AI “soi” ra tinh trùng ẩn, giúp cặp đôi hiếm muộn mang thai sau 18 năm chờ đợi
Sau 18 năm mong ngóng con đầu lòng, một cặp đôi tại Mỹ cuối cùng đã có thai và điều kỳ diệu này xảy ra nhờ vào sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI).
Cặp đôi này đã trải qua nhiều vòng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên khắp thế giới với hy vọng được làm cha mẹ. IVF là quy trình lấy trứng từ người phụ nữ, kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm để tạo phôi, sau đó đưa phôi vào tử cung để mang thai.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó đều thất bại vì người chồng mắc chứng vô tinh trùng (azoospermia), một tình trạng hiếm gặp khi trong tinh dịch không có tinh trùng có thể phát hiện được, dù kiểm tra kỹ bằng kính hiển vi. Một mẫu tinh dịch bình thường chứa hàng trăm triệu tinh trùng, nhưng ở người mắc bệnh này, không thấy một tinh trùng nào cả, dù đã tìm kiếm hàng giờ liền.
Cặp đôi đã tìm đủ mọi cách để có thai. (Ảnh minh họa)
Hy vọng đến từ công nghệ STAR
Không bỏ cuộc, họ tìm đến Trung tâm Sinh sản Đại học Columbia và được giới thiệu phương pháp mới có tên STAR - viết tắt của “Sperm Tracking and Recovery”, tức “Theo dõi và Thu hồi Tinh trùng”. Hệ thống này dùng AI để phát hiện và thu thập tinh trùng “ẩn mình”, ngay cả trong những trường hợp tưởng chừng như không có gì.
Người chồng chỉ cần để lại một mẫu tinh dịch. Các chuyên gia sử dụng STAR để quét mẫu đó và phát hiện 3 tinh trùng khỏe mạnh, sau đó dùng chúng để thụ tinh với trứng của người vợ bằng IVF. Kết quả: người vợ mang thai thành công, trở thành ca đầu tiên trên thế giới có thai nhờ công nghệ STAR. Em bé dự kiến chào đời vào tháng 12 năm nay.
Người vợ xúc động chia sẻ: “Tôi mất đến hai ngày mới tin là mình thật sự có thai. Sáng nào thức dậy tôi cũng không dám tin đây là sự thật, cho đến khi nhìn thấy hình ảnh siêu âm”.
AI đang thay đổi cuộc chơi
Bác sĩ Zev Williams, Giám đốc Trung tâm Sinh sản Columbia, cho biết đội ngũ của ông mất 5 năm phát triển hệ thống STAR. Trong một thí nghiệm, các kỹ thuật viên đã tìm kiếm suốt 2 ngày trong một mẫu tinh dịch mà vẫn không tìm thấy gì nhưng khi dùng STAR, trong vòng chưa đầy 1 tiếng, AI đã tìm thấy tới 44 tinh trùng.
Cách hoạt động của STAR rất ấn tượng: mẫu tinh dịch được đặt lên một con chip chuyên dụng dưới kính hiển vi. AI kết nối với hệ thống camera tốc độ cao và thiết bị hình ảnh tiên tiến, quét hơn 8 triệu hình ảnh trong chưa đầy 1 tiếng để tìm ra tinh trùng ẩn.
AI sau đó cô lập tinh trùng phát hiện được vào một giọt dung dịch nhỏ, giúp chuyên gia dễ dàng lấy ra mà không cần các thao tác có thể làm tổn thương tinh trùng như nhuộm màu hay dùng tia laser.
“Thay vì tìm kim trong một đống cỏ khô, thì đây là tìm kim rải trong cả ngàn đống cỏ mà vẫn hoàn thành trong chưa đầy một tiếng”, bác sĩ Williams ví von.
Nhờ công nghệ AI đã giúp họ thực hiện ước mơ làm bố mẹ. Ảnh minh họa.
Vô sinh nam: Căn bệnh âm thầm khó phát hiện
Ở Mỹ, nguyên nhân do nam giới chiếm tới 40% các ca vô sinh. Khoảng 10% đàn ông vô sinh mắc chứng azoospermia. Điều khiến bệnh này khó chẩn đoán là người bệnh trông hoàn toàn khỏe mạnh, không bị suy giảm khả năng tình dục, và thậm chí tinh dịch nhìn cũng bình thường chỉ có điều không có tinh trùng.
Các phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật lấy mô tinh hoàn để tìm tinh trùng rất xâm lấn, đau đớn và rủi ro, chỉ có thể làm vài lần trước khi để lại sẹo và tổn thương vĩnh viễn. Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị nội tiết, hoặc dùng tinh trùng hiến tặng nếu thất bại.
Với STAR, bác sĩ Williams cho rằng đây là giải pháp mới đầy hứa hẹn. Dù hiện tại chỉ được triển khai tại Columbia, nhưng nhóm nghiên cứu đang nỗ lực công bố, chia sẻ để ứng dụng rộng rãi hơn. Chi phí cho một ca tìm và lưu trữ tinh trùng bằng STAR là khoảng 3.000 USD (hơn 78 triệu đồng) thấp hơn nhiều so với một chu trình IVF đầy đủ.
Từ một căn bệnh tưởng như chấm dứt hy vọng làm cha, trí tuệ nhân tạo đang giúp mở ra chương mới trong điều trị vô sinh nam. Dù chưa hoàn hảo, STAR chính là tia sáng mới cho hàng triệu gia đình đang mong con, đặc biệt là những người tưởng chừng như đã mất tất cả hy vọng.
Bình luận