Đêm "chia muỗi"

(Arttimes) - Mùa hè năm 1979, vừa thi xong đại học ở Trường Văn hóa Quân khu IV, trong lúc chờ giấy báo, tôi được điều động đến đơn vị tăng gia sản xuất tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đây là nhiệm vụ mới mẻ khiến tôi vừa đi, vừa cảm thấy lo lắng. Vừa đến ga Thuận Lý (Đồng Hới) thì cũng là lúc đoàn tàu đến và dừng hẳn trên sân ga. Tôi vội vã lên tàu, lúc này trên tàu rất đông người nhưng vì mua được vé sớm nên tôi vẫn có một chỗ ngồi tốt.

Tiếng tàu xình xịch… xình xịch, cứ thế vang vọng trong đêm. Tôi miên man gối đầu lên ba lô nhớ lại những ngày ôn thi gian khổ, vất vả ở Trường Văn hóa Quân khu. Cả năm trời, hầu như chúng tôi phải ăn bo bo (mì hạt), chỉ có ngày lễ, Tết mới được bữa cơm độn sắn (củ mì), những ngày Chủ nhật phải vào rừng lấy củi… Cái tên “Dốc sĩ quan, hạ sĩ quan” (do học viên khóa trước đặt tên) thực sự là nỗi khiếp sợ của chúng tôi mỗi khi được cử đi vào rừng. Hai cái dốc dựng đứng cheo leo trên hai vách núi, nhìn xuống phía dưới là dốc thăm thẳm. Những hôm trời mưa to hoặc có sương mù phải đi rất cẩn thận nếu không có thể trượt chân rơi xuống vực… Nhưng bù lại, chúng tôi có được tình cảm của người dân thị trấn Cộn, nơi đơn vị đóng quân dành cho thật tuyệt vời. Nhiều đêm học bài khuya, các mẹ các chị mang khoai, mang sắn cho chúng tôi ăn đỡ đói lòng. Hoặc những hôm nước suối dâng cao không thể vào rừng, người dân đã cho củi để mang về đun nấu… Đang mải theo đuổi với những suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai được ra Thủ đô trong một ngày không xa, tôi chợt giật mình khi nghe thấy tiếng thông báo của nhân viên nhà ga: “Hành khách chú ý, đoàn tàu Vinh đi Huế đã đến Ga Long Đại đề nghị hành khách có vé đến ga Long Đại khẩn trương xuống tàu”. Theo tác phong được rèn luyện trong quân ngũ, tôi bật đứng dậy bước xuống sân ga.

Đêm "chia muỗi" - 1

Chân dung tác giả năm 1979

Trong đêm thanh vắng, tôi nhanh chóng rời khỏi ga tàu, ra quốc lộ 15A hướng ga Mỹ Đức để về địa điểm tăng gia, sản xuất của đơn vị. Lúc này đã hơn 11 giờ đêm, trời tối không nhìn rõ mặt người, tôi dò từng bước, thỉnh thoảng hai bên vách núi có tiếng vọng của các loài thú rừng... Lúc này, tôi cảm thấy sợ hãi, vì là lần đầu tiên đi một mình trong đêm, giữa núi rừng hoang vắng. Chân bước đi nhưng tôi thỉnh thoảng lại phải ngoái lại phía sau để đề phòng.

Đi được một quãng, tôi nhìn thấy ở phía đằng xa có một ngôi nhà với ánh đèn le lói… Thú thật, cảm xúc của tôi lúc này thật khó tả. Ngôi nhà hiện dần trong đêm với những hàng cây chè rào và một chiếc cổng nhỏ hai cánh đan bằng phên nứa. Trong người đã thấm mệt, tôi cố mạnh dạn gọi chủ nhà xin vào nghỉ nhờ. Nghe tiếng tôi gọi lần thứ ba, một cô gái trẻ nói vọng ra: “Ai ngoài đó mà đêm hôm xin nghỉ nhờ”. Giọng nói đặc miền Trung của tôi chắc cô gái nhận ra: “Tôi là bộ đội đang tìm đường về đơn vị”. Nghe tôi nói vậy, cô gái bước ra nhìn tôi và nói: “Anh thông cảm, nhà có một mình tui, nhỡ ra…”. Như hiểu được điều cô gái suy nghĩ, tôi bước ra ngoài cổng, đặt ba lô xuống, trải áo mưa ngồi chờ trời sáng để về đơn vị.

Như có linh cảm điều gì, cô gái cầm chiếc đèn dầu và quay ra mở cổng và nói: “Chắc anh người miền Trung, đồng hương, thôi mời anh vào nhà đi, đừng ngồi ngoài đó sương xuống dễ bị ốm đó”. Tôi đang do dự, cô gái đã vội giằng lấy chiếc ba lô và đưa tôi vào nhà.

Ngôi nhà tranh ba gian, xung quanh cài bằng phên nứa được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Bước vào căn phòng, trước mắt tôi là một bộ bàn ghế cũ và chiếc giường gỗ đã bạc màu. Bên phải là nơi để lương thực và đồ gia dụng. Ở gian giữa là chiếc bàn thờ rất linh thiêng, có treo ảnh chân dung một chiến sĩ quân đội đeo quân hàm trung sĩ pháo binh. Bên cạnh đó là tấm ảnh một người phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi. Phía trên bàn thờ là tấm Bằng Tổ Quốc ghi công được đặt trang trọng. Nhìn di ảnh người chiến sĩ, lòng tôi như trào dâng một cảm xúc mạnh mẽ và nhớ lại hình ảnh những người đồng đội đã chiến đấu hy sinh được trưng bày ở nhà truyền thống của Trung đoàn. Như đọc được những băn khăn của tôi, cô gái vội nói: “Đây là bọ và mạ tui đó. Bọ tui hy sinh năm 1972, trong khi chiến đấu bảo vệ bến phà Long Đại. Bọ tui là bộ đội pháo cao xạ đoàn Sông Gianh, mẹ tui mới mất được vài năm ni”. Nghe cô gái nhắc đến đoàn pháo cao xạ Sông Gianh, tôi hơi bất ngờ khi biết bố cô gái lại là người cùng đơn vị với mình. Tôi đứng nghiêm trang trước bàn thờ và nói: “Cho phép tôi được thắp nén hương cho người đồng đội vì ngày trước tôi cũng ở Trung đoàn pháo cao xạ Sông Gianh”. Nghe tôi nói vậy, cô gái ngạc nhiên ngước nhìn tôi với đôi mắt thiện cảm…

Đặt ly nước vối lên bàn mời tôi, cô gái nói: “Em tên là Liên, còn anh tên chi mà răng lại đi đêm rứa?”. Tôi kể cho Liên nghe tại sao mình lại rơi vào hoàn cảnh này. Nhìn thấy thái độ chân tình của tôi, lúc này cô gái cũng bắt đầu có vẻ tin tưởng tôi hơn.

Rồi Liên kể qua hoàn cảnh gia đình cô và những mất mát đau thương, khi mà cô phải gánh chịu hai cái tang, mất cả bố lẫn mẹ. Liên cũng cho biết anh trai cô vừa nhập ngũ được hơn năm nay, hiện vẫn ở biên giới Tây Nam, lâu nay không có tin tức gì.

Nghe Liên kể, nỗi xúc cảm trào dâng trong tôi và tôi thầm nghĩ: “Gia đình Liên cũng như bao gia đình Việt Nam khác phải chịu đựng mất mát, đau thương trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng có lẽ mảnh đất Quảng Bình này nơi tuyến lửa ác liệt, người dân nơi đây phải có sức chịu đựng ghê gớm lắm thì mới vượt qua được những tàn khốc của chiến tranh. Trong đó phà Long Đại, tuyến đường 15A là những huyết mạch trọng điểm bắn phá ác liệt của địch. Đơn vị pháo cao xạ của chúng tôi đã bám trận địa đến cùng bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Nhưng cũng không ít đồng đội của tôi đã hy sinh tại chính mảnh đất này và bố của Liên cũng vậy.

Lúc này, đêm đã quá khuya, nhưng không khí vẫn còn ngột ngạt bởi sức nóng của gió Lào. Tôi ngồi xuống ghế và giục Liên đi ngủ, còn đêm nay tôi sẽ thức. Nhưng Liên đâu có chịu, cô nói: “Anh lên giường ngủ đi, màn tui mắc sẵn rồi đó để tui ra sân ngồi cho thoáng”. Nói rồi Liên bước đi, tôi vội vàng ngăn lại: “Không được đâu, tôi là bộ đội gác đêm quen rồi để tôi thức, Liên đi ngủ đi”. Nói rồi tôi ngồi xuống ghế, gục đầu lên bàn giả vờ như ngủ. Như biết không thể thuyết phục được tôi, cuối cùng Liên mới chịu vào giường kín đáo buông màn ngồi trong đó.

Đêm mùa hè nóng bức muỗi từng nắm, bay vo ve bên tai tôi. Nghe tiếng đập muỗi của tôi, có lẽ Liên vẫn chưa ngủ nói vọng ra: “Anh lên giường nằm màn đi không muỗi đốt ốm đó, tui quen rồi, nó không đốt tui mô”. Lại một cuộc “thuyết phục” nữa không thành, Liên đành chấp nhận, nhưng cô vội vén màn và ngồi dậy. Thấy vậy tôi nói: “Sao Liên không buông màn, khỏi muỗi”. Liên trả lời gọn lỏn: “Để tui “chia muỗi” cùng anh.”

Tôi thật sự xúc động khi nghe Liên nói cô muốn “chia muỗi” cùng tôi. Tôi chợt nghĩ: “Liên có thể không cho tôi vào nhà, cô có thể yên tâm nằm vào màn ngủ một giấc… nhưng cô đã không làm vậy, cô muốn “chia muỗi” cùng tôi như là sự “chia lửa” trong chiến trường vậy”.Đêm đó, cả tôi và Liên không ai chợp mắt được, phần thì muỗi, nóng, phần vì hoàn cảnh “một trai chưa vợ, một gái chưa chồng” ngủ chung cùng nhà… cả hai đều thổn thức… Hai người đều có những lý do khác nhau để dẫn tới hoàn cảnh này. Tôi vì sợ không dám đi trong đêm giữa vùng núi hoang vắng đành ở lại, còn Liên có lẽ vì thông cảm, hay vì tình người mà “cố giữ” tôi ở lại trong một tình huống có thể không mấy “an toàn” cho cô…

Trong đêm thanh vắng, dưới ánh đèn dầu mờ ảo, nhìn cô gái đang ngồi tựa đầu vào vách để ngủ, lòng tôi thật xốn xang… Gà gáy đến lần thứ ba, thấy tôi vẫn ngồi đó và như đoán được sự “chịu đựng” của tôi, Liên cất tiếng, giọng đầy tỉnh táo (có lẽ cô ngồi vậy chứ cũng chẳng ngủ được): “Anh không tranh thủ ngủ được chút à, mai còn về đơn vị”. Rồi cô gợi ý: “Nếu không ngủ được thì chúng ta nói chuyện cho vui anh hỉ, tui cũng có ngủ được mô”. Rồi Liên nói tiếp: “Anh chưa kể chuyện về anh cho tui nghe mô đó?”. Tôi đùa Liên: “Em muốn nghe chuyện gì?”, Liên ngập ngừng nói: “Thì chuyện quê hương, chuyện sự nghiệp hay tình yêu gì đó”… Rồi tôi liền kể Liên nghe: “Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh. Mùa thu năm 1976, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, tôi tạm xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Tôi được biên chế vào Trung đoàn pháo cao xạ Sông Gianh anh hùng. Cái tên mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt cho. Sau gần hai năm huấn luyện, tôi được cấp trên cử đi học ôn thi đại học ở Trường Văn hóa quân khu IV ở thị xã Đồng Hới, Quảng Bình để sau này phục vụ quân đội lâu dài. Vừa mới thi xong đại học, đơn vị điều vào đây tăng gia, sản xuất cải thiện đời sống cho bộ đội và mới tình cờ có buổi gặp gỡ hôm nay…”

Liên ngồi nghe tôi kể một cách say sưa như không bỏ sót một chi tiết nào, rồi chợt hỏi: “Ở đoàn Sông Gianh anh ở đơn vị mô?”. Tôi nghĩ: “Chắc Liên muốn kiểm tra tôi đây, có gì bí mật quân sự không nhỉ? Thôi chẳng có gì đâu.” Suy nghĩ vậy rồi tôi trả lời: “Anh ở Đại đội 10”. Nghe tôi nói vậy, Liên ngạc nhiên nói: “Sao lại có sự trùng lặp rứa hỉ, bọ (bố) em cũng ở C10 đó”…

Có vẻ như đã hoàn toàn tin tưởng tôi, Liên kể cho tôi nghe về sự hy sinh của bố mình: “Em vẫn còn nhớ như in buổi chiều định mệnh, đó là mùa hè năm 1972. Trước khi mất, bọ em đi chặt lá để về ngụy trang trận địa, bọ tranh thủ ghé thăm nhà. Sáng hôm đó, lúc chuẩn bị lên đường về trận địa, bọ cứ quấn quýt bên em… rồi bọ hôn lên tóc em (một động tác rất ít khi có, khiến em cảm thấy như có điều gì đó chẳng lành sắp đến). Sau đó bọ em trở về trận địa. Em không ngờ đấy là lần cuối cùng bên em rồi bọ đã ra đi mãi mãi”. Ngước cặp mắt ngấn nước nhìn tôi, Liên kể tiếp: “Hôm đó khoảng năm giờ chiều có một tốp máy bay phản lực gồm 5 chiếc F4 (loại máy bay này thường được mệnh danh là Con ma) từ ngoài biển bay vào, sau một hồi lượn vòng chúng tăng độ cao và bổ nhào xuống ném bom. Tiếng pháo cao xạ 57 li của ta bắn lên nổ vang rền, tiếp đó là tiếng rít của bom nổ nhức tai và liên tiếp là tiếng đạn pháo và tiếng bom nổ. Khoảng 30 phút sau khi máy bay của chúng cút, không gian mới trở lại yên tĩnh. Tối hôm đó em và mạ nhận được tin dữ là bọ em đã hy sinh khi đang bắn trả máy bay Mỹ. Một quả bom trúng gần công sự đã làm bọ em và hai chú bộ đội hy sinh”.

Tôi thật sự xúc động khi nghe Liên kể, tôi liền an ủi Liên: “Bố em và bao đồng đội ngã xuống là để cho chúng ta có cuộc sống yên bình của ngày hôm nay.” Động viên em vậy, nhưng lòng tôi cũng quặn đau khi nghĩ về những mất mát quá lớn của đơn vị mình và tôi cũng thật tự hào với truyền thống của đoàn pháo cao xạ Sông Gianh anh hùng. Tự nhiên tôi liên tưởng đến mấy câu trong bài hát truyền thống của đơn vị: “Đẹp những tấm gương kiên cường trên tuyến lửa. Đẹp như Nguyễn Sĩ  Hùng, như anh Mão, anh Long. Bám trận địa đến cùng đánh quân thù khiếp sợ. Long Đại đây C10 rạng rỡ những chiến công. Chiếc thứ năm trăm làm cả nước nức lòng, Quảng Bình đây ta yêu quý vô cùng…”. Bài hát như một sự động viên khích lệ chúng tôi tiếp bước truyền thống hào hùng của đơn vị.

Trời đã sáng hẳn, tôi cảm ơn Liên để về đơn vị, Liên ái ngại khi nhìn tôi với đôi mắt thâm quầng vì cả đêm không ngủ và cái chân còn khập khiễng nên nói: “Anh chờ xíu để em vào xóm mượn bạn chiếc xe đạp đèo anh đi”. Nói rồi Liên chạy vội vào xóm. Lát sau Liên mang về chiếc xe đạp khung Sài Gòn trông cà tàng, đã mất một bên phanh và bảo tôi cứ ngồi lên Liên đèo. Tôi xấu hổ không muốn ngồi sau xe con gái, nhưng Liên gạt đi: “Anh đau chân không đi được đâu”.Tôi biết không thể cưỡng lại “mệnh lệnh” của Liên nên ngoan ngoãn xốc ba lô lên vai và ngồi lên xe dưới nắng hè oi ả. Ngồi sau xe, tôi ngắm nhìn đôi vai tròn trịa và mái tóc dài mượt trên tấm lưng eo, thon, mùi hương thơm từ tóc người con gái thoảng bay đã để lại trong tôi một cảm xúc rất đặc biệt…

 Hai tháng sau, nhận được giấy báo ra Hà Nội học, tôi đội mưa tầm tã đi bộ gần 10 cây số để đến chia tay em. Trước mắt tôi là cánh đồng lúa đang thì con gái bỗng chốc ngập trắng xóa, những chú chuột đồng béo mập đang vội vã bơi vào bờ. Liên cùng nhiều người dân đang hí húi vợt những chú chuột màu hung. Liên mặc chiếc quần lụa đen, xắn quá gối và chiếc áo đông xuân màu trắng bị ướt sũng. Đôi chân trắng thon dài của Liên bì bõm lội dưới ruộng để vớt chuột. Một lát sau lên bờ nhìn thấy tôi, Liên ngạc nhiên hỏi: “Ô, sao anh lại ở đây?”

Vớt được đầy hai giỏ tre chuột, tôi và Liên trở về nhà. Tôi băn khoăn: “Không biết Liên bắt chuột về làm gì nhỉ?”. Như đoán biết ý nghĩ của tôi, Liên nói: “Anh chưa ăn thịt chuột bao giờ à? Thịt chuột ăn bổ lắm. Bây chừ về em mổ một ít nấu ăn còn lại em ướp vào vại làm mắm để ăn dần…”. Nghe Liên nói vậy, tôi chợt thấy rùng mình.

Ngoài trời lúc này mưa đã bắt đầu to, nước tràn vào nền nhà. Tôi cùng Liên xúc lúa để lên bàn, lên giường đề phòng nước dâng cao. Hai chúng tôi đang hì hục làm việc bỗng nghe tiếng trống đánh dồn dập từ trong xóm vọng lại. Liên bảo tôi: “Báo động rồi anh ơi, anh ở nhà để em chạy đi giúp dân sơ tán”. Dứt lời Liên choàng vội áo mưa chạy vào xóm. Tôi chợt hiểu và cũng chạy theo Liên.

Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là nhiều ngôi nhà đã ngập nước và là tiếng kêu cứu của người dân cùng tiếng lội bì bõm của những người cứu hộ. Họ lội vào từng nhà để cõng người già và các cháu nhỏ lên khu đất cao hơn. Liên cũng lao xuống dòng nước để cứu giúp dân. Tôi cảm phục Liên một cố gái mảnh mai nhưng can đảm, tôi chợt nghĩ: “Không biết Liên có biết bơi hay không?”. Nghĩ vậy tôi vội lao theo em.

Mưa ngày một to, nước ngập rất nhanh, trên một số nóc nhà đã có người kêu cứu. Không ngần ngại, Liên nhảy ùm xuống dòng nước lạnh buốt bơi về phía một cánh cửa gỗ bị trôi lấy làm phao đẩy đến cứu người bị nạn… Chiều đến, mưa ngớt dần nhưng nước vẫn chưa rút kịp, quốc lộ số 1A và đường 15A cùng nhiều đoạn đường tàu đều bị ngập, gây ách tắc giao thông. Theo người dân ở đây trận lũ lịch sử này phải đến năm mươi năm nay mới có. Cả hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy gần như bị nhấn chìm trong nước.

Nhìn trời nước mênh mông, nhà cửa, ruộng vườn và từng đàn gia súc bị cuốn trôi,  tôi cảm thấy xót xa vô cùng và nghĩ thương cho người dân ở dải đất hẹp miền Trung này quá: “Chiến tranh thì hết sức ác liệt, thiên tai vô cùng khắc nghiệt với nắng hạn, gió Lào và bão, lũ thường xuyên. Thương Liên một thân một mình phải chống chọi với bao khó khăn, vất vả”…

Do nước ngập, đường tắc không thể về trường nhập học theo giấy gọi, nhưng tôi vẫn được nhà trường ưu tiên cho được nhập học.

Sau bốn năm được quân đội gửi học tại một trường đại học ở Hà Nội, tôi được điều động về dạy học ở một học viện thuộc Bộ Quốc phòng. Tình cờ qua một học viên của trường, người cùng làng với Liên, tôi được biết, Liên đã xây dựng gia đình cùng anh thương binh từng là quân tình nguyện bộ đội Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Campuchia, đã có một cháu gái kháu khỉnh và Liên làm Chủ tịch Hội Phụ nữ của xã.

Thấm thoắt mới đó mà đã hơn bốn mươi năm trôi qua, nhưng hình ảnh của Liên  vẫn đọng lại trong tôi. Trong buổi chia tay bịn rịn dưới ánh nắng thu vàng, Liên ngước nhìn tôi với đôi mắt đượm buồn như muốn nhắn nhủ bao điều mà đến nay tôi vẫn chưa có lời giải… Nhưng hình ảnh của Liên, cô gái xinh đẹp có tấm lòng bao dung đã “chia muỗi” cho tôi trong đêm hè oi bức vẫn luôn đọng lại mỗi khi tôi nhớ về những ký ức của một thời quân ngũ…  

Mùa thu năm 2021                                                                                                            

None

Trần Anh Tuấn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.