Từ Johore Bahru - Myanmar đến Kuala Lumpur

MALAYSIA – TRĂM NGHE KHÔNG BẰNG MỘT THẤY

Tôi đến Malaysia bắt đầu từ thành phố Johore Bahru, nơi đây tựa như cao nguyên trung phần ở Việt Nam. Cuối chiều, xe từ từ dừng bánh. Ở phía Tây vùng đồi thoai thoải, ông mặt trời đỏ lừ như một quả cầu lửa khổng lồ đang từ từ chui vào lòng đất. Mọi người trên xe nhanh chóng nhảy xuống xuýt xoa “Trời! cực đẹp!”. Tức thì tiếng máy ảnh, tiếng điện thoại thi nhau bấm tí tách cho đến khi mãn nguyện cũng là lúc ông mặt trời đi ngủ; còn chúng tôi đã tề tựu trong phòng ăn ở một nhà hàng địa phương và đêm nay nghỉ tại một khách sạn “3 sao” ở trung tâm thành phố.

Từ Johore Bahru - Myanmar đến Kuala Lumpur - 1

Thành phố cổ bên sông ở Malacca

Rất thuận lợi, tôi nghỉ cùng phòng với hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Anh Hưng. Hưng sinh năm 1991 và mới cưới vợ. Hưng tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ khoa Anh văn, làm việc ở công ty du lịch Hà Nội được 4 năm nhưng đã qua 14 quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Myanmar… và các nước châu Âu như Đức, Pháp, Ý, Hungaria, Tiệp Khắc, Hà Lan…

- Mới làm du lịch mà họ cũng đầu tư cho hướng dẫn viên khá nhiều tiền của đấy nhỉ?

- Không phải như vậy đâu bác. Cháu tranh thủ đi nắm bắt thị trường du lịch bằng tiền túi đấy ạ! Vâng, đúng là như vậy. Làm nghề này đòi hỏi phải am hiểu nhiều quốc gia, thông thạo địa hình, tư liệu, nắm bắt sự kiện, hiểu biết con người các dân tộc, nền văn hóa của từng quốc gia để khi khách du lịch bỗng dưng họ “sát hạch” thì mình có thể trả lời ngay được. 

- “Giỏi”! - Tôi khen, bắt đầu có cảm tình với Hưng và trong suốt chuyến đi tranh thủ bám càng mà “Aly moi moi” cái kho tư liệu quý này.

Malaysia nằm ở vị trí trung tâm khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cách Singapore chỉ một cây cầu, là quốc gia “láng giềng” với Indonesia và Brunei. Đến Malaysia, ấn tượng đầu tiên là ngọn núi Kimabalu cao nhất vùng Đông Nam Á: gần 4.100 mét (Phan Xi Păng ở Việt Nam mới chỉ cao nhất Đông Dương mà thôi). Thủ đô Kuala Lumpur văn minh, hiện đại với tòa tháp đôi 86 tầng, khi mới xây dựng cao nhất thế giới và không thể bỏ qua thành phố cổ kính và huyền bí mang tên Malacca đã có cách đây trên dưới 600 năm về trước, khi còn là thuộc địa Anh quốc, Hà Lan, Bồ Đào Nha và ngôi chùa Ấn Độ cổ ở động Batu có tượng Chúa Tể Murugan cao 72.6 mét được dát vàng, được cho là lớn nhất thế giới.

Từ Johore Bahru - Myanmar đến Kuala Lumpur - 2

Nhà thờ Thiên Chúa giáo xây dựng năm 1753 tại Malacca.

Malaysia được hình thành từ hai khu vực, cách nhau hàng trăm cây số với hai đảo chính là bán đảo Malaysia và hải đảo Malaysia. Diện tích toàn lãnh thổ cũng chỉ tương đương với Việt Nam nhưng dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu thì ở Malaysia hiện chỉ có số dân trên 33 triệu mà thôi.

Malaysia đất rộng người thưa nên cũng không ít người từ các quốc gia, dân tộc khác đến làm ăn sinh sống, sinh cơ lập nghiệp. Với trên 50% dân số là người chính gốc Mã Lai, 30% là người từ Trung Quốc đến, còn lại số ít là người của các quốc gia khác. Dân số Ấn Độ ở đây chỉ có 8% nhưng đạo Hồi gần như “phủ sóng” trên phạm vi toàn quốc. Đạo Hồi đã nhanh chóng chiếm được niềm tin, tình yêu và sự tín ngưỡng. Đạo Hồi ở Malaysia chiếm một vị trí khá quan trọng, tham gia vào mọi mặt đời sống sinh hoạt, từ kinh tế, chính trị đến ngoại giao. Họ có riêng một Bộ luật Hồi giáo, Tòa án Hồi giáo được áp dụng rộng rãi và thực thi nghiêm chỉnh ở Malaysia.

Phong tục tập quán mỗi nơi một khác. Ở Malaysia cũng có những điều cấm kỵ cần thiết như khi gặp nhau họ thường có thói quen sờ vào lòng bàn tay của nhau, sau đó chắp hai tay lại, mỉm cười và đầu hơi cúi. Người Malaysia rất kỵ việc xoa đầu và lưng người khác. Đặc biệt, họ không dùng tay trái vì cho rằng tay trái “không trong sạch” nên khi ăn cơm, người ta dùng năm ngón tay phải để bốc cơm và dùng ngón tay cái đưa cơm vào miệng. Theo phép lịch sự, khi gặp phụ nữ không được chủ động bắt tay và không được dùng tay để chỉ vào người khác. Phụ nữ Malaysia thường mặc áo dài bằng vải hoa, nam giới mặc áo sơ mi không cổ và không được để hở hai cánh tay. Cả nam và nữ đều không được dùng quần ngắn, hở đùi ở nơi công cộng. Đặc biệt, thời trang màu vàng chỉ dành cho Hoàng cung, Vua chúa và tầng lớp quý tộc. Khi đến thăm các đền Ấn Độ giáo ở Malaysia, trước khi vào đền phải tuân thủ quy định: bỏ mũ, giầy dép và tuyệt nhiên không được sờ vào tượng thần và cả tranh vẽ về thần thánh. Thăm các đền thờ Hồi giáo, nếu được sự đồng ý của họ mới được bước vào đền. Khách đến thăm dù bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào khi mặc quần áo không đúng quy định đều phải qua phòng thường trực ở cửa đền sẽ có người hướng dẫn vào phòng mặc sắc phục Hồi giáo, sau đó có nhân viên xem xét, nếu “đủ tiêu chuẩn” mới mỉm cười, gật đầu và hướng dẫn vào đền. Những quy định này thật sự có văn hóa và văn minh lắm chứ.

VĂN HÓA MALAYSIA LÀ NỀN VĂN HÓA ĐA SẮC TỘC ĐA NGÔN NGỮ

Do chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai nhưng cũng không làm mất đi phong vị văn hóa phương Đông thuần túy và văn hóa của các quốc gia lân cận như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, sự giao thoa giữa các nền văn hóa với văn hóa bản địa truyền thống cũng tạo nên một nền văn hóa đương đại phong phú như ngày nay. Văn hóa Malaysia hiện được xem như một bản giao hưởng hợp xướng đa thanh điệu, đa sắc màu mà ít quốc gia nào có được. Nói về văn hóa ẩm thực, Malaysia cũng có đôi chút khác biệt là không được mời nhau ăn thịt lợn và uống rượu với đạo Hồi, cũng không được mời nhau ăn thịt bò đối với đạo Hindu…

Trở lại vấn đề “Hải đảo Malaysia” – nửa phần của đất nước, ở đây vẫn còn gần như nguyên vẹn vẻ đẹp thiên nhiên, có sức lao động cải tạo của con người thành những cánh đồng cao su, cọ, dừa, cacao, sầu riêng… xanh mướt và những bãi biển đẹp trải dài đến những vùng giáp ranh với Indonesia và Brunei. Môi trường sinh hoạt nơi đây có vẻ quyến rũ mà không ồn ào náo nhiệt và xa hoa như một số quốc gia khác. Đặc biệt là Malacca - thành phố cổ nhất Malaysia có cách đây đã hơn 600 năm với những dấu vết còn lại trong kiến trúc đền đài, di tích lịch sử, văn hóa qua thành cổ, pháo đài cổ, quảng trường Hà Lan, nhà thờ Thiên Chúa giáo, đền cổ Cheeng Hoon rồi tuyến phố cổ dành cho người đi bộ…

Từ Johore Bahru - Myanmar đến Kuala Lumpur - 3

Khu phố cổ ở Malacca từ tầm cao nhìn xuống

Tôi dừng lại hồi lâu trước pháo đài cổ không ghi niên đại, không biết có chính xác từ thời nào, Hà Lan hay Bồ Đào Nha? Màu thời gian chồng chất lên màu thời gian. Màu đen và trắng hòa vào nhau thành màu xám mốc, rất gợi cảm, đẩy suy tư của tôi vào miền xa xăm sâu thẳm. Nhìn cận cảnh những bức phù điêu đặc trưng của Công ty Đông Ấn, phần nào ghi nhận sự có mặt của đội quân thiện chiến với những đoàn tàu lớn có trang bị những khẩu đại bác tối tân hạng nhất thời bấy giờ để thị uy, để hăm dọa hòng đè bẹp ý chí của kẻ yếu hơn mình, bắt họ phải khuất phục, phải lao động khổ sai, bắt họ phải cống nạp… Tôi hình dung thấy cảnh chiến trận, thấy máu và lửa, cảnh người ngã xuống như trong bức tranh đại cảnh một trận đánh trong tranh sơn dầu của những họa sĩ danh tiếng thời phục hưng… Vẫn trong cái cảm giác ấy, tôi chiêm ngưỡng quảng trường Hà Lan với những bức tường đá ong hiện hữu đã hơn 500 năm vẫn còn vững chắc và những tấm bia khắc rất đẹp, có niên đại 1636 – 1659 – 1669… nhà thờ cổ của đạo Thiên Chúa ở Malacca (1753), đền cổ Cheng Hoon? (hay đền cổ mang tên đô đốc Zheng He cũng có niên đại 600 năm trước ông đã đến Singapore, đến cái làng chài cổ ấy cũng mang tên ông cho đến ngày nay), thăm khu phố cổ dành cho người đi bộ...

Từ tầng thứ 23, tầng cao nhất của khách sạn tôi nghỉ đêm nay, tôi chĩa ống kính xuống và thu hình những dãy nhà phố cổ. Hai bên đường, hàng trăm xe du lịch hạng trung bình có, hạng sang trọng có, đang đậu thẳng hàng, nối tiếp nhau. Màu rêu phong của những mái phố cổ bên sắc màu hiện đại từ những chiếc xe lộng lẫy tạo nên sự hòa sắc đẹp mắt. Cả tôi và cái không gian huyền diệu ấy đang chìm dần vào đêm tối khi mặt trời từ từ lặn. Đêm ở Malacca là như vậy đấy.

Khác hẳn với hải đảo Malaysia, bán đảo Malaysia có thủ đô Kuala Lumpur  sôi động, văn minh, hiện đại. Cũng là thủ đô nhưng thủ đô Hà Nội vẫn đông nghịt người, với hàng triệu xe gắn máy và xe ô tô trong giờ tan tầm, đường phố chật như nêm cối, cảnh tắc đường là không tránh khỏi. Trong khi đó số lượng xe ô tô ở thủ đô Malaysia còn nhiều hơn Hà Nội. Trên đường phố xe xếp hàng năm hàng bẩy, nối dài tít tắp mà vẫn cảm thấy thông thoáng vì có rất ít xe máy cũng như người đi bộ.

Từ Johore Bahru - Myanmar đến Kuala Lumpur - 4

Kiến trúc Malaysia trước Quảng trường Độc lập.

Đến thủ đô Kuala Lumpur, không thể không đến thăm quảng trường Độc lập với không gian thoáng rộng, trải một màu xanh mướt thảm cỏ mịn như nhung, nơi có cột cờ cao nhất thế giới, thăm bên ngoài cung điện Hoàng Gia dát vàng óng ánh. Tham quan bên ngoài ư? Đúng vậy. Không phải chỉ được tham quan bên ngoài nhưng hàng năm Hoàng cung chỉ mở cửa đôi lần để cho khách vào thăm. Gặp đúng dịp này quả thực là rất hiếm. Thăm chùa Thiên Hậu, ngôi chùa cổ lớn nhất của cộng đồng người Trung Quốc ở Malaysia, thú vị nhất là khi trời đang mưa hoặc đang có sương mù, tạo nên một cảm giác vừa hư vừa thực. Thăm thánh đường Hồi giáo lớn nhất Malaysia, tốt nhất là lúc 8, 9 giờ sáng hay dưới nắng chiều, khoảng từ 4 đến 5 giờ là thích hợp nhất.

Các di tích lịch sử và thắng cảnh này đều nằm trong khu vực thành phố thông minh (hay thủ đô mới của Malaysia) mang tên: “New Putrajava” mới xây dựng, một trong số ít những thành phố đẳng cấp nhất thế giới hiện nay, có cảnh quan kiến trúc hiện đại, không có ô nhiễm môi trường, không tệ nạn xã hội.

CUỘC ĐỐI THOẠI VỚI NỮ HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH MALAYSIA

Nàng tên là Sew Linh, người Mã Lai gốc Trung Hoa, làm du lịch đã trên 15 năm, thông thạo 7 ngoại ngữ, nói tiếng Việt lơ lớ tiếng Quảng Đông. Sew Linh năm nay ước chừng trên dưới 40 tuổi. Nàng to béo đẫy đà, da ngăm đen pha nâu, có đôi mắt biết nói, hàm răng trắng đều tăm tắp. Trong giao tiếp, Sew Linh có cái nhìn tinh nghịch pha chút khôi hài, rất chủ động thu hút với ánh mắt tự tin.

Vừa bước lên xe cô đã nhoẻn miệng cười, tay để lên trái tim và cúi đầu chào: “Sew Linh có lời chào tất cả và rất hân hạnh được đón quý khách quý từ thủ đô Hà Nội - Việt Nam, một quốc gia có nhiều thiện cảm với các nước trong khu vực và quốc tế. Đặc “piệt” là với Malaysia “á”. “Á” là tiếng cuối cùng sau mỗi câu. Việt Nam là một dân tộc anh hùng, luôn chiến thắng mọi quân giặc ngoại xâm. Sew Linh còn được “piết” phụ nữ Việt Nam rất “tẹp” (đẹp). Tỷ lệ con gái “tẹp” ở Việt Nam rất cao “á”. Nhưng tiêu chí về cái “tẹp” ở Việt Nam và Malaysia cũng có khác nhau “á”. Nét “tẹp” ở Hà Nội Việt Nam, phụ nữ da phải mịn và trắng hồng. Người phụ nữ “tẹp” là phải có “eo” á. Muốn có eo cho thanh thoát là ăn uống luôn phải kiêng khem kiềm chế dữ lắm, không được ăn thả phanh, như vậy kể cũng khổ và không có sức khỏe dẻo dai để mà “tẻ” nhiều con như phụ nữ Malaysia á! Tiêu chí của phụ nữ Malaysia về cái “tẹp” cũng có khác: phải to “péo” đẫy đà một chút, da phải ngăm đen hay màu nâu mới “tẹp” á. Sew Linh cũng được nằm trong cái “tẹp” ở Malaysia phải không á (cười). Sew Linh chỉ tội hơi “péo” quá một chút nên xấu phải không á?

- Sew Linh đẹp, rất đẹp đấy! - Tiếng nói đồng loạt từ trong xe làm nàng cười ngất.

- Tiêu chí về số lượng con đẻ ra ở Việt Nam cũng có khác. Phụ nữ chỉ được lấy một chồng, chỉ “tẻ” từ một đến hai con. Với tiêu chí về cái “tẹp” như vậy mà “tẻ” nhiều thì nhanh kiệt sức lắm và chóng già lắm á. Phụ nữ Malaysia cũng chỉ được lấy có một chồng nhưng tẻ con thì thả phanh, không bị hạn chế. Đàn ông ở Malaysia thì thoải mái, vô tư đi! Mỗi người được lấy đến 4 vợ và tẻ đến 24 con!

Mọi người ngồi trên xe nghe Sew Linh nói mà lạnh gáy, “sởn gai ốc”! “Các bố muốn nhiều con thì sang Malaysia mà ở!”. “Nhà nước Việt Nam có cho phép đẻ nhiều cũng hổng dám đâu”. Lương thấp, đời sống còn khó khăn, lấy tiền đâu ra mà nuôi con và đẻ nhiều. Nuôi cho hai con ăn mặc học hành, lo tiền học phí, lo tiền viện phí khi ra viện cũng đủ méo mặt rồi. Không khí luận bàn về cái sự “tẻ” cũng khá sôi nổi. Đột nhiên Sew Linh vỗ tay ra hiệu để mọi người im lặng và nàng “phán” một câu rằng: “Hình như các vị ngồi trên xe có vẻ sợ “tẻ” á!. Sew Linh xin phép được nói tiếp: “Ở Malaysia nhà nước và đạo Hồi cho phép và khuyến khích “tẻ” nhiều mà! Diện tích đất đai Malaysia rộng, dân số chưa đông, đời sống cao. Người dân chữa bệnh không mất tiền. Trẻ em đi học từ tiểu học, trung học đến đại học đều do nhà nước chu cấp. Vậy cho nên đàn ông chỉ còn phải lo kiếm tiền xây nhà và nuôi vợ con. Phụ nữ chỉ có nhiệm vụ nội trợ và như một cái máy “tẻ” mà thôi. Khi mang thai còn nhận được khoản tiền trợ cấp của nhà nước. Vậy thì nên “tẻ” lắm chứ! (cười).

- Thế Sew Linh đã có mấy con rồi? 

Nàng giơ hai ngón tay ra hiệu:

- Mới chỉ có hai con thôi á! Tẻ nhiều hay ít là tùy tâm, tùy sức. Chắc mọi người nghĩ ngài Thủ tướng thứ 7 Mahathir phải nhiều vợ nhiều con lắm nhỉ? Không đâu. Ông ấy chỉ lấy một vợ và có 6 con thôi. Ông bảo: “Vợ tôi là người phụ nữ đẹp nhất và đã cho tôi 6 người con, như thế là đủ rồi”. Ông Mahathir đang ở tuổi 93, vẫn đang đủ uy tín làm Thủ tướng. Tháng 7/2019 này ông đã bước sang tuổi 94 nhưng vẫn mạnh khỏe và minh mẫn.

Không khí luận bàn về cái sự “tẻ” đã chùng xuống, nhường chỗ cho sự thán phục: Tiền học phí và viện phí, hai cái khoản nặng chùy ấy đều do nhà nước chu cấp. Cao thủ! Cao thủ! Ưu việt hết chỗ nói!

Trả lời câu hỏi cuối cùng của một bác già nghệ sĩ rằng: “Ở Malaysia có tham nhũng, tệ nạn xã hội không?”.“Xin thưa: vẫn có nhưng không nhiều. Ở Malaysia phạm tội tham nhũng phải xử lý nghiêm, bất kể là ai. Hình luật ở Malaysia hầu như vẫn áp dụng hình phạt từ thời còn là thuộc địa của Anh quốc. Nghĩa là, phạm tội hiếp dâm: treo cổ. Ai bắt cóc tống tiền: treo cổ. Phạm tội ma túy: treo cổ. Phạm tội làm hàng giả: treo cổ... Những hình phạt nghiêm minh như vậy rất có tác dụng trị an đất nước”. Mọi người cảm ơn Sew Linh về những thông tin cần thiết và rất bổ ích cho những ai đã đặt chân đến đất nước này. Tuy nhiên đến tháng 4/2023, ở Malaysia đã bỏ hình phạt tử hình và chung thân.

Ngày cuối cùng trước khi về nước, chúng tôi đăng ký lên Tháp Đôi tầng thứ 86 để ngắm toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh Malaysia nhưng thời tiết không thuận vì cơn mưa bất chợt đổ xuống nên không thực hiện được. Rất tiếc! Xin chào đất nước Malaysia xinh đẹp, giàu có và mến khách! Hẹn gặp lại!

Hoàng Kim Đáng

Washington DC, như tôi cảm nhận
Washington DC, như tôi cảm nhận

Lần đầu tiên tôi đến Washington DC - Thủ đô của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ vào giữa những ngày thu, nắng vàng rực rỡ trên...

Tin liên quan

Tin mới nhất