các công ty phát hành audiobook đều có báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng rất khả quan.

Dù thực trạng ebook có lúc ảm đạm, nhưng cũng phải khẳng định rằng ebook vẫn và sẽ còn tồn tại và phát triển; sách điện tử dựa trên nền tảng công nghệ tiếp tục là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực xuất bản. Điều đó thể hiện qua nhu cầu sử dụng ebook/audio của bạn đọc phổ thông còn cao (chẳng hạn, cho dù chúng ta có cấp phép xuất bản hay không, cho dù chúng ta có quản lý hay không thì một số trang mạng vẫn đang công bố rất nhiều sách trên mạng và vẫn thu hút được một lượng độc giả nhất định; hay như bạn đọc vẫn đang sử dụng nhiều các sách không có bản quyền trên nhiều trang mạng xã hội khác nhau).

Đối với các nhà nghiên cứu, sinh viên, nhu cầu sử dụng ebook rất cao, bởi tính tiện dụng của xuất bản phẩm điện tử này trong nghiên cứu, học tập của họ. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên số hóa tại các thư viện còn hạn chế hay đã có nguồn số hóa nhưng lại không đủ nền tảng để chia sẻ nguồn tài liệu nội sinh này giữa các thư viện với nhau, dẫn tới tình trạng sinh viên phải tìm kiếm những nguồn trôi nổi, không nguồn gốc trên mạng. Nhu cầu đòi hỏi của thời đại, của bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi mọi thứ đều dựa nhiều vào dữ liệu lớn (big data), học máy (machine learning), học sâu (deep learning),... nếu không có đủ nguồn số hóa, không đủ nguồn ebook/audio phục vụ nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc thì ngành xuất bản sớm bị bỏ lại phía sau.

Thị trường sách điện tử ở Việt Nam: Triển vọng và những trở ngại - 5

Lĩnh vực xuất bản điện tử ở Việt Nam đã có hơn 10 năm để thử nghiệm, để hoàn thiện, và để chọn phương thức phù hợp nhất.

Để đẩy mạnh phát triển sách điện tử thành mũi nhọn trong lĩnh vực xuất bản, để sách điện tử tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, và đồng thời để gia tăng số lượng xuất bản phẩm điện tử trong những năm tiếp theo, một số giải pháp nên tập trung:

Thứ nhất, chúng ta đã nói nhiều về chiến lược sách quốc gia, vậy cùng với chiến lược dành cho sách in, nên sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện tử, đó là các loại sách dựa trên nền tảng công nghệ như ebook, audiobook, VR book (sách thực tế ảo),... Nếu có được chiến lược này, chúng ta sẽ tránh được tình trạng phân mảnh, trăm hoa đua nở, khó quản lý như hiện nay. Chiến lược đó sẽ quy hoạch lại các đơn vị có đủ khả năng và độ tập trung để tập trung xuất bản và kinh doanh sách điện tử. Có được chiến lược này, chúng ta mới tận dụng được nguồn lực và lợi ích to lớn của công nghệ để đưa được nhiều sách hơn nữa tới đông đảo bạn đọc, không chỉ trong nước, ở vùng sâu, vùng xa mà còn bạn đọc trên toàn thế giới.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp lý để sớm tăng cường số lượng đơn vị được phép xuất bản sách điện tử. Bên cạnh đó, cần mạnh tay dẹp bỏ triệt để các hành vi chia sẻ lậu, bất hợp pháp các ebook, audiobook trên mạng, YouTube, mạng xã hội,... Đặc biệt, xử lý nhanh chóng nhiều đơn vị vẫn đang ngang nhiên xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử mà chưa được cấp phép. Có thể có cơ chế hoặc cơ quan bảo vệ quyền tác giả và hành xử như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để giúp các đơn vị làm sách điện tử giảm thiểu thiệt hại do vi phạm bản quyền gây ra.

Thứ ba, cần quan tâm, hỗ trợ đầu tư công nghệ cho các đơn vị xuất bản sách điện tử. Tiềm lực về nền tảng công nghệ của các nhà xuất bản và các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất bản hiện nay còn hạn chế. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền tảng công nghệ để sản xuất và phát hành sách điện tử rất nhanh lỗi thời, do đó các đơn vị phải cần nguồn vốn lớn để liên tục cập nhật, nâng cấp. Có như thế mới đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc, theo kịp được xu hướng của thế giới, và tránh lặp lại những khó khăn mà các công ty ebook thời kỳ đầu ở Việt Nam gặp phải.

Thứ tư, tăng cường đào tạo nhân lực làm sách điện tử có chất lượng cao, am hiểu về xuất bản lẫn công nghệ. Bên cạnh đó, có thể tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển vốn có ngành sách điện tử đã và đang đi vào hoạt động hiệu quả.

Lĩnh vực xuất bản điện tử đã có hơn 10 năm để thử nghiệm, để hoàn thiện, và để chọn phương thức phù hợp nhất. Với sự quan tâm đặc biệt của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự quản lý chặt chẽ đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi của Cục Xuất bản, In và Phát hành, lĩnh vực xuất bản điện tử dần có những kết quả tích cực. Nếu những hạn chế được khắc phục, sách điện tử sẽ sớm phát huy tối đa vai trò của mình, không chỉ thúc đẩy văn hóa đọc, tạo điều kiện sản xuất - kinh doanh cho các đơn vị xuất bản, mà còn giới thiệu lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam ra nước ngoài một cách hiệu quả và nhanh chóng.

Nhà xuất bản Trẻ

Tin liên quan

Tin mới nhất