Long mạch của Thăng Long

Hà Nội xa xưa là làng Long Đỗ nhưng thường được gọi với cái tên Tô Lịch. Theo sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Tô Lịch là tên của vị trưởng làng.

Vì có nhiều công lao nên khi ông mất, người dân lấy tên ông đặt tên làng, sau đó ông được phong là Long Đỗ thần hay Tô Lịch giang thần. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Tô Lịch còn có nhiều tên khác như: Lai Tô, Hương Bài, Địa Bảo nhưng dân chúng Thăng Long thường gọi là sông Tô.

Long mạch của Thăng Long - 1

Sông Tô Lịch đoạn chảy qua quận Cầu Giấy. 

Ảnh: Khánh Huy

Tô Lịch được coi là long mạch của thành Thăng Long. Con sông này lấy nước sông Thiên Phù (chi lưu của sông Hồng) ở ngã ba Giang Tân (nay là khu vực chợ Bưởi) rồi chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy xuống phía nam, qua huyện Thanh Trì, một nhánh chảy qua các làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Thụy Khuê, qua phố Quán Thánh, Hàng Lược, ngoặt lại qua chợ Đồng Xuân xuống Ngõ Gạch chạy ra Hàng Buồm, nối với sông Hồng gọi là Giang Khẩu (sau kiêng húy chúa Trịnh Giang đổi thành Hà Khẩu). Vì đoạn cửa sông Thiên Phù chỗ tiếp giáp với sông Hồng ở Nhật Tân cao hơn so với Giang Khẩu nên nước ở Tô Lịch lại chảy ra sông Hồng, người phương Bắc thấy vậy cho rằng sông Tô là “nghịch thủy”. Lo sợ sự không bình thường ấy, họ tổ chức tế lễ Tô Lịch giang thần ở đền Bạch Mã và phong ông là “Đô Phủ Thành hoàng thần quân”.

Từ đầu Công nguyên về sau này, trên sông Tô Lịch diễn ra nhiều sự kiện mang tính dấu mốc. Sau khi Lý Nam Đế khởi nghĩa chống quân Tống giành thắng lợi đã thành lập nhà nước Vạn Xuân năm 544. Năm 545, ông cho dựng tòa thành sơ sài bằng tre ở cửa sông gọi là “Tô Lịch giang khẩu mộc sách”. Đây là sự khai mở đầu tiên cho việc xây thành đắp lũy và cũng là tiền đề hình thành đô thị Thăng Long - Hà Nội. Nhiều thế kỷ sau, ở “Tô Lịch giang khẩu mộc sách”, khi Lý Công Uẩn rời Hoa Lư dừng thuyền ở đây đã “thấy rồng vàng bay lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên gọi thành Thăng Long”. Cái tên Thăng Long có xuất xứ từ sông Tô Lịch.

Sông Tô đẹp và hiền dịu trong thơ ca nhưng cũng hung dữ khi sông Hồng, sông Thiên Phù nổi giận. Năm 824, chính quyền đô hộ nhà Đường dời phủ từ Long Biên về huyện Tống Bình gần sông Tô Lịch. Cao Biền huy động 25.000 dân để lập lũy và cũng là đê quanh thành Đại La. Năm 886, nhà Đường cho sửa lại bốn mặt lũy, dài 1982 trượng 5 thước (7.930m), cao 2 trượng 6 thước (10,4m). Nhưng ít năm sau, nước sông Tô Lịch dâng cao và tràn vào phủ trị, nhà Đường lại cho đắp đê bao bọc ngoài phủ dài 2.125 trượng (8.500m) gọi là Đại La thành. Một phần của lũy này là đường Hoàng Hoa Thám ngày nay.

Sông Tô là đường giao thông quan trọng nối từ đông sang tây kinh thành nên nhiều đoạn trên bến dưới thuyền bán buôn tấp nập. Chợ nổi tiếng nhất thời Lý là chợ Bạch Mã, tức chợ Đông ở gần Giang Khẩu. Thời Lý, Trần, các vua thường đi thuyền rồng dạo chơi trên sông Tô, đến cầu Mọc thì dừng lại vì ở đây có đình Lý Thôn, quanh đình có phong cảnh đẹp.

Dọc theo sông Tô xưa có nhiều cầu. Đoạn qua Thụy Khuê có cầu Cau, gần đền Đồng Cổ có cầu Thái Hà, cầu Tây Dương (nay là Cầu Giấy), cầu Cót, cầu Mọc. Thế kỷ XVIII, đời chúa Trịnh Doanh, ông Nguyễn Hữu Thiêm người làng Mọc là Thảo chính sứ Tuyên Quang - Hưng Hóa đã bỏ tiền làm 7 cây cầu trên sông Tô bắt đầu từ cầu Cót, tiếp đó là cầu Trung Kính, Mọc, Giát (bị phá thay bằng cầu mới), Lủ, Minh Kính (từ Định Công sang Lủ) và cầu Quang (từ làng Bằng sang làng Quang).

Sông Tô đoạn chảy qua nam hồ Tây còn là con sông của trai thanh gái lịch trong những đêm trăng trong gió mát: “Biết nhà cô ở đâu đây/ Hỡi trăng Tô Lịch hỡi mây Tây Hồ?”.

Xưa làng Hồ Khẩu và Yên Thái làm giấy đều ngâm dó và đổ bọt giấy ra sông Tô. Nửa đầu thế kỷ XVIII, sông Hồng đổi dòng, cát bồi lấp cửa sông Thiên Phù nên sông này thành “sông chết”, vì thế Tô Lịch mất nguồn cấp nước. Mùa khô, nước sông Hồng cạn, không thể cấp cho Tô Lịch và hồ Tây. Nhưng mùa mưa, nước sông Hồng dâng cao lại qua Giang Khẩu chảy vào Tô Lịch. Khi sông Hồng đổi dòng, cát bồi lấp Giang Khẩu, nước không thể chảy vào nên Tô Lịch trở thành “sông chết”. Năm 1889, người Pháp cho lấp khúc sông gần Hàng Chiếu làm chợ Đồng Xuân, sau đó làm cống ra đến tận trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An) rồi lấp tiếp ra đến chợ Bưởi.

Hiện nay sông Tô Lịch vẫn còn, bắt đầu từ đường Hoàng Quốc Việt chảy qua Cầu Giấy xuống phía nam thành phố, tuy nhiên từ lâu, con sông lịch sử này bị ô nhiễm và có chức năng như cống thoát nước lộ thiên. Hiện Hà Nội đã có dự án xử lý nước thải trước khi đổ xuống sông Tô để có lại làn nước trong xanh xa xưa.

Theo Hà Nội mới

Nguồn hanoimoi.com.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.