Tiền công đức đúng với nghĩa “tiền chùa”…

Trên thế giới, không một quốc gia nào sử dụng tiền mặt tuỳ tiện, vung vít, bừa bãi, dễ dãi như ở nước ta khi khách hành hương đến các cơ sở tín ngưỡng. Mọi người không ngần ngại chi tiền “công đức” đủ các mệnh giá (phổ biến là mệnh giá thấp) bỏ vào hòm, đặt lên khay, đĩa, chậu, hộp, giỏ, thậm chí găm tiền vào tay, chân, bụng các bức tượng tại nơi thờ phật, thánh, thần, chúa và cả linh vật. Rất nhiều chùa, đền đặt hàng loạt hòm công đức. Chùa Phúc Khánh (Hà Nội) không gian rất chật hẹp nhưng đặt tới 17 hòm. Tam Bảo một số chùa đặt 6-8 hòm hoặc két sắt. Mỗi ngày, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong cả nước tiếp nhận hàng chục tỷ, mùa lễ hội hàng trăm tỉ đồng tiền công đức nhưng rốt cuộc không biết dòng “tiền chùa” này chảy về đâu?

Từ một cụm di tích cấp xã bị mất 5,6 tỉ đồng…

Gần đây cụm di tích Gia Thượng, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên (Hà Nội) bỗng dưng bị mất 5,6 tỉ đồng tiền mặt mà bà thủ quỹ Dương Thị Du báo cáo bị lừa do một kẻ giả danh đại tá Công an gọi điện đe dọa phải nộp. Ngoài số tiền bà Du làm mất, cụm di tích vẫn còn một số khoản khác gần nửa tỉ đồng.

Tiền công đức đúng với nghĩa “tiền chùa”… - 1

Ảnh minh họa

Như vậy, chỉ với một cụm di tích cấp xã mà tiền công đức thu được đã rất lớn. Trên thực tế, các di tích lịch sử - văn hoá, đình, chùa, đền khắp nơi hàng năm tiếp nhận số tiền công đức, tài trợ có thể gấp hàng chục, hàng trăm lần ở cụm di tích Gia Thượng. Đặc biệt, tại chùa Ba Vàng, Di tích Yên Tử, Đền Cửa Ông (Quảng Ninh), chùa Hương, Phủ Tây Hồ (Hà Nội), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Bái Đính (Ninh Bình), di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), chùa Vĩnh Nghiêm (TP. Hồ Chí Minh), chùa Linh Ứng (Đà Nẵng),v.v…vào mùa lễ hội mỗi ngày có thể thu hàng chục, hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng.

Từ xưa đến nay, tiền công đức, giọt dầu của khách tham quan, phật tử, đạo tràng sau mỗi ngày bộ phận phụ trách thu gom rồi tự quản lý, sử dụng. Ở nhiều nơi, khách thập phương còn xếp hàng, trực tiếp “nộp công đức” tiền có mệnh giá cao và được trao giấy chứng nhận. Việc quản lý, có nơi làm chặt chẽ, công khai minh bạch. Phần lớn nguồn tiền sử dụng vào trùng tu, nâng cấp di tích, đình, chùa, làm từ thiện góp phần an sinh xã hội.

Tuy nhiên, không ít cơ sở buông lỏng quản lý hoặc khoán nộp tiền cho chính quyền. Tại Nghệ An, đền Ông Hoàng Mười chính quyền khoán mỗi năm nhà đền phải nộp 600 triệu đồng, có năm 900 triệu đồng. Nhiều nơi đấu thầu di tích và nộp tiền cho chính quyền sở tại theo định mức. Số ‘tiền chùa” này liệu có vào ngân sách? Do khoán nên di tích bày ra nhiều chiêu trò thương mại hoá. Trên thực tế nhiều nơi ém nhẹm thu, chi, chỉ một nhóm người biết.

Phổ biến là không công khai, minh bạch, bộc lộ tiêu cực, tham ô. Một số chùa lớn như Bái Đính, Tràng An, Tam Chúc, Chùa Hương,v.v… được Nhà nước đầu tư ngân sách xây dựng hạ tầng (làm đường, xây cầu đi vào), nhưng tiền công đức thu được vô cùng lớn hầu như không có đóng góp cho ngân sách? Đó là một thực tế bất cập, cần được xem xét, xử lý trong khi đất nước còn nhiều khó khăn…

Nhìn ra khu vực, không có quốc gia nào như thế cả!

Người Việt Nam đi du lịch ra các nước ngoài ngày càng nhiều. Ai cũng thấy, ở khu vực châu Á và các nước ASEAN (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia,v.v…) tôn giáo đều phát triển, cũng có rất nhiều di tích lịch sử - văn hoá, chùa, đền, lăng mộ được đầu tư, xây dựng bề thế, uy nghiêm, lộng lẫy. Luật pháp của họ rõ ràng và người dân cũng sùng bái tự do tín ngưỡng. Tại các chùa, các di tích, rất hiếm thấy có hòm công đức. Ở Thái Lan 100% các chùa tuyệt nhiên không có hòm công đức. Người dân đi lễ, tham quan không đặt tiền một cách bừa bãi, dễ dãi. Tuy nhiên, cũng có nước, có nơi người ta ném tiền xu vào am, “giếng nước thần” tỏ lòng thành với chốn linh thiêng.

Tiền công đức đúng với nghĩa “tiền chùa”… - 2

Ảnh minh họa

Ở nước ta, các đình, chùa, đền thờ thánh, thờ thần, thờ ông mãnh, bà cô tổ,v.v… người dân như một tập quán, không ai bảo ai cứ rút hầu bao nhét tiền vào hòm, vào két, đặt lên ban thờ, chân tượng, chân đèn, khay, mâm, đĩa trong cơ sở tín ngưỡng. Tại rất nhiều chùa ở khu vực phía Bắc, tràn lan diễn ra trò “dâng sao giải hạn”, điển hình như chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), chùa Phúc Khánh (Hà Nội). “Làm lễ “dâng sao giải hạn” ở chùa Ba Vàng phải chi số tiền khá lớn. Còn ở chùa Phúc Khánh, mỗi người đăng ký nộp 150.000 đồng, nếu muốn cầu an nộp 150.000 đồng – 200.000 đồng nữa. Ngồi đọc kinh 1-2 giờ, ra về được nhận túi “lộc” trị giá 10.000 đồng đến 15.0000 đồng.

Cũng là cơ sở tôn giáo, nhưng ở nước ta có sự khác biệt rõ rệt giữa đạo Phật với Công giáo. Tại các nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, giáo dân đi lễ, đọc kinh thánh không đặt tiền, nhét vào hòm như bên Phật giáo. Đạo Phật thì miền Bắc và miền Nam cũng khác nhau. Nhiều ngôi chùa ở miền Nam chỉ có một tượng Phật Thích Ca, không đặt hoặc rất ít có hòm công đức, cũng không thấy rải tiền tràn lan hay lễ “dâng sao giải hạn” như các chùa miền Bắc. Điển hình cho văn hoá Phật giáo miền Nam là chùa Phật Quang (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ở phía Bắc, có những chùa lớn mới hình thành từ những năm đổi mới - đứng nhất nhì thế giới, giành nhiều kỷ lục quốc gia, quốc tế - hàng ngày thu hút lượng khách rất đông, nghe nói là có cổ phần của những quan chức giàu có đầu tư, ăn chia lợi nhuận,.

Cần minh bạch tiền công đức, tiền tài trợ 

Trước thực trạng lộn xộn trong quản lý, sử dụng tiền công đức, mới đây Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/03/2023 “hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”. Lần đầu tiên, Nhà nước có văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này mà mấy chục năm qua luôn buông lỏng, có thể do nhận thức chưa nhất quán về tự do tín ngưỡng với vấn đề thu, chi tài chính. Văn bản này vừa cụ thể vừa chung chung, một số điểm chưa nêu rõ quan điểm của cơ quan chức năng về quản lý tài chính cơ sở tín ngưỡng, có thể không muốn đụng chạm đến tiền tâm linh, coi là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm. Thông tư quy định khá rõ vấn đề thu, chi đối với lễ hội do cơ quan Nhà nước, địa phương thực hiện nhưng chưa rõ, chưa thể hiện yêu cầu tính minh bạch việc sử dụng nguồn tiền công đức đối với đình, chùa, đền thờ, di tích do chính quyền địa phương hay tư nhân quản lý.

Công tác phân cấp quản lý, việc kiểm tra, giám sát thu, chi cũng còn mờ nhạt. Nơi có Ban quản lý, Ban hộ tự, nơi nhà chùa tự thu, chi, có nơi lại là công ty kinh doanh dịch vụ như chùa Bái Đính là Công ty CP Du lịch Hoa Lư quản lý. Cơ quan Nhà nước đã vậy, còn Giáo hội Phật giáo Việt Nam hầu như cũng thả nổi cho hệ thống chùa chiền tự tung tự tác mà không có chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra ,v.v…

Nên chăng, sau khi kiểm đếm, kê khai nguồn thu, có nên quy định trách nhiệm phải nộp Kho bạc Nhà nước hay Nhà nước cần thu thuế đối với những cơ sở được Nhà nước đầu tư hạ tầng, cũng như các cơ sở đình, chùa, di tích có nguồn thu tiền công đức rất cao?

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.