Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Cánh én dệt mùa xuân giáo dục

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (cùng nhà giáo Văn Như Cương) được coi như người đầu tiên khai mở mô hình giáo dục tư ở Hà Nội sau năm 1975 với sự ra đời của trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh từ hơn ba thập niên trước. Năm 1992, thầy Nguyễn Xuân Khang rời khỏi Lương Thế Vinh, tự đứng ra thành lập trường Marie Curie - một thương hiệu hàng đầu của giáo dục Thủ đô ngày nay.

Đến thăm trường Marie Curie vào một ngày đông đã vào sâu, cái rét ngọt như gọi xuân về. Trong một ngôi trường khang trang, cơ sở vật chất hiện đại, đạt giải thưởng quốc gia về kiến trúc như Marie Curie nhưng căn phòng của thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang lại giản dị bất ngờ. Trong phòng chỉ có những bức hình thầy chụp với học sinh, những tấm thiệp học sinh tặng, không hề có bất kỳ tấm bằng khen hay huân huy chương nào. Sự giản dị đó còn toát ra từ chính con người thầy khi chúng tôi bắt đầu trò chuyện.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Cánh én dệt mùa xuân giáo dục - 1

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie Hà Nội. Ảnh: Phạm Hằng 

- Là một trong những người khai mở mô hình giáo dục dân lập ở nước ta sau năm 1975, mục tiêu của thầy là gì khi mạo hiểm mở trường trong bối cảnh giáo dục nhà nước đã ăn sâu vào não trạng của nhiều thế hệ lúc bấy giờ?

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, "trường tư" còn là một khái niệm hết sức xa lạ với cả những lớp người đã gần 50 tuổi. Năm 1988, bàn đi tính lại, tôi cùng thầy Văn Như Cương đánh liều viết một bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó là Giáo sư Phạm Minh Hạc, xin thành lập một trường THPT tư thục. Rất may, Bộ trưởng rất đồng tình, tạo điều kiện tổ chức Hội nghị của Bộ để xem xét.

Sau khi chúng tôi trình bày đề án, cả hội nghị đã nhất trí ủng hộ nhưng giao kèo, 1 tuần chúng tôi phải hoàn thiện ba việc lớn: đặt tên trường, có địa điểm thành lập và đội ngũ giáo viên. Sau buổi họp nhận nhiệm vụ, tôi và thầy Cương về phấn khởi vô cùng. Trên đường về, 2 anh em đói quá, ghé vào quán phở, vừa ăn rồi hội ý với nhau. Chúng tôi thống nhất, sáng hôm sau, mỗi người đưa ra một tên và địa điểm thành lập trường sẽ do tôi lo. Còn về đội ngũ giáo viên thì lúc này rất thuận lợi, vì giáo dục chưa được phát triển, giáo viên rất thừa, việc tuyển chọn giáo viên không quá khó khăn. Còn về cơ sở đào tạo, may mắn đã được trường Đại học Tổng hợp đồng ý cho thuê lại một số phòng học, phòng thực hành để thực hiện công tác giảng dạy.

Chiều ngày 2/6/1989, sau khi nhận quyết định thành lập trường tôi đã chạy ngay đến nhà thầy Cương để thông báo, UBND Thành phố Hà Nội cho phép thành lập trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, thầy Văn Như Cương làm Hiệu trưởng, tôi làm Hiệu phó. 3 tháng sau đó, chúng tôi dốc toàn sức, toàn tâm, toàn lực để kịp khai giảng năm học đầu tiên 1989 - 1990. Hơn cả mong đợi, ngày họp phụ huynh đầu năm đã chật cứng cả 1000 chỗ ngồi. Sau buổi họp, con số học sinh đăng ký tham gia lên đến 1200 người.

Làm việc với thầy Cương được ba năm thì tôi đi theo hướng riêng của mình. Vì tôi nguyên là giáo viên hệ chuyên Toán của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1965. 20 năm sau, năm 1985, tôi lại nằm trong nhóm những giáo viên đầu tiên sáng lập ra hệ chuyên Lý của trường. Nên tôi luôn ấp ủ muốn xây dựng một trường năng khiếu tư thục nên đã xin phép thành lập trường phổ thông năng khiếu Marie Curie. Tuy có những quan điểm riêng về giáo dục, nhưng điểm chung của chúng tôi là đều mong muốn giáo dục Việt Nam phát triển, thoát ra khỏi sự trì trệ, lạc hậu hiện tại, vươn tới nền giáo dục tiên tiến.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Cánh én dệt mùa xuân giáo dục - 2

Thầy Nguyễn Xuân Khang đã một tay gây dựng nên cơ ngơi Marie Curie với diện mạo khang trang, trở thành một thương hiệu hàng đầu của giáo dục Thủ đô ngày nay.

- Ước muốn vươn tới một nền giáo dục tiên tiến được hiện thực hóa như thế nào khi trường phổ thông năng khiếu Marie Curie ra đời, thưa thầy?

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Cách đây 30 năm, tết Nhâm Thân 1992, sau đêm giao thừa, tôi tự “giam” mình trong một không gian đặc biệt suốt 3 ngày đêm. Không đi đâu, không gặp ai, tôi tập trung cao độ, dành tất cả tâm huyết và kinh nghiệm để thực hiện một ý tưởng ấp ủ nhiều năm: hoàn thành đề án thành lập trường Marie Curie. Ngoài bản đề án viết ngắn gọn theo thủ tục hành chính, tôi còn có bản thiết kế chi tiết các hoạt động khác lạ, độc đáo của một trường học chưa từng có ở Hà Nội.

30 năm trước, tôi ước mơ Marie Curie sẽ là một ngôi trường: trường ra trường, thầy ra thầy và trò ra trò. Nhiều hoạt động của Trường Marie Curie những năm về sau, cho đến bây giờ đã diễn ra đúng những phác thảo trong 3 ngày đặc biệt đó.

Tháng 8/1992, trường tổ chức hội thảo giới thiệu về mô hình hoạt động trường. Sau khi nghe giới thiệu về một ngôi trường sắp ra đời, có nhiều khác lạ (học 2 buổi, ăn và ngủ trưa ở trường), không khí hội trường nóng dần lên. Nhiều câu hỏi về bán trú, nội trú, xe đưa đón, ăn, ngủ, học phí… được giải đáp rõ ràng.

Ngày 29/8/1992, UBND Thành phố Hà Nội ban hành quyết định cho phép thành lập Trường phổ thông dân lập cấp 2 - 3 Marie Curie. Về sau, trong một cuộc họp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thời kỳ đó, nói: “Trường Marie Curie thành công vì marketing giỏi, nhằm đúng mong muốn của phụ huynh có nơi gửi con học cả ngày, trưa không phải lo đón con về”.

Theo kế hoạch, trường sẽ tuyển 360 học sinh với 12 lớp, từ lớp 6 đến lớp 10. Học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh được tuyển thẳng, miễn học phí, cấp học bổng. Học sinh ở tỉnh khác về học được bố trí ăn ở nội trú tại trường. Học sinh khác thi trắc nghiệm năng lực trí tuệ theo chuẩn quốc tế (Test Raven). Hơn 1000 thí sinh dự tuyển. Kết quả, lần đầu tuyển sinh đã "vỡ trận", gần 600 học sinh trúng tuyển, thành lập 17 lớp, trong đó có 2 lớp 11 ngoài kế hoạch.

Trong 10 ngày tuyển đủ giáo viên. Nhiều thầy giáo dạy giỏi nổi tiếng ở Hà Nội sẵn sàng hợp tác với trường. Những cô giáo vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, tràn đầy sức trẻ, cũng xin gia nhập đội ngũ giáo viên của trường.

Ngày 6/9/1992, Trường Marie Curie tổ chức lễ thành lập trường và khai giảng năm học đầu tiên 1992 - 1993.

Marie Curie cũng là một trong số hiếm hoi trường dân lập có xe ô tô đưa đón học sinh. Hằng ngày có 5 tuyến xe buýt, sáng đón học trò đến trường, chiều đưa về nhà. Đến nay, hệ thống xe buýt đưa đón học sinh của trường đã tăng lên thành 175 xe, với 175 tuyến phủ khắp Hà Nội.

Thời điểm ấy, tôi luôn tâm niệm: trong giáo dục, khi khu vực tư phát triển, thu hút được nhiều con em của những gia đình có điều kiện, gánh nặng cho ngân sách giáo dục sẽ giảm, nhà nước có điều kiện chăm lo tốt hơn cho hệ thống công lập.

- Trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục Marie Curie trở thành cơ sở uy tín hàng đầu của giáo dục Thủ đô hiện nay, yếu tố nào được thầy đặt lên hàng đầu?

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Có chuyện vui thế này, trong một buổi họp phụ huynh ở trường Marie Curie, có phụ huynh nói với tôi, con em họ về nhà kể chuyện, ở trường con thích nhất cái toilet, thích nhì là thầy Khang. Tôi cười và nói lại, đấy tôi có nhiều điều hay, thú vị thế mà các học sinh vẫn chỉ thích tôi sau cái toilet, thì phải biết hệ thống toilet của trường tôi tuyệt vời như nào.

Khi xây trụ sở ở Mỹ Đình khang trang bây giờ, tôi nói với kiến trúc sư là hãy tạo cho ngôi trường của chúng tôi hệ thống nhà vệ sinh thật đẹp, chúng tôi đủ kinh phí bảo dưỡng bảo trì, giữ gìn. Tôi quan niệm thế này, khi đi vệ sinh là con người ta chỉ đối diện với chính mình, không có một hệ thống giám sát nào giám sát được hành vi đó của con người. Những khẩu hiệu cấm này cấm nọ, những lời nhắc nhở giữ gìn vệ sinh chung chẳng hạn, không có tác dụng nhiều với những đứa trẻ đang trong không gian riêng. Điều duy nhất giúp các em không chỉ không dám, mà là không muốn làm bẩn nhà vệ sinh của mình chính là cái đẹp. Không một em nhỏ nào lại muốn vấy bẩn cái không gian rất sạch rất đẹp mà mình đang sử dụng.

Tôi kể câu chuyện này để thấy, trước hết phải tạo được một môi trường thật tốt, thật thân thiện, thật đẹp: từ nhà vệ sinh, sân trường, bếp ăn, từ cô chủ nhiệm, cô bộ môn đến cô lao công, các chú lái xe bus... tất cả cộng hưởng lại, tương tác với học sinh, và trong môi trường ấy học sinh dễ dàng phát huy những điều hay, điều tốt đẹp trong bản thân mỗi em.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Cánh én dệt mùa xuân giáo dục - 3

Không chỉ ăn cùng nhà ăn với học sinh như các giáo viên khác, thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang còn hay ngồi cùng bàn với các em học sinh tiểu học. "Ông nội" Khang còn làm bài thơ tặng học sinh tiểu học để các em dễ nhớ những lời khuyên khi ăn: "Một: rửa sạch cái tay. Hai: về ngay đúng chỗ. Ba: có lời mời nhỏ. Bốn: cho thuận đôi tay. Năm: ăn thật nhẹ nhàng. Sáu: không quá thời gian. Bảy: không thừa các thứ. Tám: xếp gọn dụng cụ. Chín: rửa cái miệng xinh. Mười: rinh quà ông nội".

Chất lượng cơ sở vật chất là một chuyện, chất lượng giáo dục lại càng cần tiêu chuẩn cao hơn. Ở Marie Curie không có cơ hội cho sự gian lận, giáo dục sự trung thực cho học sinh chúng tôi làm kiên trì. Trước tiên phải là sự nỗ lực của thầy, cô giáo. Chúng ta không trung thực sao bảo học sinh trung thực được.

Trường tôi cũng nằm ngoài các phong trào thi đua của bộ, sở, ngành... Tôi không vướng vào bệnh thành tích. Tôi không phản đối nhưng cũng không hưởng ứng các hội thi giáo viên dạy giỏi của ngành giáo dục, tôi nghĩ đó là diễn giỏi chứ không phải dạy giỏi, những cuộc thi đấy chỉ là những cuộc thao diễn làm mầu làm mè, khó áp dụng được trong thực tế giảng dạy. Nhưng chúng tôi có đánh giá giáo viên ngay từ khi thành lập năm 1992, đến năm học vừa rồi là đã có 61 lần chúng tôi phát phiếu đánh giá giáo viên.

Suốt hơn 30 năm nay, qua 61 kỳ đánh giá, chúng tôi chỉ phát Phiếu test tâm lý học sinh với duy nhất câu hỏi: Nhà trường muốn biết tâm lý của em về việc giảng dạy của các thầy cô trong học kỳ vừa qua, nếu thấy thích hợp em tích vào ô tương ứng, ngược lại thì để trống. Trước mỗi môn học có ô để tích vào. Không có tên học sinh, cũng không có tên thầy, cô giáo. Tuy nhiên từ bộ môn sẽ phiên ra được giáo viên. Nếu giáo viên nào bị dưới 50% “không thích hợp” sẽ không được bố trí dạy môn đó, lớp đó cho trong kỳ tiếp theo. Học sinh bỏ phiếu rồi mà cha mẹ muốn thay đổi giáo viên nào đó chúng tôi cũng không đồng ý, vì phải tôn trọng lựa chọn của các em.

- Một tay xây dựng thương hiệu Marie Curie, cảm xúc của thầy thế nào khi nhìn những học sinh của thế hệ hiện tại so với quá khứ?

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Mỗi khi đứng ở góc sân trường, ngắm học trò vui chơi thoả thích, lòng tôi rộn lên cảm giác sung sướng, hạnh phúc vô cùng. Thế hệ chúng tôi đã hy sinh cũng chỉ mong con cháu được như hôm nay. Học trò bây giờ có cuộc sống đầy đủ, sung sướng. Ngày chia tay, các con ôm nhau khóc. Tôi dặn các con hãy giữ cuốn lưu bút mà chúng ta đã dày công làm nên, để nhớ mãi những hình ảnh đẹp đẽ về bạn bè, mái trường.

Năm 12 tuổi, tôi là cậu bé bán kem, mỗi chiếc bán 5 xu thì được lãi nửa xu. Bây giờ, sau 50 năm, khi học sinh ra trường, tôi thường tặng các con hàng trăm que kem. Tôi khuyên các con sống tử tế, làm việc hết mình, rồi sẽ thành công.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Cánh én dệt mùa xuân giáo dục - 4

- Đúc kết lại một đời dạy học, mở trường của thầy, thầy tâm niệm về mục tiêu của giáo dục như thế nào?

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: Tôi suy nghĩ nhiều, nhưng tận đến tuổi này tôi mới ngẫm, mới tâm niệm, mục đích của việc học, đi học thì nhiều nhà tư tưởng, nhiều nền giáo dục khác đã đúc kết. Với tôi chung quy là Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng... Học để giữ tính người, để làm người, một con người có bản sắc riêng, có bản sắc dân tộc của mình, và học để tiếp cận thu nhận được những cái mới từ bên ngoài… Hay UNESCO cũng chỉ ra, rất dễ hiểu và đơn giản là: học để biết, học để làm, học để chung sống...

Trong quan điểm giáo dục của mình, với tôi, "nhu" luôn nhiều hơn "cương", giáo dục cho học sinh tính nhân văn, kỹ năng sống, năng lực trí tuệ nhưng không gắt gao đến mức phải thi đỗ trường này trường kia. Thi trượt nhưng nhân cách học sinh tốt vẫn ổn, nó có thể thấp điểm Toán, Lý nhưng Âm nhạc, thể thao tốt cũng không sao. Thậm chí học xong đi học nghề cũng có thể làm một ông thợ tốt.

Thế hệ 10X của các em bây giờ có nhiều thay đổi không phải so với thế hệ 4X, mà ngay với 8X và 9X. Xã hội phát triển, học sinh có nhiều cơ hội học hành. Bạn trẻ được lựa chọn nhiều nghề nghiệp phù hợp bản thân. Đại học không còn là con đường duy nhất, còn có rất nhiều thứ khác trong cuộc sống để chinh phục. Dạy học, dạy kiến thức là điều bắt buộc, nhưng còn một điều quan trọng hơn chính là dạy cách làm người, dạy cách sống, cách đối nhân xử thế.

- Xin cảm ơn chia sẻ của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang!

Hệ thống giáo dục Marie Curie do nhà giáo Nguyễn Xuân Khang sáng lập gồm cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ngoài trụ sở chính tại Khu đô thị Mỹ Đình, nhà trường đã phát triển thêm hai cơ sở là Trường Tiểu học Marie Curie II tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông và Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Marie Curie Hà Đông, tại phường Văn Phú, quận Hà Đông. Nhà trường đang triển khai xây dựng cơ sở mới tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên với quy mô cấp học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Quá trình lãnh đạo điều hành, thầy Khang đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong quản lý dạy và học thông qua nhiều hình thức như thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, trình độ chuyên môn của giáo viên, rèn kỹ năng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chính vì vậy, chất lượng của học sinh ngày càng được nâng cao. Đã có hàng chục nghìn học sinh tốt nghiệp từ ngôi trường Marie Curie, góp phần không nhỏ vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục của Thủ đô Hà Nội.

Thực hiện: Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).