Sản phụ trẻ bị chồng tác động vật lý ngay trên bàn đẻ khiến cả phòng sinh im bặt, cái kết khiến dân tình hả dạ
Trước những lời lẽ khó nghe của sản phụ trong cơn đau đẻ, người chồng đã không kiềm chế được cảm xúc của mình.
Trong nhiều bộ phim truyền hình, cảnh tượng người vợ đau đớn la hét trên bàn sinh, mắng chửi chồng trong nước mắt, còn người chồng thì ân cần nắm tay, liên tục an ủi và xin lỗi luôn khiến người xem cảm động. Sau tất cả, cả hai vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi chào đón một sinh linh bé nhỏ ra đời. Nhưng đời thực không phải lúc nào cũng ngọt ngào như phim ảnh.
Trên thực tế, giây phút vượt cạn là một thử thách thể chất khủng khiếp với người phụ nữ và cũng là bài kiểm tra cảm xúc nghiệt ngã đối với mối quan hệ vợ chồng. Một cơn bùng nổ nhỏ về cảm xúc trong khoảnh khắc căng thẳng nhất cũng có thể để lại những tổn thương dài lâu, thậm chí trở thành bước ngoặt trong cuộc hôn nhân.
Vượt cạn là hành trình vô cùng gian nan về cả thế xác lẫn tinh thần.
Câu chuyện của Lily và chồng cô - A Phong là một minh chứng điển hình. Cả hai là mối tình đầu của nhau, yêu từ thời đại học và nhanh chóng kết hôn sau khi tốt nghiệp. Sau chưa đầy một năm chung sống, Lily mang thai con đầu lòng. Vì từ nhỏ sống trong gia đình khá giả, được cưng chiều nên khi mang thai, Lily thường xuyên cáu gắt, tâm trạng thất thường. Dù có chút nóng tính, A Phong vẫn cố gắng chiều chuộng, nhường nhịn vợ hết mực.
Đến ngày sinh, bác sĩ chỉ định dùng thuốc kích sinh để hỗ trợ chuyển dạ. Không ngờ Lily phản ứng dữ dội với thuốc, chỉ sau ít phút đã đau đến mức gào khóc thảm thiết, thậm chí van xin chồng đưa về, nói rằng không muốn sinh con nữa. A Phong dù cố gắng dỗ dành, trấn an nhưng bất lực. Lily bắt đầu mất kiểm soát, mắng chửi chồng là vô dụng, không cần cô sống chết ra sao, thậm chí lôi cả chuyện cũ trong hôn nhân ra chì chiết giữa phòng sinh đông người.
Mặc dù bị xúc phạm nghiêm trọng trước mặt bác sĩ và y tá, A Phong vẫn nhẫn nhịn, không đáp trả. Nhưng khi Lily vung tay đánh anh một cái, A Phong không còn giữ được bình tĩnh. Trong một khoảnh khắc mất kiểm soát, anh giáng trả một cái tát mạnh vào mặt vợ, buột miệng quát lớn: “Cô còn muốn làm gì nữa? Đừng làm loạn nữa được không”.
Toàn bộ phòng sinh rơi vào trạng thái im bặt. Từ bác sĩ, y tá đến những sản phụ khác đang chờ sinh đều im lặng. Sau sự việc, Lily được chỉ định mổ lấy thai, ca mổ thành công, mẹ tròn con vuông. Nhưng giữa hai vợ chồng, khoảng cách bắt đầu hình thành vì một vết nứt khó lành.
A Phong ban đầu nhẫn nhịn nhưng khi vượt quá sự chịu đựng đã vung tay đánh vợ.
Sau khi xuất viện, Lily bế con về nhà mẹ đẻ, cắt đứt liên lạc với chồng. A Phong nhiều lần tới nhà xin lỗi, mong được tha thứ nhưng đều bị từ chối. Không lâu sau, Lily đăng tải câu chuyện của mình lên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ, khiến cộng đồng mạng chia thành nhiều luồng ý kiến.
Rất nhiều người chỉ trích A Phong là kẻ vũ phu, đồng thời hả hê khi trước quyết định của người vợ - bế con về nhà mẹ đẻ, cắt đứt liên lạc với chồng. Họ cho rằng, trong lúc người vợ đau đớn nhất, yếu đuối nhất lại bị chính người đầu ấp tay gối ra tay thì không thể chấp nhận được. Có người bình luận gay gắt: “Vợ đang đau đẻ mà dám ra tay đánh thì còn gì là đàn ông nữa”. Một số khác viết: “Phụ nữ có thể nói nặng lời trong cơn đau, nhưng đánh vợ là hành vi không thể tha thứ, đặc biệt trong thời khắc nhạy cảm như thế”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người tỏ ra đồng cảm với người chồng. Họ cho rằng đàn ông cũng có cảm xúc, cũng có giới hạn chịu đựng, và việc cả hai mất kiểm soát khi đối mặt với cơn đau và áp lực quá lớn là điều có thể hiểu được. Một người chia sẻ: “Đừng đòi hỏi đàn ông luôn phải hoàn hảo trong khi phụ nữ được phép mắng chửi và trút giận vô tội vạ. Ai cũng có giới hạn cả”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến trung lập cho rằng cả hai đều có lỗi trong vụ việc. Lily đang trong cơn đau đẻ, không kiểm soát được cảm xúc là điều dễ hiểu, nhưng việc lôi chuyện cũ ra mắng chửi, thậm chí động tay trước, cũng là điều không nên. Trong khi đó, A Phong với tư cách là chồng, lại chọn cách đáp trả bằng bạo lực, dù trong phút chốc, cũng khiến niềm tin và sự an toàn trong hôn nhân bị phá vỡ.
Người đồng hành cùng sản phụ khi vượt cạn cần chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng.
Người thân đồng hành cùng sản phụ khi chuyển dạ cần lưu ý điều gì?
Quá trình chuyển dạ là thời điểm nhạy cảm và căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần đối với sản phụ. Sự hiện diện và hỗ trợ của người thân, đặc biệt là chồng hoặc mẹ, không chỉ giúp người mẹ an tâm mà còn góp phần tạo nên một trải nghiệm sinh nở tích cực hơn. Tuy nhiên, để thực sự là chỗ dựa vững vàng, người thân cần lưu ý một số điểm quan trọng sau:
- Giữ bình tĩnh và tâm lý vững vàng: Khi chứng kiến người mẹ đau đớn, hoảng loạn hoặc mất kiểm soát cảm xúc, người thân cần tránh bị cuốn theo. Thay vào đó, hãy hít thở sâu, trấn an bản thân để có thể truyền sự bình tĩnh cho sản phụ.
- Hiểu và chấp nhận những thay đổi tâm lý: Sản phụ khi chuyển dạ có thể nổi nóng, cáu gắt, thậm chí buông lời khó nghe. Đây là phản ứng tự nhiên do tác động của đau đớn và hormone. Người thân nên cảm thông và tránh đáp trả hay làm trầm trọng thêm tình hình.
- Lắng nghe và hỗ trợ đúng lúc: Đôi khi, chỉ cần một cái nắm tay, một câu động viên nhẹ nhàng hoặc đơn giản là đứng bên cạnh, cũng có thể mang lại sức mạnh to lớn cho người mẹ. Tuyệt đối không ép buộc sản phụ “phải mạnh mẽ”, vì mỗi người có ngưỡng chịu đựng khác nhau.
- Phối hợp với nhân viên y tế: Luôn tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, nữ hộ sinh và điều dưỡng. Nếu thấy sản phụ quá đau hoặc có biểu hiện bất thường, đừng tự ý xử lý mà hãy báo ngay cho người có chuyên môn.
- Sau sinh, tiếp tục là hậu phương vững chắc: Khi em bé chào đời, sản phụ cần nghỉ ngơi và hồi phục. Hãy chủ động chia sẻ việc chăm con, hỗ trợ tinh thần để giúp mẹ tránh trầm cảm sau sinh.
Bình luận