Nghệ sĩ múa Thế Chiến: Người đánh trống cái trong “Trống hội Thăng Long”

(Arttimes) - Bàn bạc nhiêu ngày, đủ các cấp, và cuối cùng, người nghệ sĩ được chọn chính là nghệ sĩ múa solid của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, vừa đức vừa tài: Thế Chiến.

Lớp mỹ thuật kháng chiến (1950- 1954) của Họa sĩ Tô Ngọc Vân đào tạo ra nhiều họa sĩ cách mạng nổi tiếng, trong đó có họa sĩ Nguyễn Thế Vỵ. Ông người Hà Nội, phố Ngõ Huyện giàu sang và cổ kính, yêu nghệ thuật và say mê lý tưởng nên lên đường kháng chiến, được chọn về học lớp Mỹ thuật lừng danh này. Và cũng từ đây ông đi theo con đường hội họa, gắn bó với hai cuộc kháng chiến của đất nước, có những tác phẩm xuất sắc đi vào Viện bảo tàng mỹ thuật: Lòng dân Tây Nguyên - sơn mài 1957; Dưới lá cờ quyết chiến quyết thắng Ðiện Biên Phủ - sơn dầu 1963; Thuở ấy- 1954, Đất nước còn bị chia cắt - sơn mài 1995; và đặc biệt là Ông Ké cách mạng về Pắc Bó - sơn mài 1995...

Những “tác phẩm” cũng khá là mỹ mãn của người họa sĩ tài hoa này là những đứa con, mà trai đầu lòng chính là Nguyễn Thế Chiến. Đẹp trai từ thuở nhỏ, lại mang trong mình nhiều tố chất nghệ sĩ của bố, nhưng Thế Chiến lại không làm bạn với sắc màu, mà là với nghệ thuật, nghê thuật múa. Anh được tuyển về học trường múa từ những khóa đầu tiên, rồi sau tốt nghiệp, cùng người yêu là Kim Khánh về Đoàn ca múa Hà Nội, tức Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long hiện nay, vào cái thời chiến tranh phá hoại, Hà Nội luôn trong tầm bom đạn của kẻ thù, vào cái thời đoàn còn ở giai đoạn “Nhạc Văn Kha, ca Quang ghi”, hát đã có những Minh Đỗ, Thanh Hiếu, Bích Liên, Bích Thảo, rồi TrầnTiến, Trọng Nghĩa, Huyền Châu, Trung Đức, Minh Đức (Đức bột)… nhưng múa còn khiêm tốn lắm, đoàn còn phải dạy công xây dựng, tuyển chọn diễn viên, mới thầy mời thợ… để về xây dựng cho bằng chị bằng em, cho có bản sắc riêng Hà Nội. Sự tăng cường của lớp diễn viên được đào tạo cơ bản qua trường múa như Vũ Lân trước đó, hay Thế Chiến, Kim Khánh sau này thật sự là rất quý với sự phát triển của ca múa Hà Nội ngày ấy…

Ngày ấy, tiếng tôi là bộ đội chiến trường, nhưng thường về những trại viết ở Hà Nội, và chơi thân với nhiều nghệ sĩ đoàn Ca múa Hà Nội. Họ thường đi vào mặt trận chúng tôi chiến đấu biểu diễn (Trần Tiến, Huyền Châu, Trọng Nghĩa, Vũ Huy Tiến), và các em đội múa vô cùng xinh đẹp. Nói về múa của đoàn, họ hay nói về Ngọc Hiếu (chồng ca sĩ Bích Thảo, sau anh sang đánh trống và quay phim truyền hình), Văn Thông, Văn Toản… và đặc biệt nét tài hoa, có phần “phếch đời” rất nghệ sĩ của Thế Chiến - trai phố cổ, con trai họa sĩ nổi tiếng Thế Vỵ. Nhất là một người dì của tôi, biên đạo múa tên tuổi Lệ Cung, phu nhân của ông Cục phó Cục nghệ thuật Hoàng Châu, nguyên Hiệu trưởng trường múa Việt Nam. Biên đạo Lê Cung khi ấy như là người dàn dựng, người chỉ huy nắm phần hồn phần cốt về múa của ca múa Hà Nội, dàn dựng tiết mục nào thì dì cũng nhằm những “nòng cốt” như Thế Chiến, Xuân Thanh… dàn dựng, và luôn khen Thế Chiến đến… gãy lưỡi mà chính tôi luôn được nghe. Dù rất khen chuyên môn của ông này, nhưng dì tôi cũng có phần ngại chất lãng tử, chất nghệ sĩ của ông, “Tay cầm bầu rượu nắm nem, mảng vui quên hết lời em dặn dò…”. Tôi nhớ ngày ấy Ca múa Hà Nội hay diễn ở rạp Hồng Hà, nhà dì Lệ Cung cũng ở đấy. Bà thường hay đứng trên ban công nhìn xuống trước mỗi giờ biểu diễn, khi nào thấy ông Thế Chiến khủng khỉnh đi từ Ngõ Huyện sang Nhà hát chuẩn bị cho đêm diễn lúc bấy bà mới yên lòng…

Lại một kỷ niệm khác về Thế Chiến. Hồi ấy tôi có dịp đi xem vũ kịch Lũy Hoa, do biên đạo Vũ Lân dựng cho đoàn Hà Nội, tái dựng lại những ngày đầu chiến đấu chống giặc Pháp của quân dân Hà Nội. Biên đạo Vũ Lân - Vũ Hoài thuộc loại Biên đạo đầu tiên do Trường múa Việt Nam đào tạo, và anh về công tác tại đoàn ca múa. Nhiệt tình trào dâng, lại tình yêu say đắm, với lực lượng múa Hà Nội ngày ấy vẫn còn khiêm tốn, anh vẫn dám dựng một vũ kịch lớn cũng gọi là to gan, mà dám làm bởi những vai chính anh tin có Thế Chiến và Thanh Mai đảm nhận (Thanh Mai chính là mối tình đầu của biên đạo Vũ Lân). Vũ kịch biểu diễn thành công rực rỡ, lãnh đạo Hà Nội, lãnh đạo văn nghệ… ngợi khen, Thủ đô ta đã có "Vũ kịch", đã có nghệ sĩ ballet tầm cỡ quốc gia, nhiều khi bác Vũ Lân như sống trong mơ. Nhưng dù giấc mơ đẹp đến mấy, bác vẫn thầm tấm tắc, vũ kịch thành công là do nỗ lực chung của anh chị em trong đoàn, nhưng cũng phải ghi nhận tài năng của Thế Chiến và Thanh Mai. Sau này anh Vũ Lân vào “chiến đấu” cho đoàn ca múa Đăklăk, và cũng đã chia tay mối tình đầu, nhưng gặp anh giữa cao nguyên lộng gió Buôn Ma Thuột, nhắc đến vũ kịch Lũy hoa, anh vẫn chỉ một mực nhắc đến tên hai nghệ sĩ đóng góp quan trọng nhất cho vũ kịch, là Thế Chiến và Thanh Mai.

Năm 2010, Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Lần đầu tiên một dàn trống hùng vĩ xuất hiện. Ai sẽ là người vinh dự được chọn đánh trống Cái trong tiết mục “Trống hội Thăng Long” gọi hồn sông núi, bá cáo bốn phương đất trời, mở màn cho lễ hội? Bàn tính rất kỹ, bởi trong nghệ thuật còn là chính trị. Hà Nội có cả chục đoàn nghệ thuật, đủ các loại hình, biết đánh trống cũng có cả ngàn ông nghệ sĩ, sẽ chọn ai đây? Hẳn phải là một nghệ sĩ tiêu biểu, cao to đẹp giai bề thế đã đành, mà cũng phải là người Nghệ sĩ xuất sắc của Thủ đô – mảnh đất ngàn năm văn vật, lại không dính tai tiếng scandal gì, nói đến tên tuổi trong lòng dân phải vang lừng như trống trận, chứ cũng không khiêm tốn âm u vô danh tiểu tốt quá. Bàn bạc nhiêu ngày, đủ các cấp, và cuối cùng, người nghệ sĩ được chọn chính là nghệ sĩ múa solid của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, vừa đức vừa tài: Thế Chiến.

Và rồi trong Lễ hội 1000 năm thiêng liêng và xúc động, tiếng trống "cái" (Trống Sấm) với phong thái trình diễn đĩnh đạc, thiêng liêng của nghệ sĩ ưu tú Thế Chiến, vọng xa nghe như tiếng sấm, với 1.000 chiếc trống còn lại nghe theo lệnh của trống chủ, tạo một không khí nghiêm trang hoành tráng trong buổi Đại lễ, làm bật lên được không khí hào hùng của cả dân tộc ta, suốt chiều dài 1.000 năm lịch sử.

*

Trưa nay, NSND Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội, nơi NSUT Thế Chiến là một Ủy viên Ban chấp hành, điện vào cho tôi hay anh Thế Chiến chị Kim Khánh làm sinh nhật mừng anh Chiến 70 tuổi anh ạ. Từ nơi xa, chỉ biết nâng ly chúc bạn mình - Nghệ sĩ Múa tiêu biểu của Thủ đô - một thời đạn bom, một thời hòa bình, một trai phố cổ con trai một người Họa sĩ lừng danh," tươi trẻ tươi trẻ mãi Thế Chiến nhé". Một đời cho nghê thuật Múa thủ đô, Một đời cho nhà hát Thăng Long, những năm tháng tới đây cũng hãy giúp cho những cánh chim Múa Hà nội bay cao mãi.

Nghệ sĩ múa Thế Chiến: Người đánh trống cái trong “Trống hội Thăng Long” - 1
Các đồng nghiệp thân thiết chúc mừng sinh nhật NSƯT Thế Chiến

Hà Nội Thép, Hà Nội Thơ, Hà Nội của những Tình yêu và của những Vũ điệu…

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nỗi đau đáu về hạnh phúc người phụ nữ (Đọc

Nỗi đau đáu về hạnh phúc người phụ nữ (Đọc "Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về" của Trang Thụy, NXB Hội Nhà văn, 2024)

"Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về" là tập truyện ngắn đầu tay của Trang Thụy, tập hợp 11 tác phẩm, hầu hết đã in báo rải rác trong mấy năm gần đây. Tuy mới bước vào làng văn nhưng Trang Thụy đã sớm định hình được một giọng điệu riêng, sắc sảo và độc đáo. Và điều đặc biệt hơn nữa là các tác phẩm của Trang Thụy hầu như tập trung vào một chủ đề duy nhất, đó là số

Trải nghiệm “Phở số Hà Thành” tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

Trải nghiệm “Phở số Hà Thành” tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024

Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 sẽ diễn ra trong 3 ngày (29, 30/11 và 1/12) tại Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Điểm nhấn của lễ hội là hoạt động bảo vệ, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể “Phở Hà Nội”, góp phần đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa Thủ đô.