Mẹ phát hiện trên răng con bỗng xuất hiện nhiều chấm đen, nghĩ bị sâu nhưng kết luận của bác sĩ khiến mẹ giật mình
Tục ngữ có câu "Cái răng, cái tóc là góc con người", việc bảo vệ sức khoẻ răng miệng cho trẻ là rất quan trọng. Vì răng miệng liên quan đến sức khoẻ thể chất, lẫn ngoại hình của trẻ.
Cách đây ít lâu, trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái (ở Trung Quốc), các bà mẹ bàn luận xôn xao về chủ để chăm sóc răng miệng cho em bé. Trong đó có một bài đăng nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người, và vô số thắc mắc đã được các bà mẹ không ngừng đặt ra nghi vấn.
Một bà mẹ đã rất lo lắng và cầu cứu rằng: "Bé nhà tôi mới gần 2 tuổi, ngày nào cũng giữ thói quen chải răng rất kỹ nhưng trên răng bé ngày càng có nhiều chấm đen, đánh mạnh thì có thể bớt đi một chút, nhưng nếu bé đánh răng với lực tác động mạnh như thế này, răng con sẽ bị tổn thương và nhanh chóng bị bào mòn. Vả lại đứa trẻ còn rất nhỏ, đánh mạnh con sẽ cảm thấy miệng bị đau rát, thậm chí là chảy máu".
Khi hỏi ý kiến nha sĩ về điều này, bác sĩ cho biết: “Những đốm đen nhỏ như vậy có khả năng là hắc tố trên bề mặt răng, chứ không phải là sâu răng, nên không được chải răng một cách bừa bãi”. Các hắc sắc tố trên bề mặt răng thường xuất hiện trong giai đoạn răng sữa, có thể nhiều bố mẹ chưa hiểu rõ, cho rằng đó là sâu răng nên rất lo lắng.
Sắc tố trên bề mặt răng là gì?
Sắc tố bề mặt răng là một loại màu răng ngoại sinh. Lý do của nó không rõ ràng, có thể là do vi khuẩn tạo màu trong răng, chẳng hạn như xạ khuẩn và melanogen Prevotella, phản ứng với nước bọt trong miệng. Cũng có thể do ăn nhiều thực phẩm có sắc tố cao, thuốc, nước uống có màu,… dưới tác dụng của vi khuẩn, sắc tố bị hấp thụ và sinh ra trên bề mặt răng.
Trẻ em dễ bị loại tăng sắc tố này, chúng dần dần thay đổi từ các chấm đen thành các đường chấm đen không hoàn chỉnh, ở rìa nướu hoặc ở một phần ba cổ răng. Khi răng bé xuất hiện các vết nám đen, bố mẹ sẽ rất lo lắng, cho rằng đó là bệnh sâu răng nghiêm trọng.
Trên thực tế, hắc tố trên bề mặt răng hoàn toàn khác với bệnh sâu răng. Nó sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng của răng cũng như không gây khó chịu về thể chất cho trẻ, thường sẽ biến mất dần sau khi trẻ thay răng vĩnh viễn nên bố mẹ không cần quá lo lắng.
Ngoài ra, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trẻ em có răng tăng sắc tố có tỷ lệ sâu răng thấp hơn. Theo nghiên cứu của Brazil, sắc tố của bề mặt răng là một biện pháp bảo vệ răng sữa của trẻ nhỏ; một số phân tích khác thì tin rằng, sắc tố của bề mặt răng có thể làm giảm tỷ lệ sống sót hoặc đặc điểm sinh thái của vi sinh vật gây bệnh sâu răng.
Các đốm đen trên răng có thể là dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị nhiễm sắc tố răng.
4 bước phân biệt những đốm đen nhỏ trên răng bé là do nhiễm sắc tố hay sâu răng?
Có một sự khác biệt cơ bản giữa hắc tố bề mặt răng và sâu răng: Sắc tố là một chất hấp thụ màu nhiều hơn, nó không ảnh hưởng đến cấu trúc răng; còn Sâu răng là tình trạng răng bị vi khuẩn sâu răng ăn mòn, răng sẽ xảy ra những biến đổi, cấu trúc cũng bị ảnh hưởng.
Khi bố mẹ vệ sinh răng miệng cho con hàng ngày, nếu xuất hiện những đốm đen, bố mẹ có thể nhận định sơ bộ qua 4 bước sau:
Nhìn vào hình thức của các đốm đen
Cả việc tăng sắc tố và sâu răng trên bề mặt răng, đều sẽ gây ra những thay đổi về màu sắc của răng và xuất hiện những đốm đen nhỏ.
Khi quan sát kỹ, người lớn sẽ nhìn thấy các đốm đen của sắc tố hầu hết nằm trên bề mặt răng, giống như “nổi” hoặc “dính” trên bề mặt răng; còn đốm đen của sâu răng sẽ trông giống như một phần của răng, màu đen "chảy" ra từ răng.
Nhìn vào vị trí xuất hiện các đốm đen
Đốm đen tăng sắc tố thường xuất hiện từ các răng cửa sát nướu đến 1/3 thân răng hoặc ở mặt trong của răng, một số ít có thể thấy ở các răng sau.
Ngược lại, vị trí hay xảy ra tình trạng sâu răng ở trẻ, đặc biệt ở trẻ có răng sữa, dễ xuất hiện ở răng cửa (như sâu do bú bình), hố và khe nứt mặt nhai và các răng bên cạnh.
Nếu trẻ bị sâu răng, trên răng sẽ thường xuất hiện hố và khe nứt.
Nhìn vào kết cấu và tính toàn vẹn của răng
Sắc tố bề mặt răng sẽ không làm thay đổi kết cấu và tính toàn vẹn của răng. Nhưng sâu răng sẽ làm cho răng mềm, phát triển ở giai đoạn sau, thậm chí hình thành các “lỗ hổng” trên răng, gây khiếm khuyết.
Bố mẹ có thể dùng tăm bông để kiểm tra kỹ, nếu bề mặt nhẵn và cứng như răng khỏe bên cạnh, thì khả năng cao là nhiễm sắc tố, còn nếu có một khiếm khuyết giống như hố trên bề mặt, khả năng cao là sâu răng.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể thử chải răng, đặc biệt là những đốm đen nhỏ, những đốm đen có hắc tố sau khi đánh răng sẽ nhạt màu hơn, toàn bộ răng sẽ nhẵn bóng, không có "ổ gà".
Căn cứ vào cảm giác của trẻ
Các vết sắc tố đen trên bề mặt răng sẽ không ảnh hưởng đến việc ăn uống và sinh hoạt bình thường của trẻ. Sâu răng sẽ khiến răng trẻ trở nên nhạy cảm, một số trẻ sợ axit, sợ đá, ngọt…, giai đoạn sau trẻ sẽ cảm thấy đau nhức. Nếu thấy răng đã ngả màu đen, và trẻ thường xuyên có hành động lấy tay che miệng kêu đau răng thì nhất định là do sâu răng.
Kết hợp 4 bước trên, bố mẹ có thể đánh giá cơ bản những đốm đen trên răng của trẻ là sâu răng hay hắc tố. Để đảm bảo an toàn, nếu con có những đốm đen hoặc bất thường trên răng thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám kịp thời.
Răng bị sâu sẽ khiến trẻ có cảm giác đau nhứt, dễ bị tổn thương nếu chải răng nhiều và mạnh.
Sắc tố đen trên bề mặt răng của bé, làm thế nào để xóa nó?
Các hắc tố trên bề mặt răng không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng răng bị đen lại ảnh hưởng phần nào đến vẻ ngoài của trẻ. Thực tế đã cho thấy, nó không thể được loại bỏ bằng cách đánh răng một cách liều lĩnh, hoặc sử dụng kem đánh răng làm trắng, baking soda,...
Sự ma sát nhỏ này không đủ để loại bỏ, không có kem đánh răng nào có thể loại bỏ cặn melanin. Thêm vào đó, việc răng bị đánh nhiều lần và mạnh có thể khiến trẻ rất đau, thậm chí là hình thành tâm lý sợ đánh răng. Với tiền đề đảm bảo trẻ được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, các chuyên gia, bác sĩ mách cách bố mẹ có thể giúp trẻ xử lý bằng hai phương pháp sau.
Giảm tiêu thụ thực phẩm và thuốc có sắc tố cao
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trẻ sơ sinh có thể phát triển sắc tố melanin sau khi ăn một số loại rau, trái cây, nước tương, sô cô la,... Ngoài thức ăn, trẻ sơ sinh cũng có thể phát triển hắc tố sau khi dùng thuốc bổ sung sắt.
Nếu bố mẹ quan sát thấy rằng em bé gần đây đã tiêu thụ những chất này, và xuất hiện những đốm đen có sắc tố trên răng, thì hãy cố gắng giảm lượng thực phẩm cho con ăn vào. Đồng thời, đánh răng súc miệng kịp thời để làm sạch bề mặt răng sau khi cho trẻ uống sắt hoặc thuốc bắc.
Bằng cách giảm tiêu thụ và tích cực làm sạch các "mặt hàng" có sắc tố cao này, bệnh hắc tố ở một số trẻ em sẽ thuyên giảm đáng kể, giúp trẻ sở hữu một hàm răng khoẻ mạnh và ưa nhìn.
Một số loại bánh kẹo có thể làm phát triển sắc tố melanin, khiến răng trẻ xuất hiện các đốm đen.
Đến bệnh viện nha khoa chuyên nghiệp để làm sạch
Nếu bố mẹ cảm thấy bề mặt răng của bé có sắc tố sẫm màu, ảnh hưởng rất nhiều đến vẻ ngoài và ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ thì nên đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Tại các bệnh viện nha khoa, hiệu quả loại bỏ có thể đạt được bằng cách làm sạch bề mặt răng, thông qua việc sử dụng các dụng cụ đánh bóng chuyên nghiệp như hạt silicon.
Tuy nhiên, một số trẻ có thể tiếp tục tạo ra sắc tố mới sau khi loại bỏ, vậy nên bố mẹ cần theo dõi thường xuyên, hầu hết các sắc tố này sẽ dần biến mất sau khi trẻ thay răng vĩnh viễn, thanh thiếu niên và trưởng thành.
Lưu ý: Không nên làm sạch răng bằng sóng siêu âm cho trẻ em có sắc tố trên bề mặt răng, vì men răng sữa tương đối yếu, việc làm sạch bằng sóng siêu âm lặp đi lặp lại có thể dễ dàng làm hỏng bề mặt men răng.
Khám răng định kỳ là điều mà bố mẹ nên làm để bảo vệ sức khoẻ răng miệng cho trẻ.
Bình luận