Mẹ 40 tuổi và hành trình tìm con đầy nước mắt: 3 lần kích trứng, 7 lần chuyển phôi, từng muốn buông tay chồng vì bế tắc
Làm mẹ là điều thiêng liêng, nhưng với chị Kim Thu (40 tuổi, Hà Nội) thì đó còn là một hành trình đầy thử thách, kéo dài suốt nhiều năm với biết bao lần hy vọng rồi lại vỡ òa trong thất vọng.
Ba lần kích trứng, bảy lần chuyển phôi, có lúc tưởng chừng đã thành công nhưng rồi lại phải nghẹn ngào nói lời tạm biệt con. Đã có lúc chị muốn dừng lại, thậm chí nghĩ đến việc để chồng tìm hạnh phúc mới vì quá mệt mỏi. Nhưng tình yêu và sự kiên trì của chồng đã giúp chị có thêm động lực để bước tiếp.
Chị Kim Thu chia sẻ về hành trình tìm con đầy nước mắt của mình.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, câu chuyện của chị Thu như một lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa đến tất cả những người phụ nữ đang nỗ lực trên hành trình làm mẹ: Đừng bỏ cuộc, đừng đánh mất hy vọng. Dù hành trình ấy có gian nan đến đâu, hãy luôn tin rằng hạnh phúc sẽ đến vào lúc ta kiên trì nhất. Chúc tất cả những người phụ nữ đang chiến đấu vì ước mơ làm mẹ sẽ sớm đạt được nguyện ước của mình, luôn mạnh mẽ, bình an và tràn đầy yêu thương!
Chào chị Kim Thu, hành trình tìm con của chị bắt đầu từ khi nào và động lực nào khiến vợ chồng chị quyết định tìm đến phương pháp IVF?
Vợ chồng tôi quen nhau từ năm 2015, sống bên nhau một thời gian dài nhưng mãi vẫn chưa có con. Đến năm 2018, khi tôi đã ngoài 30 tuổi, chúng tôi quyết định thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tôi hiểu rằng, phụ nữ càng lớn tuổi thì cơ hội có con càng giảm, ngay cả khi can thiệp bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản như IVF.
Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận ra rằng việc có con không hề dễ dàng như mình từng nghĩ?
Trước khi thực hiện IVF, tôi cứ nghĩ rằng nếu không thể mang thai tự nhiên thì làm IVF chắc chắn sẽ thành công. Nhưng thực tế không phải vậy. Tôi đã trải qua rất nhiều lần chuyển phôi nhưng không đậu, điều đó khiến tôi thực sự buồn bã, thất vọng. Có lúc tôi đã tự hỏi liệu mình có duyên làm mẹ hay không, liệu có phải số phận đã định sẵn rằng tôi không thể có con.
Trong suốt quá trình IVF, khoảnh khắc nào khiến chị cảm thấy đau lòng hoặc tuyệt vọng nhất? Và điều gì giúp chị vượt qua?
Trong những lần chuyển phôi đầu tiên, tôi thử máu (beta HCG) và nhận được kết quả có thai, nhưng chỉ sau 1-2 tuần, chỉ số beta giảm hoặc đứng yên. Tôi phải nằm viện gần 1 tháng chỉ để theo dõi chỉ số này, cứ 2 ngày một lần lấy máu để kiểm tra xem có tăng hay không. Dù kết quả có tăng nhưng rất chậm, tôi phải chờ đủ thời gian để phôi phát triển hơn mới có thể siêu âm. Mỗi ngày trôi qua là một sự hồi hộp và lo lắng, nhưng tôi vẫn cố gắng nghĩ tích cực, tin rằng mình sẽ thành công.
Thế nhưng, đến ngày siêu âm, bác sĩ nói phôi nằm ở vị trí cổ tử cung, không thể phát triển được. Tôi buộc phải uống thuốc để đẩy phôi ra ngoài. Lúc đó, cảm giác như tiếng sét ngang tai, niềm vui mừng chưa được bao lâu đã vụt tắt. Tôi đau lòng đến mức không thể khóc thành tiếng. May mắn là có chồng và gia đình luôn bên cạnh an ủi, động viên. Họ nói với tôi rằng không sao cả, nếu lần này không thành công thì lần sau sẽ làm tiếp. Điều đó giúp tôi cảm thấy được an ủi phần nào.
Sự ủng hộ của chồng và gia đình có ý nghĩa như thế nào đối với chị trong những lần thất bại?
Thật may mắn vì tôi có một người chồng yêu thương, chưa bao giờ tạo áp lực về chuyện sinh con. Mỗi lần thất bại, anh luôn động viên tôi rằng chắc chắn vợ chồng mình sẽ có con, không cần lo lắng. Gia đình chồng cũng vậy, luôn yêu thương và tạo mọi điều kiện tốt nhất. Họ nghe nói ở đâu có bác sĩ giỏi là lập tức giới thiệu, chỗ nào có thể cầu con được thì cũng khuyên tôi thử. Điều quan trọng là họ không bao giờ khiến tôi cảm thấy áp lực. Tôi nghĩ đó là một phước lành của mình, vì ông trời không lấy đi của ai tất cả.
Chị đã chuẩn bị sức khỏe thể chất và tinh thần như thế nào trước khi bước vào hành trình này?
Lúc đầu, tôi chủ quan và nghĩ rằng làm IVF chắc chắn sẽ thành công nên không chuẩn bị gì cả. Thậm chí, lần đầu tiên chuyển phôi, tôi còn xem phim bộ, khóc sướt mướt cả đêm. Giờ nghĩ lại mới thấy mình thật vô tri.
Sau 3 lần thất bại, tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn, đọc nhiều tài liệu về IVF, tham khảo kinh nghiệm của những bà mẹ từng thành công. Tôi thay đổi hoàn toàn lối sống, từ ăn uống, tập thể dục hàng ngày đến hướng tâm vào đời sống tinh thần, tìm đến Phật pháp để tìm kiếm sự bình an và thay đổi vận mệnh của mình.
Nhiều người nghĩ IVF chỉ cần có tiền là được, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Chị có thể chia sẻ về những khó khăn không chỉ về tài chính mà còn về tinh thần, sức khỏe trong quá trình làm IVF không?
Làm IVF không chỉ cần có tiền mà còn phải có kiến thức, sức khỏe và một niềm tin mạnh mẽ rằng mình chắc chắn sẽ thành công. Tôi đã trải qua 3 lần làm IVF tại 3 bệnh viện khác nhau, thậm chí còn sang Thái Lan để tìm cơ hội, tổng chi phí lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Không chỉ tốn kém về tiền bạc, cơ thể tôi cũng kiệt quệ sau mỗi lần thực hiện. Tôi phải ăn uống đầy đủ, dùng thuốc bổ để phục hồi sức khỏe, nhưng tinh thần vẫn không tránh khỏi những lúc suy sụp khi liên tục thất bại. Thu nhập cũng bị ảnh hưởng vì phải dừng công việc để tập trung cho việc điều trị.
Áp lực từ xã hội, gia đình hay những lời hỏi han vô tình của mọi người xung quanh có ảnh hưởng gì đến chị không? Chị đã đối diện với chúng như thế nào?
Chồng tôi là con một, điều này khiến tôi đôi lúc cũng cảm thấy áp lực. Sau nhiều lần thất bại, tôi từng tự hỏi liệu mình có đang làm khổ anh ấy không. Nhưng rồi tôi nhận ra, nếu anh ấy không tạo áp lực cho tôi, thì tại sao tôi lại tự gây áp lực cho mình?
Thay vì dằn vặt, tôi tập trung vào những gì có thể kiểm soát được: Điều chỉnh lối sống, luyện tập thể thao để cải thiện sức khỏe, tăng cơ hội chuyển phôi thành công.
Có khi nào chị cảm thấy muốn từ bỏ hành trình này không? Và điều gì khiến chị quyết định tiếp tục?
Sau 3 lần kích trứng và 7 lần chuyển phôi, tôi đã quá mệt mỏi. Lúc đó, hành trình này đã kéo dài suốt năm năm, và tôi bắt đầu muốn dừng lại. Tôi thậm chí đã nghĩ đến việc để chồng đi tìm một hạnh phúc mới, vì không muốn anh phải chịu đựng thêm nữa.
Nhưng mỗi lần tôi nói như vậy, chồng tôi đều khuyên tôi cố gắng tiếp tục. Anh bảo rằng chúng tôi đã cùng nhau đi qua biết bao khó khăn, tại sao lại dừng lại lúc này? Anh luôn là người chủ động tìm kiếm những bệnh viện, bác sĩ giỏi nhất để tôi có cơ hội tốt hơn. Một người đàn ông sẵn sàng làm mọi thứ vì mình, không ngại khó khăn, thì tôi không thể dễ dàng từ bỏ được.
Chị có lời khuyên nào dành cho những người phụ nữ cũng đang trên hành trình tìm con đầy gian nan giống chị từng trải qua không?
Làm mẹ là khao khát của tất cả phụ nữ. Đến khi thực sự có con, tôi mới hiểu được niềm hạnh phúc và tình mẫu tử thiêng liêng đến nhường nào. Các mẹ ạ, hành trình này có thể rất gian nan, có nhiều nỗi buồn, nước mắt và cả những lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng đừng dừng lại, hãy mạnh mẽ và tin tưởng rằng mình sẽ làm được. Khi có con trong vòng tay, bạn sẽ thấy tất cả những gì đã trải qua đều xứng đáng.
Nhân ngày 8/3 – ngày tôn vinh phụ nữ, chị có điều gì muốn nhắn gửi đến những người phụ nữ đang chiến đấu vì ước mơ làm mẹ?
Nhân ngày 8/3, tôi xin gửi lời chúc đến tất cả những người phụ nữ đang chiến đấu vì ước mơ làm mẹ. Mong rằng ai cũng sẽ đạt được điều mình mong muốn. Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe, bình an và tinh tấn trên con đường của mình.
Xin cám ơn chị về những chia sẻ này!
Bình luận