Trẻ khỏe mạnh ở nhà nhưng vào học mẫu giáo thì ốm vặt, chuyên gia chỉ ra 3 nguyên nhân
Chuyên gia chỉ ra các nguyên nhân tại sao trẻ nhỏ dễ mắc bệnh khi đi học mẫu giáo.
Sau khi trẻ bước vào lớp mẫu giáo một thời gian, nhiều phụ huynh phát hiện ra một vấn đề đáng lo ngại là trẻ ở nhà thường khỏe mạnh, nhưng khi đi học mẫu giáo lại dễ bị bệnh.
Việc trẻ dễ bị bệnh khiến bố mẹ lo lắng, cả giáo viên cũng khó kiểm soát tình trạng sức khỏe của các em khi đến lớp. Có một số nguyên nhân được chuyên gia giải thích tại sao trẻ nhỏ dễ mắc bệnh khi đi học mẫu giáo.
Nguyên nhân chính có thể xuất phát từ 3 khía cạnh
Lây nhiễm chéo ở lớp học
Môi trường học đường đông đúc, nên khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Trước tiên, tần suất tiếp xúc giữa các trẻ và nhân viên tăng lên đáng kể, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của virus và vi khuẩn.
Chẳng hạn, khi một đứa trẻ bị cảm lạnh hoặc cúm, có thể lây lan virus qua các hình thức như ho, hắt hơi, hoặc chạm vào đồ chơi, từ đó truyền nhiễm cho những đứa trẻ khác nếu tiếp xúc. Điều này tạo ra một chuỗi lây nhiễm trong lớp học, khiến số lượng trẻ mắc bệnh tăng lên.
Hơn nữa, vấn đề vệ sinh cũng góp phần vào tình trạng này. Một lớp học với số lượng học sinh đông, đôi khi các giáo viên khó theo dõi chặt chẽ việc trẻ có tuân thủ các quy tắc vệ sinh như rửa tay hay không.
Môi trường học đường đông đúc, tần suất tiếp xúc giữa các trẻ và nhân viên tăng lên đáng kể.
Hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ còn yếu
Hệ miễn dịch của trẻ cần thời gian để phát triển và chống lại các mầm bệnh. Trẻ mẫu giáo vẫn đang trong quá trình hình thành và tăng cường hệ thống miễn dịch của mình, do đó, chức năng bảo vệ của hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Khi trẻ bắt đầu đi học, thường tiếp xúc với môi trường mới, gặp gỡ nhiều người và phải đối mặt với các mầm bệnh khác nhau. Việc tiếp xúc với các mầm bệnh mới này đặt ra một thách thức cho hệ miễn dịch của trẻ, vì nó chưa có kinh nghiệm hoặc kháng thể đối với các mầm bệnh này.
Trẻ mẫu giáo thường chưa có đủ kinh nghiệm trong việc phát hiện và đối phó với các triệu chứng bệnh. Do đó, trẻ không nhận ra khi cơ thể bị tấn công bởi một mầm bệnh hoặc không biết cách tự bảo vệ mình khỏi nhiễm trùng. Vì vậy, trẻ dễ bị ốm sau khi vào mẫu giáo.
Áp lực căng thẳng tâm lý
Đối với nhiều trẻ, học mẫu giáo là lần đầu tiên tiếp xúc với một môi trường học tập mới và xa nhà. Điều này có thể tạo ra áp lực và căng thẳng tâm lý khi phải thích nghi với môi trường mới, các bạn cùng lớp và giáo viên. Sự tách xa này có thể gây cảm giác lạc lõng và lo lắng cho trẻ, đồng thời tạo ra áp lực tâm lý.
Học mẫu giáo đòi hỏi trẻ phải tương tác với các bạn cùng lớp và tham gia vào các hoạt động nhóm. Đối với những trẻ nhút nhát hoặc khó khăn trong việc giao tiếp xã hội, áp lực để thích nghi và tương tác có thể gây căng thẳng và lo lắng.
Sự tách xa gia đình có thể gây cảm giác lạc lõng và lo lắng cho trẻ, đồng thời tạo ra áp lực tâm lý.
Từ đó, có thể gây ra một phản ứng cơ thể gọi là "phản ứng chiến đấu hoặc chạy trốn", trong đó cơ thể sản xuất các hormone như cortisol và adrenaline. Các hormone này có thể làm giảm chức năng của hệ miễn dịch, khiến nó không hoạt động hiệu quả như bình thường. Khi hệ miễn dịch yếu đi, trẻ mẫu giáo dễ ốm hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thông qua việc tiếp xúc với các vi rút và vi khuẩn trong môi trường mới, trẻ có cơ hội phát triển và tăng cường hệ miễn dịch của mình. Khi cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, hệ miễn dịch của trẻ ngày càng trở nên mạnh mẽ và phát triển. Điều này giúp trẻ xây dựng một hệ miễn dịch trưởng thành, khỏe mạnh hơn.
Vì vậy, trong những trường hợp trẻ bị ốm nhẹ, bố mẹ không nên quá lo lắng, thay vào đó nên giúp con nâng cao khả năng miễn dịch với những phương pháp lành mạnh.
Những phương pháp giúp trẻ tăng đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch
Chế độ ăn, giấc ngủ và vận động lành mạnh
Để trẻ tránh xa bệnh tật nhất có thể, bố mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và vận động vừa phải.
Đầu tiên, bố mẹ nên cung cấp cho trẻ những thực phẩm cân bằng dinh dưỡng, bao gồm thịt cá, trái cây tươi, rau, ngũ cốc nguyên hạt.... Chế độ dinh dưỡng cân bằng giúp tăng cường chức năng miễn dịch để cơ thể khỏe mạnh hơn, chống lại sự xâm nhập của vi trùng.
Thứ hai, trẻ cần ngủ đủ giấc để cơ thể được nghỉ ngơi tốt, tăng cường khả năng miễn dịch. Bởi giấc ngủ là thời gian mà cơ thể có thể tái tạo và phục hồi các tế bào miễn dịch. Trong quá trình ngủ, cơ thể sản xuất các chất dẫn truyền và protein cần thiết để duy trì chức năng miễn dịch.
Đồng thời, trong quá trình ngủ, cơ thể trẻ sản xuất các tế bào diệt khuẩn và tế bào sát khuẩn để chống lại các mầm bệnh.
Cuối cùng, trẻ cũng cần tập thể dục vừa phải như chạy, nhảy dây hay chơi bóng đá để cơ thể khỏe mạnh và có khả năng chống lại virus tốt hơn.
Để trẻ tránh xa bệnh tật nhất có thể, bố mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và vận động vừa phải.
Phát triển thói quen vệ sinh tốt cho trẻ
Để bảo vệ sức khỏe của con, bố mẹ có thể áp dụng những thói quen vệ sinh sau đây.
Rửa tay thường xuyên: Hướng dẫn con rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Lưu ý rửa sạch từng ngón tay, lòng bàn tay, mặt và sau bàn tay. Rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi sử dụng toilet, sau khi tiếp xúc với động vật và khi tay bẩn.
Tránh chạm tay vào mặt và mắt: Khuyến khích con tránh chạm vào mặt và mắt bằng tay, đặc biệt khi tay bẩn. Đây là cách giảm khả năng vi khuẩn và virus lây lan từ tay vào cơ thể.
Sử dụng khăn giấy che miệng khi ho hoặc hắt hơi: Dạy con sử dụng khăn giấy để che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Nếu không có khăn giấy, hướng dẫn con che bằng khuỷu tay, tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí. Điều này giúp ngăn chặn vi khuẩn và virus trong nước bọt lây lan ra xa.
Thường xuyên thay quần áo, đặc biệt khi trẻ bị bẩn hoặc ướt. Đồng thời, dạy con cách sử dụng khăn giấy hoặc khăn vải riêng, tránh chia sẻ vật dụng cá nhân để giảm nguy cơ lây truyền.
Giữ khoảng cách với những người bị ốm: Hướng dẫn con tránh tiếp xúc gần với những người có triệu chứng bệnh hoặc đang bị ốm. Khi con bị ốm, hãy hướng dẫn con che miệng và mũi khi hoặc hắt hơi, và hạn chế tiếp xúc với những người khác để tránh lây nhiễm.
Hướng dẫn con rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây.
Rèn luyện trẻ sớm thích nghi với nếp sống ở trường
Trước khi trẻ đến trường, thời gian biểu ở nhà có thể tương đối thất thường. Để giúp trẻ thích nghi với cuộc sống ở trường mẫu giáo, bố mẹ có thể giúp trẻ bắt chước trước các hoạt động ở trường mẫu giáo như giờ ăn, giờ ngủ trưa, giờ chơi,..
Bằng cách này, trẻ có thể hiểu trước cuộc sống hàng ngày của trường mẫu giáo, từ đó giảm bớt cảm giác lạ lẫm, áp lực tâm lý, thích nghi tốt hơn với môi trường mẫu giáo.
Tiêm chủng kịp thời cho trẻ bằng các loại vắc xin được khuyến cáo
Tiêm chủng kịp thời là biện pháp quan trọng để nâng cao khả năng miễn dịch của trẻ. Việc làm theo lời khuyên của bác sĩ và tiêm vắc xin được khuyến nghị, có thể ngăn ngừa hiệu quả sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm thông thường.
Chăm sóc tâm lý đầy đủ cho trẻ
Phụ huynh và nhà trường có thể làm việc cùng nhau để thiết lập một môi trường học tập tích cực và phát triển khả năng quản lý cảm xúc, đối phó với căng thẳng của trẻ.
Để trẻ có đề kháng tốt, giải tỏa căng thẳng, cần khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi và thể dục.
Trẻ dễ mắc bệnh ngay khi vào mẫu giáo, chủ yếu do tần suất tiếp xúc ở trường tăng lên, hệ miễn dịch chưa trưởng thành, khả năng miễn dịch chưa đủ và căng thẳng tâm lý. Tuy nhiên, khi trẻ lớn lên, hệ thống miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn.
Phụ huynh và nhà trường có thể làm việc cùng nhau để thiết lập một môi trường học tập tích cực.
Bình luận