"Cái ác vẫn đang tồn tại, không phải do các bộ phim 'dạy' xã hội"

Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, mô tả xã hội như nó vốn có, để tìm giải pháp điều chỉnh là nghĩa vụ của nghệ thuật phim truyện. Không thể coi đề tài chống tội phạm là đề tài cần “e ngại” hay cấm kỵ.

Những ngày qua, bộ phim truyền hình “Người phán xử” trở thành tâm điểm dư luận sau phát biểu của Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh tại cuộc họp góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) diễn ra ngày 14/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi ông cho rằng sau khi công chiếu bộ phim này, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều.

"Chúng ta đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả mà đưa vào đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này", Thiếu tướng Lê Tấn Tới nói.

"Cái ác vẫn đang tồn tại, không phải do các bộ phim 'dạy' xã hội" - 1

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.

Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã về vấn đề này:

Khán giả không phải là những cái máy chỉ thẩm thấu một chiều

PV: Quan điểm của bà như thế nào về về ý kiến sau khi chiếu phim "Người phán xử" thì băng nhóm tội phạm "xã hội đen" xảy ra nhiều hơn…đang gây xôn xao trong dư luận?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Có thể nói ý kiến cho rằng phim về tội phạm khiến cho hành vi phạm tội gia tăng trong xã hội là một ý kiến ấu trĩ, thiếu hiểu biết. Từ thượng cổ cặp phạm trù “Thiện – Ác” đã được khai thác triệt để trong các câu chuyện kể, trong các vở kịch và các bộ phim truyện trên khắp thế giới. Không nói đến cái ác, làm sao nói được những hy sinh khốc liệt hoặc thầm lặng mà những người hùng bảo vệ xã hội của chúng ta phải trải qua?

Không thể cứ ngồi trong tháp ngà để nhắm mắt coi như không có một thế giới tội phạm đang ngày càng phát triển tinh vi và phức tạp ngay trong lòng xã hội Việt Nam đương đại. Cái ác đang tồn tại, không phải do các bộ phim “dạy” xã hội làm ác. Nó phát sinh từ lòng tham, từ sự ích kỷ, từ tâm ác, và cả từ sự thiển cận nữa. Nghệ thuật phim truyện phải chỉ đích danh chúng, phân tích nguyên nhân và động cơ hành động của chúng, để từ đó cho thấy mỗi chiến công của lực lượng bảo vệ xã hội phải vượt lên những cam go, phải chấp nhận hy sinh như thế nào.

"Cái ác vẫn đang tồn tại, không phải do các bộ phim 'dạy' xã hội" - 2

NSND Hoàng Dũng và diễn viên Việt Anh, Hồng Đăng trong "Người phán xử".

PV: Nếu một người đủ năng lực hành vi dân sự, xem phim nhưng không phân biệt được tốt, xấu mà bắt chước theo cái xấu, vậy phim ảnh có lỗi không?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Tôi xin nhắc lại, là thật ấu trĩ khi nói rằng ai đó xem phim về đề tài chống tội phạm lại có thể trở thành tội phạm do “bắt chước”. Nghệ thuật phim truyện có đủ các giải pháp để giúp khán giả nhận diện cái đúng cái sai, cái nên làm và cái nên tránh xa. Vả lại khán giả không phải là những cái máy chỉ thẩm thấu một chiều. Năng lực dân sự của họ không chỉ để chịu trách nhiệm trước pháp luật, mà còn để tự kiểm soát, tự chịu trách nhiệm trước các nền tảng đạo lý và lương tâm của chính họ.

Nếu nói đến tác động nào đó không kiểm soát được đối với hành vi của khán giả thì tôi nghiêng về hướng các tình tiết tội phạm này (bạo lực, tham nhũng…) sẽ khiến cho “người nào đó” có tật giật mình. Một kẻ có máu bạo lực sẽ nhìn thấy hành vi bạo lực của mình đáng kinh tởm thế nào. Một kẻ tham nhũng sẽ phải tự sờ gáy khi thấy các “mánh” của mình dường như bị bóc mẽ trên phim. Không có ai thấy kẻ tham nhũng phải tra tay vào còng lại mong ước mình sẽ hành động để có kết cục ấy. Và đây là một trong những nhiệm vụ tối thượng của phim ảnh.

Có thể xem xét lại khung giờ phát sóng

PV: Bà nghĩ sao về việc cần chế tài nghiêm khắc các phim có yếu tố bạo lực vì có người cho rằng dòng phim tội phạm không có giá trị giáo dục, thẩm mỹ, ảnh hưởng xấu trẻ nhỏ, vị thành niên?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Việc điều chỉnh liều lượng các tình tiết bạo lực đã có luật. Người làm phim cần tuân thủ luật pháp khi tác nghiệp. Đối với trẻ em, thì trong Luật Điện ảnh có các điều khoản về phân loại phim. Việc kiểm soát cho trẻ em được xem phim này hoặc không được xem phim kia thuộc về trách nhiệm gia đình trước hết.

Đồng thời, cũng như với phim có yếu tố tình dục một thời cũng gây tranh luận và đài truyền hình đã đẩy các phim này xuống một khung giờ phát sóng mà các gia đình có thể kiên quyết yêu cầu trẻ em không được xem tivi nữa....thì nếu các phim về đề tài chống tội phạm có những chuỗi hình ảnh quá tầm hiểu biết và cảm thụ của trẻ em thì cũng cần xem xét lại khung giờ phát sóng. Tuy nhiên, tôi phải nói thật rằng các phim về đề tài chế ngự tội phạm của Việt Nam làm chưa tới, cả về việc mô tả thế giới tội phạm lẫn các chiến công của lực lượng hành pháp, tư pháp...  

"Cái ác vẫn đang tồn tại, không phải do các bộ phim 'dạy' xã hội" - 3

Bộ phim "Quỳnh búp bê" từng phải đưa ra khuyến cáo 18+ sau những tranh cãi về cảnh quay táo bạo về mại dâm và bạo lực.

PV: Trước những lo ngại về phim mà nhiều yếu tố bạo lực quá cũng dễ khiến chức năng giáo dục bị suy giảm, gây bức xúc hoặc ám ảnh xã hội, bà có nghĩ rằng các nhà làm phim sẽ phải e ngại một mảng đề tài hay chỉ để đảm bảo an toàn?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Mô tả xã hội như nó vốn có, để tìm giải pháp điều chỉnh là nghĩa vụ của nghệ thuật phim truyện. Không thể coi đề tài chống tội phạm là đề tài cần “e ngại” hay cấm kỵ. Thế giới đã hình thành một thể loại phim “phân tích tâm lý tội phạm” như một cách cảnh báo và chỉ dẫn cho xã hội tránh xa nó. Mặt khác cũng kích hoạt cảm xúc mang xu hướng ghê tởm, kinh sợ với chân dung kẻ phạm tội, từ đó nhắc nhở người dân tránh xa các hành vi có thể dẫn họ đến vòng lao lý.

Từ góc nhìn khác, muốn nói đến hoặc ca ngợi các anh hùng chống tội phạm thì không cách gì bỏ qua việc đề cập đến thế giới tội phạm ấy. Đây là một đề tài cần thiết cho xã hội, tuy nhiên cần cân đối trong cả hệ thống đề tài được khai thác trong năm và giữa các kênh, và tôi thấy các nhà đài đã rất cân bằng trong việc hoạch định đề tài như hiện nay.

PV: Xin cảm ơn bà!./.

Bộ phim truyền hình "Người phán xử" công chiếu giờ vàng trên sóng VTV vào tháng 3/2017, thuộc thể loại hình sự và dài 46 tập. Kịch bản phim được kế thừa từ bộ phim cùng tên của nền điện ảnh truyền hình Israel, khai thác bức tranh đa chiều về đời sống, suy nghĩ, tình cảm, các mối quan hệ phức tạp và cuộc chiến giành quyền lực trong giới giang hồ hiện đại. 

Tại giải thưởng Ấn tượng VTV 2017, phim "Người phán xử" đã giành được giải thưởng ở 2 hạng mục danh giá là giải Phim truyền hình ấn tượng và Diễn viên nam ấn tượng (NSND Hoàng Dũng).

Nguồn vov.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ